Năm giờ sáng là khoảnh khắc bình yên nhất trong ngày, trước khi chim chóc cây cỏ trong công viên bị khuấy động kinh hoàng vì tiếng nhạc (đủ loại) của các nhóm tập thể dục thuộc nhiều trường phái khác nhau. Sớm hơn thì trời còn tối quá, người đi bộ không có cảm giác an toàn. Tôi thích nhất lúc này, con đường vừa được quét xong, xe cộ thưa thớt, hàng quán lề đường mới dọn, chưa có khách, mùi café đang pha thơm lừng, nồi nước lèo còn nguyên váng riêu đỏ au…

Tôi biết, nếu đứng vào vị trí của người lao công vừa quét đường từ nửa đêm tới giờ chưa nghỉ tay, hay người bán bún riêu cũng thức từ khuya chuẩn bị lặt rau, nấu nước lèo, mà chỉ là mới bắt đầu một ngày buôn bán chưa biết lời lỗ ra sao, thì khó mà có được tâm thế bình an mà tôi đang hưởng thụ. Nhưng tôi không cần tỏ ra áy náy hay phải biện minh, vì ngay lúc đang đi dạo, đầu óc và các giác quan của tôi vẫn làm việc. Và giờ đây, ngồi còng lưng bên máy tính, tôi thề là chưa chắc lao động nào cực nhọc và bấp bênh hơn. Không cuộc mưu sinh thực sự nào không đổ mồ hôi. Nhất là khi kinh tế khủng hoảng toàn cầu.

Không cần mỗi ngày mở máy tính để dòng tin nóng đập ngay vào mắt về hàng trăm ngàn người mất việc, hay những kế hoạch cứu vãn kinh tế hàng trăm tỷ đô-la, ở tuốt bên Mỹ. Chỉ cần đi bộ một vòng quanh chỗ tôi ở cũng đủ thức thời. Những người buôn bán lẻ là nhiệt kế đo mức sống của dân chúng. Hầu như những người tôi quen biết đều làm ăn kém đi, trừ người bạn bán tiệm thuốc Tây là có doanh số tăng : mùa này, đủ thứ người bệnh và bệnh đủ thứ.

Đọc báo thấy còn nhiều tít nóng khác : học sinh sắp thi cử, thời tiết thay đổi, mưa trái mùa, thêm nhiều lô-cốt mọc lên giữa lòng đường, tai nạn giao thông thảm khốc, cầu sập, phát động phòng chống cháy nổ, cấm bán hàng rong trên những con đường “bộ mặt” của thành phố. Thì cuộc sống vẫn diễn ra, có những điều không ai bảo mình cũng phải biết, có những điều dẫu biết cũng chẳng để làm gì, và những gì mình không giải quyết được thì không biết đến cũng là một cách giải quyết.

Đọc hết báo Việt, tôi đọc báo Mỹ. Các hãng bán hột giống rau cải và vật dụng cùng phụ liệu làm vườn đang phát tài, vì các hộ gia đình đang biến bãi cỏ nhà mình thành vườn rau để đối phó với suy thoái kinh tế và giá thực phẩm gia tăng. Tôi chú ý tin này vì có chút kinh nghiệm trồng rau trên mảnh sân sau nhà mình. Theo người viết bài báo thì đầu tư 50 đô có thể thu hoạch, hay tiết kiệm, từ 500 đến 1.200 đô tiền chợ. Có thể, vì rau sạch ở Mỹ (họ gọi là organic vegetables) rất mắc, một cây cải xà-lách (lettuce) hiện giờ giá 3 đô. Nếu người nào giỏi làm vườn, chỉ tốn tiền mua hột giống thì chẳng những tiết kiệm đáng kể tiền chợ, mà còn được ăn tươi, ngon, bổ. Vấn đề là, rút ra kinh nghiệm bản thân, không phải thứ gì mình trồng cũng mọc như lý thuyết. Khả năng thường xảy ra là đầu tư 50 đô và nhiều công sức thì giờ, cuối cùng thu hoạch vài trái cà đèo và một mớ rau èo uột. Vì thế hiện đang phát triển dịch vụ hướng dẫn làm vườn ở Mỹ, những website về trồng trọt đều có số lượng người truy cập tăng đột ngột.

Nhiều bài báo đề xuất những cách sống khác để thích nghi tình hình khó khăn hiện nay, nêu lên những trường hợp tích cực như : một kỹ sư bị mất việc ở một công ty kỹ thuật sinh học bèn tự nghiên cứu cách nuôi sứa trong bồn cá cảnh, khởi sự một ngành kinh doanh chưa từng có trước đây. Một nhà quản lý kinh doanh thì khó khăn hơn, ít có khả năng chuyển công việc sang phòng thí nghiệm, ông đành nhận việc quét dọn công sở để cầm cự qua tháng ngày này. Thu nhập giảm thì phải liệu cơm gắp mắm, báo nào cũng có bài hướng dẫn cách tiết kiệm, mặc dù sự sút giảm chi tiêu đã tới mức có hại cho nền kinh tế.

Nghĩ mà tội nghiệp dân nhà giàu, quen sống tiện nghi, quen tiêu xài thoải mái, quen ỷ lại nhà nước, nay gặp khủng hoảng phải được hướng dẫn, chỉ vẽ, động viên đủ thứ để mà có thể sống còn. Chứ như dân mình thì khỏi lo : Những người cỡ tuổi tôi đều có đầy mình kinh nghiệm của thời gạo châu củi quế, và cỡ nửa dân số xứ mình thường xuyên khó khăn kinh tế, vẫn tự lực cánh sinh, không cần ai dạy cho cách thế nào để sống còn, miễn có cơm ăn (với nước mắm kho quẹt cũng được), mà cơm gạo xứ mình thì còn dư để xuất khẩu hà rầm, lo gì. Nếu báo cáo tháng 3/2009 của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) liệt Việt Nam vào số 26 nước dễ bị tổn hại nhất khi cuộc khủng hoảng diễn ra, thì cũng không đến nỗi tệ, vì nhờ vậy, mình có thể xin họ chú ý giúp đỡ thêm nữa.

Tôi có ba bằng chứng của tinh thần tự cứu như một sức mạnh tiềm tàng của dân ta : Quanh khu nhà trọ cạnh khu công nghiệp dọc quốc lộ 13 chạy qua làng tôi đã xuất hiện mấy chậu ớt hiểm, hành, rau thơm của công nhân trồng. Chị Tư thu ve chai ở xóm tôi lúc này mua bán được lắm, chiều nào cũng quảy về trạm một gánh sách báo cũ, bịch ni-lông, vỏ chai vỏ lon. Và bản thân tôi, sáng sáng đi bộ một vòng rồi về nhà viết bài, chứ không kề cà ở quán café cà pháo nữa.

Lý Lan – Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *