Bao lớp người của làng tôi lớn lên, ra đi. Mỗi lần hoài nhớ về cái xóm nhỏ heo hút của mình là không ít người bắt gặp hình bóng của ông Năm Eo. Cái hình ảnh đó rõ ràng, cụ thể đến nỗi đôi lúc người thân của mình cũng không rõ bằng. Bởi vì ông Năm có nhiều cái lạ, cái khác thường so với đời sống của cư dân làng tôi.

Giờ đây, sau 30 năm thoát ly khỏi đời sống cũ, tôi ngồi viết những dòng này mà trong trí óc tôi, hình ảnh ông Năm Eo cứ rõ mồn một. Đó là một ông già cao lêu nghêu, nước da nâu bóng. Quanh năm suốt tháng, ông chỉ vận độc nhất một bộ đồ, đó là cái quần cụt dài đến đầu gối và chiếc áo "xà xẩu" đen. Đó là nói lúc ông Năm đi đám đình, giỗ chạp; chứ ngày thường, ông chỉ mặc một cái quần ngắn và đội một cái nón lá tơi. Dù cho trời tháng ba nắng như đổ lửa, ông Năm vẫn cởi trần như thể làn da nâu bóng của ông đã thay cho chiếc áo.

Nhà ông ở cách nhà tôi chừng non cây số, ông lại là bạn nối khố với ba tôi nên giao tình giữa hai nhà khá thân mật. Ông Năm thường đến nhà tôi chơi, ăn cơm với ba tôi, và chẳng bao giờ tôi thấy ông Năm uống nước. Đang cuốc rẫy, phát ruộng, hễ khát là ông tu vài ngụm rượu đế trong cái chai luôn kè kè bên hông. Mỗi bữa cơm, ông phải uống nửa lít rượu mới đã cơn ghiền. Tôi rất thích nhìn ông ăn cơm, ông ăn ớt như ăn rau. Trái ớt sừng trâu to cỡ ngón tay, ông cắn một cái là hết nửa trái. Mà nào chỉ có ghiền rượu, ông Năm còn nghiện thuốc, nghiện trầu. Ông hút thuốc gò, mỗi điếu to bằng ngón tay cái, lại còn xỉa thuốc và miệng lõm bõm nhai trầu suốt ngày. Có người bảo trong người ông không có nước, chỉ có rượu, thuốc, trầu mà thôi. Vậy mà lạ lùng thay, ít ai thấy ông Năm bệnh! Đến hơn 90 tuổi, tóc ông vẫn xanh um như thanh niên 20 tuổi. Người làng tôi đặt tên con là Hường, Lan, Cúc… còn tên của các con ông nghe lạ lùng và thật buồn cười : Lài Hiếm, Xá Kiếm, Xí Hẩu… Ở ông, cái gì cũng lạ, cũng khác người. Thời đó, nhà nào cũng nuôi trâu và người ta làm ruộng bằng cách dùng trâu cày bừa, còn ông Năm thì vẫn giữ cách làm cũ là phát cỏ cấy nọc. Mỗi năm, nông dân chỉ đắp bờ ruộng một lần vào mùa sa mưa, còn ông Năm thì tu bổ bờ ruộng suốt năm. Đã thế, ông còn lấy chày vồ nện đất đến nhẵn bóng. Mỗi lần trâu của ai lỡ lội sạt bờ ruộng là ông đào mồ cuốc mả cái thằng giữ trâu ấy. Thế là xung đột thường nổ ra giữa bọn trẻ giữ trâu với ông Năm. Chúng ghét ông! Bữa nào biết ông không có ở nhà, chúng lùa trâu vào dẫm mấy cái bờ ruộng rồi sau đó nghe ông chửi bằng một thứ tiếng nửa ta nửa Tàu nghe rất buồn cười : "Hụ bó, nị pắt liệc ngộ, nị lánh chít mẹ lun!".

Khác hơn thái độ của bọn trẻ, người lớn trong làng tôi không đem những cái khác thường của ông Năm ra làm trò cười, mà họ còn quý ông. Mỗi lần đến thăm nhà tôi, đi ngang đám ruộng, thấy bờ ruộng nào có lỗ mọi là ông nhảy xuống đào, đắp cho đến hết nước rỉ thì thôi. Có những lỗ mọi phải đắp cả buổi trời, đắp xong là đã xế trưa, thấm mệt, không còn hứng thú đi thăm ai nữa, ông Năm quày về. Còn chủ ruộng thì không biết ai đã xử lý lỗ mọi đó giùm mình. Làng tôi có một con đường chung, ai cũng đi, nó không của riêng ai. Thế nhưng, đối với ông Năm, nó giống như là tài sản của riêng ông vậy. Mỗi lần rỗi việc là ông xách cái ki, cái cuốc đi lấp những ổ gà giữa trời nắng chang chang rồi lẩm bẩm : "Mấy lỗ hang này làm mấy đứa con nít đi té chết!".

Ông Năm còn một cái tên kỵ húy khác mà đám trẻ chúng tôi không dám gọi : Chệt Eo! Cái tên đã chỉ rõ nguồn gốc của ông. Ông Năm từ bên Tàu quảy ui ná theo thương thuyền Hải Nam sang đây từ thời tráng đinh (khoảng 17 – 18 tuổi gì đó). Lúc đầu, ông tìm kế sinh nhai bằng việc gánh hai cái cần xé, một đầu là bán cao đơn hoàn tán, một đầu là thu mua ve chai lông vịt. Một bận, khi vào đến cái chòm nhà 5 – 6 cái của ấp Bờ Xáng này mua bán, ông đã phải lòng bà Năm. Bà Năm là người Việt chính tông, theo ông già và hai người em từ miệt Tiền Giang về đây khai khẩn đất mới được vài năm. Thuở ông Năm Eo vào làm rể thì vùng này chưa hình thành làng xóm, chỉ có vài căn nhà cất tạm bợ. Toàn vùng này từ sông Bạc Liêu đổ ra vùng Xiêm Cán cho đến sát nách chợ Bạc Liêu đều là đất hoang, mênh mông đồng cỏ. Chỉ có ven sông Bạc Liêu (lúc đó Pháp chưa cho xáng đào, còn nhỏ và ngoằn ngoèo) và mép biển Đông thì mới có những hàng mắm, vẹt… to bằng hai người ôm. Còn lại là một cánh đồng bao la, chỉ có cỏ năn mọc cao đến ngực, vài con lung ngoằn ngoèo, nhìn mút con
mắt cũng không thấy nhà. Hồi nhỏ, trong những bữa nhậu lai rai, tôi nghe ba tôi và ông Năm kể vùng này chỉ có bọn trộm trâu, bọn cướp sông trú ngụ. Chúng đón ghe thương hồ cướp giữa ban ngày, ban đêm thì chúng lùa trâu ở vùng khác về đây cầm và đem bán. Có lẽ vì thế mà ít người đến khai hoang. Đất chỉ để hoang cho chim, cò làm tổ và sinh sôi. Mãi đến sau này, khi tôi lớn lên (khoảng năm 1967 – 1968) mà vẫn còn nhiều vùng đất hoang ở xứ Xóm Lá, Công Điền… Xứ này cá mắm, lươn, rắn vô số kể và rất khó làm ruộng. Thế nên, những người đến đây sống bằng nghề nuôi vịt đẻ hay cầm trâu. Họ cắm vài trăm công đất vô chủ để phòng thân, chứ ít ai làm ruộng, rẫy…

Khác hơn người Việt, 20 công đất bây giờ của ông Năm là do ông già vợ cho. Ông Năm không cặm ranh giành đất như dân khẩn hoang làm, mà chỉ tìm cho mình 5 công đất gò cao rồi canh tác trên đó. Và cái nghề chính suốt đời của ông Năm là trồng rẫy. Việc này kể cũng lạ. Lúc bấy giờ, người Hoa từ bên Tàu qua, từ Sài Gòn cù lao phố xuống, họ thường tập trung ở chợ búa và vào hội kín kèo xanh, kèo vàng để tranh giành ảnh hưởng thị trường làm ăn, lo việc khuếch trương thương mại (như mua bán, lập chành lúa, xưởng dệt… ). Nếu nghèo nữa thì gánh cần xé bán cao đơn hoàn tán và nhuộm quần áo. Vậy mà ông Năm thì lại đi làm rẫy (?). Ông Năm nói rằng, người Hoa rất kỹ lưỡng trong việc chọn nghề. Cái gì mình biết rành, có nghề thì mới dám làm. Dòng tộc của ông ở Phúc Kiến (Trung Quốc) làm rẫy đã nhiều đời, thế nên ông sang Việt Nam cùng với "bí kíp võ công" của mình. Nhắc mới nhớ, hồi ông mới vào ở rể, trong chiếc ui ná của ông có một gói bằng vải nhiễu đỏ. Ông bảo đó là của cải của phụ ấm và kiên quyết không cho vợ con đụng tới. Thế là cả làng kháo nhau ông Chệt Eo chắc có vàng bạc, của cải hồi môn nhiều dữ lắm! Cho đến một ngày, ông Năm làm lễ khai nghề rẫy và lập bàn hương án giữa trời, giữa rẫy, làm một con gà cúng Quan Đế thánh quân, Thổ công và cả cái gói đo đỏ ấy, lúc ấy, người ta mới té ngửa ra, trong đó chỉ đựng một nhúm hạt rau, cải (gồm cải tùa xại, rau cần, hẹ… ).

Ông Năm lao động dẻo dai, ăn uống kham khổ, quyết chí dựng nghiệp đến cỡ trai làng Bờ Xáng phải bái phục. Trời nắng đổ sao, một tấm lưng trần, một nón lá tơi, ông Năm gánh một buổi 150 đôi nước đi xa cả công đất để tưới rẫy, mà lại ăn rất ít. Mỗi lần cắn một miếng xá bấu (củ cải muối) là ông phải húp cho xong một chén cháo đang nóng bốc khói. Bọn trẻ chúng tôi nhìn mà le lưỡi lắc đầu. Khúc xá bấu còn lại, ông chừa cho buổi ăn cháo sáng ngày mai.

Kỹ thuật trồng rẫy của ông Năm hoàn toàn trái với kinh nghiệm cổ truyền của người địa phương. Ví như người ta tưới nước vào lúc sáng sớm hay chiều mát, còn ông thì tưới lúc trưa nắng. Vậy mà rau, khoai của ông xanh tốt lạ lùng, ai nhìn cũng thấy ham. Liếp cải thẳng thớm đẹp mắt, chất lượng nông phẩm thì tuyệt vời. Người sở tại trồng những cây rau truyền thống như cải xà lách, rau muống, bí rợ, bí đao, khoai môn… Nhưng từ ngày có ông Năm, nông phẩm xứ này trở nên vô cùng phong phú. Những loại rau, khoai rất lạ như rau cần, ngò rí, hẹ, khoai mỡ… được bổ sung vào danh mục nông sản địa phương. Nó vừa lạ lại vừa ăn rất ngon. Ông Năm bảo : "Giống ở bên Tàu đưa sang xem mòi rất chịu đất mới này". Người ta bảo người Tàu hay giấu nghề, nhưng ông Năm thì ai xin giống rau, khoai gì cũng cho, thế cho nên, xứ này nông phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc phát triển rất nhanh. Ông Năm làm ăn theo kiểu "tự sản tự tiêu", đây có lẽ là máu buôn bán của người Tàu. Thời gian rảnh, ông gánh hai cần xé, một đầu là cải, hẹ, một đầu là khoai mỡ, khoai từ đi bán ở chợ Bạc Liêu và khắp hang cùng ngõ hẻm.

Các nhà nghiên cứu tiến trình khẩn hoang Nam bộ thường có nhận định : "Người Hoa có vai trò rất quan trọng trong việc khuếch trương thương mại, mở rộng mua bán. Đó là yếu tố quyết định hình thành phố chợ, trung tâm mua bán sầm uất ở Nam bộ". Và giờ đây, khi nói về ông Năm Eo, tôi lại bắt đầu nhận thấy phải bổ sung nhận định đó về vai trò của người Hoa trong cuộc khẩn hoang Nam bộ. Không chỉ làng tôi có ông Năm Eo, mà ở các xóm làng heo hút vùng quê tôi, đặc biệt là vùng đất giồng ven biển Đông của thị xã Bạc Liêu, người khách trú từ bên Tàu nhập cư qua từ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX rất đông. Họ là nhóm người giống như ông Năm Eo, không tham gia thương trường, chợ búa, mà vào các vùng nông thôn hoang vắng để khẩn hoang cùng người Việt. Họ đi đến đâu là nghề canh tác trên đất khô phát triển đến đó. Vùng rẫy của Thào Lạng, Vĩnh Trạch, Giồng Giữa… từ lâu đã nổi tiếng khắp Bạc Liêu, còn Giồng Nhãn Bạc Liêu thì vang danh khắp cả Nam Kỳ lục tỉnh.

Vào nửa đầu thế kỷ 20, Nam bộ có nhiều vùng rẫy rất nổi tiếng như khóm Ba Đình, khoai lang Trà Ban, nhãn Bạc Liêu… Trong sách xưa và cả trong truyền khẩu dân gian thời bấy giờ, người ta gọi những vùng rẫy cực đẹp ấy là "rẫy chệt" và gọi những người khách trú trồng rẫy là "chệt rẫy". Những vùng rẫy ấy có một yếu tố rất đặc biệt. Đó là sự giao thoa kinh nghiệm canh tác cổ truyền của ba lực lượng quan trọng nhất đến khẩn hoang Nam bộ. Người Khmer Nam bộ bản địa vốn có kinh nghiệm trồng trọt trên đất khô từ rất lâu đời và nổi tiếng với cây khoai môn; người Việt từ miền Trung vào với kinh nghiệm trồng trọt hàng ngàn năm; và người Hoa mang kinh nghiệm trồng rẫy từ Trung Quốc đến. Ba dòng kinh nghiệm trồng tỉa ấy đã điều hợp và nâng lên trong qu&aacut
e; trình lao động, học hỏi. Vì vậy, những vùng "rẫy chệt" trở nên cực kỳ đẹp, phong phú về chủng loại là chuyện tất nhiên. Ngay từ đầu thế kỷ XX, xe đò, ghe thương hồ đã về vùng Bạc Liêu chở những rau, củ, quả lên Sài Gòn. Điều đó chứng tỏ vùng rẫy này đã có nền kinh tế hàng hóa rất sớm. Và vai trò của những dị nhân như ông Năm Eo đã góp phần rất quan trọng trong việc khẩn hoang, mở rộng ngành nghề trồng trọt, để hôm nay chúng ta có một Đồng bằng sông Cửu Long với trái ngọt, cây lành.

Ông Năm Eo qua đời vào năm 2003, thọ 97 tuổi. Vì mối giao tình cũ nên tôi về dự đám tang ông một ngày một đêm. Khi tôi đến nhà ông thì chưa tới giờ khâm liệm, người viếng rất đông, nhưng ít thấy người Hoa, toàn bà con người Việt. Ông Năm nằm đó, tóc vẫn xanh như trai trẻ, mặt đầy đặn và bình yên như nằm ngủ, như thể ông rất yên tâm về cõi vĩnh hằng giữa lòng đất Việt đã yêu thương, cưu mang, nuôi nấng ông gần trọn một đời.

PHAN TRUNG NGHĨA – SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *