Khuôn miệng xinh xắn của chị cứ cười mãi. Và đôi mắt thì long lanh. Nhưng phía sau khuôn mặt đẹp và phong thái chuyện trò cởi mở, tôi cứ thấy một điều gì, giống như một nỗi ngậm ngùi đang ẩn giấu. Tôi thấy chị cô đơn. Tôi thấy một người đàn bà buồn đứng ngay sau con người vui vẻ của chị.

Diễn viên Thanh Quý

Hẹn hò, lần lữa mãi mới gặp được Thanh Quý. Chị giao kèo : "Chỉ gặp nói chuyện cho vui thôi đấy nhé, đừng viết gì về chị cả. Chị già rồi, cũ rồi, đâu còn chuyện gì để mà viết". Thanh Quý là nghệ sĩ để lại cho tôi nhiều ấn tượng, bởi cái cách trào lộng của chị trong mỗi lời nói. Chị chẳng ngại "mổ xẻ" chính mình để làm vui, làm "mồi nhậu" cho câu chuyện với mọi người. Và trò chuyện với chị thì bạn cứ việc cười nghiêng ngả cả buổi.

Thanh Quý đến quán cà-phê rất đúng hẹn. Quán cà-phê nhỏ nằm trên đường Võ Thị Sáu. "Quán ruột của chị đấy, uống cà-phê mà hết tiền thì nợ cũng được".

Tóc buông lơi, áo quần đơn giản, chị tuồng như không chú ý nhiều đến vẻ bề ngoài. Gặp là cười nói râm ran. Hài hước, dí dỏm, nhưng tinh ý có thể nhận thấy sau mỗi câu mỗi chữ là cả một gánh nặng suy tư về cuộc đời.

Gọi cà-phê xong, chị châm thuốc hút. Cái "món" thuốc lá nó vận vào chị từ những lần đi đóng phim, phải thức đêm thức hôm trăn trở với vai diễn. Từ những lúc một mình ngồi nhìn đời sống trôi ngoài cánh cửa. Và từ những cô đơn của kiếp đàn bà làm nghệ thuật nữa. Chị biết là hút thuốc có hại cho sức khỏe đấy, chẳng hay lắm đâu, nhưng mà quen rồi. Người ta rất khó để từ bỏ một thói quen mà.

Chuyện dây cà ra dây muống. Chị bảo đang xây nhà. Suốt cả ngày chị bận bịu với gạch, ngói, vôi, vữa, đau hết cả đầu, ù hết cả tai. Xi-măng, sắt thép cứ nhộn nhạo trong trí nhớ. Đàn bà xây nhà, không có đàn ông trợ giúp buồn cười lắm. Cứ nói trước quên sau, chả hiểu cụ thể được mọi chuyện cho đến đầu đến đũa. Thôi thì cứ để tất cho thợ thuyền làm, mình đáo qua đáo lại tí gọi là. Vật liệu thì gọi đại lý quen họ mang tới. Giá cả họ bảo thế nào thì mua thế ấy. Tất cả chỉ trông mong vào sự tử tế của mọi người xung quanh thôi. Nói xong lại cười, lại châm thuốc rất điệu nghệ.

Thanh Quý cho ta cái cảm giác, dù cho chị đã qua cái tuổi làm nghề hăng hái nhất, thì sự hồn nhiên trời phú cho người nghệ sĩ trong chị vẫn còn nguyên vẹn.

Quay sang chuyện phim ảnh, Thanh Quý bảo, chẳng hiểu thế nào mà đời chị lại chỉ toàn đóng những vai buồn thương, đẫm nước mắt. Có lẽ bởi khuôn mặt, tính cách của chị rất phù hợp với những vai ủy mị, giàu lòng trắc ẩn.

Thanh Quý trong phim "Không có đường chân trời"

Người yêu điện ảnh có thể vẫn còn nhớ chị trong các phim "Chuyến xe bão táp", "Tình yêu và khoảng cách", "Ngõ hẹp", "Không có đường chân trời", "Người đàn bà bị săn đuổi", "Mùa lá rụng"… Ở đó, những người đàn bà chị sắm vai đều mang một số phận trắc trở, phải đối diện với những bi kịch hay những lựa chọn nghiệt ngã.

Hỏi, liệu chị có nghĩ mọi thứ từ cuộc đời nhân vật có thể vận vào đời mình không? Thanh Quý lại cười, mắt long lanh như thể có hai giọt nước. Chị bảo, cuộc sống có lý lẽ của nó. Nếu mình chủ động chọn một công việc nào đấy, mình có thể dễ dàng rời xa nó. Nhưng nó đã "chọn" mình thì chịu thôi. Mình phải sống và chảy đi cùng với những vui buồn mà nó mang tới.

Quay lại câu chuyện mơ ước thời tuổi nhỏ. Thanh Quý đã chỉ có một ước mơ duy nhất thôi, là trở thành một cô thủ thư, để có thể được đọc sách thoải mái trong thư viện, thỏa mãn niềm đam mê sách của chính mình. Đấy, suốt cả tuổi thơ Thanh Quý chỉ có một ước mơ như vậy. Nhưng rồi chị bị "túm tóc" nhấc sang một lĩnh vực khác, một lĩnh vực mà những hào quang của nó thật xa cách với đời sống chị tưởng tượng.

Nhan sắc, tuổi trẻ và sự nhạy cảm trời phú đã mang chị tới "bén duyên" cùng điện ảnh. Và chị ở lại với nó, đau đớn, dằn vặt cùng nó. Để nhận ra rằng, buồn vui với những nhân vật của cuộc đời chính là cái "nghiệp" buộc vào số phận của chị. Có lúc buồn, tuyệt vọng, muốn trốn cũng không được.

Thanh Quý kể, ngày nhỏ chị rất hay khóc. Gặp chuyện gì cũng khóc. Vô tình đi qua trường điện ảnh, người ta tuyển diễn viên, vào thi cho vui. Nhưng đứng trước ban giám khảo là khóc mất rồi. Người ta bảo hát, khóc. Người ta bảo trượt, khóc. Mà người ta bảo đỗ rồi, cũng khóc. Vai diễn đầu tiên trong đời không thành công, chị về ôm gối khóc mãi, thậm chí còn nghĩ đến cái chết. Đọc một cuốn sách hay cũng đầm đìa nước mắt.

Là một người nhạy cảm nó khổ thế đấy. Dễ khóc dễ buồn. Cái gì cũng có thể chạm vào mình, gây hiệu ứng xúc cảm với mình. Mẹ chị thường bảo, con gái mà khóc nhiều đời dễ bi lụy. Cuộc đời của Thanh Quý không thể gọi là bi lụy. Nhưng nhân vật của chị thì nhiều nước mắt.

Người ta thường hay nghĩ, làm người nghệ sĩ biểu diễn thì lúc nào cũng phải lấp lánh, hào nhoáng, thậm chí là phù phiếm một chút. Nhưng Thanh Quý thì trái ngược. Chị mộc mạc, tự nhiên. Tuồng như chị ít quan tâm đến vẻ ngoài của bản thân. Chị hướng vào phía trong nội tâm con người mình.

Thanh Quý trong phim "Những người đã gặp"

Chị tâm sự, ngay cả những lúc còn trẻ trung và say đắm với nghề, chị cũng rất ngại cầu kỳ xiêm áo khi xuất hiện ở đám đông. Chị muốn được sống thoải mái, tự do với chính mình, không cần phải cố gắng điều gì.

"Tôi muốn người ta đến với tôi bằng sự thương mến, bao dung, biết chấp nhận con người thật của tôi khi không son phấn, không mặc quần áo đẹp. Một người đàn bà thích hàng ngày đi chợ, dưa, cà, mắm, muối. Mua được cái gì vừa ngon vừa rẻ thì vui sướng âm ỉ, xuề xòa đi ra đi vào trên đôi guốc loẹt quẹt. Không làm ra vẻ nghiêm trọng mọi thứ trên đời".

Cuộc hôn nhân dài 20 năm của chị với một họa sĩ nổi tiếng đã kết thúc. Câu chuyện ấy hẳn nhiên là buồn. Trong lòng Thanh Quý, dường như nỗi buồn ấy còn mãi, không bao giờ có thể nguôi ngoai. Mỗi khi ai hỏi, chị không muốn chạm tới nữa. Chị tếu táo vài câu cho vui. Nhưng kỳ thực có thể nhìn thấy trong đáy sâu lòng chị là cơn sóng ngầm chưa dịu lắng. Những thất vọng, những cay đắng, những bất ngờ và cả những bàng hoàng như vẫn còn nguyên vẹn đấy.

Chị bảo : "Khi con người hết tình yêu với nhau thì chia tay là cách giải thoát tốt nhất. Nhưng người ta chia tay nhau thế nào mới là điều đáng nói. Tôi có lúc làm việc nọ việc kia cũng đàn bà thường tình. Và nghĩ mình phải cao thượng hơn chứ. Nhưng xét cho cùng, vì sao mình cần phải chối bỏ cái bản tính đàn bà cố hữu của mình. Mình là đàn bà kia mà".

Cái bản tính đàn bà trong chị, tôi hiểu, là cũng có những lúc chị đã uất nghẹn, đã hờn giận, ghen tuông, đau đớn vì một cảm giác không thỏa đáng nào đó. Nhưng bây giờ thì chị đã đủ bình thản để thấy mọi chuyện trên đời bàn chân mình đều có thể bước qua. Chị đủ trải nghiệm để tự thỏa hiệp với lòng, rằng, đến một lúc nào đó ta cũng có thể tự hiểu được vì sao có những thứ tưởng chừng như bền chặt lại có thể nhanh chóng mất đi.

Tình yêu là câu chuyện chẳng bao giờ đoán định hay tiên lượng được trước. Nó mang cho ta những ngày hạnh phúc và cả những nỗi bất hạnh. Nó gieo niềm vui nhưng cũng có khi ta phải gặt nỗi buồn. Với Thanh Quý, tất cả những mất mát qua đi, còn lại là một thái độ sống rất chân thành : "Tôi không thu mình lại như một con chim trúng tên. Cho dù thế nào thì mong muốn lớn nhất của tôi, mình vẫn phải là mình, không phải con kỳ nhông cứ đổi màu lẩn tránh".

Trong suốt câu chuyện, Thanh Quý luôn có ý thức kéo mình trở về thực tại. Chị rõ ràng không muốn đắm chìm vào các câu chuyện cụ thể quá lâu. Chị cũng không muốn không khí trở nên nhuốm màu tâm trạng. Thoắt một cái chị lại tếu táo pha trò ngay. Chị có biệt tài tìm những câu đùa vui, hóm hỉnh rất phù hợp khiến cho người khác bật cười.

Chị đã đi qua một con đường rất dài. Bao nhiêu xúc cảm cuộc đời đã va chạm vào chị và bây giờ còn lại là nỗi an nhiên. Thậm chí chị thấy mình đang hạnh phúc. Không làm nghệ thuật nữa thì vui với từng ngày trong mỗi công việc thường nhật. Chị chăm chút con gái, cưng chiều cháu ngoại. Và chẳng nên bỏ qua những điều tốt đẹp đến với mình.

Chị bảo : "Tôi có một đứa con gái và nó là toàn bộ đời sống của tôi. Khi nó không làm nghệ thuật, chọn một công việc bình thường, tôi rất mừng. Nó lấy chồng, sinh con, sống đời sống giản dị như nhiều cô gái khác làm tôi an tâm vô cùng".

Tôi hiểu rằng nỗi vui ấy của Thanh Quý trong vai trò một người mẹ là bởi chị là người đàn bà đã hứng chịu quá nhiều sóng gió của đời sống. Đã phải trả giá và mất mát nhiều để nhận ra đâu là giá trị thật trong đời một con người.

Mỗi khoảng lặng trong câu chuyện, Thanh Quý lại châm một điếu thuốc. Và cực kỳ chủ động trong việc tạo không khí buổi chuyện trò. Khuôn miệng xinh xắn của chị cứ cười mãi. Và đôi mắt thì long lanh. Nhưng phía sau khuôn mặt đẹp và phong thái chuyện trò cởi mở ấy, tôi cứ thấy một điều gì, giống như một nỗi ngậm ngùi đang ẩn giấu. Tôi thấy chị cô đơn. Tôi thấy một người đàn bà buồn đứng ngay sau con người vui vẻ của chị. Và tôi viết ra đây cảm nhận cuối cùng về chị. Cho dù tôi biết chắc chắn chị không thích điều này. Chị không thích ai đó nhìn sâu vào tâm trạng của mình. Chị muốn "bảo toàn" nó. Chị muốn giữ nó, như một bí mật riêng, không giãi bày…

Bình Nguyên Trang – Theo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *