Gần trăm năm trước, ông nội đem theo một bầy em mồ côi cha lẫn mẹ trốn chạy nước dữ sông Tiền. Tuổi trung niên chân trần, ghe lườn và buồm lá dừa nước, hình ảnh bi tráng chứ không hoàn toàn hào sảng như người ta vẫn ngợi ca. Chèo tay đi hoài đi hoài, đơn độc giữa cây bần cây tràm và khỉ voọc chứ làm gì có một đoàn người trống giong cờ mở. Dám rời bỏ quê cha đất tổ để tìm vùng đất mới, đích thị đây là chuyện áo cơm, tâm trạng không thể thi vị hoá cho nhẹ đi gánh nặng sinh nhai.

Nhưng ông không bao giờ đay nghiến lý do khiến ông đưa cả bầy em rời bỏ bản quán. Không hằn học không kêu ca, kể cả chuyện nước lên hàng mét vào mùa nước lên. Chỉ có nỗi hoài nhớ thì được lặp đi lặp lại năm này chí năm khác. Thật thiêng liêng trang trọng cái mảnh đất mà ông đã quả quyết rời đi. Nó như một hạt giống trong tâm tưởng được gieo xuống mấy thế hệ mà giờ đây đã thành cành nhánh xum xuê ở cuối dòng sông Hậu.

Ngày con cháu mang theo hương hồn ông về lại đất gốc, sông Tiền đang mùa nước bạc, nhưng mặt sông vẫn tiềm tàng khả năng gây sự so với sông Hậu ôn hoà. Vườn cổ khô hạn, phải dùng máy bơm mới có nước tưới cho cây trái. Mộ tổ trầm mặc rêu phong, những người đi từ Bình Định vô và cũng được liệt vào hàng tiên phong mở cõi. Những liếp vườn lực lưỡng, những gốc xoài trăm năm, những cỗ xe lôi thong thả dưới ánh trăng mê hồn. Và những mái chùa đáng kính. Quê quán quá thanh bình, hà cớ ông nội phải rời đi?

Chạnh nhớ một lần nước lên ngập hết vườn nhà của ông ở cuối sông Hậu. Nơi đây gần với Rạch Giá, biển thở mạnh là có thể nghe thấy nhưng mương liếp bị ngập lé đé hết, như có một sức mạnh vô hình ấn chúng chìm xuống. Một ngày hội với đám trẻ con. Những viên gạch xếp dài làm thành đường đi từ nhà trên xuống nhà dưới. Bọn trẻ bị quây lại trên bộ ngựa gõ – có từ hồi ông nội mang theo trên chiếc ghe lườn. Những đôi guốc nhỏ xíu để lại trên đám gạch, bọn trẻ cúi nhìn những con cá nhỏ xíu dạt từ sông lên lăng quăng trong nước lụt. Hàng tuần được sống chung với nước, âu cũng là một thứ kỷ niệm đặc sắc của thời thơ ấu ấm no.

Đã có thể hình dung cảnh con người bị bó chân trong mùa nước nổi. Dạo ấy, ông đã sắp gần đất xa trời. Ông ngồi chung trên ván gõ, ông dắt dẫn đám cháu nhỏ hồi hương bằng những câu chuyện lóp ngóp buồn. Ông kể chậm rãi, rầu rĩ nhưng cẩn trọng. Như một cuốn gia phả vừa tìm lại được, ông bắt đầu từ dạo tổ tiên khăn gói đi dài từ Bình Định vào. Trong khi người Khmer sở tại giắt cây phảng và chiếc nọc cấy lên mái lá nhà sàn chờ ngày nước xuống thì người Kinh tính chuyện lên liếp lập vườn làm ra ánh sáng. Vườn mới thi gan với nước lụt sông Tiền, liếp cao lên cây cối cũng cao lên, chớp mắt mà đã trăm năm đất cổ. Trăm năm có bấy nhiêu đời người thì cũng có bấy nhiêu kinh nghiệm, giờ thì các cháu hãy nhìn vào nước lụt để thấy trong đó có gì? Đám cháu nhà ông chỉ thấy nước lợn cợn đục và những con cá tung tăng vui thích. Ông nhắc nhở : phù sa kia mới đáng ham thích, phù sa là kho báu, phù sa là ngọn nguồn, con người chỉ có thể đắp đập, đặt bộng, lên liếp, be bờ chứ không tự làm ra được phù sa, vì vậy mà con người cần phải tri ân trời đất chứ đừng có hờn trách, lại càng không được kêu ca, oán thán.

Không biết từ bao giờ xuất hiện ở miền Tây từ và mọi người được kêu gọi hãy sống chung với lũ. Ở đâu đó tận phía Bắc mới là lũ khi rừng đầu nguồn đã bị tàn sát gần xong. Thê thảm những trận lũ quét lũ vùi năm sau tàn khốc hơn năm trước. Chỉ ở miền Tây là đến hẹn nước lại về, như món quà mà ông nội kính cẩn gọi là nước chum, mùa nước chum. Không nghe ông giải thích tại sao là chum mới thoả đáng chứ không phải nước lụt, nước về hay nước lên, nước nổi. Nước chum, nghe thật chập chã, mênh mang, xa hút.

Sẽ có lúc cả đồng bằng Cửu Long trở thành biển nước. Như thời hồng hoang. Lỗi không bởi sông Hậu hay sông Tiền, mà bởi những cánh rừng đại ngàn xa xôi không còn trên mặt đất. Con người đang tự ăn thịt chính mình. Những dẫu cho sẽ là như vậy thì mỗi năm một lần nước lụt nước nổi nước chum, chúng ta luôn được cho nhiều hơn là bị lấy mất. Sống chung với lũ, có nghĩa là sống thuận, sống vui. Nếu được định hướng như vậy, con người sẽ tìm thấy bằng an và cả chân lý ôn hoà như ông cha ta đã từng vui vẻ sống.

Dạ Ngân – Theo SCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *