Trong nhà, bước qua cái hiên nhỏ rồi đến cái sân. Không biết sân có từ bao giờ nhưng dường như từ khi có nhà đã có sân – đó là khoảng trống cần thiết để hứng không gian sống cho cả ngôi nhà. Xưa, nhà giàu thì có sân gạch rộng, nhà nghèo thì chỉ có sân đất nho nhỏ, chứ không có sân bê tông phẳng đẹp như bây giờ.

Bố kể, cụ nội tôi khi còn sống, cứ tắt nắng chiều là lệ khệ khiêng cái chõng tre ra sân, không quên đem theo cái quạt nan và bộ chén tích, với cái điếu cày. Rít xong hơi thuốc, thưởng ngụm vối thơm, cụ ngồi ngâm nga câu Kiều, tay phe phẩy quạt, ra chiều thú lắm. Nhất là khi có các cụ “bạn già” đến chơi, bàn cờ tướng được đem ra, các cụ vừa đánh cờ vừa bàn chuyện Tam Quốc, thì cả khoảng sân như thanh tao hẳn lên. Khi không còn nhìn rõ mặt quân cờ, các cụ mới tạm cất bàn cờ, cũng là lúc cụ bà bưng lên nồi khoai luộc còn nóng hổi…

Trong ký ức tuổi thơ của mình, tôi nhớ nhất sân nhà trong những đêm trăng. Trăng lên, sân nhà ngan ngát hương cau. Bóng cau đổ xuống mặt sân khẽ lay động theo từng cơn gió, không gian trở nên mát rượi, thoáng đãng. Cả nhà trải chiếu ra sân hóng gió. Người lớn mải bàn chuyện mùa vụ, chuyện làng trên xóm dưới, còn trẻ con dăm ba nhà tụ tập chơi đủ mọi trò, sân nhà chộn rộn huyên náo, ngập tiếng cười nói, và cả tiếng chí chóe cãi nhau… Chơi mệt, đứa nào đứa nấy về nằm gối đầu lên lòng bà, lòng mẹ, dỏng tai hóng chuyện người lớn rồi ngủ quên giữa sân lúc nào không biết, mặc lọn tóc hoe vàng phơ phất dưới trăng…

Trước sân, nhà nào cũng có một đống rơm to, gọn gàng. Ảnh: Thu Ngà.

Sớm mùa hè mát rượi, mẹ không quên gọi mấy anh em dậy sớm học bài. Những khi ấy, ôm quyển sách ra sân, vừa đọc vừa ngáp, chỉ mong nhanh đến lúc được nghe mẹ gọi lấy chiếu ra sân trải để chuẩn bị ăn cơm. Ăn xong, trẻ con chúng tôi được giao nhiệm vụ quét sân lại một lần nữa cho sạch, để bụi bặm không từ sân cuốn theo gió vào nhà. Mẹ thường bảo là con gái, không chỉ quét sạch nhà mà còn phải sạch sân, sạch ngõ mới là con gái đảm. Ai mà để “sân mọc cỏ, ngõ mọc rêu” thì có xinh xắn đến mấy cũng bị cho là đoảng, vì vào ngõ, vào sân trước mới đến vào nhà…

Những khi mùa vụ, sân nhà bỗng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Bao nhiêu thóc lúa đồng xa đồng gần đội về xếp đầy một sân. Trăng sáng vằng vặc, cả nhà trải lúa mới gặt ra phủ kín sân rồi bố kéo, mấy mẹ con túm vào đẩy cái trục đá lăn vòng quanh khắp sân cho rụng hạt, kịp sáng hôm sau phơi. Sân nhà, bỗng trở thành minh chứng cho bao mùa vụ, bao thành quả, mồ hôi lao động như thế. Nhớ cả những hôm trời mưa to, cá mừng nước lớn, vượt ao nhoai đầy lên mặt sân. Anh em chúng tôi đội mưa ra bắt, lấy làm hứng chí lắm, để đến tận bây giờ, mỗi lần mưa to vẫn bất giác nhìn ra sân…

Sân nhà cũng là nơi ông, bố, các cô chú rồi đến anh em chúng tôi tập chạy những bước đầu tiên, là nơi hồi hộp ngồi lên chiếc xe đạp, xe máy để tập đi, là nơi chứng kiến những vui buồn lớn nhất của đời người. Mọi cuộc giỗ chạp, hội họp lớn nhỏ, những sự kiện trọng đại đều phải cần đến cái không gian rộng của sân. Cái sân ấy, là nơi tổ chức đám cưới, cũng là nơi chứng kiến những sinh ly tử biệt thắt lòng. Sân nhà cũng dãi dầu mưa nắng, hứng đủ cả mồ hôi, nước mắt, nụ cười, bỗng trở nên gắn bó bởi sự sẻ chia thầm lặng… Rộng hơn, cao hơn sân nhà là sân đình, sân chùa – đó là những không gian thiêng, chứng kiến những sự kiện trọng đại của cả một cộng đồng.

Phố chật, người đông, nhà san sát, mở cửa ra là đường… Tôi chạnh lòng khi nhìn những đứa trẻ không có một mét vuông sân để chạy cho thỏa bước chân, chứ đừng nói đến vui đùa; chạnh lòng khi nhìn cụ già ngồi sau cửa kính, không dám mở cửa vì sợ bụi và ồn… Chợt thắt lòng thương nhớ sân nhà quê xa…

Theo Như Quỳnh – Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *