Cuối những năm 70 của thế kỉ XX, thiên hạ bắt đầu gọi một lượng vàng là cây vàng. Từ một tiếng lóng ám chỉ để tránh lộ liễu, khi nói phải hạ giọng thì thào, mắt ngó canh chừng tứ phía, dần dần, tiếng “cây” được nói công khai và trở thành một từ thông dụng, ai cũng biết, ai cũng dùng.

Hình như từ đó trở đi, cái gì cũng tính ra vàng, định giá bằng vàng.

Mua một chiếc xe Dream hàng Thái Lan vào thập niên 1980, chủ xe sẽ hãnh diện bảo là "năm cây vàng lận đó" thay vì nói bao nhiêu triệu đồng. Thấy căn nhà nọ được mua, bán mấy tỉ đồng thì lập tức thử nhẩm tính bằng bao nhiêu cây vàng. Bàn chuyện tiền lương hàng tháng cũng rị mọ quy đổi ra coi có ngang một chỉ vàng không? Biết được thứ này, thứ khác có giá trị bằng bao nhiêu vàng đã thành thói quen, nó làm người ta dễ hiểu và an tâm hơn. Bởi vậy mới có chuyện cười, thấy cô dâu đeo bộ nữ trang bạch kim cẩn hột xoàn lấp lánh, hàng xóm chưng hửng : "Mang tiếng lấy chồng giàu, sao không có một miếng vàng nào hết?!".

Con người đã lấy vàng làm vật trang sức từ khi nào không biết? Vàng vừa là thứ để làm đẹp cần cổ, bàn tay, lỗ tai vừa giúp người đeo nó chứng tỏ được mức độ giàu có. Phụ nữ tân thời đeo vàng tây, vàng tươi như múi mít chín, tinh xảo và thanh mảnh. Phụ nữ chưa kịp tân thời thì đeo vàng ta, màu đậm như nước cà-ri gà, vàng nhiều, kiểu thô. Má tôi đeo đôi hoa tai có cái cuống to như chiếc đũa ăn cơm, dài chừng một đốt ngón tay, phía dưới xòe ra như cái váy đầm, đằng trước gắn một hột đá trắng lớn bằng hột bắp. Tai tôi lúc lắc đôi khoen bằng cỡ miếng ớt xắt khoanh. Sau này, má tôi bán đi rồi, tôi mới biết hai đôi bông xấu xí đó làm bằng vàng 24K. Bù lại, tôi được sợi dây chuyền vàng 14 màu vàng tái tái, hơi pha xanh.

Nhờ vậy, vốn từ của tôi được bổ sung hàng đống vàng, nào vàng miếng, vàng lá, vàng ròng, nào vàng thỏi, vàng chín tuổi rưỡi, vàng mười, vàng bốn số chín… Có một thời, tôi rất ngưỡng mộ những người trên tay đeo tới mấy khâu vàng. Coi như lúc nào trong túi cũng dằn sẵn một mớ tiền lớn, rất gọn, không lo bị móc túi, đi đâu đụng chuyện, chỉ việc bước vô tiệm vàng, tháo ra, thế là yên chuyện.

Khi có rủng rỉnh tiền dư sắm vàng 18 để đeo cho bằng chị bằng em, tôi mới biết vàng có uy lực riêng. Mua đâu bán đó thì mới mong không bị mất giá, thiệt thòi. Cửa hàng có khắc tên bảng hiệu nhỏ rí trong lòng chiếc nhẫn lá hẹ đó, đúng tên thì mua đúng giá, không thì thử coi là thật hay giả. Đốt với lửa nhiệt độ cao, vàng bị hao, ráng chịu. Cũng có trường hợp mua ở tiệm đó loại vàng bảy tuổi rưỡi, khi túng cùng đem đi bán, hóa đơn lạc mất, thế là sau khi được kiểm định, vàng đã tự sụt xuống còn có chưa tới sáu tuổi rưỡi! Bán thì lỗ, không bán thì khổ!

Bởi vậy, trong nhà có trữ chút ít vàng là thấy đỡ lo. Năm 70 tuổi, ba tôi ngỏ ý muốn có một chỉ vàng và nói trước năm sau sẽ thêm chỉ nữa, năm tới cũng vậy. Ông khoan khoái bảo rằng, người sống tới tuổi này mà có vàng đeo để kỷ niệm tuổi già là tốt lắm. Còn tôi thì rối trí, chẳng biết mình có đủ sức mua vàng dài dài mỗi năm một lần không. Khi bệnh nặng khó qua khỏi, ba tôi mới nói vàng đó để lo hậu sự. Suy ra, vàng giúp con người giải quyết mọi chuyện trên đời, đồng thời có hấp lực với người như nam châm hút nam châm. Bằng cớ là từ người lao động tay chân dưới nắng đổ chói chang, bán hàng rong ruổi trên đường mưa trút ào ạt tới người trí thức, tới nhân viên các cơ quan công sở, tư nhân mặc đồng phục ngồi trong phòng máy lạnh, tới diễn viên nghệ sĩ… không ai thoát khỏi lực hút của vàng. Các thầy cô giáo giờ ra chơi, uống ly nước trắng cho thấm giọng đặng mà hỏi nhau giá vàng hôm nay lên xuống bao nhiêu nữa kìa.

Vào những ngày vàng lên giá ngất ngưởng, ai nấy lè lưỡi lắc đầu, ở các tiệm vàng vẫn có người dắt nhau đi mua cà rá, bông tai, dây chuyền… Mua xong, rối rít đeo ngay tại chỗ, mắt long lanh hớn hở ra về. Giải thích sao đây? Không mua, lỡ nó vọt lên nữa thì toi tiền? Phải mua thôi, không thì lấy gì mà đeo?

Vàng dành cho phụ nữ làm đẹp, làm quà tặng đứa trẻ kỉ niệm ngày đầy tháng, thôi nôi, làm sính lễ của đàng trai, làm của hồi môn cho con gái lấy chồng… Muôn năm sau nữa vàng cũng không bị sờn mép, rách góc. Ai cũng ái mộ vàng, nên vàng cứ phởn phơ tăng giá ào ào như xe máy rú ga trên đường vắng chăng? Trên thế giới, có lẽ không có nơi nào mà giá vàng thường xuyên được toàn xã hội quan tâm theo dõi từng giờ, từng ngày như ở xứ mình. Có lập luận cho rằng do chiến tranh liên miên, người ta hình thành thói quen giữ vàng làm của cho an toàn. Nhưng nay chiến tranh đâu còn nữa?!

Nói chuyện nay thì ai cũng rõ ràng vàng quý lắm rồi, vậy sao ca dao lại hát : Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng trôi không tiếc, tiếc công cầm vàng. Vậy ra, ông bà ta từ ngàn xưa đã coi cái thứ vàng viếc ấy chẳng có ký lô nào cả! Vậy nên, sung sướng thay những ai không nói tiếng của vàng trong lời nói hàng ngày vất vả của mình, không có ám ảnh vàng trong ý nghĩ buồn vui giận ghét, không lao đao ao ước được nói cùng tiếng nói với vàng. Vậy đi, cho lòng thanh thản, trong lành.

Lưu Thị Lương – Theo TBKTSG