"Nhà phê bình cần tri thức và bản lĩnh. Tôi thấy mình có cả hai", nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói một câu rất ngạo như thế.

Tôi từng cộng tác với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhiều lần, nói nhờ vả thì đúng hơn, và lần nào cũng lắm sự không thể không viết thành chuyện. Phạm Xuân Nguyên thì khối người nhờ vả, và cái tính cả nể của anh đâm thành giai thoại. Nhà văn Nguyễn Quang Lập có lần nói rằng Phạm Xuân Nguyên là người không thể nói “không”. Từ sáng chí tối, anh “được” vô số lời mời, mời hội thảo, mời tọa đàm, mời khai trương, mời ra mắt sách, cả mời tiệc tùng đình đám, và “bị” nhờ, nhờ viết bài cho báo, nhờ dịch sách, nhờ viết tiểu luận, phê bình, nhờ làm MC, nhờ đọc tham luận, nhờ nhận xét, nhờ đủ thứ nhờ. “Được” hay “bị”, cái gì cũng không thể nói “không”. Thật bi kịch khi Thượng đế không cho Phạm Xuân Nguyên 48 tiếng một ngày nhưng lại ban cho cái đức luôn luôn nói “có”. Thế mới sinh ra chuyện.

Thoạt đầu, tôi không biết điều ấy, mới nhờ Phạm Xuân Nguyên viết giùm cho một lời giới thiệu đầu sách. Là tôi được Nhà xuất bản đề nghị đứng ra tuyển chọn một tập 18 tác giả trẻ. Lần đầu tiên làm việc này, tôi tâm huyết lắm. Và sau khi chọn chọn lựa lựa, tính tới tính lùi, tôi quả quyết rằng không ai khác có thể thực hiện được công việc rất quan trọng này giùm tôi ngoài Phạm Xuân Nguyên. Anh nhận lời ngay, một cái gật đầu rất sốt sắng (là lúc ấy tôi cảm thấy thế). Ngày hẹn trả bài đã đến, tôi gọi điện cho Phạm Xuân Nguyên. Anh bảo anh chưa xong, và nói bằng giọng nghiêm trọng như đang khảo cứu một công trình lớn : “Anh biết cuốn này em mất nhiều công sức, anh đọc cũng thấy thế nên muốn viết cho thật kỹ”. Tôi cảm động lắm, lại cảm ơn rối rít và hẹn ngày trả bài.

Cùng hôm ấy, tôi đến công ty phát hành đã đặt hàng tôi tập sách. Tôi khoe rằng cuốn sách sẽ rất oách, vì chính Phạm Xuân Nguyên đã nói rằng : “Anh biết cuốn này… ”. Chị Giám đốc cười ồ : “Ôi dào, ông ấy nói thế đấy. Đây này, vẫn còn nợ đây hai cuốn sách dịch hơn năm nay chưa trả được”. Gặp biên tập viên của NXB Phụ nữ, tôi lại khoe về cuốn sách tuyển chọn đầu tay, và để chứng minh cho chất lượng của nó, chẳng gì bằng trích dẫn lại lời của Phạm Xuân Nguyên : “Anh biết cuốn này… ”. Chị biên tập viên cười mím chi : “Bác ấy nói vậy thôi, là lười chưa làm. Bác ấy vẫn còn nợ bên chị mấy việc đã xong đâu!” – “Không, nhưng mà anh Phạm Xuân Nguyên bảo đã đọc cuốn của em rất kỹ… ”. Tôi chạnh lòng vì “công trình” của mình có vẻ bị phủ nhận, đành nói vớt mấy câu thế. “Thôi, có khi bác ấy còn chưa đọc đâu!”, chị biên tập phẩy tay rồi nói sang chuyện khác.

Đến chiều, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang, phóng viên báo Thể thao – Văn hóa gọi điện cho tôi có công chuyện. Quỳnh Trang cũng có một tác phẩm trong tập. Nhân tiện, tôi báo cho cô biết tập sách đã hoàn thành, chỉ còn chờ lời bạt của Phạm Xuân Nguyên nữa là đưa vào máy in. Tôi nhắc lại : “Phạm Xuân Nguyên đã bảo rằng… ” – “Ôi trời,” Quỳnh Trang cắt ngang lời, “thế thì chị chờ còn lâu. Phạm Xuân Nguyên không có thời gian để làm việc ấy đâu. Chị không biết rằng nếu Phạm Xuân Nguyên nhận lời hẹn với ai mà trên đường đi gặp một người khác là chú ấy rẽ ngang vào quên ngay cuộc hẹn thứ nhất à?”. Rồi Trang mắng tôi xơi xơi : “Mà sao chị lại cứ nhờ ông ấy vào lúc này. Báo Tết bên em đang chờ bài của Phạm Xuân Nguyên, ngày in đến nơi rồi mà em phải giục suốt từ hôm nọ đến giờ. Thôi thôi, chị đừng nhờ vả gì nữa, để chú ấy viết bài cho bọn em cho xong đi!”.

Lần này thì tôi tổn thương ghê gớm. Tôi gọi điện ngay cho Phạm Xuân Nguyên với vẻ không hài lòng. Tôi trách rằng tại sao anh nợ nần nhiều như thế mà còn nhận lời viết cho tôi. Phạm Xuân Nguyên bảo yên trí, yên trí, nợ rồi sẽ lần lượt được trả hết.

Từ bữa đó, niềm tin trong tôi bị lung lay. Tôi bắt đầu ráo riết “thúc nợ”.

– Đây, đêm nay, anh sẽ ngồi viết. Sáng mai, em mở hộp thư ra sẽ thấy bài.

Tôi yên trí ngủ ngon. Sáng sớm khấp khởi mở máy tính, vào hộp thư. Không thấy bài.

– Em chưa thấy bài? Anh gửi lại đi.

– Vậy à? Thế thì anh còn đoạn kết nữa, nhất định đêm nay sẽ hoàn thành nốt.

Tôi chờ ngót một tháng sau mới nhấc máy điện thoại nhắc nhở “đoạn kết”.

– Đúng 7 giờ sáng mai là em sẽ nhìn thấy bài – Phạm Xuân Nguyên tuyên bố chắc nịch như thế.

Tất nhiên, đến 7 giờ tối hôm sau, trong hộp thư của tôi vẫn chỉ thấy toàn thư rác của Agoda, Airasia và Vietnamairline.

Trong khi đó, phía công ty sách liên tục giục giã : “Em ơi, hay là thôi mình cứ in đi nhé. Hoặc em nhờ người khác. Chị nói rồi, bác ấy không viết đâu!”.

Không. Tôi có thói quen đã làm việc gì là làm đến cùng, và cái việc thúc giục một “con nợ gan lì” như Phạm Xuân Nguyên cũng phải làm đến cùng.

Đúng đợt đó là Hội nghị quốc tế Văn học Việt Nam, tôi biết Phạm Xuân Nguyên đến đấy sẽ “sa vào lưới” của vô số bạn văn trong nước và quốc tế. Tôi gọi điện ốp và ngạc nhiên khi thấy đang giờ “hot” của hội nghị mà Phạm Xuân Nguyên lại ở nhà.

– Đây, tôi phải ở nhà để viết bài cho chị. Có dám đi đâu đâu. Ai gọi điện mời mọc tôi cũng từ chối hết.

Tôi lại cảm động lắm lắm. Sáng hôm sau, gặp Phạm Xuân Nguyên tại hội nghị. Như một phản xạ có điều kiện, lập tức tôi gào lên từ “Bài!” thay cho câu “Chào!”.

– À, đúng chiều nay anh sẽ gửi.

– Sao lúc chiều qua, anh bảo anh đang ngồi viết?

– Ừ thì… viết được nửa bài rồi thấy bí, đứng lên để đến đêm viết tiếp.

– Đêm viết tiếp thì bài đâu?

– Thì anh viết rồi thấy không ưng, lại… xé đi viết lại.

Vẫn giọng nghiêm trang như đang đứng giữa hội thảo quốc tế. Trời đất quỷ thần ơi! Cứ thế này thì phát điên lên mất.

Tôi biết Phạm Xuân Nguyên chưa đụng bút được chữ nào. Lần cuối cùng gọi điện thúc giục, tôi nghe tiếng chuông đổ một cách giận dữ khác thường, tôi đồ rằng Phạm Xuân Nguyên sẽ “trốn nợ” mà không dám nhấc máy, ai ngờ nhấc ngay sau hồi thứ hai. Miệng tôi còn tròn vo chưa kịp trút hết nỗi điên tiết thì từ đầu dây bên kia, giọng xứ Nghệ đã đều đều cất lên, nghiêm trang và kính trọng :

– Dạ thưa chị, em đây ạ! Chị có điều gì chỉ bảo?

Khuôn miệng tròn vo lại kéo ngang đến mang tai. Vừa buồn cười vừa tức anh ách. Và tôi đồ rằng mình không phải là người duy nhất ở nước Nam này điên tiết với Phạm Xuân Nguyên như thế.
 
Sau bận ấy thì tôi giận thật. Phạm Xuân Nguyên đành nói cùn : “Càng tốt. Càng đỡ bị nhờ vả!” – “Ừ, lần sau em cũng chẳng dám nhờ anh nữa!”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Nhưng rồi tôi vẫn cứ chờ bài. Nhưng rồi tôi vẫn phải nhờ vả Phạm Xuân Nguyên. Thiên hạ có tức thế nào thì tức, tức như phải đấm, lần sau vẫn đành hạ giọng nhờ. Nhiều lần, Nhà xuất bản tổ chức lễ ra mắt tác phẩm của tôi. Không thể nhờ ai khác ngoài Phạm Xuân Nguyên làm MC, dù rất không muốn nhún nhường năn nỉ một người mà mình đã tuyên bố “Không thèm nhờ vả gì nữa!”. Người có khả năng hoạt ngôn, mà lại hoạt ngôn trong lĩnh vực văn học dường như tìm không nổi người mà đếm trên đầu ngón tay. Có Phạm Xuân Nguyên, người ta yên tâm chương trình dù bị phát sinh rắc rối, dù có khuyết thiếu, dù xuất hiện thêm nhiều thành phần quá khích vẫn thành công trong tiếng cười hỉ hả. Phạm Xuân Nguyên hoạt ngôn cả trên bàn tiệc cũng như trước sân khấu lớn, trước công chúng trong nước cũng như quốc tế. Dường như anh có cái biệt tài thâu tóm mọi đầu mối trong khán phòng để tung hứng với kho ngôn ngữ và chữ nghĩa lúc nào cũng đầy ắp. Thậm chí còn có thể biến một bài diễn văn rất dở và tẻ nhạt của một cử tọa thành điểm nhấn ấn tượng và hài hước. MC là viết tắt của từ Master of Ceremony (Người làm chủ buổi lễ) và Phạm Xuân Nguyên luôn trở thành người chủ của mọi buổi lễ mà anh tham dự. Đâm ra Phạm Xuân Nguyên thành rất “đắt sô”. Từ talk show của Hội đồng Anh, Tọa đàm Văn học của Hội Nhà văn, họp báo ra mắt sách cho đến các hội thảo văn học lớn nhỏ đều không thể không mời MC tay ngang này. Có bận, một cháu bé lớp bốn khoe với chúng bạn rằng cái bác trên TV kia là bạn của bố tớ. Thế là nhân một sự kiện của nhà trường, “bố tớ” năn nỉ bạn quý Phạm Xuân Nguyên đến dẫn chương trình, giao lưu với các cháu. Nhà văn Trần Thanh Hà có lần bình luận rằng : “Đến nói chuyện với các cháu lớp bốn, bác ấy còn nói được… ”.

Việc nước đã thế, đến việc tiệc tùng, Phạm Xuân Nguyên cũng không thoát khỏi cảnh bị chèo kéo. Không biết có khi nào anh nghĩ rằng thiên hạ “giành giật” anh để nhờ vả hoặc chỉ để uống một ly rượu là sự khốn khổ hay hạnh phúc. Những bàn tiệc có anh không khi nào ngớt tiếng cười. Phạm Xuân Nguyên có một kho chuyện như cái nồi Thạch Sanh không bao giờ cạn. Hay có đôi khi, chỉ một cách chơi chữ, một từ phát kiến hoàn toàn mới cũng khiến cho những người cùng bàn phì cười bó tay trước kẻ mà sự phản ứng nhanh nhậy trong các nơ-ron thần kinh dường như tỉ lệ thuận với tuổi tác. Phạm Xuân Nguyên có sự thông minh, hóm hỉnh và vừa khiêm nhường, vừa cao ngạo đặc thù của một ông đồ xứ Nghệ.

“Nhà phê bình cần tri thức và bản lĩnh. Tôi thấy mình có cả hai”. Phạm Xuân Nguyên đã nói một câu rất ngạo như thế. Ngạo mà không ai trách. Ngạo mà không ai ghét. Người ta thường có một câu nhận xét rất chung về Phạm Xuân Nguyên : “Gã này cực kỳ thông minh!”. Cho đến giờ này, Phạm Xuân Nguyên là người duy nhất ở Viện Văn học chỉ có bằng cử nhân, và là một trong số rất ít những người thuộc giới viết lách, phê bình chuyên nghiệp viết rất nhiều mà lại chưa in sách, chưa khi nào có ý gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Phạm Xuân Nguyên chả lấy đó làm điều. Đi đâu còn phàn nàn rằng : “Cũng là hạn chế đấy, vì nhiều trường đại học muốn mời tôi về giảng mà tôi chỉ có bằng cử nhân”. Chuyện này làm tôi nhớ đến nhà thơ Trần Hòa Bình, người chưa bao giờ in một tập thơ khi còn sống, chưa có chân trong Hội Nhà văn Việt Nam, và thấy loay hoay làm tiến sĩ một hồi rồi lại bỏ ngang, xách ba-lô lên rừng xuống bể. Chỉ những người rất tự tin vào tri thức của mình, chỉ những người đã có danh tiếng, danh vị mà coi nó như thứ phù du mới có thể đứng giữa thiên hạ mà ngang như thế. Cũng thể như một ông tỷ phú sở hữu hàng trăm bất động sản có lần từng nói vui rằng : “Ôi dào, tôi mặc cái gì mà thiên hạ chẳng tưởng tôi mặc hàng hiệu!”.

Có một điều khiến tôi rất nể Phạm Xuân Nguyên là anh có thể tự học được ngoại ngữ. Là người làm việc trong chuyên ngành ngoại ngữ, tôi biết học một ngôn ngữ thứ hai gian lao như thế nào và cần phải có những quy trình gì. Vậy mà Phạm Xuân Nguyên tự học. Nhập ngũ ba năm thì cũng ôm mấy cuốn tự học nhàu nát mà xong được tiếng Nga, tiếng Pháp. “Xong” ở đây là mang nghĩa thành dịch giả chuyên nghiệp. Với bút danh Ngân Xuyên, dịch giả tự học Phạm Xuân Nguyên đã chuyển ngữ được cả những cuốn của Milan Kundera, một trong những tác giả khó dịch nhất, và những tập lý luận phê bình nặng ký. Nhưng có một điều kỳ quặc mà có lần tôi gợi ý, nếu anh gửi hồ sơ, rất có thể sẽ có tên trong Guinness. Ấy là anh dịch thành thạo được cả Anh, Pháp, Nga nhưng chẳng nghe nói được câu nào, nửa chữ cũng không. Đi dự hội thảo quốc tế chỉ biết cười hì như người dốt thật. Vậy mà chẳng biết làm cách nào vẫn giao tiếp thân thiết được với Cao Hành Kiện và nhiều bậc danh gia khác. Có bận tôi sang Bắc Kinh, trong quá trình công tác có làm việc với dịch giả Điền Tiểu Hoa. Tôi hỏi chị có biết nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên không. Điền Tiểu Hoa quay sang nhìn tôi ngạc nhiên : “Sao lại không biết?” và nói rằng anh Nguyên là một người đáng kính trọng. Lần này tới Hà Nội, nếu ăn tối với chúng tôi, chị nhất định mong muốn được mời Phạm Xuân Nguyên đến tham dự.

Nhiều người biết Phạm Xuân Nguyên, lắm người quý mến anh, âu cũng là nỗi khổ. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến có lần nói trực tiếp với ông bạn thân rằng : “Phạm Xuân Nguyên yêu quý cả nhân loại. Kẻ yêu tất cả mọi người là kẻ không yêu ai cả!”, rồi đay nghiến thêm : “Ngày đi làm, tối đi nhậu, đọc vào lúc nào mà lại viết được, nói được lắm thế!”. Tôi đem điều đó giễu lại Phạm Xuân Nguyên. Lần này thì anh có vẻ tổn thương. Anh bắt đầu cố gắng chứng minh rằng không phải anh “yêu” tất cả, rằng trong phê bình anh là người nghiêm túc, phê phán thẳng thừng, không yêu quý gì hết. Riêng điều này thì tôi công nhận, vì mặc dù là một “chủ nợ” khắc nghiệt, chưa khi nào tôi được “con nợ” ăn năn bằng cách khen ngợi “trả nợ” về tác phẩm của mình. Rõ là đối với Phạm Xuân Nguyên, nợ nào đi nợ đấy.

“Nỗi tổn thương” của nhà phê bình còn thể hiện ở một sự rất kỳ quặc và ngộ nghĩnh. Ấy là cái bận tôi có một cuộc tọa đàm tác phẩm và đề nghị Phạm Xuân Nguyên viết tham luận. Sáng trước ngày tọa đàm, anh gọi điện cho tôi bảo giờ anh đang đi công tác, chiều muộn mới về, sách anh chưa có, tôi cứ đến nhà anh mà gửi lại qua bà trông xe đạp xe máy ở khu tập thể, lúc nào về anh sẽ đọc. Tôi tá hỏa. Sáng mai đã phải có tham luận. Cuốn sách dày như thế, còn phải đọc, còn phải viết, còn phải ngẫm nghĩ. Tất cả những việc ấy làm vào lúc nào. Tôi rầu rầu : “Nếu anh có nhận được sách của em thì cũng cố gắng đọc cho hết hai truyện nhé. Có 10 truyện tất cả nhưng đọc hai thôi cũng được!”. Phạm Xuân Nguyên ngạc nhiên : “Sao lại thế? Anh phải đọc hết chứ!”.

Tôi cười méo mó qua điện thoại.

– Là vì em thấy mọi người bảo anh chỉ đọc một trang đầu, một trang giữa, và một trang cuối, thế là viết được thành một bài 10 trang giấy.

Tối hôm ấy, Phạm Xuân Nguyên gọi điện cho tôi, thông báo đã nhận được sách và giờ đang ngồi đọc. Anh nói rằng anh tìm thấy hai lỗi chính tả, lỗi thứ nhất là ở trang 15, dòng thứ 9 từ trên xuống, tôi viết nhầm tên nhà sư trụ trì với tên ngôi chùa, lỗi thứ hai là dòng đầu tiên ở trang 20, tôi gõ nhầm chữ “khai thác” thành “khai khác”.

– Vâng? – Tôi kiểm tra lại thông tin, xác nhận thế và chờ đợi.

– Ừ… thế thôi! – Nói xong nhà phê bình cúp máy.

Tôi ngơ ngác. Tôi tưởng có chuyện gì rất quan trọng trong phong cách nghệ thuật của tác phẩm. Mãi mới nghĩ ra, Phạm Xuân Nguyên vẫn còn rất ấm ức về chuyện bị vu oan rằng “không đọc gì mà vẫn viết được”. Nay anh chứng minh cho tôi thấy rằng, anh đọc rất kỹ, kỹ đến mức tìm được cả hai lỗi chính tả nhỏ xíu.

Tuy nhiên, sáng hôm sau, tại buổi tọa đàm, Phạm Xuân Nguyên không cần đến một tờ giấy ghi chép mà vẫn có thể tham luận về tác phẩm, với những chú dẫn, dẫn giải tỉ mỉ ở từng chi tiết, một việc sẽ là bất khả thi ngay cả với người có đọc mà không kỹ. Sau đó tôi mới biết, những gì người ta vẫn nói về Phạm Xuân Nguyên chỉ là giai thoại. Tất cả đều biết rằng một ngày của anh chỉ có 24 tiếng, anh luôn trở về nhà khi đã muộn và thường cắt thời gian ngủ ra để làm việc. Phạm Xuân Nguyên làm việc đêm, và làm việc rất nhanh, đọc rất nhanh, việc người khác làm cả tháng thì với anh chỉ bằng một phần nhỏ thời gian như thế. Đấy là cái sự trời cho. Phạm Xuân Nguyên nói rằng anh thích làm việc đêm bởi vì những khi đối mặt với chiếc máy vi tính và công việc nợ nần ngập đầu, anh sẽ tạm quên đi bốn bức tường trống vắng ở bên trong thời khắc mà con người dễ cô quạnh nhất. Ngày cuối năm, người ta bảo “Vui như Tết” thì Phạm Xuân Nguyên nói “Buồn như Tết”. Anh sợ những khoảnh khắc cô độc một mình của Giao thừa, khi mà những gia đình đông đủ sẽ đầm ấm bên nhau, còn những người độc thân chỉ chờ từng giờ cho qua đi ba ngày Tết, để rồi sau đấy, ra Giêng, anh lại khoả lấp sống đời bằng những nợ nần của nhân gian.

Xuân Tân Mão 

Di Li – Theo eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *