Thuở thiếu thời, trong những tháng năm đi sơ tán (từ 1965 đến 1969), tôi thường được nghe ông nội tôi nói về phẩm chất nhân, trí, dũng qua sách Thánh hiền. Nhớ có lần, ông nội tôi kể một chuyện, mà đến giờ, tôi vẫn còn cảm thấy hết sức chí lý.

Chuyện rằng, Đức Khổng Tử có 3 học trò cưng là Tử Lộ, Tử Cống và Nhan Hồi. Một lần, Khổng Tử hỏi: "Các con hiểu thế nào là "trí" và "nhân"?". Tử Lộ nói: "Trí" là làm cho thiên hạ biết mình, "nhân" là làm cho mọi người biết mình. Nghe xong, Khổng Tử gật gù: "Tạm được". Tử Cống nói: "Trí" là mình phải biết thiên hạ, "nhân" là mình phải biết mọi người. Nghe xong, Khổng Tử gật gù: "Được". Nhân Hồi nói: "Trí" là phải biết mình, "nhân" là phải yêu mình. Nghe xong, Khổng Tử phán luôn: "Rất được".

Kể đến đây, ông nội tôi dừng lại, giải thích: Có "biết mình" thì mới "yêu mình" được. Chữ "biết" ở đây có nghĩa rất rộng. Có thể tạm hiểu là phải luôn biết sống theo luân thường đạo lý, luôn biết mình là ai, luôn biết tôn trọng người khác, luôn biết tự trọng, luôn biết xấu hổ, luôn biết tiến biết lui đúng lúc… Còn "yêu mình", cũng có nghĩa là tôn trọng mình, không cho phép mình làm những gì sai trái, xằng bậy.

Kể xong chuyện trên, ông nội tôi còn nói thêm: Ở đời, làm người là khó, làm người tử tế còn khó hơn nhiều. Đối với người nói chung và người tử tế nói riêng, tất cả đều ở chữ nhân mà ra.

Rồi không hiểu sao, ông nội tôi nhẩn nha đọc một đoạn thơ trong "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu: Ở đời ít kẻ hảo tâm/ Chớ nên tin quá mà lâm tay người/ Ở đời ít nghĩ tới lui/ Đến thời vinh hiển, quên thời cháo rau…

Ảnh minh họa

 

Khi lớn lên, đặc biệt khi đã trưởng thành, đã đặt chân tới nhiều miền đất, tôi có may mắn gặp không ít người tử tế. Tôi biết một bà giáo đã sống rất thanh thản, luôn bằng lòng với những gì mình có vì đã biết từ chối những gì có nguồn gốc không rõ ràng, minh bạch. Tôi biết có người ra đường chưa khi nào nhặt được của rơi mà không tìm cách báo lại cho người đã mất. Tôi biết có người suốt đời trung thực, thẳng thắn, luôn phục thiện, luôn coi trọng điều hay, lẽ phải…Đấy là những người tôi đã gặp. Gần đây, sau khi đọc một cuốn sách, tôi lại có thêm minh chứng sinh động và cụ thể đến tận chi tiết về sự tử tế.

Chuyện rằng, có hai đứa trẻ so tài cờ vua trong trận tranh ngôi vô địch. Theo luật, mỗi kỳ thủ được thi đấu trong một khoảng thời gian nhất định và giữa chúng có một chiếc đồng hồ đặc biệt để báo thời gian. Mỗi khi thực hiện xong một nước đi, đối thủ A. bấm vào một cái nút để ngắt thời gian và đối với đối thủ B. cũng vậy. Nếu bên nào nghĩ nhiều, thực hiện nước đi chậm, thì sẽ rất tốn thời gian. Luật thi đấu cờ vua cũng quy định: Một đối thủ thua cuộc nếu như sớm hết thời gian cho phép. Hay nói một cách khác: Có đối thủ thua cuộc chỉ vì thời gian. Ấy vậy mà không hiểu sao, đứa trẻ A. có sức cờ hơn hẳn đứa trẻ B. nhưng lại có nguy cơ thua cuộc chỉ vì quên bấm nút đồng hồ sau khi thực hiện một nước đi. Mọi người theo dõi (kể cả trọng tài) đều biết, nhưng theo luật, không ai có quyền được nhắc trừ đứa trẻ B.

Thời gian lặng lẽ trôi đi… Nhiều người hồi hộp. Những cổ động viên của đứa trẻ A. lo lắng ra mặt… Thế rồi, một việc bất ngờ đã xảy ra: Đứa trẻ B. bấm nút đồng hồ và nhắc đối thủ của mình đừng nên lãng quên như vậy. Kết cục, đứa trẻ A. thắng cuộc và đoạt ngôi vô địch. Nhưng cũng ngay sau đó, đứa trẻ B. được mọi người (trong đó có đối thủ của mình) nâng bổng lên và khen ngợi vì sự tử tế. Như vậy, bài học được rút ra ở đây là sự tử tế đã được tuyên dương, sự tử tế đã chiến thắng.

Đặng Huy Giang – Theo CAND Online
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *