Nhà văn và học giả Italia Claudio Magris (sinh 1939), sau nhiều năm sống ở Áo và Đức, cuối cùng, ông trở về dạy văn học Đức tại trường đại học ở Trieste – thành phố quê hương ông từ năm 1978. Là một nhà văn và dịch giả, ông là một trong những nhà triết học hàng đầu của châu Âu. Đầu năm 2001, cùng với Adam Michnik của Ba Lan, ông đã được nhận Giải Erasmus, một giải thưởng uy tín nhất của Hà Lan. Tháng 3, ông nhận Giải thưởng Leipzig Book – der Leipziger Buchpreis zur Europäischen Verständigung. Magris đều đặn viết cho tờ Corriere della Sera và nhiều tạp chí và tuần báo châu Âu khác. Ông đã dịch các tác phẩm của Ibsen, Kleist, Schnitzler, Buchner và Grillparzer sang tiếng Italia và viết các bài tiểu luận về Ibsen, Canetti, Rilke, Kafka, Musil và Borges. Magris xuất bản tác phẩm đầu tay năm ông 24 tuổi, viết về huyền thoại đế chế Habsbourg trong Văn học Áo (1963, Il mito absburgico nella letteratura austriaca moderna). Từ đấy, ông đã cho ra hơn chục cuốn sách phi hư cấu, các vở kịch, các tập tiểu luận và tiểu thuyết. Ông nổi tiếng quốc tế với cuốn Danube (1986), được dịch ra gần ba mươi thứ tiếng. Tập chín truyện ngắn nhan đề Những thế giới vi mô (1997) cũng là một trong những tác phẩm gây dư luận nhất của ông, nó đã được nhận giải thưởng văn học uy tín nhất nước – Giải Premio Strega. Dưới đây là một bài viết của Claudio Magris về thơ.



“Hái bông hoa nhỏ bé này đi, rồi cầm lấy đừng trù trừ anh ạ. Em sợ hoa sẽ rũ cánh và rơi vào cát bụi mất thôi. Nếu trên vòng hoa đã kết không còn chỗ thì cũng nên bằng tay mình, anh ạ, qua va chạm đớn đau, ban vinh dự cho hoa mà ngắt hoa đi. Em sợ ngày sẽ hết trước khi em biết và thời gian dâng hiến qua đi. Tuy sắc chẳng thắm tươi, hương không ngào ngạt, song hãy dùng hoa này mà hiến dâng anh ạ, và hái hoa khi thời gian còn đó, anh ơi.” (Theo bản dịch của Đỗ Khánh Hoan – ND)

Đây là một bài thơ của Tagore, nhà thơ lớn Ấn Độ, rút từ tập thơ Gitanjali (Lời dâng) hay nhất của ông mà hồi trẻ, cách đây đã lâu, tôi đã tìm thấy tại một hiệu sách cũ ở Milan – một bản dịch tiếng Italia của Arundel del Re (đây chính là bản dịch của nhà thơ Pháp André Gide – chú thích của bản tiếng Pháp) do Nhà xuất bản dũng cảm Carabba in thành cuốn sách mỏng, ra năm 1914.

Gitanjali là một tập bài ca cất lên từ miệng nhà thơ và truyền đến môi của những người hành khất và những kẻ lang thang lẩn khuất trong bóng tối phố phường. Đó là những bài ca tình yêu hát lên cho chàng hoặc nàng, đồng thời và đặc biệt, hát lên cho Thượng Đế hiện diện trong mọi vật, mọi khuôn mặt và mọi biểu hiện của sự sống.

Tập thơ như vậy trở thành một ngày hội kín đáo, nhưng đắm say và bình lặng. Đó là chuyến đi của một người lữ hành khiêm nhường, đa tình và vui vẻ qua các nẻo đường của thế gian, mỗi bước đi tìm chuộc lại những sự nhu nhược hay cằn cỗi của bản thân nhờ khả năng biết đắm mình vào hơi thở Đại Ngã và tìm thấy lại nó trong chính mình.

Chuyến đi diễn ra trong cảnh tranh tối tranh sáng, dù cho có những cảnh tràn ngập niềm vui và ánh sáng do những cuộc gặp gỡ đắm say mang lại. Khi ngọn đèn nhỏ soi đường lụi tắt, kẻ lữ hành đã tới được chỗ chủ nhân đang chờ đợi và ngập trong ánh sáng ban ngày.

Trong mọi thuyết thần bí, phiếm thần luận thường có nguy cơ hát ca quá nhiều những sự ngợi ca, nhìn thấy quá dễ dàng sự cứu chuộc đau khổ mà không nhận thấy sự đau xé, sự buồn bã của những cuộc đời vô ích trong bóng đen và khoảng trống, không nhận thấy sự ti tiện, sự khủng khiếp dập tắt hết mọi lễ hội và dìm tất cả vào bóng tối ngay trước mặt Thượng Đế.

Tagore và các nhà thơ như ông, những người hát ca ý nghĩa vô tận của cuộc sống và khuyên dạy đừng sợ hãi cái chết, không thể khiến quên đi được rằng công cụ mà họ sử dụng thường là những vật đẹp đẽ và lớn lao, chắc hẳn cũng có những vật tầm thường, nhưng với điều kiện chúng phải tươi tắn và đáng được tết thành một mũ miện tuyệt đẹp.

Nhưng trong bài thơ trên, Tagore cũng hướng về những người nằm ngoài bản thánh vịnh vinh quang, về những người dường như đã bị buộc phải chịu một số phận vô ích, về một bông hoa vô tích sự. Nó thậm chí như bị đẩy ra khỏi vũ trụ lớn lao, nó không thể tìm thấy chỗ của mình trong tràng hoa thần thánh, sắc màu nó quá nhợt nhạt, không đủ để ngợi ca vẻ tráng lệ huy hoàng của vũ trụ. Có thể, với bông hoa đó, người ta chẳng làm được gì : chẳng thể kết thành một mũ miện, chẳng thể đem trang trí cho ngôi báu hay bàn thờ, cũng chẳng thể làm quà tặng. Nhưng không phải vì thế mà người ta được quyền quên nó, người ta phải vinh danh nó và ban tặng cho nó một sự vuốt ve dịu dàng.

Thái độ chú ý đến những người không là gì cả và rồi sẽ không là gì nữa, đến những người sinh ra để không bao giờ có ai kỷ niệm, nhớ nhung tới, đó là sự đáp trả lại thái độ lãng quên đã vùi dập những người không được chấp nhận cho bất kỳ mục đích nào, và điều này ngẫm ra còn đáng kính hơn sự dũng cảm bình thản chấp nhận cái chết sau một cuộc đời khó khăn nhưng phong phú của người lữ hành Tagore.

1994, Claudio Magris
Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh

Theo blog của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *