Nhà văn Paulo Coelho

– Điều gì gợi cảm hứng cho ông viết “Quỷ dữ và nàng Prym”?

– Tôi nghĩ, chúng ta thường vẫn hay tự hỏi những câu hỏi, đại loại : “Ta là người tốt hay xấu?”, “Chúng ta cư xử thế nào với mâu thuẫn đó?”. Ý tưởng chính đằng sau cuốn sách là thế này : Mặc dù chúng ta luôn có những cuộc tranh cãi nội tâm, nhưng thường chúng ta vẫn hay không vượt qua được hiện thực. Chúng ta có thể tiến lên, về phía những điều tốt lành theo nghĩa thông thường, trí thức hơn, trải đời hơn, chu đáo hơn… Nhưng còn lâu như thế mới đủ.

– Câu chuyện là một trận chiến giữa Người tốt với Quỷ. Ông có tin rằng tồn tại một cuộc tỷ thí kiểu này trong bản thân mỗi người chúng ta?

– Loài người là một dạng sinh vật trong đó hàm chứa cả Quỷ dữ lẫn Thiên thần. Chúng ta có những phút giây không thể giải thích được một cách đầy đủ, giống như bản năng ác độc. Nhưng chúng ta lại có khả năng kiểm soát bản thân sự thúc ép.

Để làm gì ư? Để trở thành người tốt hơn trước, giống như Chantal đã làm trong cuốn sách. Không phải vì cô ấy vô tư, thiếu sự dằn vặt cá nhân đâu, mà bởi vì cô ta nhận ra rằng mình có thể sống chung với cuộc cãi vã trong lòng, và đến lúc quyết định thì cô ấy chọn giải pháp tử tế nhất theo cách hiểu của cô ấy.

– Viscos đồng thời vừa giống Thiên đường, vừa như thể nơi tận cùng chết chóc, một thị trấn ảm đạm. Cách viết của ông như vậy, phải chăng là để toát lên một lời đề nghị : Hiện thực chỉ tuỳ thuộc vào con mắt nhìn, và do vậy hãy chọn cho mình một cách?

– Tuyệt đối đúng. Tôi nghĩ điều này liên quan đến bản chất của Tình yêu theo nghĩa, chúng ta là một thứ mặt gương phản ánh chính tâm hồn chúng ta.

Khi bạn chọn quan điểm sống hướng tới cuộc đời, bạn có thể tác động đến cuộc đời để nó tốt hơn theo ý bạn. Ngược lại, bạn cũng có thể chọn cách sống trái khoáy, đầy tội lỗi và những lời trách cứ, hay đơn giản hơn, một cuộc đời trong đó bạn suốt ngày ca cẩm về đủ mọi vấn đề. Ngay lập tức, thế giới bên ngoài sẽ phản ánh đúng lại như vậy.

Khi bạn không định chống lại cuộc đời, bạn sẽ giống như đang ngồi trên một chuyến tàu du lịch, và bạn có thể chọn cho mình một ga đỗ hạnh phúc, vào một thời điểm nào đó.

Tôi thấy Viscos như một tiểu vũ trụ trong vũ trụ. Bạn có thể học cách đương đầu với môi trường và thực tiễn quanh bạn, sao cho nếu bạn đủ nhiệt hứng hoặc tình yêu trong đời thì mọi nơi đều có thể trở thành Thiên đường.
Mặt khác, bạn cũng có thể đang trong một thế giới đẹp nhất, kỳ lạ nhất, nhưng nếu bạn thấy cô đơn, nhiều ý nghĩ cay đắng, và đầy mặc cảm tội lỗi, thì hiện tại lập tức hóa thành địa ngục. Tôi tin rằng Chúa luôn giấu Địa ngục giữa Thiên đường để dành cho những người sợ bị đày ải.

– Chantal một lần nói rằng, nếu ai đó sống ở một nơi quá hoàn hảo trong một thời gian đủ dài, thì cuối cùng người đó sẽ cảm thấy mệt mỏi. Vậy có nghĩa là thỉnh thoảng chúng ta phải thay đổi, ngay cả với niềm hạnh phúc?

– Phụ thuộc vào việc bạn ám chỉ hạnh phúc nghĩa là gì. Tôi nghĩ hạnh phúc có thể quấy rầy bạn nếu cái hạnh phúc ấy của bạn đồng nghĩa với việc mọi thứ xung quanh đều hoàn hảo. Tuy nhiên, đối với tôi, một cuộc chiến thú vị, hay niềm vui, sẽ hiện diện nếu bạn cho phép mình không dừng mãi một chỗ.

Có nghĩa là : hãy dũng cảm chấp nhận thách thức, dũng cảm chọn lấy một hoàn cảnh mới đối với bạn vốn là không quen. Đôi khi bạn thấy buồn phiền bực bội, nhưng hãy nhớ : Hơn tất cả, bạn vẫn đang sống.

Tuy nhiên, nếu bạn cố giữ nguyên thế giới của mình trong phạm vi có thể kiểm soát được, thì điều đáng nói đầu tiên chính là bạn rất dốt. Vì sao ư? Vì không thể làm được điều đó. Một số người lúc nào cũng muốn an phận, nhưng Vũ trụ hay Chúa trời, hay một cái gì đó bạn muốn gọi là gì cũng được, lại đang vận hành để bạn không thể vô lo vô nghĩ. Tóm lại, đã là người thì phải ưu tư, và ưu tư không phải thuốc độc, ít nhất khi so nó với sự bằng an phẳng lặng.

– Ông muốn độc giả thu nhận điều gì khi họ đọc tác phẩm của mình?

– Tôi không cho rằng những bài học cuộc sống lại có trong các cuốn sách, các bản nhạc, hay một cái gì đó đại loại như vậy. Bài học đích thực về cuộc đời chỉ có thể là kinh nghiệm của chính mỗi người.

Chỉ có điều, khi đọc một cuốn sách, nghe một bản nhạc, hay tâm sự với một ai đó, thì chính là bạn đang chia sẻ những ý nghĩ của mình, và bằng cách đó bạn thấy bớt cô đơn. Điều gì có ý nghĩa thì chỉ có thể là kinh nghiệm của chính bạn mà thôi.

Tôi nhìn nhận các cuốn sách của mình như là một cách chia sẻ tâm tình, một việc ai ở đời cũng phải làm. Khi tôi gặp độc giả, họ không hề nói họ học được gì từ các cuốn sách của tôi. Thay vào đó, họ bảo tôi hiểu họ. Tại sao tôi lại hiểu được họ? Vì tôi sống như là họ sống, tôi yêu như là họ yêu, chỉ khác là tôi ý thức và nói ra được những gì mình đã trải qua.

Vậy là bạn có thể kích thích một ai đó làm một điều gì đó họ đang định làm, nhưng bài học cuộc đời thì chỉ mỗi người tự dạy chính mình thông qua kinh nghiệm bản thân.

– Ông từng cho rằng, trong đời sống của mỗi cá nhân, những biến đổi sâu sắc nhất thường xảy ra trong những khoảng thời gian tối thiểu, cũng giống như những gì ông minh hoạ trong bộ ba tác phẩm của mình. Đó là những kinh nghiệm mà chính ông thu nhận được từ cuộc đời mình?

– Vâng, thậm chí tôi chỉ coi là kinh nghiệm khi sự nếm trải lặp đi lặp lại nhiều lần. Từ chỗ được yêu trọn vẹn, đến ngày bạn tình bỏ đi tìm người khác, tôi đã rơi từ đỉnh cao của thế giới xuống vực sâu thăm thẳm khôn cùng.

Tôi tin rằng, những kinh nghiệm quan trọng xảy ra trong những khoảng không thời gian rất nhỏ, mặc dù đôi khi bạn phải có một độ lùi đủ lớn để hiểu và thấm thía.
Vậy đấy, sống thì rất dài, nhưng quyết định thì chỉ gần như ngay lập tức. Vậy nên con người nói chung mới hồ đồ, và lại tiếp một chu trình dịu ngọt lẫn cay đắng khác… (cười).

– Thường thì ông mượn các nhân vật để phát biểu quan điểm của mình, hay chính ông đang khám phá những đại lộ tư duy khác nhau?

– Nếu chỉ nhìn vào bản thân thế giới nội tâm của mình thì lắm khi tôi rất mâu thuẫn. Ví dụ khi bạn viết một cuốn sách, bạn cố gắng triển khai những nhân vật không theo suy nghĩ của bạn mà theo suy nghĩ của họ. Nhưng sau đó bạn nhận ra rằng những nhân vật này là một phần linh hồn bạn, và hoá ra bạn là một cá thể hết sức, hết sức phức tạp.

Anh có biết chăng, lắm lúc tôi không thể chịu được những gì mà Chantal và Bertha suy nghĩ. Nhưng họ có đời sống của riêng họ, và buộc tôi phải kính trọng họ như một nhà tiểu thuyết thông thường.

Để viết ra một cuốn sách, nhà văn buộc phải lặn sâu xuống những đại dương bí ẩn mênh mông. Những đại dương đó chứa đủ mọi thứ, từ châu báu đến rác rưởi của tâm hồn và các giác quan của anh ta.

Để làm gì? Để khám phá hàng nghìn cảm xúc khác nhau, khám phá những thứ đôi khi mâu thuẫn nhau đến mức kinh hoàng. Sao anh lại cười? Phức tạp quá ư? Hãy nhớ rằng một lần Guy de Maupassant đã phải thử nếm chất độc, tất nhiên là liều lượng nhẹ, để biết cảm giác về nó. Nếu không thì văn chương còn có ý nghĩa gì nữa.

– Ông có thể miêu tả một chút về quá trình viết của ông?

– Tôi viết hai năm một cuốn, bởi tôi muốn cuốn sách của mình phải được nung nấu trong đầu tôi thật kỹ trước khi hiện lên trang giấy. Vì vậy, ngay lập tức này đây, mặc dù đang nói chuyện với anh, tôi vẫn biết rằng có một cái gì đó đang xảy ra trong đầu tôi, ở mức độ rất không ý thức.
Vâng, có một cái gì đó đang lớn lên trong tâm hồn tôi. Nó buồn cười, bởi anh phải có những thứ tựa như đôi cánh cho phép anh bay lượn tự do, nhưng đồng thời anh vẫn có một bộ rễ chùm ăn sâu vào lòng đất nơi anh đứng. Anh phải luôn ý thức được về cội nguồn. Vì vậy, khi tôi cần viết một cuốn sách, tôi không biết vì sao nhưng tôi có thể trở về Brazil và nhận lấy những đụng chạm mà người Brazil luôn làm theo cách của mình.

Và nhân dân, họ làm những điều đó mà chẳng nói năng gì cả, họ không có ý định chia sẻ trí tưởng tượng với các nhà văn. Trong khi đó, văn học luôn là một phép màu trong thế giới hiện thực. Các nhà văn luôn trộn lẫn mọi thứ trong tác phẩm của mình. Để viết một cuốn sách, tôi cần kiểu không khí như vậy quanh mình.

Vừa qua, ông có viết một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ G. Bush, trong đó mỉa mai sâu cay về cuộc chiến tranh Iraq. Ông nhận được những phản ứng nào?

– Tôi đã gửi bức thư đó trên Trang web cá nhân và nhận được hơn 2.000 lời hoan nghênh từ khắp thế giới. Chính báo New York Times cũng đăng nguyên vẹn bức thư đó trong mục Bình luận Quốc tế.

Thế giới ngày nay là một món súp hổ lốn mà giới chức diều hâu ở Washington muốn chế ngự bằng một gia vị gây sốc, đó là rượu. Họ không hiểu rằng khi làm như vậy, cả bàn ăn sẽ chỉ còn lại dư vị khủng khiếp là nồng độ cồn đậm đặc. Nhiều loại vi khuẩn có hại sẽ đua nhau nảy nở, không ai bụng dạ bình thường có thể kham nổi.

Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy, người Mỹ văn minh thật, nhưng không phải theo cái cách mà đa phần nhân loại mường tượng. Vậy thì họ phải biết chia sẻ tâm tư, tình cảm với năm châu, thay vì nhăm nhăm áp đặt kinh nghiệm bản thân cho các dân tộc.

Đàm Ngọc Xuyến dịch từ Paulocoelho.com

Theo eVan 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *