Khi tôi trở thành thiếu nữ, cặp ba lá đã biến mất tự hồi nào. Nhưng mẹ thì vẫn “son sắt” với cặp ba lá, với một niềm tin bất di bất dịch về lẽ yêu thương.

1 – Khi còn là một cô bé con, tôi luôn mong ước có mái tóc dài giống mẹ. Tóc mẹ mềm mượt, óng ả, kẹp gọn gàng sau gáy bằng một chiếc cặp ba lá. Thỉnh thoảng, khi nhìn mái tóc ngắn cũn cỡn của mình trong gương, tôi lại ước ao có ngày tóc tôi sẽ dài ra như tóc mẹ để tôi có thể tết đuôi sam và mang cặp ba lá. Nhưng tóc cứ dài ra được một chút là mẹ lại cắt cụt đi. Đôi lần tôi ấm ức, tỏ vẻ không muốn cắt tóc, mẹ liền dỗ dành: “Khi nào con lớn, con tự chăm sóc được đầu tóc của mình thì mẹ cho để tóc dài”. Bố đi công tác xa nhà biền biệt, mình mẹ một nách hai đứa con nghịch như quỷ sứ, lại phải trực đêm trực hôm trong bệnh viện, mẹ chẳng còn thời gian để chải chuốt, thắt nơ tết tóc cho con gái nên cách tốt nhất là cắt ngắn nó đi!

Minh họa: Hồng Nguyên

 

Khi tôi trở thành thiếu nữ, cặp ba lá đã biến mất tự hồi nào. Thỉnh thoảng mới thấy một vài phụ nữ nông thôn bán rau ngoài chợ còn mang nó. Con gái thành phố bây giờ chẳng ai còn dùng cặp ba lá. Khi được hỏi về chiếc cặp tóc đặc biệt này, đám thiếu nữ ngơ ngác không biết nó là cái gì. Và nếu có biết, đương nhiên họ sẽ chẳng bao giờ cặp lên tóc mình cái thứ trang sức giản dị, quê mùa ấy. Tôi hết để tóc thề ngang vai lại chuyển sang tóc tém đơmi-gacson đi kèm băngđô đủ màu sặc sỡ. Nhưng mẹ thì vẫn “son sắt” với cặp ba lá. Từ thời mẹ còn là con gái, đến khi lấy chồng, sinh con và bây giờ trở thành bà ngoại, chiếc cặp ba lá vẫn không rời mái tóc mẹ…

2 – Mẹ lấy chồng năm 18 tuổi. Bố mẹ chồng mất sớm, chồng đi bộ đội, mẹ một mình ở nhà làm ruộng nuôi dạy hai cô em chồng nhỏ hơn mẹ năm – bảy tuổi. Làng quê nghèo khó, quanh năm mất mùa, mẹ và cô em lớn rủ nhau lên Hà Nội tìm việc. Hai cô thôn nữ tuổi mười tám, đôi mươi vừa đi làm vừa học bổ túc văn hoá. Trong tấm ảnh đầu tiên trong đời chụp ở Hà Nội, hai chị em ôm nhau cười rất tươi, khi đó, cô tôi đã kịp uốn tóc phidê tân thời, còn mẹ vẫn kẹp tóc bằng cặp ba lá. Sau rất nhiều thăng trầm, đổi thay của cuộc đời, cô tôi phải một mình nuôi con khi chồng hy sinh ngoài mặt trận. Cô không còn là cô thôn nữ nhút nhát ngày nào nữa, ít nhất là khi nhìn cái vẻ ngoài sang trọng, giàu có của cô. Nhưng mỗi lần cô đến nhà thăm bố mẹ tôi, tôi lại nghe cô và mẹ nhắc lại cái ngày xưa nghèo khó ra đồng bắt cua, mót lúa. Rồi cô khóc khi nhắc đến chồng cô: “Giá mà anh nhà em còn sống, ngày xưa anh ấy chịu khổ nhiều quá…” Nước mắt chưa khô, cô đã quay sang căn vặn mẹ: “Sao bây giờ mà chị còn mặc cái áo này, cái áo lông em mua ở Đức cho chị đâu không mang ra mặc?” Mẹ cười hiền lành: “Có đi tới đâu mà áo lông với áo dạ! Thế này là tốt chán rồi. Ngày xưa ở nhà quê có mỗi cái manh áo đụp thì sao?”

Có lần, nhân ngày 8.3, tôi mua tặng mẹ một chiếc cặp tóc màu xanh gắn đá lấp lánh. Mẹ ngắm nghía trong gương một lúc rồi gỡ cái cặp ra: “Thôi, già rồi còn làm dáng thế này, người ta cười cho!”, và kẹp tóc lại bằng chiếc cặp ba lá quen thuộc. Ngày cưới của tôi, mẹ diện áo dài tím nền nã, tóc vấn lên bằng cặp ba lá. Nhìn mẹ thuần phác, trang nhã đến mủi lòng! Trong tấm hình chụp chung trong ngày cưới của tôi, mẹ và cô tôi vẫn ôm nhau cười tươi. Cô búi tóc bằng một chiếc cặp nơ óng ánh kim sa, mẹ vẫn giản dị với cặp ba lá. Tóc của hai chị em đều đã ngả bạc và thưa đi nhiều…

3 – Sinh ra và lớn lên ở thành phố, tôi gắn bó với quê nhà và cảm nhận về gốc gác của mình qua những câu chuyện của cha mẹ, của các cô. Trong hồi ức của họ, tôi thấy bóng dáng của những người nhà quê chân chính, như ông nội tôi, sẵn sàng chia sẻ chút thóc ít ỏi còn sót lại cho những người hàng xóm đang lả đi vì trận đói năm 45; như ông ngoại tôi, goá vợ khi còn rất trẻ, cả đời không đi ra khỏi luỹ tre làng mà vẫn một mình nuôi dạy đàn con nên người bằng những triết lý giản đơn như củ khoai, củ sắn…

Tôi luôn cho rằng, chỉ những chuyến đi xa mới giúp con người ta nhìn ra những điều cao cả, phi thường, giúp người ta vượt lên trên những điều vụn vặt, tầm thường trong đời sống thường nhật. Tôi luôn mơ về những chặng đường dài, luôn tìm kiếm những trải nghiệm về sự mênh mông vô định trên đại dương, luôn tìm cách xác tín những niềm tin rạn nứt… Mẹ cũng như ông ngoại, mẹ chẳng đi đâu xa khỏi ngôi nhà của mình, cũng chẳng biết đến những khái niệm trừu tượng như “trải nghiệm sự vô định” hay “xác tín niềm tin”, nhưng mẹ biết cách nắm lấy tay bà lão ăn xin đứng thập thò ngoài cửa và hỏi chuyện rất chân thành. Mẹ luôn đầy lòng trắc ẩn với những người nghèo khổ. Không cần đi khắp thế gian, cũng chẳng cần tìm cách thoát ra khỏi đời sống thường nhật tẻ nhạt, mẹ vẫn luôn nhìn thấy những điều cao cả, đẹp đẽ quanh mình.

Hơn năm mươi năm nay sống ở thành phố, dường như chưa bao giờ những thói quen kiểu cách thị thành ngấm vào mẹ. Mẹ vẫn giữ được vẻ thuần phác, hiền lành, quê mùa ngày trước. Mẹ vẫn tự tay may vá quần áo và dùng chiếc cặp ba lá để luồn lại chun quần cho lũ cháu nội, ngoại. Đôi lần đưa mẹ đi chơi phố, thấy mẹ ngơ ngác như cô thôn nữ lần đầu ra thành phố. Trên phố, mẹ luôn khiêm nhường nép vào một bên nhường chỗ cho mọi người hối hả vượt lên. Vào nhà hàng buffet, mẹ lúc nào cũng chỉ chọn ngô, khoai và mấy món ăn dân dã. Sang trọng không làm mẹ choáng ngợp, nghèo khổ không làm mẹ khinh thường. Mẹ sống với cái triết lý “ở hiền gặp lành”, “đói cho sạch, rách cho thơm” mà ông ngoại dạy bảo và cả đời cứ theo lẽ sống đó. Mẹ có một niềm tin bất di bất dịch: yêu thương là cho đi mà không mong nhận lại điều gì! Và chưa bao giờ mẹ phải băn khoăn tìm cách xác tín lại điều này.

Bao nhiêu năm nay, tôi cứ ngỡ mình trưởng thành nhờ những chuyến đi học xa nhà, từ những cuộc viễn du đầy ắp những điều kỳ ảo… nhưng thực ra, tôi trưởng thành từ chính cái “nhân cách nhà quê” mộc mạc đầy tự trọng của mẹ!

Lưu Hương – Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *