Canh đúng ngày dân chúng đi nghỉ lễ ở bờ biển và chỗ khác, tôi đem xe đạp ra chạy nhong nhong, trước là tập thể dục, sau là thăm thú phố phường.

 

Chiếc xe đạp này kiểu mini, là mốt thịnh hành hồi tôi còn là nữ sinh trung học. Năm đó, thế giới khủng hoảng xăng dầu, xe hiệu đoàn đưa rước học sinh ngừng hay giảm tuyến đường hoạt động, tôi không nhớ rõ, chỉ biết ba tôi mua một chiếc xe đạp mini cho tôi tự đi học. Thoát được cảnh mỗi ngày hai buổi chờ đợi và chen chúc trong chiếc xe đầy ắp nữ sinh, tôi sung sướng một mình đạp xe phom phom trên lộ trình zic zắc tùy hứng. Bỗng rầm một cái. Tôi được đỡ dậy từ mặt đường nhựa, áo rách, da trầy, còn cái xe đạp thì gãy cổ. Bây giờ không nhớ chắc chuyện gì đã xảy ra hay xảy ra như thế nào. Tất nhiên, tôi may mắn còn sống. Nhưng từ mười sáu tuổi, tôi bắt đầu ý thức tự do và hiểm nghèo luôn song hành.

Ngay như bây giờ, cẩn thận chạy sát lề đường, gần như lẫn trong những người đi bộ, tôi vẫn hồi hộp, có lúc thắt tim khi vừa trờ tới một đầu hẻm thì một chiếc xe gắn máy từ trong vọt ra, thắng ngay mép đường, tôi thề là chỉ còn cách bánh xe tôi một gang tay. Đường hẻm không tên bây giờ là đường mà xe gắn máy, nhất là xe ôm, luồn lách khi những con đường có tên bị nghẹt cứng đủ loại xe khác. Những ngôi nhà âm thầm trong hẻm giờ đây thường xuyên bị quấy động, hẻm không còn là chỗ an toàn cho trẻ con chạy nhảy chơi đùa, người già hết chỗ đánh cờ hóng gió. Và tôi cụt hứng cỡi xe đạp đi kiếm người quen. (Là cái cớ thôi : Thấy người lạ đi lêu bêu trong hẻm, người ta hay hỏi : “Kiếm ai?”, tôi phải nghĩ ra ông Bảy bà Tám để người ta chỉ tiếp qua hẻm số 3 số 4 mà tìm.)

Cỡi xe đạp đi chơi trong mấy con hẻm bây giờ không còn khả thi nữa. Mấy xe gắn máy chạy như giựt cô hồn đã quẹt tôi té ba bốn lần. Một lần tôi nhanh tay, và ức quá, níu áo người chạy chiếc xe gắn máy đã tông tôi để bắt đền. Y bị rắc rối một buổi, nhưng chắc không tởn. Thành ra tôi tởn. Tới già cũng không dám cãi nhau ngoài đường. Mình càng có lý càng thấy mình ngu. Ra đường là để đi cho tới nơi về tới chốn. Bằng bất cứ cách nào, bất chấp người khác ra sao. Đừng nói chuyện dạo chơi ở đường Sài Gòn, dù là đường hẻm. Có chăng, ở vài khu chung cư lọt ra ngoài những trục lộ giao thông chính còn những con đường nội bộ đủ vắng vẻ để cỡi xe đạp đi dạo về mà thấy mình vẫn còn nguyên vẹn hình hài.

Lẽ ra, cùng là hai bánh, xe gắn máy phải thương xe đạp, nhưng từ hồi tôi biết đến giờ, ở xứ mình chỉ thấy xe gắn máy và tất cả xe khác ăn hiếp xe đạp. Không đâu có đường dành riêng cho xe đạp đã đành, có tai nạn rủi ro thì xe đạp bị xử ức, như chuyện vừa xảy ra : Tôi vừa ngừng xe ở ngã tư đèn đỏ, bỗng bị một lực từ phía sau tông chúi nhủi tới trước, quay lại thì thấy một ông cỡi xe gắn máy đang cau có chồm qua tay lái săm soi cái gì đó ở bánh trước, rồi ngửng lên cự nự tôi. May là ngã tư có công an chứ không như trong hẻm. Việc thứ nhất là ông công an ngoắc tay cho cả hai xe được đem lên lề. Câu thứ nhất, ông công an bảo là giấy tờ đâu. Ông xe gắn máy móc bóp đưa cho ông công an (có lẽ) giấy tờ, lưng ông ta to quá, án mất tầm nhìn của tôi. Sau đó, ông công an quay qua tôi, tôi nói, tôi đạp xe đi chơi vòng vòng quanh xóm, không đem theo giấy tờ, với lại, xe đạp đâu có giấy tờ gì. Thấy tôi không đưa gì hết, ông cũng không nói gì, quay qua ông xe gắn máy. Lát sau, ông xe gắn máy được trả lại giấy tờ và thả cho đi. Tôi hỏi ông công an là xe gắn máy ông đó đụng xe đạp tôi, tôi là kẻ bị hại, ít ra là thiệt hại vật chất nhìn thấy rõ, tại sao ông kia được thả ra mà tôi thì bị giữ lại? Ông công an nói : Ông ấy có giấy tờ hợp lệ, bà không có giấy tờ thì đứng đây. Đứng thì đứng. Tôi đứng đến lúc ông công an (có lẽ) hết phiên trực hay hy vọng, leo lên xe gắn máy của ông ta mà chạy đi, không để lại một phán quyết nào về chiếc xe đạp móp vè. Nếu ai đọc tới đây mà phì cười thì khó hình dung nổi là tôi đã đứng đó mà tức phát khóc!

Người đi xe đạp ở xứ mình hiện nay theo tôi quan sát (lúc bị bắt đứng ở ngã tư) là học sinh và trẻ em nói chung, người lớn tuổi, có vẻ nghèo như tôi, hay quê quê như nông dân, công nhân. Nghe nói có người giàu, có người làm giám đốc, có người bằng cấp to cũng đi xe đạp, loại xe đem vô bãi để xe cơ quan là chỗ đó sáng lên rực rỡ, nhưng tôi chỉ đọc chuyện họ đi xe đạp trên báo, chứ chưa hân hạnh gặp ngoài đời. Cho nên nhận thức chung của mọi người là xe đạp thuộc thành phần dưới cả bình dân, bị đối xử miệt thị là điều dễ hiểu. Còn chuyện đường ưu tiên cho xe đạp, luật lệ bảo vệ và khuyến khích người dân đi xe đạp, thậm chí đi xe đạp có thưởng hoặc được trừ thuế, là chuyện ở xứ người ta. Xứ mình khác chớ bộ.

Nội cái chuyện gởi xe đạp cũng đủ tủi thân. Tôi có việc đến một cơ quan, ở đó không giữ xe, chạy vòng vòng mấy chỗ gởi xe trước nhà hàng tiệm quán, họ không nhận giữ xe đạp, cuối cùng tôi dựng đại cái xe trên lề đường, định vô cái cơ quan đó một chút xíu rồi ra ngay. Vừa quay đi thì nghe tiếng người la : Sao để cái xe ở đó? Tôi bảo không sao đâu. Người kia vẫn bảo không được. Tôi bảo được, rủi mất thì tôi đành chịu. Người kia sừng sộ : Ai thèm lấy cái xe đó, để ở trước cửa hàng làm mất thẩm mỹ!

Chiếc xe đạp của tôi đâu phải là đồ tầm thường! Nó có lịch sử 36 năm thăng trầm chứ chơi à. Sau tai nạn giao thông đầu tiên bị gãy cổ xe đạp, ba tôi đã chọn lựa rất cẩn thận khi mua chiếc xe đạp khác cho tôi. Và ông đã không uổng công hay phí tiền. Tôi đã đạp chiếc xe này đi qua hết thời trung học, suốt thời đại học, rồi đạp xuống tỉnh dạy học bốn năm, rồi đạp về thành phố dạy thêm năm năm nữa, mới cho nó nghỉ xả hơi đến dạo gần đây. Nói ra thì tôi cũng là đứa tệ bạc : cái xe tận tụy với mình như vậy, nhưng trừ giai đoạn lãng mạn tuổi teen, phần lớn thời gian ì ạch đi về trên những chặng đường dài hàng chục cây số sau này, tôi luôn nung nấu ý tưởng phụ bạc cái xe tôi đang cỡi : có tiền là tôi sẽ mua ngay cái xe gắn máy. Và tôi đã làm như vậy. Chiếc xe đạp được ba tôi treo lên làm kỷ niệm. Sau khi đã đi xe gắn máy và đủ các loại xe khác, tôi về nhà hạ chiếc xe đạp xuống, cỡi đi đó đi đây. Nó vẫn bền gan chung thủy, dù bị cong niềng, móp vè, đứt thắng, vẹo sườn bao phen.

Lý Lan
Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *