Đi bộ là một thói quen mà tôi tập được trong thời gian du học. Nói vậy dễ bị bắt bẻ. Vậy chứ ở Việt Nam không có người đi bộ sao? Dĩ nhiên là xứ mình có nhiều người đi bộ : ở nông thôn, có lẽ việc đi lại vẫn trông cậy chủ yếu vào đôi chân mỗi người, mà ở thành thị bây giờ, phong trào đi bộ như một phương pháp thể dục cũng ngày một thịnh hành. Nhiều người Việt rõ là không cần đi học xa mới biết đi bộ. Hoàn toàn đúng. Đây là tôi nói về đi bộ như một thói quen, của cá nhân tôi, được hình thành trong hoàn cảnh đặc biệt.
Cho đến trước khi đi xa, hầu như mọi sự di chuyển ở thành phố tôi sống từ nhỏ đến lớn đều đặt trên hai bánh chiếc xe gắn máy. Hầu như khi ra khỏi nhà, dù ra đầu ngõ mua một cây kem, hay ra ngoại ô, thậm chí ra bờ biển nghỉ cuối tuần, động tác mặc nhiên của tôi là ngồi lên xe gắn máy, rồi thì hang cùng hẻm cụt nào cũng tới được, mà chân trời góc biển nào cũng (tưởng) tới được tuốt. Khi phải di chuyển một cây số, thậm chí vài trăm mét, mà không có sẵn xe thì kể như pó tay, chứ thả chân ra cho chúng đi thì… cực quá. Thực ra, vài trăm mét mà đi trong nắng đổ lửa, hay lề đường không có chỗ đặt chân, phải chen lấn với xe cộ dưới lòng đường, thì đi bộ có thể trở thành ác mộng như chơi. Và điều quan trọng nữa : thì giờ đâu mà đi bộ? Trừ các cụ hưu trí đi bộ thể dục, còn thì cuộc sống tất bật, cần đi đâu, làm gì thì lên xe chạy vèo một cái cho được việc, đi bộ… mất hết thì giờ!
Nhưng nếu muốn di chuyển trong một khuôn viên Viện Đại học (campus) ở Mỹ chẳng hạn, không có lựa chọn nào khác hơn đi bộ. Một campus có thể rộng lớn như một thành phố nhỏ, có hệ thống xe buýt nội bộ và nhiều bãi đậu xe hơi. Sinh viên sống ở ngoài campus có thể đi xe buýt công cộng hoặc lái xe hơi riêng đến trường, đậu xe trong bãi, rồi đi bộ hay đón xe buýt nội bộ để đi lại trong campus, nơi hạn chế xe hơi. Một Viện Đại học thường có mấy chục đến cả trăm tòa nhà, mỗi tòa nhà rộng lớn đã đành, lại còn cách nhau những bãi cỏ, sân gạch, thảm hoa, bồn phun nước… Và chỉ có thể đi bộ, hoặc xe đạp, từ tòa nhà này qua tòa nhà kia. Trường nhỏ, hoặc ở thành phố chật chội thì campus có thể nhỏ. Nhưng phần lớn campus các đại học tiểu bang rất rộng.
Ngày nào, tôi cũng phải đi từ trạm xe buýt nội bộ ngừng trước thư viện đến lớp học, căn-tin, nhà thể thao, trụ sở Hội Sinh viên, nhà hát, phòng thí nghiệm, các thư viện (có nửa tá thư viện trong khuôn viên Trường Đại học). Lúc đầu, đó là cách di chuyển đương nhiên, khi mọi người đều làm vậy, mình phải làm vậy, dù vẫn thầm tiếc cái xe gắn máy của mình bị nằm xó ở nhà, trong khi mình ở đây phải cuốc bộ rã cẳng. Không quen, thậm chí trước đây chưa từng đi bộ những quãng đường xa cả cây số như vậy, tôi ngán ngại lắm khi phải di chuyển, nhất là khi trời có gió, rất lạnh. Lúc đầu còn bị đau chân vì giầy cao gót.
Nhưng khi không có lựa chọn nào khác, thì mình phải thích nghi thôi. Sau khi sắm đôi giày đi bộ và đi quen chân, tôi mới hay một nửa nỗi đau khổ của mình từ hôm nhập học tới nay là do mang giầy không phù hợp. Mới biết tại sao những người khác đều mang giầy được thiết kế thuận lợi để đi bộ. Chẳng mấy chốc, tôi cũng đi đứng thoải mái như bọn sinh viên địa phương, chứ không còn được nhận diện ngay là khách nước ngoài mới đến vì cách đi đứng trên đôi giày cao gót. Tôi cũng đi mỗi lúc một nhanh mà không hay. Hồi đầu, giầy cao gót, chưa quen, tôi đi chậm và mau mệt. Sau này, bị cuốn vô nhịp sống ở campus rồi, đâu còn rảnh rỗi thong dong nữa, đi như chạy. Về Việt Nam, đi chung với bạn bèn cũ, tụi nó đều kêu tôi đi gì mà như bị ma đuổi.
Ngay cả khi đi bộ chơi, tức là đi dạo, người ta cũng đi rất nhanh. Khi thu sang, lá đổi màu, trời lành lạnh, khoác áo quàng khăn đi dạo là một cái thú tuyệt trần. Những lối mòn dành cho người đi dạo qua những rừng cây đẹp như trong tranh vẽ, không khí cũng lãng mạn vô cùng. Tôi đi thơ thẩn, ngắm mấy con nai trong rừng. Chúng dạn lắm, chỉ có tôi mới là kẻ ngơ ngác và lơ tơ mơ. Những người chung quanh hẳn cũng là đi dạo, nhưng họ đi ào ào, nhiều người đeo cái máy đo đếm nhịp bước chân, những người trẻ thì đeo loa trong tai để nghe nhạc hay gì đó. Tôi không thấy có âm thanh gì tuyệt vời hơn tiếng lá kêu lạo xạo dưới chân, tiếng gió thổi vi vu qua những cành cây run rẩy, mà tuyệt nhất là sự yên ả giữa thiên nhiên trong lành.
Về Việt Nam, bạn bè rủ từ cơ quan ra tiệm cơm trưa, cách 500 thước, mà phải bố trí ai chở ai, mượn nón bảo hộ… Rắc rối quá, tôi nói tôi đi bộ, bạn nói “Khùng sao?”, và gọi taxi.
Lý Lan
Báo Sinh Viên