Họ là những tác giả trẻ đang tham gia Cuộc thi Truyện ngắn 2008 – 2009 của Văn nghệ Quân đội. Dưới đây là những ý kiến đa chiều, thậm chí trái chiều của họ xung quanh những vấn đề văn học, về thể loại truyện ngắn và những tác phẩm dự thi đã in thời gian qua.

– Theo dõi cuộc thi Truyện ngắn 2008 – 2009 của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, anh (chị) ấn tượng với tác giả nào nhất, truyện nào nhất? Vì sao?

Thụy Anh (Sinh năm 1974, lấy bằng Tiến sĩ Giáo dục học tại Liên bang Nga, hiện sống và sáng tác tại Việt Nam):

Tôi ấn tượng nhất với tác giả Nguyễn Phú và truyện Hoa pằng nẳng rơi rơi. Cốt truyện không mới, kết thúc không bất ngờ, song lối kể chuyện lại rất hấp dẫn, sắp xếp tình tiết có kỹ thuật mà không “phô”, dẫn dắt người đọc đi suốt cuộc đời những người đàn bà Mông bằng giọng văn đặc trưng của người vùng cao, vừa chân thật, vừa gợi hình, gợi cảm… Nguyễn Phú đã rất khéo trong phân tích tâm lý, thông qua những đoạn văn tả cảnh, tả người. Ngòi bút tác giả là ngòi bút có tình. Đọc thấy ở đây một tấm lòng cảm thương, thấu hiểu, đồng thời am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của người vùng cao nơi anh từng sống và phục vụ trong quân đội. Đây là một truyện ngắn có cốt truyện giản dị mà để lại dư âm dài lâu trong lòng độc giả.

Nguyễn Phú (Sinh năm 1981, sĩ quan biên phòng, Đồn biên phòng Thàng Tín, Hà Giang):

Tôi đánh giá cao truyện Ngủ giữa hoa sen của Nguyễn Anh Vũ. Đề tài hậu chiến quá quen thuộc nhưng tôi ấn tượng với cách dẫn truyện mới, là lạ: “- Tôi không tin vào những điều kỳ diệu. Tôi chỉ tin vào những gì là hiện thực. Tôi cũng biết những gì anh định viết ra. Nhưng này! Tôi không tin đâu!”. Tôi bị cuốn theo mạch dẫn ấy cho đến cuối truyện. Tình tiết nhiều bất ngờ. Câu chữ dồn nén, ý tứ kín, ẩn sâu trong từng câu. Văn nhiều đoạn đẹp, hình ảnh rất gợi: “Con thuyền trôi dần về phía lạch Diếc. Những cánh sen cũng trôi theo thành một vệt sáng dài trên mặt đầm sẫm tối”. Tả sex đẹp, thoát tục. Giọng văn tưng tửng, nhiều đoạn viết hóm, như đoạn Toại tập xe gỗ, hát đồng dao; Toại bị già, trẻ trong làng trêu…

Ngủ giữa hoa sen là truyện ngắn hay, khẳng định một lẽ sống muôn đời: chiến tranh có thể đẩy con người ta đến hoàn cảnh éo le, trớ trêu, mất mát… Nhưng tình người, tình yêu, khát vọng được sống – yêu – sinh sôi đã nâng con người lên đến độ thiêng liêng, đẹp lung linh!

Nguyễn Mạnh Hùng (Sinh năm 1973, sĩ quan quân đội, sinh viên năm thứ 4 Khoa Sáng tác – Lý luận – Phê bình Văn học, Đại học Văn hoá Hà Nội):

Tôi ấn tượng nhất tác giả Ngô Phan Lưu với truyện ngắn Con cá ước mơ.  Truyện của Ngô Phan Lưu không dài, chỉ khoảng cỡ hai nghìn từ, không ngồn ngộn chi tiết, không lắt léo, cách tân trong kết cấu; triết lý trong đó cũng không phải là những phát hiện mới mẻ. Nhưng qua những con chữ được nén chặt, nó không đơn thuần là ước mơ về một con cá mà là sự giằng xé của khao khát tâm hồn con người hướng đến cái cao cả và nhân văn.

Kiều Bích Hậu (Sinh năm 1972, nhà báo, hiện làm việc tại báo Thời trang – Dệt may):

Tôi chỉ đọc có 3 truyện của Ngô Phan Lưu vì tác giả từng đoạt giải Nhất cuộc thi Truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 2006. Nhưng quả thực, những truyện của Ngô Phan Lưu trong cuộc thi của Văn nghệ Quân đội lần này tôi không thấy khoái.

Nguyễn Anh Vũ (Sinh năm 1974, tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Đại học Xây dựng):

Cũng là một người cầm bút, tôi xin chia sẻ chân thành rằng với tôi, để viết ra một truyện ngắn thực sự gây ấn tượng, khiến bạn đọc, bạn văn “ồ à” là rất rất khó. Nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cả từ bên ngoài cũng như trong bản thể mỗi người cầm bút. Tôi thèm được đọc những sáng tác như vậy lắm, và chắc đây cũng không phải là nỗi “thèm” của riêng tôi. Hy vọng ở giai đoạn sau của cuộc thi sẽ có nhiều tác phẩm làm chúng ta được thỏa nguyện.

– Theo cảm nhận của anh (chị), văn xuôi Việt Nam nói chung và truyện ngắn nói riêng đang phát triển hay đang chững lại?

Thụy Anh: Gần đây, số lượng các tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết được xuất bản ngày càng nhiều. Chưa nói đến chất lượng và những tìm tòi cách tân, với số lượng như thế, có thể hiểu rằng, đời sống văn học ở nước ta đang rất sôi nổi. Mà đó là tín hiệu của sự phát triển. Khái niệm “Lượng biến thành chất” trong chừng mực nào đó cũng có thể đúng trong trường hợp này. Tôi có theo dõi một số tác giả, thấy họ viết rất nhiều, và những tác phẩm sau ngày càng “lên tay” so với cái trước. Họ đang vượt lên chính mình, đó chẳng phải là tín hiệu của sự phát triển sao?

Nguyễn Phú: Truyện ngắn Việt Nam đang phát triển theo chiều rộng mà chưa vươn xa, vươn nhanh; còn nông, chưa có độ sâu… Đội ngũ cầm bút đông đảo nhưng chưa thực sự có những tác giả lớn.

Kiều Bích Hậu: Văn xuôi và truyện ngắn vẫn đang phát triển theo kiểu của bây giờ, số lượng khá, một số tác phẩm và tác giả đột ngột gây chú ý, nhưng sức bền của hấp dẫn không thấy có, nghĩa là đều không có tầm. Nhân tài thiếu vắng hoặc đang ẩn đâu đó.

Nguyễn Anh Vũ: Thẳng thắn mà nói với nhau rằng kể từ những thành tựu văn học giai đoạn “Đổi mới – Mở cửa” tới giờ, văn xuôi Việt Nam chưa tiến được xa hơn là bao. Tuy nhiên, ở lãnh địa truyện ngắn tôi thấy có nhiều phát triển hơn. Riêng ý thức đổi mới nghệ thuật của các tác giả hiện thời thì hơn hẳn giai đoạn trước. Điều này cần phải được ghi nhận. Thời điểm hiện tại, thoáng qua thì thấy khu vườn văn xuôi Việt cũng đậm hương và rộn tiếng (số lượng tác giả, số đầu sách ra hàng tháng, các cuộc hội thảo toạ đàm văn học…), nhưng thực chất lại hơi bị “êm đềm” (chất lượng tác phẩm). Đâu đó cũng thấy những cọ cựa, vùng vẫy của nhiều cây bút tâm huyết, ôm ấp khát vọng văn chương; và xem ra thành quả mới chỉ mang tính tích cực bước đầu. Nhưng không phải vậy là bi quan. Ta có thể đoán chắc rằng đang có rất nhiều “lò luyện đan” âm thầm củi lửa, nung nấu rất nhiều tài năng văn chương, nhiều khát vọng đổi mới nghệ thuật. Rất có thể, ngay tới đây, chúng ta sẽ có một mùa văn chương mới.

Nguyễn Mạnh Hùng: Theo cảm nhận của tôi văn xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng giai đoạn này có vẻ chững lại so với giai đoạn trước, tính từ thời kỳ Đổi mới 1986 – 1990. Ở giai đoạn trước chúng ta có những Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Con gái thủy thần, muối của rừng…), Tạ DuyAnh (Bước qua lời nguyền), Y Ban (Thư gửi mẹ Âu Cơ)… thì ở giai đoạn hiện nay hầu như chưa có tên tuổi nào đạt tầm như họ. Tôi nghĩ sự chững lại của truyện ngắn hiện nay chính là chuẩn bị cho một giai đoạn hưng thịnh mới.

– Đề tài có phải là yếu tố quyết định đến chất lượng của một tác phẩm văn học hay không? 

Kiều Bích Hậu: Tất nhiên rồi. Bắt được đề tài hay và mới, lạ thì quý hơn vàng ấy chứ!

Thụy Anh: Theo tôi, việc chọn được một đề tài độc đáo hoặc đang mang tính thời sự cũng có thể đem lại cho tác giả một lợi thế nhất định trong bước đầu phát triển câu chuyện của mình. Song, có một điều chắc chắn rằng, đề tài lại không phải là yếu tố quyết định chất lượng của một tác phẩm. Có những mảng đề tài được liệt vào dạng kinh điển, tưởng chừng chẳng còn gì mới để khai thác nữa, như tình yêu, chiến tranh, mâu thuẫn thế hệ…, nhưng mỗi một người viết lại có thể khai thác dưới các góc độ khác nhau, và chất lượng của tác phẩm ở đây lại được những yếu tố khác quy định: cách phát triển tuyến nhân vật, xây dựng hình tượng, chi tiết văn học, hay chỉ đơn giản là một cách dẫn dắt câu chuyện lôi cuốn, có duyên.

– Nguyễn Anh Vũ: Đề tài là một yếu tố “cần” nhưng chưa “đủ” để có một tác phẩm văn học chất lượng cao. Mặt khác, cách chọn lựa đề tài sáng tác cũng thể hiện độ cao, độ lớn, cái tâm, cái tầm của người cầm bút. Còn cách xử lý đề tài ra sao thì hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng và độ “quái” của các tác giả. Nếu tài chưa đủ nhưng có chút kinh nghiệm, bề dày thời gian sáng tác thì người viết có thể lựa chọn và xử lý đề tài tốt hơn, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị hơn. Đây là điểm yếu thể hiện khá rõ trong sáng tác của các tác giả mới (như tôi, biết vậy mà không phải lúc nào triển khai cũng tốt).

Nguyễn Mạnh Hùng: Đề tài cũng rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định đến chất lượng một tác phẩm văn học. Nếu người viết chọn được đề tài hợp với những trải nghiệm của mình thì sẽ dễ dàng trong việc triển khai ý tưởng, còn chất lượng ra sao thì lại là một chuyện. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như cấu trúc, nội dung, văn phong…

Nguyễn Phú: Tác phẩm hay không phụ thuộc vào đề tài, mà chỉ phụ thuộc vào… tài năng. Chí Phèo của Nam Cao viết về đề tài nông thôn; Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu viết về đề tài chiến tranh; Vợ chồng A Phủ viết về đề tài dân tộc miền núi. Ba truyện ngắn này đều hay, mặc dù ba đề tài khác nhau.

– Theo đánh giá của anh chị, truyện ngắn nước ta đang ở đâu so với mặt bằng truyện ngắn thế giới?

Thụy Anh: So sánh các nền văn học là một việc không tránh khỏi cái nhìn lệch lạc, khập khiễng. Không ai trong chúng ta dám khẳng định rằng, mình đã nắm được bao quát thực trạng chất lượng của truyện ngắn các nước, lấy đâu ra một cái mốc, cái chuẩn dù là tương đối để so sánh? Các tác giả nước ngoài hiện nay, chẳng hạn, tác giả Nga, họ cũng đang băn khoăn, vùng vẫy, tìm tòi những thể nghiệm mới, những đề tài mới cho nền văn chương nước họ. Kết quả thực ra cũng chưa đến đâu! Và những tác phẩm của họ cũng không thể đánh giá là bằng, là kém, hay là hơn xa các truyện ngắn của ta. Chỉ có thể so sánh từng tác phẩm, tác giả cụ thể. Chẳng hạn, nếu so sánh truyện ngắn Việt Nam thời Nam Cao, Thạch Lam… thì tôi thấy, chẳng kém chút nào so với Chekhov, Kuprin của Nga! Tôi cho rằng, việc hợp lý và cần thiết hơn bây giờ không phải là tìm hiểu xem mình đứng tụt hậu đến đâu so với thế giới trong văn chương (đây là nhiệm vụ bất khả thi và không nên đặt ra), mà là thúc đẩy sự tương tác của văn học Việt Nam với văn học nước ngoài. Dịch, giới thiệu nhiều tác giả nước ngoài hơn, chú trọng tính đa dạng về phong cách sáng tác, cũng như chuyển ngữ các tác phẩm của ta ra tiếng nước ngoài. Đặt tác phẩm (truyện ngắn) của mình trong mối tương quan “dân chủ” như thế, người viết trong nước mới nhìn nhận được bản thân mình và chất lượng những tác phẩm mình làm ra, so với thế giới.

Nguyễn Mạnh Hùng: Các tác giả nước ngoài thường coi trọng tiểu thuyết hơn truyện ngắn. Có tác giả coi truyện ngắn chỉ là phần thừa ra khi viết tiểu thuyết. Theo tôi, truyện ngắn của ta cũng ngang ngửa một chín một mười với truyện ngắn nước ngoài.

Kiều Bích Hậu: Tôi đọc tiểu thuyết nước ngoài nhiều hơn truyện ngắn. Truyện ngắn của ta thua nước ngoài cả về tầm vóc tư tưởng, kỹ thuật, độ hấp dẫn và sức tưởng tượng cũng như độ trung thực.

Nguyễn Anh Vũ: Tôi thường xuyên đọc văn học nước ngoài (cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết). Đọc để thưởng thức, để học hỏi, để biết xung quanh họ đang làm gì và làm được những gì. Rất tiếc, số lượng tác phẩm văn học nước ngoài được dịch ra tiếng Việt còn chưa nhiều, chưa phong phú. Và tiếc rằng gần đây chúng được lựa chọn hơi thiên theo cảm tính và tính thị trường. Thị trường văn học dịch bây giờ vẫn sôi động hơn văn học trong nước, kể cũng hơi buồn. Theo cảm nhận của tôi, khoảng cách giữa truyện ngắn Việt Nam so với truyện ngắn thuộc các nền văn học lớn của thế giới phải tính bằng thập kỷ. Nhưng khoảng cách này không phải là bất biến.

Nguyễn Phú: Tôi đọc các tác giả nước ngoài chưa nhiều, chỉ tập trung đọc một số tác giả Trung Quốc. Truyện ngắn của chúng ta còn đi sau họ 15 – 20 năm.

Theo Đỗ Tiến Thụy – Văn nghệ Quân đội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *