Năm 1996, mấy chị em gồm các nhà thơ Anh Thơ, Nguyệt Tú, Lý Thị Trung, Thuận Bằng và tôi rủ nhau đi thăm Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, Nam Kinh, Hà Bắc… của Trung Quốc bằng tiền riêng, theo tua du lịch.
Mấy chị em đi như lao, mệt kinh khủng, vậy mà vẫn rủ nhau làm thơ vui, mỗi người một câu, do chị Lý Thị Trung chấp bút. Bài thơ dài, tôi chỉ trích một đoạn :
…
Tóc thề lốm đốm điểm sương
Lòe xòe váy áo sắc hương đủ màu
Cơm ăn toàn mỡ chan dầu
Đi thì loa giục mau mau theo cờ
Trên tàu mỏi mệt gật gù
Đến cửa siêu thị thì xô nhau vào
Mua mua sắm sắm ào ào
Ở nhà thì tính từng hào từng xu
Đã đi, xả láng lu bù…
Đến lúc chia tay ở cửa khẩu Tân Thanh, chị Trung đọc bài thơ trên, cả đoàn hơn 60 người cứ bò ra cười và đòi chép.
Ở Nhà sáng tác Nha Trang năm 1997, trước khi kết thúc trại, hai nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến và tôi cùng làm một bài thơ vui tả chân dung các nhà văn, nhà thơ dự trại. Nguyên tắc là tả mỗi người chỉ hai câu, nhưng phải nêu được đúng… “khuyết tật” của người đó. Hồi ấy, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – chồng của Mỹ Dạ – chưa ốm đau như bây giờ. Mỹ Dạ có nước da trắng hồng rất đẹp, nhưng mỗi lần rủ chị đi đâu, chúng tôi đều sốt ruột vì chờ nàng trang điểm rất lâu. Mở đầu bài thơ, tôi viết :
Hè năm chín bảy
Hây hẩy gió nam
Trại viết Nha Trang
Vui chi vui lạ
Có cô Mỹ Dạ
Phấn son hơi nhiều…
Nghe tôi đọc đến đây, Mỹ Dạ giãy nảy :
– Dừng lại đã, cho em sửa cơ. Thế này nhé :
Có cô Mỹ Dạ
Ớt ăn hơi nhiều…
Chúng tôi bò ra cười vì đúng là mỗi lần Dạ từ Huế ra Hà Nội, trước khi làm cơm mời Dạ, món đầu tiên ai cũng phải nhớ là mua ớt! Bây giờ, mỗi khi rủ nhau đi đâu, nàng nào trang điểm quá lâu, chúng tôi lại hò : “Ăn ớt ít thôi, bà ơi!”, hoặc là : “Ớt ăn hơi nhiều rồi đó!”. “Ăn ớt” đã thành tiếng lóng của nhóm các nhà thơ nữ, có nghĩa là trang điểm.
Ở trại viết ấy, các nhà văn nhà thơ tên tuổi đều “bị” chúng tôi làm thơ trêu đùa. Và ngày bế mạc, khi tôi đọc bài thơ, mọi người đều “miệng cười rạng rỡ, mắt nhìn cay cay” vì những vần thơ trêu đùa đầy thương mến :
Có cô Mỹ Dạ
Ớt ăn hơi nhiều
Bác Võ Trần Nhã
Rụt rè chi tiêu
Anh Trần Thanh Giao
Cười như pháo nổ
Yêu đương nức nở
Có anh Đông Trình
Hỏi cô Lam Luyến
Có trao chút tình?
Chu Lai nghịch tinh
Giật ly uống trộm
Xuân Thiều luống cuống
Bụng phình hơi to
Nguyễn Bảo nguy to
Vì ăn nhiều ghẹ
Đối thơ như ngóe
Có chị Hoàng Tuyên
Nhàn bơi như điên
Mông eo co quắp
Hồng Nhu rượu nhắp
Biển thì chê bai…
Trại kết thúc rồi
Bia hơi uống đủ
Viết gì chưa rõ
Đã vội chia tay
Miệng cười rạng rỡ
Mắt nhìn cay cay…
Cho đến tận buổi liên hoan tất niên của Hội Nhà văn Việt Nam năm Kỷ Sửu 2009, gặp tôi, nhà văn Chu Lai còn cười tươi : “Nhớ trại viết Nha Trang cách đây hơn mười năm không Thanh Nhàn? Hồi đó, bọn mình còn trẻ và vui quá!”
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến cũng vào loại nghịch ngợm. Ở Nhà sáng tác Nha Trang tháng 11 năm 2001, chị đã khiến chúng tôi cười vỡ nhà khi đọc chân dung biếm họa từng người. Vì tôi sáng sớm nào cũng ra biển mà sóng thường lớn ít khi bơi được, chị giễu :
Sáng, Nhàn ra biển ngâm chân
Còn ngâm những thứ vân vân ở nhà!
Chị Hoàng Tuyên, cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam -cũng vào loại rất lém lỉnh, lại cũng có tài làm thơ ứng tác, bèn phản ứng:
-Câu này bản quyền là của tớ, các cậu nhớ là từ năm 1997, tớ đã làm thơ tặng Lam Luyến và anh Đông Trình: “Chia tay rồi lại chia chân/ Đừng lo những chuyện vân vân sau này… ”. Câu thơ của Lam Luyến có tới ba chữ “chân, vân vân” là của tớ viết năm trước, trả tiền bản quyền đi!
Cứ thế, chúng tôi bò ra mà cười.
Trong số những nhà văn nữ dự trại sáng tác kỳ này, chỉ có nhà văn Hà Khánh Linh ở Huế là chăm chỉ nhất. Chị đóng cửa viết suốt ngày đêm, chỉ trong 20 ngày được hơn một trăm trang tiểu thuyết. Có hôm, khoảng 2 giờ sáng, chị gọi điện thoại xuống phòng thường trực :
– Cô đang viết thì mất điện, cháu mang nến với diêm lên để cô viết tiếp nhé. Đang có mạch văn mà dừng lại thì uổng lắm!
Cháu bé ở phòng lễ tân không kiếm đâu ra nến và diêm, nhưng sợ nhà văn bị “đứt mạch”, đành chạy đi tìm mua. Lúc có nến và diêm đem lên thì đã 2 giờ rưỡi sáng. Chắc là do luống cuống, cháu gõ nhầm cửa phòng nhà thơ Lam Luyến. Luyến có bệnh mất ngủ, chừng 1 giờ sáng phải ngồi dậy uống hai viên xê-luy-xen, lúc ấy vừa thiêm thiếp giấc nồng thì bị đập cửa gọi dậy nhận nến và diêm. Nàng ngơ ngác phát khóc và hôm sau làm thơ tặng Hà Khánh Linh :
Trại ta có chị Khánh Linh
Đêm đêm đốt nến đi rình mạch văn!
Một hôm, chúng tôi đề nghị mỗi người đọc thơ chân dung tự họa của mình. Hà Khánh Linh đọc hai bài liền, bài nào cũng sang trọng và vô cùng lãng mạn : Uống trà với trăng, Tình tự cùng hoa…
Lam Luyến phản đối :
– Chân dung tự họa phải biết châm biếm mình chứ. Ví dụ, chị Nhàn tự giễu từ khi mới hơn 40 tuổi :
Mắt đeo kính, tóc rụng thưa
Gặp người yêu cũ muốn vờ rằng quên…
Hay ít nhất cũng khiêm tốn như chị Lý Thị Trung :
Tự biết mình lạc lõng chốn bon chen
Tiền chẳng có, tài năng cũng thiếu…
Hoặc là như tớ tự giễu đây này :
Làng thơ có chị Đoàn Lam
Tình dọc thì ít, tình ngang thì nhiều
Mới gặp cứ tưởng dễ yêu
Xem trong âu yếm có nhiều chông gai…
Mọi người đều cười và vỗ tay khen Lam Luyến. Phải chăng, biết tự chê mình, biết đùa vui và tinh nghịch cũng là một nét đáng yêu của các nhà thơ!
Phan Thị Thanh Nhàn – Theo VNQĐ