Nói tới vấn đề giới, vâng, “vấn đề” chứ không chỉ là đề tài hay câu chuyện, thế nào cũng có tranh cãi, thậm chí tranh cãi sôi nổi, hoặc gay gắt. Cho nên, cuộc thảo luận về “Tầm quan trọng của bình đẳng giới trong việc phát triển đất nước” càng lúc càng hào hứng. Diễn giả đã thận trọng trình bày một cách khái quát những hạn chế sự phát triển xã hội do bất bình đẳng giới, và đưa ra những thí dụ toàn ở xứ người ta, lại nhử mồi rằng những biện pháp tiếp cận bình đẳng giới mà các chuyên gia Tây phương đưa ra không phải là liều thuốc tiên, những huyền thoại như giáo dục đem lại bình đẳng cho phụ nữ không áp dụng có hiệu quả ở các nước có những nền văn hoá khác nhau. Thí dụ ở Bangladesh, phụ nữ học thức càng cao thì bị đòi của hồi môn càng nhiều. Thậm chí ở nước tiên tiến như Singapore, phụ nữ học càng cao càng khó kiếm chồng, đến nỗi chánh phủ ông Lý Quang Diệu phải mở vô số dịch vụ mai mối.

Quả là chạm trúng nọc. Vậy phụ nữ không nên học cao, chớ giành chức lớn, đừng tỏ ra mạnh mẽ sắc sảo, kẻo không lấy được chồng? Điều này dễ dàng bị bác bỏ ngay bằng chứng cớ trước mắt : Những người đang ngồi ở bàn hội thảo : bà Tôn Nữ Thị Ninh (cựu đại sứ Việt Nam ở châu Âu), tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư, tiến sĩ Nguyễn Đài Trang, thạc sĩ Bùi Trân Thuý đều là những phụ nữ học cao và đều có chồng.

 
 Bà Triệu – Tranh

 
Tự nhiên sanh vạn vật có nam có nữ thì nhu cầu kết hợp nam nữ là tự nhiên, và người ta cũng nên có đôi có bạn cho đỡ buồn trên con đường đời thăm thẳm. Nhưng nếu sự kết hợp kèm theo những điều kiện như “của hồi môn” hay sự phục tùng lép vế của người này đối với người kia, thì liệu sự “có đôi” có hạnh phúc không? Tại sao phụ nữ không có chồng thì xã hội coi như bất toàn mà đàn ông độc thân thì vẫn nghiễm nhiên “sáng giá”? Có phải vì vậy phụ nữ phải có chồng mới là người “đàng hoàng” và phải khéo léo chìu chồng để “giữ chồng”, giữ hạnh phúc? Bản thân phụ nữ, có phải dù học cao, thành đạt, danh vọng thế nào, thâm tâm vẫn mong có một mái ấm gia đình, có một người đàn ông để được làm đàn bà? Chẳng phải ở nhiều nền văn hoá, phụ nữ yên tâm với vị trí của họ, dù là trong căn bếp, mà không bận tâm gì chuyện bình đẳng với nam giới, thậm chí hãi sợ một xã hội mà phụ nữ phải làm việc như đàn ông để lãnh lương bằng đàn ông và san sẻ vai trò cột trụ gia đình với đàn ông? Kinh nghiệm của tôi khi nói chuyện bình đẳng giới ở xứ mình, dẫu nói gì thì rồi cũng sẽ vướng vô mấy câu hỏi đó. Đó là vấn đề lấn cấn nhứt, hoặc hấp dẫn nhứt, hay được ngộ nhận là phụ nữ nhứt. Và nếu mổ xẻ chúng thì cuộc tranh cãi sẽ bất tận. Dù rằng, nói chuyện bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ, nữ quyền, mà loanh quanh chuyện lấy chồng thì thiệt là không có gì để nói cả.
Diễn giả hẳn nhiên chỉ cố tình nêu vấn đề cho khán giả phản biện, bởi vì dự án giáo dục bình đẳng giới này lấy tên Bà Triệu, vị anh hùng dân tộc đã không chấp nhận vai trò thứ yếu của phụ nữ trong gia đình, mà nhận lấy trách nhiệm gánh vác việc đất nước, xã hội, lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược phương Bắc. Người Việt Nam nào (có học lịch sử) ắt biết đến câu nói bất hủ lưu danh sử sách của bà Triệu : “Tôi muốn cỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc, chứ đâu chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người!” Một hình ảnh mạnh mẽ, khí phách, ngạo nghễ, cao cả của một con người có chí hướng và tính cách. Khẩu khí đã đẹp, hình tượng những lời ấy vẽ nên càng đẹp. Văn chương mấy chục năm nay ca ngợi hình tượng phụ nữ Việt Nam luôn hy sinh, chịu đựng, chịu thương, chịu khó, chịu thiệt về mình, nhẫn nại, dịu dàng, âm thầm, hiền ngoan… coi như là những hình ảnh truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Chẳng lẽ những bà Trưng bà Triệu không phải là hình ảnh truyền thống đáng tự hào của chúng ta?
Hỏi chơi vậy thôi. Bằng truyền thống mấy ngàn năm, và những cuộc vận động xã hội dưới nhiều hình thức, qua nhiều giai đoạn lịch sử, phụ nữ Việt Nam, nếu so với các nước trong khu vực, đã có ý thức bình đẳng giới và vị trí xã hội khá cao. Nhưng tại sao hàng trăm ngàn phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, hàng trăm ngàn phụ nữ sống bằng mua bán tình dục, hàng trăm ngàn trường hợp phụ nữ bị bạo hành ngược đãi trong gia đình, hàng trăm ngàn trẻ em gái phải nhường quyền ưu tiên học hành cho anh em trai, và hàng trăm biểu hiện bất bình đẳng giới khác trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá… ?

Giống như những buổi chuyện trò về giới tôi từng tham dự ở xứ mình, buổi thảo luận về bình đẳng giới ở trường Đại học Hoa sen vào tháng 11/2008 này chỉ hiện diện không quá năm đấng mày râu, kể cả hai nhân viên kỹ thuật phục vụ hội thảo, chiếm tỷ lệ 10% số người tham dự (kể ra là nhiều). Làm như bình đẳng giới chỉ là chuyện … đàn bà.

Rõ ràng ở xứ ta bây giờ, bình đẳng giới là vấn đề của đàn ông. Đàn ông cần phải lập ra những câu lạc bộ về giới để thảo luận về bình đẳng giới với đàn bà (Tôi nói nghiêm túc đấy!)

Lý Lan
(Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *