Về Chế Lan Viên, tác giả buông bút ghi nhận : "Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị".

Lưu Trọng Lư cũng được tác giả dùng những lời mến trọng : "Nếu quả như người ta vẫn nói, thi sĩ là kẻ ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời, thì có lẽ Lư thi sĩ hơn ai hết". Nguyễn Nhược Pháp cũng vậy, tác giả bộc lộ sự cảm phục : "Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp".

Và rồi, còn những Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Thông…

Đọc những liệt kê đánh giá trên, hẳn có người sẽ cả cười mà nói rằng : "Xem ra các nhà thơ kia, dưới ngòi bút của Hoài Thanh, ông nào cũng… nhất!".

Quả đúng thế thật. Và đó cũng chính là tính khoa học của tác phẩm, bởi thực tế, trong văn học, mỗi một nhà thơ tài danh, họ đều có những mặt mạnh người khác không có được.

Vả chăng, trong việc chê văn – điều Hoài Thanh ít thực hiện hơn so với việc khen – ông cũng có cách viết ý nhị chứ không sỗ sàng. Vì thế, tuy ý tứ thì nghiêm khắc đấy, song vẫn "lọt tai" người. Bởi dù thế nào, cách chê của ông không bao giờ là để sổ toẹt, hoặc như thể ta đây đại diện cho "tiếng nói" của "mọi người". Ví như sau khi trích dẫn những câu mà ông tâm đắc của Nguyễn Đình Thi, Hoài Thanh đã có nhận xét chung về thơ của tác giả đa tài này : "Đọc thơ Nguyễn Đình Thi, có gặp nhưng rất ít cái lưu loát, cái hùng hồn, cái chất gợi sáng từng lúc trong một số bài lý luận phê bình, bài phát biểu của anh. Cũng ít gặp cái sức lôi cuốn say sưa trong những bài hát của anh từ lâu nổi tiếng. Người đọc thơ anh thường có cảm giác như nghe giọng nói từ từ của một người vừa trầm ngâm suy nghĩ vừa nói. Trước hết là nói với mình, nói cho mình. Cái hay là thật, nhưng cũng nhiều khi tuy thật mà chưa hay", và "Thơ hay của Nguyễn Đình Thi không nhiều. Nhưng thơ không hay cũng không nhiều". Thử hỏi, với những lời phê bình tế nhị (mà thực ra là sòng phẳng, nghiêm khắc nói trên), làm sao người bị chê có thể giận và coi thường được ông.

Như vậy, để khen – chê đúng, trước hết nhà văn phải có tầm. Và ngoài có tầm, thì để người ta "nghe" được, lại phải có tâm. Làm nghề này mà không có tầm lẫn có tâm thì rất dễ gây cho văn đàn những điều phiền toái. Và bản thân tác giả cũng sẽ phải nhận về mình nhiều hệ lụy

Tường Duy – Theo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *