Trong truyện Tuổi thơ, Leo Tolstoy miêu tả vị gia sư Karl Ivanitch : “Kính cỡi trên mũi, sách trong tay, thầy ngồi ở chỗ thường ngày vẫn ngồi, giữa cửa sổ và cửa cái. Bên trái cửa cái là hai kệ sách, một của chúng tôi, sách cho trẻ con; còn kệ sách kia là sở hữu đặc biệt của thầy Karl Ivanitch. Trên kệ sách trẻ con thì có đủ loại sách – sách học và đủ thứ khác : quyển thì đứng ngay ngắn, quyển thì nằm ườn ra. Chỉ có hai tập của bộ “Lịch sử du hành” đóng gáy đỏ là còn nguyên phong độ, đứng tựa đàng hoàng vào bức tường; còn lại những quyển khác, nào quyển to quyển nhỏ, quyển ngắn quyển dài, quyển có bìa quyển không bìa. Tất cả đều chồng chất lên nhau thành từng đống, nằm ở chỗ mà chúng tôi bỏ đại nơi đó khi thầy Karl Ivanitch bảo chúng tôi cất sách ngăn nắp vào thư viện trước khi ra chơi. Thầy gọi cái kệ sách là thư viện”.
 

Đó là hình ảnh đầu tiên in đậm trong ký ức tuổi thơ của nhà văn thuộc hàng vĩ đại nhất của nhân loại, tác giả hai bộ sách được coi là “phải đọc” trong đời của mỗi con người là Chiến tranh và Hòa bìnhAnna Karenina.

Trong quyển sách viết vào cuối đời, có tính tự truyện của ông – Tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi trẻ – Leo Tolstoy nhớ về vị gia sư như thoáng hiện của người mẹ và người cha mà ông đã mất từ nhỏ. Ở chương đầu, cậu bé Vladimir Petrovitch không chịu ra khỏi giường vào buổi sáng, bị mắng là “lười biếng”, nhưng cậu vẫn nằm trên giường mà khóc. Thầy Karl đến, cậu bé nói với thầy là cậu khóc vì chiêm bao thấy ác mộng. Cậu thấy má chết, bị khiêng đi chôn. “Tôi xạo ra thôi, vì tôi không thực sự nhớ là mình đã chiêm bao thấy gì vào đêm đó. Nhưng khi thầy Karl Ivanovitch xúc động vì câu chuyện của tôi, bắt đầu vỗ về an ủi tôi, thì tôi có cảm giác như mình đã thực sự thấy những hình ảnh khủng khiếp ấy, và nước mắt tôi lại tuôn trào vì lý do khác”.

 

Khi vào phòng học, thầy Karl Ivanitch chuyển từ người mẹ dịu dàng đầy cảm thông thành một người cha nghiêm nghị trí thức. Khi viết truyện, Leo Tolstoy “dường như nhìn thấy trước mặt (…), thầy ngồi bên cạnh cái bàn nhỏ (…), một tay cầm sách, một tay đặt trên tay ghế” . Người thầy “dành phần lớn thời giờ đọc sách” ấy không phải là thần tượng tuổi thơ của cậu bé quí tộc. Cậu nhớ về ông với nhiều chi tiết khác không được tôn kính lắm, nhưng chắc chắn, thầy đã ảnh hưởng quan trọng đến cuộc đời cậu, vì vô tình hay có ý thức đã nhập tâm cậu bé hình ảnh một người trí thức đọc sách. Thầy không phải là “khuôn mẫu” mà cậu bé rắp tâm noi theo, và sau này, sự nghiệp Leo Tolstoy ngày càng lớn lao, vượt xa và khuất lấp hẳn người thầy cũ. Tôi tin chắc rằng chính hình ảnh người đọc sách trong tuổi thơ Leo Tolstoy đã được phóng chiếu thành tầm vóc nhà văn khi trưởng thành.
 

Sách được coi là những tấm gương soi mà trẻ em nhìn vào để nhận thức bản thân mình. Sách cũng là những cửa sổ cho trẻ em nhìn ra thế giới. Trong thế giới nhiều phương tiện truyền thông và giải trí mà chúng ta đang sống, sách không là tấm gương soi duy nhứt hay cửa sổ duy nhứt cho trẻ em phát triển nhân cách và trí tuệ. Đối với nhiều người đang lớn thời này, hình ảnh trong ký ức tuổi thơ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời họ bây giờ và sau này là một người ngồi trước cái máy truyền hình hay máy tính. Họ có thể trở không trở thành nhà văn (ai muốn trở thành nhà văn chứ!) nhưng có thể trở thành chuyên viên lập trình, nhà kinh doanh trên mạng, và có thể sẽ có những người thành công ngang tầm một Leo Tolstoy trong lĩnh vực công nghệ truyền thông – giải trí. Quyển sách hay màn hình (TV, máy tính, ipad, e-book, cả điện thoại di động hay các thiết bị điện tử đang đua nhau ra đời và luôn cải tiến) đều là công cụ với những hình thức và tên gọi khác nhau, mà chính việc sử dụng cùng nội dung công cụ ấy chuyển tải mới quyết định hiệu quả tác động lên người sử dụng.
 

Cho nên, tôi không hăng hái cổ vũ hình ảnh người đọc sách (giấy) mặc dù tôi sống nhờ việc bán những cuốn sách ấy. Thú thật nhiều năm nay, tôi đọc sách điện tử (kindle) và đọc trên máy tính nhiều hơn đọc sách giấy. Chỉ những tài liệu hay tác phẩm nào tôi thực sự quan tâm nhưng không có văn bản được số hóa thì tôi mới đọc trên giấy. Nhiều khi nhìn cái “gia tài sách” tôi tích cóp gần cả đời trên kệ sách gia đình, tôi trải qua những cảm xúc đầy mâu thuẫn. Chúng hiện diện trong thân thiết lẫn trong lãng quên. Tôi không thể hình dung không gian sống của mình không có những quyển sách mà chạm đến là ký ức bùng lên. Nhưng thực tế là những quyển sách ấy đã không hề được chạm đến nhiều năm qua.
 

Quyển tự điển Oxford này tôi mua giá 16 đồng năm 1976 bằng tiền học bổng tháng đầu tiên tôi vào đại học (18 đồng) và suốt 4 năm là sinh viên khoa Anh, rồi 15 năm là giáo viên tiếng Anh, và nhiều năm nữa làm công việc dịch thuật, tôi đã lật tới lật lui từng trang cuốn tự điển gần như mỗi ngày. Có cái gì thân thiết, gần gũi với tôi (và đóng vai trò quyết định đối với nghề nghiệp của tôi) hơn cuốn sách đó? Nhưng mười năm gần đây, tôi hầu như chỉ tra tự điển điện tử trong máy tính hay trên mạng. Đâu phải là sự bội bạc, mà là sự tất yếu phải tiến theo dòng chảy của khoa học kỹ thuật, của thời đại.
 

Duy có mấy quyển Hoàng tử nhỏ của Antoine de Saint-Exupery, mấy cuốn truyện thiếu nhi có kèm hình vẽ (không màu, hoặc màu đơn giản, nhợt nhạt) và mấy cuốn sách “phần thưởng” cuối năm lớp nhì lớp nhứt, là tôi biết chắc dù dòng đời có cuốn tôi tới đâu, tôi cũng không bao giờ rời bỏ. Sẽ không có bất kỳ thiết bị tối tân hay tinh vi nào có thể thay thế chúng. Lòng tôi vẫn nao nao khi cầm lên những quyển sách nhỏ ấy. Không phải những quyển sách ấy chưa được số hóa. Những buổi xế chiều, nhứt là khi mỏi mệt ngao ngán vì cuộc sống cập rập đua chen, tôi bỗng thèm ngồi xuống cầm một quyển sách của tuổi thơ mình, sờ chạm và lật giở từng trang, vì đó là sách thật, đọc một câu chuyện thần tiên, ngắm cái hình vẽ ngộ nghĩnh…
 

Và tuổi thơ sống lại từ những quyển sách ấy luôn cho tôi một hạnh phúc vô điều kiện.
 

Lý Lan – sưu tầmưunta62 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *