Thấy người ta gói bánh tét, tôi nhớ bà ngoại tôi. Đương nhiên Tết là bà ngoại gói bánh. Không biết tại sao bà ngoại không gói bánh vào đêm giao thừa hay trước đó, mà gói vào ngày mùng một. Tôi nhớ chắc là mùng một, ngày đầu năm tôi được về quê ăn Tết, luôn thấy nồi bánh tét đang nấu ở bên hè. Hồi đó, tôi không bận tâm, không hỏi tại sao. Bây giờ không còn ngoại nữa, tôi không hỏi ai hết. Thâm tâm muốn giữ những điều bí ẩn về người quá cố, để những ký ức về người được thiêng liêng.


Có một năm, tôi về đến nhà ngoại sáng sớm mùng một, thấy ngoại vẫn còn lụi hụi gói bánh ở chái bếp, gạo nếp vút rồi đầy một thúng vun, đậu xanh đã đãi vỏ cũng đầy một thúng để bên cạnh, một mình ngoại ngồi xếp lá, lau lá, xúc nếp đổ lên lá, xúc đậu đổ lên nếp, đặt miếng mỡ lên giữa lớp đậu. Rồi ngoại cầm hai mép lá chuối cuộn lại, xốc nhè nhẹ cho đòn bánh tròn. Ngoại làm lẹ tay lắm, gấp lá chuối ở đầu này đòn bánh rồi xoay lại đầu kia, rồi cột dây thoăn thoắt. Tôi trố mắt nhìn, còn ấn tượng đến bây giờ, nhưng đến bây giờ vẫn không sao làm được như ngoại. Tôi làm thế nào cũng sút đầu này, móp đầu kia, dây này cột chặt, dây kia lỏng, cuối cùng, đòn bánh tét cong cong vẹo vẹo, hoặc xồ sề như bà bầu. Ừ, có một đòn bánh tôi gói xong đưa ngoại xem, ngoại cười ngất : khúc giữa đòn bánh phình lên như bụng bà bầu. Tôi sung sướng lắm, không phải vì đòn bánh, mà vì ngoại cười.

Nhiều khi tôi cố nhớ, nhưng nhớ ra không nhiều lắm những lúc thấy ngoại tôi cười. Có một lần, nghe tôi kể chuyện gì đó – theo lời cậu dì nhắc lại thì hồi nhỏ, tôi nói dóc đủ chuyện, tức là trí tưởng tượng phong phú lắm – bà ngoài đã bật cười khanh khách. Tôi không nhớ đang kể chuyện gì, nhưng lập tức ngừng kể, và quên béng đoạn cuối, không phải vì tôi phật lòng, hay quệ độ, mà vì tôi quá ngạc nhiên. Hình như đó là lần đầu tiên tôi phát hiện tiếng cười của ngoại, tiếng cười ha ha ha hẳn hoi, chứ không phải chỉ một nụ cười lặng lẽ nở trên môi như thường thấy.

Tôi chú ý môi của bà ngoại vì bà ăn trầu suốt đời, miệng thường nhai nhóp nhép luôn, và môi bà rất đỏ. Răng của bà đều và chắc mặc dù bà không bao giờ đánh răng, chỉ thỉnh thoảng dùng vỏ trái cau mà kỳ cọ kẽ răng và chân răng bám cổ trầu đỏ sậm. Mỗi khi ngoại nở nụ cười, hai mép miệng chành ra, hai bên má lõm mấy vết hằn dài biến dạng của đồng tiền, đuôi mắt, giữa mày và vầng trán đều co lại làm nổi rõ vô số nếp, rãnh chằng chịt, khiến gương mặt thêm già nua. Nụ cười thể hiện sự nén nhịn, kềm chế, hay cam chịu, chứ không bộc lộ niềm vui hay sự hài lòng.

Chỉ khi tiếng cười bật ra bất ngờ giữa câu chuyện “xạo” của trẻ con, gương mặt ngoại mới giãn nở tự nhiên, ánh mắt hiền lành nhìn tôi không khuyến khích khen ngợi, cũng không rầy rà, chỉ dịu dàng toả ra niềm vui bình dị. Ngoại bật cười vì chi tiết, tình tiết ngộ nghĩnh hay láo toét nào đó mà bây giờ tôi không sao nhớ được, và lúc đó chắc ngoại biết thừa là “xạo”. Sau này tôi nghĩ, mình gặp lại nhiều lần những tíêng cười tương tự ở nhiều người lớn khác, khi họ nghe thấy trẻ con nói hay làm những điều ngô nghê, vụng về, một cách vô ý thức. Họ bật tiếng cười từ tình yêu độ lượng chân chất, như bà ngoại.

Tôi muốn được thấy ngoại cười nhiều lắm. Nhưng không dễ gì. Bà ngoại tôi có mười người con, kẻ chết oan khi đang tuổi lớn, người chết trẻ bỏ lại đàn con thơ cho ngoại nuôi, những người con trai còn lại đều đi lính, những người con gái khác thì lấy chồng xa. Những năm cuối đời của ngoại là những năm cuối cùng của cuộc chiến tranh dai dẳng. Ngày của ngoại là lo toan kiếm sống vất vả, đêm của ngoại là phập phồng cái chết rình chực. Tôi chỉ là đứa trẻ quẩn quanh bên ngoại, trực tiếp cảm nhận nỗi lo sợ , chứ không hiểu biết. Tôi cũng phập phồng sợ hãi khi đêm đêm úp mặt vào ngực ngoại, tim đập mạnh theo nhịp tim của ngoại, nín thở khi ngoại không thể thở, và mếu máo khóc khi thấy nước mắt lăn trên mặt ngoại. Cho đến ngày tôi xa ngoại lên Sài Gòn, tôi luôn mong trở về với một món quà gì đó có thể khiến ngoại tôi bật lên tiếng cười vui vẻ như tôi nhớ về tuổi thơ bên người.

Và Tết năm đó tôi về quê, phụ ngoại gói bánh tét. Ngoại dạy tôi tỉ mỉ, gần như cầm tay chỉ việc. Đòn bánh nào hai bà cháu cùng gói thì “coi cũng được”, như ngoại nói. Hớn hở, tự tin, tôi bèn gói thử một cái một mình ên. Đó là đòn bánh bà bầu khiến ngoại bật cười ngất. Tiếng cười đó bật lên trong trí tôi một điều mà càng sống lâu tôi càng nghiệm đúng thấm thía : hạnh phúc thường bất ngờ và luôn giản dị.

Lý Lan
Theo Yêu trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *