Rất nhiều lần, tại các hội chợ sách hay các hiệu sách, tôi gặp cảnh một quý ông đến bên tôi xin chữ ký. “Đây là xin cho vợ tôi, cho con gái tôi, cho mẹ tôi” – ông ta nói. “Vợ tôi rất thích đọc sách và yêu văn học”. Nghe thế, lập tức tôi hỏi : “Thế còn ông thì sao? Chẳng lẽ ông không thích đọc sao?” Câu trả lời luôn là như nhau : “Tất nhiên, tôi thích đọc chứ, nhưng tôi bận bịu lắm!”. Tôi đã nghe lời giải thích này hàng chục lần, người đàn ông ấy và hàng nghìn người khác giống ông ta có rất nhiều việc quan trọng phải làm, có rất nhiều bổn phận, rất nhiều trách nhiệm trong cuộc sống, đến mức mà họ không thể bỏ ra được chút thời gian quý báu của mình để vùi đầu vào một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ hay một tập tiểu luận phê bình lấy vài giờ. Theo như lập luận phổ biến này thì văn học là một hoạt động có cũng được mà không cũng xong. Hiển nhiên là nó cao quý và hữu ích cho việc vun đắp cảm xúc đẹp và hành vi tốt, nhưng chủ yếu, nó là thứ tiêu khiển, giải trí, là thứ trang điểm mà chỉ những ai nhàn rỗi mới dùng đến. Đại để, văn học cũng giống như thể thao, phim ảnh, cờ bài; nó có thể bị thí bỏ một cách không phân vân khi người ta cần “ưu tiên” cho những nhiệm vụ và bổn phận thiết yếu trong cuộc đấu tranh sinh tồn.

Có vẻ như, văn học ngày càng trở nên là hoạt động của phái nữ. Trong các hiệu sách, tại các hội nghị hay tại các cuộc đọc truyện của các nhà văn và thậm chí tại các khoa Nhân văn trong trường đại học, phụ nữ rõ ràng là lấn át đàn ông về số lượng. Lý do hay được đưa ra là phụ nữ tầng lớp trung lưu đọc nhiều hơn vì họ làm việc ít giờ hơn nam giới và vì vậy, nhiều người trong số họ cảm thấy họ có thể biện minh cho việc dành thời gian cho chuyện văn chương thơ phú dễ hơn đàn ông. Tôi thấy ác cảm với cách giải thích chia đàn ông và đàn bà ra thành hai phạm trù lạnh lùng và gán cho mỗi phái những ưu khuyết điểm của họ; nhưng không nghi ngờ gì là ngày càng có ít người đọc sách văn học và trong số độc giả còn lại thì phụ nữ là chiếm ưu thế.

Trường hợp này xảy ra hầu như ở khắp nơi. Tại Tây Ban Nha chẳng hạn, theo một điều tra mới đây do Tổng Hội Nhà văn Tây Ban Nha thực hiện thì một nửa dân số trong nước không bao giờ đọc một quyển sách. Cuộc điều tra cũng cho thấy trong thiểu số có đọc thì số phụ nữ đọc sách vượt quá số đàn ông là 6,2% – một tỷ lệ có vẻ như ngày càng tăng lên. Tôi mừng cho những phụ nữ đó, nhưng tôi lại thấy tiếc cho những đàn ông đó, và cho hàng triệu người có thể đọc sách nhưng lại quyết định không đọc.

Họ khiến tôi thương hại không chỉ vì họ không biết được thú vui họ đã bỏ lỡ, mà còn vì tôi tin rằng, một xã hội không có văn học, hay một xã hội trong đó văn học bị đẩy sang bên lề cuộc sống xã hội và cá nhân, như một thói tật phải giấu kín, và bị biến thành như sự tôn thờ của một giáo phái, là một xã hội bị kết án trở nên man rợ về mặt tinh thần và thậm chí là gây nguy hiểm cho sự tự do của nó. Tôi muốn đưa ra một vài lập luận chống lại ý tưởng xem văn học là một việc tiêu khiển thời gian xa xỉ, và để bênh vực cho quan điểm xem nó như là một sự khai tâm quan trọng và thiết yếu nhất, một hoạt động không thể thay thế để đào luyện các công dân trong một xã hội hiện đại và dân chủ, một xã hội của những cá nhân tự do.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyên môn hóa tri thức nhờ sự phát triển phi thường của khoa học và công nghệ và nhờ sự phân mảnh của tri thức ra thành vô số phân ngành khác nhau. Xu hướng văn hóa này, có lẽ, sẽ được chờ đợi tập trung vào những năm tới. Chắc chắn, sự chuyên môn hóa mang lại nhiều lợi ích. Nó cho phép khai thác sâu hơn và thực nghiệm lớn hơn. Nhưng nó cũng có những hậu quả tiêu cực, vì nó loại trừ những đặc điểm chung về trí tuệ và văn hóa cho phép đàn ông và phụ nữ cùng tồn tại, cùng giao tiếp, cùng cảm thấy có tình đoàn kết. Sự chuyên môn hóa dẫn tới sự thiếu hiểu biết xã hội, sự phân chia con người thành ra những khu biệt lập của giới kỹ sư và giới chuyên gia. Sự chuyên môn hóa tri thức đòi hỏi những ngôn ngữ chuyên biệt hóa và những bộ mã ngày càng bí thuật vì thông tin ngày càng trở nên chuyên biệt và phân ngành. Đây là chủ nghĩa phân lập và sự phân chia mà một câu ngạn ngữ đã cảnh báo chúng ta : Chớ nhìn lá mà quên cây, nhìn cây mà quên rừng. Biết có rừng sẽ tạo ra cảm giác chung, cảm giác thuộc về, chúng gắn kết xã hội lại với nhau, ngăn nó khỏi tan ra thành vô số những phân mảnh duy ngã. Chủ nghĩa duy ngã của các dân tộc và các cá nhân sinh ra chứng hoang tưởng và mê sảng, làm sai lệch hiện thực, từ đó gây nên sự hận thù, chiến tranh, và thậm chí là diệt chủng.

Ngày nay, khoa học và công nghệ không thể đóng vai trò hợp nhất chính bởi vì tri thức quá phong phú và tốc độ tiến triển của nó quá nhanh chóng, dẫn đến sự chuyên môn hóa sâu trở nên mờ mịt, khó hiểu. Nhưng văn học đang là, và sẽ vẫn là, chừng nào nó còn tồn tại, một mẫu số chung của kinh nghiệm con người. Qua đó, mọi người có thể nhận biết bản thân và giao tiếp với nhau, dù khác nhau về nghề nghiệp và hướng sống, về địa lý và văn hóa, về hoàn cảnh cá nhân. Có những cá nhân có quyền phép vượt qua được lịch sử, dù cuộc đời họ rất khác nhau. Với tư cách là độc giả của Cervantes, Shakespeare, Dante, Tolstoy, chúng ta hiểu nhau băng qua không gian và thời gian, và chúng ta cảm thấy mình là thành viên của cùng một giống loài. Đọc những tác phẩm các nhà văn viết ra, chúng ta học được điều chúng ta chia sẻ với tư cách những con người, điều chung trong tất cả chúng ta dù cho có rất nhiều những sự khác biệt tách rời chúng ta. Không gì bảo vệ con người chống lại thiên kiến ngu ngốc, tệ phân biệt chủng tộc, thói bè phái tôn giáo hay chính trị và chủ nghĩa quốc gia thái quá tốt hơn cái sự thật luôn có trong một nền văn học lớn, đó là đàn ông và đàn bà của mọi dân tộc và mọi nơi chốn đều bình đẳng, và chỉ có sự bất công mới gieo rắc ở họ sự phân biệt đối xử, nỗi sợ, và sự bóc lột.

Không gì tốt hơn văn học dạy chúng ta biết nhìn thấy, qua những khác biệt tộc người và văn hóa, di sản phong phú của loài người và biết quý trọng những khác biệt đó như là biểu hiện sự sáng tạo nhiều mặt của nhân loại. Đọc một thứ văn hay là một trải nghiệm thích thú, cố nhiên; nhưng đó còn là trải nghiệm học hỏi chúng ta là ai và thế nào, trong sự toàn vẹn cũng như sự chưa hoàn hảo của con người mình, với những hành động, những ước mơ, những linh hồn của chúng ta, khi một mình cũng như khi trong những quan hệ nối chúng ta với những người khác, trong hình ảnh trước công chúng và tận sâu trong thâm tâm.

Tổng số phức hợp của những sự thật trái ngược này – như Isaiah Berlin gọi chúng – tạo nên chính bản chất của phận người. Trong thế giới ngày nay, tri thức mang tính toàn thể và sống động như vậy về con người chỉ có thể tìm thấy ở văn học. Thậm chí không một bộ môn nào khác của khoa Nhân văn – không phải là Triết học, Sử học hay Nghệ thuật, và chắc chắn không phải là các khoa học xã hội – có khả năng giữ được cái nhìn toàn vẹn đó, diễn ngôn phổ quát đó. Các khoa học nhân văn đã chịu thua trước sự phân chia và chia nhỏ tri thức, biệt lập mình ra thành những khu vực kỹ thuật ngày càng chia cắt mà ý tưởng và từ ngữ của chúng nằm ngoài tầm với của phụ nữ và đàn ông. Một số nhà phê bình và nhà lý thuyết thậm chí còn định biến văn học thành khoa học. Nhưng ý muốn đó không bao giờ xảy ra, bởi vì văn học không tồn tại để nghiên cứu chỉ một khu vực kinh nghiệm đơn lẻ. Nó tồn tại để thông qua trí tưởng tượng làm phong phú thêm cho toàn bộ cuộc sống con người, một cuộc sống không thể chia cắt, chặt khúc, hay quy về những chuỗi sơ đồ hoặc công thức mà không biến mất. Đây là ý nghĩa câu Proust nói : “Cuộc sống thực, cuối cùng đã soi sáng và phơi bày, cuộc sống duy nhất đã sống đầy đủ, là văn học”. Ông nói thế không phải là cường điệu, cũng không phải chỉ để nói tình yêu đối với thiên chức của mình. Ông đưa ra một ý kiến cụ thể rằng là nhờ văn học mà cuộc sống được hiểu rõ hơn và được sống tốt hơn; và rằng cuộc sống đang sống đòi hỏi phải sống nó đầy đủ hơn nữa và phải chia sẻ nó với những người khác.

Mối liên kết anh em mà văn học thiết lập giữa các con người giúp họ đối thoại với nhau, làm cho họ ý thức được nguồn gốc chung và mục đích chung, xuyên qua mọi rào chắn thời gian. Văn học mang chúng ta vào quá khứ và nối chúng ta với những người ở những thời trước đã mơ mộng, đã buồn vui qua những tác phẩm còn đến với chúng ta nay, những tác phẩm vẫn còn khiến chúng ta vui buồn, mơ mộng. Cái cảm giác thấy mình là thành viên của cả khối nhân loại đã sống qua thời gian và không gian là thành tựu cao nhất của văn hóa, và không gì làm nó sống lại ở mỗi thế hệ hơn là văn học.

Borges luôn bực tức mỗi khi ai hỏi ông : “Văn học thì có ích gì?” Ông cho đó là câu hỏi ngu ngốc và đáp lại : “Không ai hỏi tiếng hót chim hoàng yến hay cảnh ráng chiều hoàng hôn là có ích gì cả”. Nếu những sự đẹp đẽ là tồn tại, và nếu nhờ chúng cuộc sống trở nên bớt xấu xí và bớt buồn bã hơn, dù chỉ trong chốc lát, thì cần chi phải hỏi chúng có ích gì? Nhưng câu hỏi này là một câu hỏi hay. Vì những cuốn tiểu thuyết và những bài thơ không giống tiếng chim hót hay cảnh mặt trời lặn xuống chân trời, do chúng không phải được tạo nên bởi ngẫu nhiên hay thiên nhiên. Chúng là những sáng tạo của con người, nên hỏi vì sao và bằng cách nào chúng đi được vào thế giới, chúng nhằm mục đích gì, và vì sao chúng sống được lâu thế, là câu hỏi hợp lẽ.

Các tác phẩm văn học ra đời như những bóng ma vô hình vô ảnh trong tâm não nhà văn, khi nhà văn xây đắp nó bằng sức mạnh của vô thức, sự cảm nhận thế giới và cảm xúc kết hợp lại; đó là cái mà nhà thơ hay nhà văn vật lộn với ngôn từ để dần dần cấp cho chúng hình thức, cơ thể, chuyển động, nhịp điệu, hòa điệu, và cuộc sống. Một cuộc sống nhân tạo, hẳn nhiên, một cuộc sống được tưởng tượng ra, một cuộc sống làm bằng ngôn ngữ – thế nhưng đàn ông và phụ nữ lại tìm kiếm cuộc sống nhân tạo này, người thì thường xuyên người thì đôi khi, bởi vì cuộc sống thực đối với họ là ngắn ngủi, không thể đưa lại cho họ những điều họ muốn. Văn học không phải bắt đầu qua tác phẩm của một cá nhân riêng lẻ. Nó tồn tại chỉ khi được những người khác chấp nhận và trở thành một phần của đời sống xã hội – khi nhờ việc đọc mà nó trở thành kinh nghiệm được chia sẻ.

Một trong những hiệu quả tốt đẹp đầu tiên là ở cấp độ ngôn ngữ. Một cộng đồng không có văn học viết sẽ tự biểu hiện mình ít chính xác, ít sắc thái phong phú, ít rõ ràng hơn một cộng đồng có công cụ giao tiếp chính, từ ngữ, được bồi đắp và hoàn thiện qua các tác phẩm văn học. Một cộng đồng không đọc sách, không sờ tới văn học là một cộng đồng câm điếc và bị mắc chứng mất ngôn ngữ, bị vấp phải những vấn đề khủng khiếp trong giao tiếp do ngôn ngữ sống sượng, thô sơ. Điều này cũng đúng cho các cá nhân. Một người không đọc sách, hay đọc ít, hay chỉ đọc lớt phớt, là một người bị trở ngại : hắn có thể nói rất nhiều những chẳng nói được bao nhiêu, bởi vì vốn từ của hắn không đủ để thể hiện bản thân.

Đây không chỉ là hạn chế về từ ngữ. Nó còn cho thấy sự hạn chế về trí tuệ và óc tưởng tượng. Đó là sự nghèo nàn của tư duy, vì lý do đơn giản là những tư tưởng, những quan niệm ta dùng để nắm bắt những bí ẩn của thân phận chúng ta không tồn tại ngoài ngôn từ. Chúng ta học được cách nói chính xác, sâu sắc, chặt chẽ, tinh tế là nhờ có thứ văn học tốt, và chỉ nhờ có thứ văn học tốt. Không bộ môn hay phân ngành nghệ thuật nào khác có thể thay thế văn học trong việc trau chuốt ngôn ngữ mà mọi người cần đến để giao tiếp. Biết nói năng lưu loát, biết tùy ý sử dụng từ ngữ phong phú và đa dạng, biết tìm ra cách nói phù hợp cho mỗi ý tưởng và mỗi cảm xúc ta muốn truyền đạt, là cách chuẩn bị tốt nhất cho suy nghĩ, giảng dạy, học tập, trò chuyện, cũng như cho tưởng tượng, mơ mộng, cảm nhận. Từ ngữ sẽ tác động ngầm trở lại trong mọi hành động của chúng ta, ngay cả trong những hành động tưởng như rất xa ngôn ngữ. Và vì ngôn ngữ phát triển nhờ văn học mà trở nên tinh tế, trau chuốt, nên nó càng làm tăng thêm khả năng vui thích của con người.

Văn học thậm chí còn nâng tình yêu, khoái cảm và hành động tình dục lên địa vị sáng tạo nghệ thuật. Không có văn học, sắc dục (eroticism) sẽ không tồn tại. Tình yêu và khoái cảm sẽ nghèo nàn đi, chúng sẽ thiếu mất sự duyên dáng, tế nhị, chúng sẽ không có được cường độ mạnh mẽ do văn học đưa lại. Sẽ là không ngoa khi nói rằng những người đã đọc Garcilaso, Petrarch, Gongora, hay Baudelaire sẽ quý trọng khoái cảm và hưởng thụ khoái cảm nhiều hơn là những người thất học bị các bộ phim truyền hình rẻ tiền biến thành lũ ngốc. Trong một thế giới vô học, tình yêu và ham muốn không khác gì những thứ thỏa mãn loài vật, cũng như chúng không thể vượt quá được sự thực hiện những bản năng sơ đẳng.

Các phương tiện truyền thông nghe nhìn được trang bị đầy đủ cũng không thể thay được văn học trong việc dạy cho con người biết cách sử dụng chắc chắn, thành thục các khả năng hết sức phong phú của ngôn ngữ. Ngược lại, các phương tiện truyền thông nghe nhìn có xu hướng gạt từ ngữ xuống hàng hai để ưu tiên cho hình ảnh, đó mới là ngôn ngữ hàng đầu của các phương tiện này, và thu hẹp ngôn ngữ vào tiếng nói, dạng tồn tại tối thiểu không thể thiếu của nó, tách xa dạng viết. Nhận xét một bộ phim hay một chương trình truyền hình có “tính văn” là cách lịch sự để nói rằng cái đó chán. Vì lý do này, các chương trình văn học trên truyền thanh và truyền hình ít khi thu hút được công chúng. Theo như tôi biết, ngoại lệ duy nhất là chương trình Apostrophes của Bernard Pivot ở Pháp. Và điều này dẫn tôi tới ý nghĩ là văn học không chỉ hết sức cần thiết để có hiểu biết đầy đủ và nắm được thành thạo ngôn ngữ, mà số phận của nó còn là gắn chặt, không thể chia cắt, với số phận của sách, cái sản phẩm công nghiệp mà hiện nay nhiều người cho là đã lỗi thời.

MARIO VARGAS LLOSA – Theo phongdiep.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *