Các nhà phê bình "chính hiệu" đều lùi về phía sau, họ im lặng, hoặc làm nghề “quét vôi kẻ biển”, hay là tô tượng. Nghĩa là trang điểm cho những giá trị mà thực tế không cần son phấn thêm nữa, cũng đã đẹp và rất ổn định rồi. Đấy là những tác giả cổ điển, những người đã rất nổi tiếng. Còn dòng chảy cuồn cuộn của văn chương đương đại thì họ quay lưng.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

_________________________

Khoảng trống trong giải thưởng về lý luận phê bình của hầu hết các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật trong những năm gần đây đã cho thấy một bức tranh lý luận phê bình không mấy khởi sắc. Thực tế này không khỏi gây nhiều trăn trở cho những người nặng tình với văn học nghệ thuật đất nước. Trao đổi về vấn đề này với nhà thơ Trần Đăng Khoa, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết.

– Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông có những cảm quan và đánh giá gì về tình hình lý luận phê bình văn học nghệ thuật những năm gần đây?

– Nhà thơ Trần Đăng Khoa (NT Trần Đăng Khoa) : Có lẽ không chỉ riêng cá nhân tôi, mà đa số dư luận chung đều cho rằng, lý luận phê bình những năm gần đây khá tẻ nhạt, nếu không nói là trận địa phê bình hoàn toàn bị bỏ trống.

– Ông có thể cắt nghĩa về nguyên nhân của tình trạng này?

– NT Trần Đăng Khoa : Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân là sự "ngại va chạm". Phần lớn các nhà phê bình là giáo sư – tiến sĩ. Họ còn phải đứng trên các giảng đường. Bây giờ là thời dân chủ. Nói không chuẩn là bị quật lại ngay. Mà những đòn “phản công” thường rất phũ. Đường đường một giáo sư – tiến sĩ mà lại bị “đay nghiến” là “lỗ mỗ kiến thức”, là “điếc đặc văn chương” thì làm sao còn có tư thế mà đứng trước học trò. Phải khẳng định rằng, lý luận phê bình văn học là một lĩnh vực rất khó. Không phải cứ đi học nhiều, cứ đọc nhiều sách, hoặc có nhiều kiến thức lý luận là trở thành nhà phê bình. Tất cả mọi lý thuyết thực chất cũng chỉ là những công cụ để giúp chúng ta đi vào "mổ xẻ" một tác phẩm văn chương cụ thể. Nhưng tôi thấy xảy ra tình trạng này : Nhiều nhà phê bình cứ nói lý luận chung chung thì còn nghe được, nhưng khi đi vào những tác phẩm cụ thể thì họ lại rất lúng túng. Nhiều khi họ phân tích, nhận định buồn cười lắm. Thế thì làm sao giới sáng tác người ta chịu được. Mà trong không khí dân chủ hiện nay, người ta lên tiếng “mắng nhiếc” ngay. Thực tế đó khiến nhiều nhà phê bình lùi khỏi "trận địa" để giữ an toàn. Mà đối với phê bình, "ngại va chạm" tức là không còn là phê bình nữa rồi. Làm phê bình là phải đương đầu, phải dám nói và chịu trách nhiệm về điều mình nói. Trên trận địa phê bình bây giờ, chỉ thấy có các nhà báo “tả xung hữu đột”. Mà các nhà báo sinh ra đâu phải để làm công việc phê bình văn chương. Tôi đồng ý với một nhà văn, khi ông cho rằng, phê bình của chúng ta hiện nay có hai khuynh hướng rất rõ rệt. Đó là “trù dập” và “bốc thơm”. Phê bình lẫn với quảng cáo. Cả hai khuynh hướng này đều không lành mạnh và lương thiện. Các nhà phê bình "chính hiệu" đều lùi về phía sau, họ im lặng, hoặc làm nghề “quét vôi kẻ biển”, hay là tô tượng. Nghĩa là trang điểm cho những giá trị mà thực tế không cần son phấn thêm nữa, cũng đã đẹp và rất ổn định rồi. Đấy là những tác giả cổ điển, những người đã rất nổi tiếng. Còn dòng chảy cuồn cuộn của văn chương đương đại thì họ quay lưng.

– Có ý kiến cho rằng sự "tẻ nhạt" của lý luận phê bình hiện nay bắt nguồn từ thực tế sáng tác, tức là các nhà phê bình thiếu đối tượng sáng tạo là những tác phẩm hay. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

– NT Trần Đăng Khoa : Tôi cho đó là sự ngụy biện rất buồn cười. Mà nói như thế là báng bỉ phê bình một cách sâu sắc. Hóa ra phê bình chỉ là cây tầm gửi. Tôi hiểu vì sao mà cách đây mấy chục năm rồi, có một nhà phê bình in rất nhiều sách tâm sự với tôi rằng, muốn tác phẩm phê bình sống lâu được thì phải bám vào những giá trị đã vĩnh cửu. Quả thật trong đời nhà phê bình ấy, ông chỉ viết về những tác giả lớn, trong đó có cả những người có vị thế, nhưng lại không phải là nhà văn. Ông phê bình ấy hoàn toàn nhầm lẫn. Phê bình chân chính không bao giờ là cây tầm gửi cả. Người ta có thể có một tác phẩm phê bình rất hay về một cuốn sách rất dở và ngược lại cũng có thể có những bài phê bình rất dở về một cuốn sách hay. Điều đó chứng tỏ không phải phê bình kém vì sáng tác kém. Hơn thế nữa, thực chất hiện nay sáng tác của chúng ta, theo tôi, không hề kém. Về tiểu thuyết thì còn nhiều điều để bàn thật, nhưng riêng về truyện ngắn thì chúng ta có không ít những tác phẩm hay, thậm chí là rất hay.

– Không có gì để phải "ngại ngùng" về sáng tác, vậy lý luận phê bình có gì sáng sủa so với mặt bằng chung không thưa ông?

– NT Trần Đăng Khoa : Đáng tiếc là chưa có những công trình phê bình thực sự xuất sắc trong thời gian qua. Đấy là điều r
ất đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Tuy nhiên, cũng lót đót có những cuốn sách đáng chú ý, ví như thời gian gần đây có cuốn "Bàn phím và cây búa" với lối văn chương thẳng thắn và bộc trực của nhà phê bình Nguyễn Hòa. Về cuốn sách này, tôi nghĩ có thể cũng sẽ có những ý kiến trái chiều về các vấn đề mà anh Nguyễn Hòa đề cập, nhưng nhìn chung, Nguyễn Hòa là người "dám nói" và dám chịu trách nhiệm về điều mình nói. Một người như thế hiện nay là rất hiếm.

– Vậy theo ông, để lý luận phê bình văn học phát triển có chất lượng hơn nữa, chúng ta cần phải làm gì?

– NT Trần Đăng Khoa : Vẫn phải trông chờ từ chính sự nỗ lực của những người làm công tác lý luận phê bình thôi, không thể nào khác được. Tôi nghĩ, có nhiều lý do để chúng ta tin tưởng về sự phát triển của lý luận phê bình trong thời gian tới. Chúng ta đã từng có nhiều nhà phê bình xuất sắc như Hoài Thanh, Lê Thanh, Chế Lan Viên, Xuân Diệu hay gần đây là Vũ Quần Phương. Hiện tại, đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình cũng không thể gọi là mỏng, trong đó phải kể đến cả lực lượng sáng tác làm lý luận phê bình. Tôi cho rằng trong thời gian gần đây, những người làm nên sự sôi động trong lĩnh vực phê bình lại chính là những anh em sáng tác, chứ không phải các nhà phê bình thuần túy. Đôi khi do tính ngẫu hứng, họ có thể có những sơ xuất trong lối lập luận, nhưng nhờ thế, họ lại có được những trang viết xuất thần. Tôi vẫn luôn quý trọng và đánh giá cao các nhà sáng tác viết phê bình. Việc thành lập Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương chắc chắn cũng sẽ có những tác động tích cực tới sự phát triển của lý luận phê bình văn học thời gian tới. Tôi hy vọng, Hội đồng sẽ có những hoạt động thực sự hiệu quả. Đặc biệt, trước những vấn đề phức tạp của văn học, nếu có được những ý kiến có sức thuyết phục sẽ góp phần rất quan trọng trong việc thẩm định được đúng giá trị của tác phẩm văn học trong tình hình thị trường văn chương đang có nhiều nhộn nhạo như hiện nay.

– Xin cảm ơn nhà thơ và chúc ông tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong văn nghiệp! 

Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *