Chiều chiều, đứng ở ban công nhà tôi nhìn xuống ngã tư, thường thấy khách du lịch đi đứng lớ ngớ bên những trụ đèn giao thông. Có khi, một ông Tây lăm le trên tay cái máy chụp hình hay máy quay phim. Có khi, một cặp nam nữ trẻ măng, lưng đeo ba-lô, tay cầm bản đồ. Có khi, một đoàn năm, bảy đến vài chục ông bà sồn sồn, cun cút đi theo hướng dẫn viên. Thỉnh thoảng, tôi cũng sắm vai người hướng dẫn cho bạn bè ở nước ngoài hay ở tỉnh khác đến thăm thành phố quê tôi. Đương nhiên, tôi dẫn họ vô Chợ Lớn, và tất nhiên đi ngang qua ngã tư này.
Chợ Lớn đã trở thành một địa điểm ắt-có trong bất kỳ city tour nào ở Thành phố Hồ Chí Minh với ba điểm son không bỏ qua được là Chùa Tàu, Chợ Tàu và đồ ăn Tàu. Nhiều người đơn giản dịch Chợ Lớn thành “Chinatown” – phố Tàu. Ừ thì phố Tàu, nhưng du khách lịch lãm từng qua những phố Tàu ở nhiều nơi trên thế giới đều nhận ra, Chợ Lớn không thuần tuý là một phố Tàu như ở những nơi khác. Nó có những đặc điểm khiến nó chỉ có thể là Chợ Lớn chứ không thể là gì khác.
Nhưng hãy cứ theo một tour thông thường đi thăm Chùa Tàu trước đã. Chùa đắt khách tham quan nhất là Chùa Bà, nằm ở góc đường Nguyễn Trãi – Triệu Quang Phục, nơi đặt Hội quán Tuệ Thành của bang đồng hương Quảng Đông. Cạnh đó là Chùa Ông, có trụ sở Hội quán Nghĩa An của bang (đồng hương) Triều Châu. Xa hơn một chút là Chùa Nhị Phủ của bang Phúc Kiến. Quỳnh Phủ Hội quán của bang Hải Nam nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Người đồng hương Hakka (Hẹ), trước đây đặt Hội quán cạnh chùa Ông, nay đã xây chùa mới, nhưng không nằm trong khu vực Chợ Lớn. Cách quản lý di dân người Hoa thông qua tổ chức đồng hương (dưới các hình thức và tên gọi khác nhau ở các nơi và các thời kỳ lịch sử khác nhau, ở miền Nam thời Pháp thuộc gọi là bang) là cách thực dân áp dụng chung đối với các cộng đồng Hoa kiều khắp vùng Đông Nam Á.
Trước thời Pháp thuộc, người Hoa không phân biệt phương ngữ đã sống hoà hợp với nhau và với người bản xứ trên mảnh đất này, được chính quyền nhà Nguyễn công nhận và tổ chức thành làng xã như mọi làng xã Việt Nam, có đình làng, gọi là đình Minh Hương để ghi nhớ nguồn gốc của họ là con cháu các di thần nhà Minh đã di cư lập nghiệp trên mảnh đất này từ thế kỷ 17. Đình không thờ Phật, Thánh hay Quan Công, Thiên Hậu, mà thờ Thành hoàng, các tiền hiền, hậu chủ và các danh nhân Minh Hương. Du khách dừng chân ở chùa Bà chùa Ông thì chỉ thấy chùa Tàu Chợ Lớn giống như mọi chùa Tàu khắp Đông Nam Á. Nhưng không một phố Tàu nào trên thế giới có một “đình Minh Hương” thờ một vị võ tướng trở thành doanh nhân (Trần Thượng Xuyên, người khai lập Cù Lao phố), một quan văn lưu danh như một thi sĩ (Trịnh Hoài Đức, tác giả bộ Gia Định thành thông chí, đồng tác giả Gia Định tam gia thi.)
Chợ Tàu đây là chợ Bình Tây, còn gọi là Chợ Lớn mới. Ngày xưa, vùng này có nhiều chợ, chợ bán cá kêu Chợ Cá, chợ nhóm cạnh bàu sen kêu Chợ Bàu Sen, chợ nhỏ kêu Chợ Nhỏ, chợ lớn kêu Chợ Lớn. Cái Chợ Lớn đầu tiên nghe nói ở cách chỗ tôi đang ở hai dãy phố, phía bến đò La Cai cũ, nay đã xây thành cầu Nguyễn Tri Phương. Chợ ven kênh, buôn bán sầm uất, kéo dài dài đến cầu Chà Và, gần Bưu điện Chợ Lớn hiện nay, nên thành tên để gọi cả một vùng dọc kênh Tàu Hủ, nay thuộc quận 5 và quận 6. Vào đầu thế kỷ 20, một thương gia tên Quách Đàm xin được phép bỏ vốn riêng xây một ngôi chợ phong cách Đông phương cổ, để đối xứng với chợ Bến Thành phong cách Tây phương ở phía Sài Gòn. Chợ lớn hơn hết thảy chợ thời đó nên gọi là Chợ Lớn mới để phân biệt với Chợ Lớn cũ.
Chợ này cho đến nay vẫn là chợ đầu mối và đóng vai trò quan trọng trong điều phối hàng hoá khắp miền Nam. Du khách đến đây không bị chào mời lôi kéo vào những gian hàng bán vật lưu niệm vớ vẩn, mà hầu như bị lạc lõng giữa một thế giới những người buôn bán thực dụng luôn bận bù đầu với những thương vụ bạc triệu bạc tỷ, không buồn để mắt đến kẻ nhàn du, thậm chí khó chịu khi bị hỏi han chụp hình.
Đồ ăn Tàu là một trong những thứ gắn liền với Chợ Lớn. Thời trước, người ở phía Sài Gòn rủ nhau vô Chợ Lớn thì mặc nhiên hiểu là mời đi ăn hoặc/và chơi (gái, ca hát, đánh bạc). Ở đây có sòng bạc lớn nhất, nổi tiếng nhất – Kim Chung, sau là Đại Thế Giới. Bây giờ nơi này là Nhà văn hoá quận 5, không còn là nơi đánh bạc công khai nữa.
Nhưng về mặt ăn uống thì Chợ Lớn không thay đổi nhiều. Từ nhà hàng, tiệm nước đến những chiếc xe đẩy tay, món gì cũng có, ngon dở tuỳ khẩu vị, giá cả tùy túi tiền. Muốn ăn một chén cháo yến huyết một triệu đồng cũng có, muốn ăn một chén chè mè đen giá hai ngàn đồng cũng có. (Cả hai chén này đều quá ngon theo khẩu vị của tôi – sành điệu là thưởng thức xong chén cháo yến đệm tiếng đờn ca cổ nhạc trong phòng máy lạnh nhà hàng, rồi thong dong đi bộ vô con hẻm nhỏ bên cạnh, ngồi xổm bên lề đường thưởng thức tiếp chén chè mè đen. Coi như có chết cũng không còn gì để hối tiếc.)
Để tiện cho du khách cỡi ngựa xem hoa, ăn gọi là ăn, và tiết kiệm thì giờ thám hiểm khám phá, hướng dẫn viên thường đưa thẳng khách đến phố ăn uống trong Chợ Lớn. Đây là một con đường nhỏ, thuộc về những con đường cổ của Chợ Lớn xưa, ngắn và hẹp, nối đường Trần Hưng Đạo và Hải Thượng Lãn Ông. Thời trước, các hàng quán “tự phát” bày bên đường để bán điểm tâm (buổi sáng) và các món ăn chơi (buổi tối), thường đặt trên những chiếc xe gỗ để tiện dọn hàng mỗi ngày. Bây giờ, các xe gỗ này được “qui hoạch” lại, đăng ký vị trí đâu ra đó để tiện quản lý và thu thuế. Vẫn là đồ ăn Tàu, nhưng thành thật mà nói, không còn phong vị Chợ Lớn nữa, cho dù người ta giăng mắc thêm những chiếc đèn lồng đỏ dài dài theo phố. Ăn ở Chợ Lớn là biết đâu có món ngon đặc biệt, đến tận nơi ăn đúng món đó, rồi đi tới chỗ khác (cũng không xa lắm) ăn tiếp món ngon đặc biệt thứ hai, thứ ba… Dọc đường đi là cơ hội thưởng lãm sinh hoạt trên phố. Người Hoa Chợ Lớn sinh sống chen chúc một chỗ và làm ăn buôn bán tại chỗ đó luôn. Họ lại có tinh thần kinh doanh độc lập (thích làm chủ hơn làm công), nên nếu có bí quyết làm món ngon nào đủ để kiếm sống thì cứ giữ độc chiêu mà sống độc lập, không kinh doanh thêm món khác, cũng không bán nghề cho chủ nhà hàng lớn hơn. Cứ vậy mà cha truyền con nối kinh doanh mỗi một thứ, chẳng hạn có nhà mấy đời chỉ bán cháo, có nhà truyền đời làm bánh bò.
Chiều chiều, đứng ở ban công nhà tôi nhìn xuống đường, thấy du khách đi lêu bêu ngắm nghía Chợ Lớn, tôi nhận ra một điều : Nhiều người du lịch một cách lãng phí : đi xa tốn tiền mất công sức chỉ để thấy cái “làm màu” che phủ điều đáng xem, ăn cái “làm kiểng” chẳng có hương vị thực sự. Người ta phải “ăn đời ở kiếp” một nơi nào đó để thực sự hưởng được phong vị cuộc sống nơi đó.
Lý Lan – Đất Việt