Bức họa “Người đàn bà nằm khỏa thân” có số phận khá long đong trong lịch sử hội họa thế giới. Trong suốt bảy thập kỷ, nó đã bị coi là mất tích, còn hiện nay được coi là viên ngọc của triển lãm tranh Gustave Courbet (1819-1877, họa sĩ Pháp), đang diễn ra từ ngày 1/1/2007 tại nhà triển lãm Paris Gran – Pale.
Triển lãm đã trưng bày hơn 100 tác phẩm của Courbet. Trong số đó có kiệt tác huyền thoại “Nguồn gốc thế giới” được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân và trong suốt 120 năm – cho tới năm 1995, chưa được ra mắt công chúng. Còn “Người đàn bà nằm khỏa thân” được Courbet sáng tác năm 1862, lần cuối cùng được trưng bày cho công chúng xem năm 1940, tại Bảo tàng Nghệ thuật tạo hình Budapest.
Cũng như “Nguồn gốc thế giới”, tác phẩm này lúc bấy giờ thuộc về nhà băng kiêm doanh nhân người Hungary Ferents Hatvani. Ông không chỉ là nhà sưu tầm mà còn là một họa sĩ nghiệp dư. Hatvani vốn mến mộ trường phái hội họa Pháp: Ingres, Delacroix, Corot, Manet, Renoir, và tất nhiên là cả Courbet. Và nếu “Người đàn bà nằm khỏa thân” được trang trí tại salon biệt thự của ông ở Budapest, thì “Nguồn gốc thế giới” được treo ở trong phòng tắm.
Trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nam tước Ferents Hatvani giấu những kiệt tác vô giá trong các kho chứa của Ngân hàng Hungary. Ông và gia đình may mắn trốn thoát bọn phát xít.
Các nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng những bức tranh này được các chiến sĩ hồng quân Liên Xô phát hiện sau khi giải phóng Budapest vào tháng giêng năm 1945. Các nguồn tin ở Hungary nói tới một vị đại tá Liên Xô nào đó tên là Susmanovich, người dường như chỉ huy việc thu hồi chiến lợi phẩm nghệ thuật.
Câu chuyện tiếp theo của các kiệt tác hội họa này không được làm rõ hoàn toàn. Theo một giả thuyết, bức “Nguồn gốc thế giới” được chính Ferents Hatvani chuộc lại ở các cán bộ chỉ huy quân đội Liên Xô năm 1946 trong những hoàn cảnh không rõ ràng.
Riêng bức “Người đàn bà nằm khỏa thân” thì nghe đâu nó được các chiến sĩ Hồng quân Nga tặng cho một bác sĩ nông thôn người Slovakia vì đã có công cứu chữa những người lính bị thương.
“Đây là món tiền viện phí lớn nhất trong lịch sử y học – Tờ báo Anh Independent cho biết – Nếu những người lính đó không tặng bức tranh cho vị bác sĩ, thì hôm nay có lẽ nó đang được treo tại Bảo tàng Pushkin ở Moskva”. Quả thật, một số tác phẩm trong bộ sưu tập của Hatvani hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật mang tên Pushkin.
Một thời gian khá lâu vị bác sĩ cất bức tranh này trong ngôi nhà của mình ở ngoại ô Bratislava. Các con ông quyết định bán nó và qua một nhà chơi tranh tài tử đã tìm đến chợ đấu giá Christie’s.
Tại đây chuyên gia Daniella Luxemburg, người chuyên tìm kiếm những bức tranh bị biến mất trong bộ sưu tập của Ferents Hatvani (qua đời năm 1958), đã nhìn thấy bức tranh.
Rốt cuộc là mãi tới năm 2005, các hậu duệ của vị bác sĩ mới trả lại “Người đàn bà nằm khỏa thân” cho những người thừa kế của nhà sưu tầm Ferents Hatvani hiện sống ở London với số tiền thù lao 1 triệu USD. Hiện nay tác phẩm này được định giá 10 triệu USD.
Triển lãm tranh Courbet còn giới thiệu một tác phẩm nuy nữa “Những cô gái đang ngủ”, mô tả hai cô gái đang ôm nhau nằm ngủ trên tấm vải trải giường mềm mại.
Tác phẩm này được nhà danh họa nổi tiếng, người tham gia Công xã Paris và sáng lập trường phái hội họa hiện thực, sáng tác vào những năm 60 của thế kỷ XIX theo đơn đặt hàng của nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Halil-Bey. Một thời gian nhà ngoại giao này là đại sứ của quốc gia Ottaman ở Sain-Peterburg, sau đó ông chuyển đến Paris.
Có tin đồn rằng trong một nhà thổ ở Peterburg, Halil-Bey bị lây bệnh và không chữa khỏi. Bệnh tật đã cướp mất niềm vui xác thịt của ông. Vì vậy, ông bắt đầu sưu tầm các tác phẩm hội họa nhắc ông nhớ tới những năm tháng hạnh phúc tại thủ đô phương bắc của nước Nga.
Các nhà phê bình nghệ thuật Pháp cho rằng, người làm mẫu cho các tác phẩm nuy của Courbet là cô gái Anh Joanna Hiffernan, bạn gái của họa sĩ Mỹ James Whistler, học trò của Courbet. Khi nhìn thấy tình nhân của mình trong “Nguồn gốc thế giới”, anh chàng người Mỹ này hóa điên và cắt đứt quan hệ với thầy của mình
Theo Trần Duy Anh – CAND Online