Nhắc đến những đôi vợ chồng nhà văn thành danh, người ta không thể không kể đến đôi vợ chồng Trần Thị Huyền Trang – Nguyễn Thanh Mừng. Hiện tại họ là cặp vợ chồng văn chương đang sung sức nổi tiếng nhất miền Trung, cũng là đôi "song bút hợp bích" có hạng trên nhiều phương diện.

 Họ cũng nổi tiếng vì là đôi vợ chồng sống hạnh phúc, giúp đỡ nhau vượt qua bao sóng gió cuộc đời và cả những nỗi nhọc nhằn của nghiệp chữ nghĩa.

Sống là phải nể nhau

Căn nhà không lớn lắm của vợ chồng Mừng – Trang lâu lắm mới lại đông đủ. Khi mới gặp Nguyễn Thanh Mừng đã nói vậy. Hỏi ra mới biết Huyền Trang mới đi học cao học ngoài Hà Nội về, cô con gái đi học tận TP Hồ Chí Minh lúc này cũng về đoàn tụ dịp Festival Quy Nhơn Bình Định 2008. Hai vợ chồng tiếp tôi, rổn rảng nói chuyện, xoá đi mọi khoảng cách. Nhìn vào khuôn mặt xanh tái của chị Trang, tôi đoán chị vừa ốm dậy. Mừng nói: "Chị vừa bị ngộ độc thức ăn, phải nằm viện, lúc này là trốn viện về nhà chơi đấy".

Nhìn họ, tôi tin rằng những gì bè bạn ca ngợi về họ là rất thật, không hề quá đáng. Đó là sự tôn trọng lẫn nhau, bổ trợ cho nhau những thiếu sót. Có phải vì lý do này mà họ làm việc hiệu quả, đạt nhiều thành công và có nhiều công trình nghiên cứu đứng tên hai vợ chồng. ít có đôi vợ chồng văn sĩ nào tự tổ chức những chuyến đi thực tế của riêng mình. Vậy mà đôi vợ chồng này, dù cuộc sống còn khó khăn cũng đã "đủ" lãng mạn chu du cùng nhau xuyên Việt, lấy tư liệu cuộc sống để có đề tài viết.

Nguyễn Thanh Mừng nói: "Những chuyến đi dài đó cực khổ là thế nhưng chúng mình vẫn thấy yêu đời, có thể do ngày nhỏ chịu khổ quen rồi. Đi vì tìm cảm hứng nên nó quên mệt mỏi". Huyền Trang thêm vào lời chồng: "Cưới nhau, chẳng có gì thế mà vẫn hăng hái đi, không phải vì vật chất. Vì thiếu vật chất nên cũng xảy ra nhiều sự phiền nhiễu thật, chẳng lẽ mình lại chán nản. Những tưởng như vậy là mình mất, nhưng lại là được cho sau này, đó là vốn sống". Nghĩ như vậy, lạc quan như vậy, đủ thấy cái mà người ta gọi là "hâm hâm" của đôi vợ chồng văn sĩ này đã ở mức độ cao. Tôi còn thấy ở họ những ý nghĩ lạ lùng, rất khác người. Ngay cả cái việc đến với nhau cũng lạ lùng: qua thơ.

Qua thơ ca mà hai người đến với nhau, tình yêu thơ ca là điểm chung xích họ lại, làm thành mái ấm cho đến ngày nay. Độ đó, cả hai đều công tác ở Sở Văn hoá Nghĩa Bình (cũ) và hiểu nhau qua những bài thơ trên mặt báo. Sau đó chàng đã cảm mến nàng và làm bài thơ tặng. Bài thơ có nhan đề Phố cũ hoa vàng.

Ai lên phố cũ hoa vàng
Cung thành xe ngựa dặm đàng dư ba
Tôi cầm nhành táo đi ra
Em trong ảo giác như là sương bay
Dòng thơ nép bóng trăng gầy
Dành cho tôi cả tháng ngày không tôi
Từ khi người chửa gặp người
Đã ghi lên tận trên trời tên nhau
Biết đời rồi cũng bể dâu
Sao lòng muốn nói một câu vĩnh hằng
Em về dâng cốc trăm năm
Rượu thời gian sánh ướt đầm tay tôi.

Bài thơ là lời tỏ tình, cũng là cái cớ để có những buổi hẹn hò dưới đường thu hoa lá. Trang nhận được "tín hiệu tình" từ chàng thi sĩ trẻ, cũng "ngấm" ngay từ đó rồi làm thơ tặng lại bạn, tuy không thổ lộ rõ tình yêu, nhưng ẩn ý bên trong thì cả hai đều hiểu. Ví như câu thơ: "Nghe trong từng hạt bụi/ Lời nghìn trùng khát khao/ Chưa quen mà đã nhớ/ Tiếng chân người mai sau".

Cưới nhau năm 1988, hai vợ chồng chỉ có đôi bàn tay trắng, đưa nhau về sống trong căn nhà tập thể lụp xụp, cả ngày thiếu ánh sáng và thiếu nhiều thứ cần cho sinh hoạt của một đôi vợ chồng. Cô con gái cả sinh năm 1989 hiện đang học đại học, bị cận thị cũng vì sống trong ngôi nhà thiếu ánh sáng của bố mẹ. Mấy năm sau chắt chiu, hai vợ chồng mới mua được một chiếc xe máy cũ, rẻ tiền, không giấy tờ của một người quen biết để chạy cho đỡ cơ cực. Nhà chật quá, Thanh Mừng nghĩ đến lúc phải mua lấy một mảnh đất mới. Thế nhưng, thời giá không ủng hộ anh chị. Có một chỉ vàng thì giá đất là hai, có hai thì giá lên năm… thành ra, đôi vợ chồng văn sĩ chạy hụt hơi vẫn chẳng đủ tiền mua đất. Mãi đến năm 1994, tỉnh Bình Định có chủ trương bán đất rẻ cho cán bộ. Vợ chồng Mừng – Trang nộp 20 triệu đồng để nhận đất, rồi dùng tiền nhuận bút từ việc nghiên cứu, làm mấy cuốn sách cộng thêm bè bạn giúp đỡ để làm ngôi nhà rộng hơn. Năm 2000, ngôi nhà được xây rộng thêm và là chốn dừng chân của anh em văn nghệ sĩ mọi miền khi đến với Quy Nhơn, yêu quý đôi "song bút" ghé vào.

Tôi hỏi Huyền Trang, là người vợ, người mẹ trong gia đình rằng, chị làm gì để gìn giữ hạnh phúc trong gia đình, và vợ chồng nhà văn thì có gì khác với những đôi bình thường. Chị nói: "Đôi vợ chồng nào cũng phải sống, phải làm việc, chẳng có gì khác nhau cả. Cái đặc trưng của nghề viết là cần thời gian riêng tư để sáng tác. Điều này cả tôi và anh ấy đều hiểu nên dễ thông cảm cho nhau hơn. Còn để gìn giữ hạnh phúc gia đình thì trước hết, người phụ nữ phải là người hoàn thành thiên chức của người vợ. Phải tôn trọng, nể nang nhau, đừng áp đặt cái cá tính của mình vào". Thanh Mừng có câu thơ, anh đọc lên: "Mỗi ngày sợ vợ một lần/ Sợ rồi mới biết phải cần sợ thêm/ Sợ ngày rồi lại sợ đêm/ Sợ xanh con mắt, sợ mềm… đôi chân". Đọc xong cả nhà cười rũ rượi. Giờ thì tôi nhận ra, cuộc sống vợ chồng có được hạnh phúc cũng là một nghệ thuật.

"Song bút hợp bích"

Nguyễn Thanh Mừng sinh năm 1960 tại huyện Hoài Ân, còn Huyền Trang sinh tại huyện Phù Cát nhưng quãng thời thơ ấu và thời thiếu nữ sống ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn. Cả hai đều tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế, chồng trước vợ sau. Cả hai đều về quê hương lập nghiệp và thành danh. Có thêm một điểm chung của đôi "song bút Mừng – Trang" ngoài tình yêu văn chương là tình yêu đối với đất An Nhơn. Nơi có thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế giờ đã trở thành di tích. Xóm xưa Huyền Trang ở là xóm Hoàng Thành Bắc, một cái tên mang trầm tích đất Vua. Mái trường đời đầu tiên của chị là đây. ở đó, các thầy dạy cho chị biết sự thanh cao của trời xanh mây trắng. Mảnh đất An Nhơn đã đi vào máu thịt của chị từ những truyền thuyết về nghĩa quân Tây Sơn đến những chiến tích còn đậm dấu ấn đến giờ. Mà Mừng thì yêu mảnh đất ấy, ao ước nghiên cứu về những tầng sâu văn hoá của Bình Định nói chung và An Nhơn nói riêng. Hai người đã gặp nhau ở điểm này, vì thế mà luôn có những công trình nghiên cứu hai vợ chồng đứng tên, đầy giá trị về đất và người Bình Định. Tiêu biểu là cuốn Văn hoá dân gian vùng thành Hoàng Đế.

Đã qua rồi buổi vợ chồng thi sĩ lóc cóc đèo nhau trên chiếc xe đạp đi nghiên cứu ở các vùng quê. Buổi trưa lại ghé vào một gốc cây nào đó giở nắm cơm ra ăn, nhìn nhau cười. Giờ có phương tiện xe máy, đi vèo vèo trong gió. Hai vợ chồng luôn thèm đi, để khi ra bên ngoài thanh âm cuộc sống ùa vào, như tiếng gọi đòi hồi âm. Và như thế là một niềm hạnh phúc vì được làm việc, cống hiến, sáng tạo. Văn đàn đã công nhận, gọi cả Trần Thị Huyền Trang và Nguyễn Thanh Mừng là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá. Tất thảy đều đúng, bởi ở từng lĩnh vực, mỗi người đều đã có thành quả đẳng cấp. Thế nhưng, một phong cách lục bát Nguyễn Thanh Mừng và một phong cách truyện ngắn Trần Thị Huyền Trang thì rõ ràng đã tạo được dấu ấn riêng của mỗi người.

Văn chương Nguyễn Thanh Mừng có cái mạnh là độ kết tinh của trầm tư uyên bác và bụi bặm có thừa, nét riêng của Trần Thị Huyền Trang là bóc tách chi tiết một cái kết tinh đến tài tình. Họ đều thành công nhưng mỗi người một "thế võ" khác nhau. Họ quan niệm cái nào ra cái nấy, vợ chồng là vợ chồng, văn chương là văn chương. Lúc làm việc coi nhau là đồng nghiệp, xong công việc là tình cảm vợ chồng. Chồng bổ sung cho vợ và vợ giúp đỡ chồng. Vì thế thành quả ngày càng dày, tác phẩm "sòn sòn" ra đời.

Có một điều là hiện nay Nguyễn Thanh Mừng kiêm nhiệm nhiều chức vụ quá. Nào là Ủy viên BCH Trung ương Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Ủy viên Ban liên lạc các nhà văn miền Trung, Ủy viên Ban kiểm tra Hội VHNT các dân tộc Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Bình Định, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Định… Công việc bận như vậy nên có phần lơ là công việc gia đình. Nhưng Mừng yên tâm vì có một người vợ luôn biết lo cho gia đình, chồng con. Riêng đợt chị đi học cao học ngoài Hà Nội, chị phải nhờ một chị giúp việc thi thoảng qua nhà giúp chồng mình lau dọn nhà cửa, nấu cơm.

Cuộc sống vất vả là như vậy, nhưng Huyền Trang lạc quan, coi đó là muối của cuộc đời. Chị từng nói: "Nếu không có chồng và con, tôi sẽ sống thế nào nhỉ! Chắc là rất tẻ nhạt. Nếu nói là những công việc chuyên môn, việc gia đình không ảnh hưởng gì đến chuyện viết lách thì cũng không phải, nhưng tôi nghĩ, một khi đã ấp ủ điều muốn nói với cuộc đời, thì không có bận bịu nào ngăn lại được. Cũng như tình yêu, có ai bận quá mà không tỏ tình được không? Nghiệp viết cũng vậy, trong đó hàm chứa cả tình yêu và trách nhiệm". Đó cũng là lý do nhiều đêm chị thức suốt để viết, chỉ chợp mắt vài tiếng. Và thành quả là những trang viết chất lượng.

Thành quả đôi vợ chồng "song bút hợp bích" là cả hai đều nhiều lần nhận giải A giải thưởng Xuân Diệu – Đào Tấn, giải thưởng Liên hiệp VHNT toàn quốc, Nguyễn Thanh Mừng đã đoạt giải thơ hay, Trần Thị Huyền Trang đã đoạt giải B truyện ngắn của Báo Văn nghệ. Lại nữa, đôi vợ chồng này còn thường được lĩnh những cái "siêu nhuận bút" đều đều khắp nơi. Họ yên tâm sống được bằng nghề chữ nghĩa và khẳng định cái tài, cái tình của mình trong làng văn nghệ nước nhà.

Tôi hỏi vui Huyền Trang: "Vợ chồng anh chị có khi nào mất đoàn kết nội bộ?". Mừng chen vào nói trước: "Câu hỏi xưa như trái bưởi, vợ chồng mà không có lúc "mất đoàn kết" sao gọi là vợ chồng. Vấn đề là phải tìm ra cách giải quyết để chung sống hòa bình!". Câu nói khiến cả chủ và khách đều cười vang. Tôi thấy anh thật hiền, hiền khô như tâm hồn người Bình Định muôn đời như vậy.

Sớm sau, tôi bắt xe rời Bình Định, Nguyễn Thanh Mừng gọi điện chúc tôi lên đường bình an, đồng thời hớn hở khoe: "Thằng cu nhà anh đỗ đại học rồi". Tôi mừng cho anh, mừng cho đôi vợ chồng nhà văn có thêm một niềm vui mới, là kết qủa của những ngày làm việc nghiêm túc và chung thủy sống bên nhau, vun đắp cho nền tảng gia đình.

Diên Khánh – CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *