Sức hấp dẫn của nguyên tác văn học khiến tại liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần 1, mọi con mắt đổ dồn về Cánh đồng bất tận. Và cuộc tìm kiếm nhằm có được tấm vé trong suất chiếu ra mắt tối 20.10 tại Hà Nội diễn ra vô cùng căng thẳng (khán giả TP.HCM sẽ có dịp xem phim này từ hôm nay, 22.10).
Háo hức, tò mò và… soi mói
Một cảnh quay đẹp trong Cánh đồng bất tận. Ảnh: BHD |
Trong khi đợi đến giờ chiếu phim, một nhà phê bình văn học nói vui: “Có thể chia đôi khán giả theo hai luồng cảm xúc: những ai chưa đọc truyện thì háo hức, tò mò, còn những ai đọc rồi thì nô nức đi xem phim để… so sánh và nhặt sạn”. Quả nhiên, có những cái chau mày lộ rõ khi ngay trong cảnh đầu tiên, với màn đánh ghen tàn nhẫn, nữ nhân vật chính lộ da thịt hơi nhiều và quá sớm, trong khi truyện thì bắt đầu với giọng kể trầm buồn, da diết về cuộc sống vô định trên sông nước của cha con ông Võ.
Dẫu không cố ý, nhưng đến phân nửa phim, vẻ như người xem vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, một phần bởi đạo diễn hầu như giữ nguyên mạch truyện. Rồi những độc giả của truyện dần dần thoát ra khỏi tác phẩm văn học, và bỏ rơi luôn ý định so sánh truyện với phim có lẽ bởi được xem cảnh sông nước mênh mông, lúa vàng bát ngát, cò trắng rập rờn đem đến một cảm giác choáng ngợp (khán giả miền Bắc vốn ít khi được chiêm ngưỡng những cảnh quay thực và đẹp như vậy trong phim Việt). Có lẽ là bởi cái vẻ cong cớn dần mất đi trên gương mặt của Sương, kể từ lúc cô ngỡ ngàng đón nhận những cử chỉ chăm sóc vụng về của hai đứa trẻ côi cút. Có lẽ là bởi những tiếng cười trẻ thơ đã bắt đầu buông ra nhẹ nhõm hơn, bớt kìm nén như trước. Có lẽ là bởi khoảnh khắc bùng nổ sinh lý của cậu bé 16 tuổi quanh năm suốt tháng chỉ biết có vịt khiến người ta gai người vì thương xót. Có lẽ là bởi nét bần thần trên khuôn mặt người cha khi nghe cô gái điếm chỉ dạy con gái mình những điều tế nhị của phụ nữ. Có lẽ là bởi màn ái ân dữ dội và hoang dã, được quay một cách trần trụi cố ý giữa hai kẻ cùng thiếu vắng hơi ấm quá lâu. Và có lẽ là bởi cái không khí gia đình đã bắt đầu nhen nhóm trên con thuyền chỉ quen chở nỗi cô đơn, thù hận.
Nước mắt rơi…
Giữa nhịp điệu chầm chậm ấy, chất giọng Bắc ngang ngang hơi khó lọt tai của Đỗ Hải Yến trong vai Sương càng khiến mạch phim thêm lê thê cũng như ảnh hưởng nhiều đến diễn xuất của cô. Cũng chẳng cần thiết phải dành cho người vợ bội bạc (Tăng Thanh Hà đóng) vài phút xuất hiện như thể minh hoạ cho lời kể của hai đứa con. Tuy nhiên, cuối cùng thì nước mắt đã rơi…
Nước mắt ngân ngấn từ lúc hai đứa trẻ vồ vập lấy Sương như thể kiếm tìm hình bóng người mẹ trong cô gái điếm. Rưng rưng khi Sương bặm chặt môi mang thân xác đi cứu đàn vịt, nguồn sống duy nhất của gia đình ông Võ, một hành động không phải để trả ơn. Giọt buồn lặng lẽ khi cô giã từ con thuyền từng đem đến cho mình chút hơi ấm tình người và chút hy vọng mỏng manh. Nghèn nghẹn khi Điền vì trả thù cho Sương mà phải bỏ xứ ra đi. Mừng vui cũng rơi lệ khi người cha lặng lẽ trao cho con gái chiếc nhẫn, kỷ vật sau cùng của mẹ. Nước mắt xót xa khi đứa con bé bỏng bị những kẻ vô nhân hãm hiếp ngay trên cánh đồng bất tận, còn người cha thì nằm đó, thân thể bầm giập, bất lực, đau đớn đến tận cùng trước tiếng thét xé lòng: “Tía, cứu con!” Gương mặt lạnh lùng, tia nhìn không chút biểu cảm nhưng lại ẩn giấu biết bao cảm xúc: đớn đau, hận thù, hối tiếc… Dustin Nguyễn khiến người xem vừa giận, lại vừa thương cho ông Võ, và nhờ vậy, cũng thể tất cho cái dáng dấp đậm nét lãng tử, đúng ra không mấy hợp với dạng nhân vật có bề ngoài thô mộc, xù xì. Trong vai cô con gái, Ninh Dương Lan Ngọc là một phát hiện tuyệt vời của đạo diễn. Ánh mắt mênh mang buồn, những giọt lệ chỉ chực trào ra, nhưng rồi vẫn nén lại trên bờ mi, tiếng thở dài trước tuổi, nét hồn nhiên ngây thơ, Lan Ngọc lột tả trọn vẹn nội tâm của cô bé Nương, vốn biến chuyển qua rất nhiều trạng thái.
Ngay từ khi phim chưa ra đời đã có những bàn ra, tán vào về cái kết: sẽ buồn hay vui? Rốt cuộc, Nguyễn Phan Quang Bình chọn một cái kết tươi sáng, không ám ảnh như nguyên tác văn học: ông Võ thanh thản chèo thuyền đưa học sinh đến lớp. Còn Nương, bước chầm chậm trên cánh đồng bát ngát, dịu dàng vỗ về đứa con trong bụng “Trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”. Người xem hẳn sẽ còn bàn tán lâu về cái kết tròn trịa như muốn nhấn mạnh ý nghĩa nhân văn này.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Tôi đã khóc rất nhiều trong suốt bộ phim. Khi tới đây, tôi nghĩ, mình không hy vọng xem được một minh hoạ cho truyện ngắn của mình. Bộ phim này, với tôi, đã đứng độc lập so với tác phẩm văn học. Và đó là một thành công”.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: “Về cái kết của phim, lúc đầu, tôi rất sợ đạo diễn cắt mất cảnh cô con gái bị làm nhục như trong truyện, vì đó là chi tiết khiến người cha thức tỉnh và giã từ hẳn quá khứ, thù hận. Nhưng rồi, anh đã giữ nguyên, và thêm vào một chút màu sắc tươi sáng. Tuy nhiên, tôi vẫn thích cái kết của truyện hơn, vì nó gây ám ảnh, và vì như thế mới là cánh đồng bất tận”.
NSND Thế Anh: “Ninh Dương Lan Ngọc khắc hoạ nội tâm nhân vật bằng cả trái tim, bằng xúc cảm thực sự của mình, nên diễn mà như không diễn. Về quay phim, chỉ có thể nói: Tuyệt vời”.
Đạo diễn Phần Lan Juhani Alanen: “Một kịch bản chặt chẽ và xúc động kết hợp với những cảnh quay công phu, diễn xuất đầy cảm xúc đã giúp bộ phim này trở thành một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật có giá trị. Tôi đặc biệt ấn tượng với phần âm nhạc của phim. Với một tác phẩm mà đạo diễn đã cố tình tiết chế tối đa lời thoại, thì âm nhạc trở thành tiếng nói của phim”.
Đạo diễn Phillip Noyce: “Những bộ phim như Cánh đồng bất tận cho thấy, tương lai của điện ảnh Việt Nam rất xán lạn. Tôi rất tin rằng một ngày nào đó trong tương lai gần sẽ có những đạo diễn, diễn viên, phim hay được nhắc đến với câu “anh ta, chị ta hay phim đó được phát hiện tại liên hoan phim Việt Nam”.
Nhà quay phim Hàn Quốc Yoo Byung Woon: “Những người thực hiện công việc quay phim của tác phẩm này đã tìm thấy những chất liệu rất tuyệt trên đất nước mình và quan trọng hơn là họ biết biến chúng thành những thông điệp hình ảnh”.
Theo Hương Lan – SGTT