Đặng Thị Thanh Hương : "Tôi cũng không dám chắc rằng tôi đã đủ khôn ngoan để tránh được những sai lầm. Vì đàn bà có bao giờ thôi hết cả tin và ngây thơ, nhất là một người đàn bà làm thơ như tôi… "

Thực ra, nói sự trở về cũng không hẳn đúng, bởi lẽ tôi chưa đủ già để nghĩ về một cuộc viễn du nào đó, những tâm trạng trong Trà nguội cũng không hẳn là một sự nuối tiếc. Bởi con đường mình đã đi qua rồi làm sao trở lại? 40 bài thơ trong Trà nguội đều mang một màu sắc chiêm nghiệm và là những day dứt về một hồi ức buồn. Đúng như bạn nói, có thể tôi cũng đã nhận ra hạnh phúc nằm trong những cái cụ thể mà mình đang có. Còn ảo ảnh và hào quang của nó nhiều khi vẫn lừa mị con người cho dù ở tuổi nào. Tôi cũng không dám chắc rằng tôi đã đủ khôn ngoan để tránh được những sai lầm. Vì đàn bà có bao giờ thôi hết cả tin và ngây thơ, nhất là một người đàn bà làm thơ như tôi.

Chẳng có ai dạy được cho ai về tình yêu và hạnh phúc, vì thế, tôi chỉ có thể nói với con gái mình rằng con hãy cứ yêu đi và hãy thật lòng, con sẽ biết đến tận cùng của hạnh phúc và bất hạnh. Quan trọng là khi đau khổ và thất vọng, con biết vượt qua nó như thế nào để không huỷ hoại tâm hồn mình. Tôi cũng giống như trăm ngàn người mẹ trên trái đất này là mong con mình được hạnh phúc. Cái mẹ để lại cho con chính là lời mẹ căn dặn như là hành trang cho con vào đời. Điều đó chúng ta ai cũng biết, nhưng chỉ nhận ra khi mà mình đã trải nghiệm và trả giá… Cuộc sống của tôi thật nhiều những phong ba trong tất cả mọi cung bậc, nhưng để bảo rằng nếu quay ngược thời gian trở lại, chắc chắn mình sẽ vẫn làm thế… và chẳng có gì làm mình ân hận. Thế mới là tôi – một Đặng Thị Thanh Hương dám sống đến tận cùng…

– Sau một thời gian cũng khá dài (từ 2002), đến nay mới có Trà nguội. Cũng sau một thời gian dài ấy, thấy chị viết khoẻ, viết đều, thậm chí những ngày đầu tháng 8, chị viết thật “khủng” (mỗi ngày một bài). Đặng Thị Thanh Hương đang hồi sinh trở lại?

Tôi là người hay đặt ra những công việc và những mục tiêu cụ thể để phấn đấu. Thực ra trong 6 năm qua, cho dù làm báo, làm kinh doanh hay làm bất cứ việc gì, tôi đều tận tâm và dồn hết sức mình. Nhưng có một điều chắc chắn, tôi vẫn làm thơ, chỉ khác là không in báo, âm thầm… Tôi không muốn làm một việc gì khi chưa cảm thấy tự tin về nó. Nhất là với tôi, thơ ca không còn là một cuộc chơi chữ nghĩa đơn thuần, tôi đã là một nhà thơ và không thể viết ra những câu vô nghĩa. 6 năm đủ để tôi đằm mình và lao động.

Khi chuẩn bị xuất bản tập thơ, tôi đã dành hết thời gian để viết và sửa chữa lại. Lúc ấy, mình cứ như người lên đồng, những bài viết cũ cứ sửa lại thì thành ra một bài mới, thế nên đọc ngày tháng, bạn mới thấy chúng cứ gần nhau là vì thế. Trong một năm, thời gian dành cho thơ ca với tôi bao giờ cũng vào mùa thu. Cũng giống như những tâm hồn thi sỹ khác, thời tiết và không gian của mùa thu khiến tâm hồn mình như phiêu du. Tôi cứ nói đùa nó giống như “rồ hoa mướp”, cứ đến mùa hoa mướp lại lên cơn vậy. Những ngày chuẩn bị bản thảo cho tập thơ, tôi không ăn không ngủ, mệt cứ như bị ma nhập, khổ thế… Bạn gọi đó là sự hồi sinh thì tôi nói đó là sự hồi sinh, những nỗi buồn vẫn đeo bám dai dẳng trong tâm hồn mình từ lâu mà giờ phát ra thôi…

– Đặt trong sự so sánh với 6 tác phẩm mà chị đã xuất bản, tự tên sách đã thấy được sự trưởng thành của người viết. Đặng Thị Thanh Hương ở Trà nguội là người đàn bà bình tâm và bao dung hơn. Điều gì đã xảy ra vậy, ngoài những kinh nghiệm sống, những vấp ngã… giúp chúng ta giã từ sự bồng bột một cách đầy bản năng và theo tuổi?

Lần lượt từ Cổ tích tình yêu, Phiên bản, Vọng đêm, Những con ốc chờn ren, Trà nguội… những cái tên cũng nói lên đầy đủ ý nghĩa của nó với cuộc đời của một con người. Gần hai mươi năm đã qua, có người đàn bà nào còn coi tình yêu như một câu chuyện cổ tích? Cái gã hoàng tử đẹp trai ngày nào giờ bỗng xấu xí và vô duyên tệ. Giấc mơ ngày ta hai mươi tuổi không thể giống như khi ta đã ngoài 40! Tôi bây giờ không mơ về một mối tình lý tưởng, cũng không kỳ vọng vào một điều gì vĩnh viễn. Bởi vì nếu tuổi này không tìm thấy thì sẽ không bao giờ có nữa… Mọi sự dường như đã an nhiên rồi. Nếu có thể gọi những vấp ngã trong đời là những kinh nghiệm sống thì với tôi cũng vậy.

Thực ra, những kinh nghiệm ấy cũng chả đủ để mình khôn lên, mà chỉ làm cho mình chai sạn hơn thôi. Trà nguội cũng là những tâm trạng ấy… Có điều ở Trà nguội, người đàn bà từng trải kia vẫn có những nỗi niềm, vẫn có một chút khờ khạo của cô bé ngày nào mang giấc mơ cổ tích. Ai cũng qua bao sóng vỡ cuộc đời/ Về cuối dòng bỗng thấy mình trong lại/ Chợt yếu đuối, chợt như bé dại/ Chợt thanh tân trong vắt nụ hôn đầu…

– Không hiểu v&igra
ve; một lý do gì, đọc thơ chị thấy gần gũi với thơ Xuân Quỳnh, giàu nữ tính, bao dung và giằng xé… Phải chăng, đó là mẫu số chung của tất cả những người đàn bà viết?

Thì thế giới luôn chia làm hai nửa còn gì : đàn ông và đàn bà. Giới tính là thứ phân biệt dễ dàng nhất (không kể những người thuộc giới tính… thứ 3). Và điều đó chi phối tính cách tâm tư của người viết. Thơ của tôi chắc không thể hay và đằm thắm như chị Xuân Quỳnh, nhưng những khao khát của tất cả đàn bà trên trái đất này đều giống nhau. Họ đều khao khát tìm được một người đàn ông đích thực của đời mình. Đàn bà luôn coi tình yêu là tất cả.

Tôi cho rằng, khi bắt đầu bước vào cuộc sống, nếu như người đàn bà kia tìm được một người đàn ông tốt có thể trao gửi cả cuộc đời, chắc chắn người đó sẽ cảm nhận được hạnh phúc. Hạnh phúc vì họ không có cơ hội mà so sánh và họ sẽ thấy bằng lòng với sự lựa chọn ấy. Còn bất hạnh cho những người đàn bà đã gặp phải những người đàn ông không ra gì. Và trên con đường kiếm tìm khốn khổ ấy, họ càng tìm càng thất vọng. Chả có cái gì tuyệt đối, nhưng họ không muốn công nhận sự thật ấy.

Tôi là một người làm thơ, mà vì sao lại làm thơ, ấy cũng chính là từ những cái không ra gì mà mình đã gặp, bức xúc quá mà viết ra thôi. Cả nhà thơ Xuân Quỳnh hay các nhà thơ nữ chắc chắn đều giống nhau ở những điều giằng xé nội tâm. Họ hơn những người đàn bà thông thường khác là giải toả nỗi niềm bằng thơ ca. Nhiều người cứ cho rằng những người làm văn chương, nhất là nữ, thuờng có một cuộc đời sóng gió. Chẳng phải chúng tôi tự huyễn hoặc hoá nỗi đau, mà chúng tôi biết cách diễn đạt những nỗi đau đó thành lời. Âu cũng chính là một cách đi tìm sự cân bằng.

Có lẽ chúng tôi còn sướng hơn những người phụ nữ khác đang hàng đêm gặm nhấm nỗi chán chường thất vọng của mình về cuộc sống và đàn ông…

 
 Giây phút hạnh phúc bên con gái…

– Năm 1997, chị đã có cơ hội để giã từ nghiệp viết nhiều giằng xé, nhiều vật vã này. Bây giờ, chị càng có nhiều cơ hội hơn để giã từ nó, khi những thôi thúc cơm áo gạo tiền không còn là gánh nặng… Như thế, càng khẳng định chị đang quay trở lại? Cuộc trở lại lần này của chị, có lẽ khác nhiều so với tâm trạng và tâm thế của con ngựa non xuống núi 20 năm trước?

Thực ra, tôi chưa bao giờ rời bỏ văn chương, tôi chỉ ít xuất hiện thôi. Ngày trước, lúc học ở trường Nguyễn Du, tôi thường in rất nhiều thơ, văn và các loại… chẳng qua là vì cuộc sống. Lúc đó vừa đi học vừa nuôi con, phải in nhiều mới có tiền nên có cái gì viết ra là in ngay. Nhưng đã lâu rồi tôi không in thơ, truyện.. nữa, một phần do không bị hối thúc vì cuộc mưu sinh, một phần thấy ngượng nếu như in ra những cái không hay… Mà nghề viết có phải lúc nào viết cũng hay đâu.

Tôi đã làm nhiều thứ vì cuộc sống, vì ý chí vươn lên và vì cả những ham muốn rất trần tục là phải có một đời sống đủ đầy. Tôi luôn nghĩ mình không thể nghèo – mà điều này có vẻ trái ngược với quan niệm của một số người cho rằng làm thơ phải nghèo. Đó là một quan niệm sai lầm. Khi anh đã có tài, chắc chắn, anh sẽ không nghèo. Nhất là ở vào thời đại hôm nay. Lúc nào tôi cũng có cơ hội bỏ nghề để chuyển sang hẳn kinh doanh hoặc làm báo. Nhưng tôi không lựa chọn như thế, sau mười năm lăn lộn làm kinh tế, tôi cũng thấy mệt mỏi.

Thực ra, làm kinh doanh cũng cần phải có sở trường và ý chí. Tôi không có tư duy chính xác lắm, nên đôi khi cũng bị thất bại. Hơn nữa làm kinh doanh thần kinh căng thẳng lắm. Còn mệt hơn cả làm thơ… (cười). Cái nghiệp văn chương dường như đã ngấm vào máu thịt, nên cho dù ở thời điểm nào, tôi vẫn viết, vẫn say sưa khi có một bài thơ mình tâm đắc để chia sẻ với bạn bè. Cuộc sống của tôi và gia đình giờ cũng không còn quá vất vả như trước. Mọi sự vẫn đều đặn và ổn định bởi tôi vẫn còn chung với bạn kinh doanh mỹ phẩm.

Với tập thơ này, tôi muốn khẳng định lại bản thân một lần nữa, cũng muốn cái mình tâm huyết, cái mình viết ra có người chia sẻ. Thơ là người – bạn đọc thơ tôi chắc sẽ biết cuộc sống của tôi bây giờ ra sao. Con người tôi có thay đổi không… và chắc chắn những ai đã từng đọc thơ tôi gần hai mươi năm qua sẽ mỉm cười. Đặng Thị Thanh Hương vẫn vậy, vẫn không khác gì ngày xưa dù có vẻ như từng trải hơn, điềm tĩnh hơn và cũng… vẫn thế thôi, trong tất cả những thăng trầm mà cô ấy đi qua, cái còn lại vẫn là một trái tim ấm nóng với một tấm chân tình… Còn thơ hay hay dở điều đó thuộc về một giá trị khác, nó thuộc về đời sống của bài thơ có trường tồn không, tôi không thể biết điều đó. Chỉ biết nói với bạn rằng, dẫu đi qua rất nhều con đường, làm rất nhều thứ, nhưng tôi vẫn là một thi sỹ đích thực. Đó chính là con đường thẳng mà tôi đã lựa chọn. Con đường ấy nơi vô cùng kia may ra mới loé sáng. Điều đó không quan trọng, quan trọng là bạn có thấy tâm hồn mình rung lên khi tôi đang dâng cho bạn một ly trà dù đã nguội…

Ta đến cuộc đời này/ Cuồng nhiệt đam mê/ Tài sản eo sèo là câu thơ góp nhặt/ Ở đâu đó trong khu vườn hoan lạc/ Tuổi trẻ của ta dinh điện đã hoang tàn…/ Vừa bình minh thoắt đó đã chiều tàn/ Vừa đi qua nhau chén trà đã nguội…

– Xin cảm ơn chị!

Thái Bình (Vietimes)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *