Giống hai năm gần đây, càng gần sát hạn thì xu thế phần thắng nghiêng về người nhận giải càng rõ rệt. Herta Müller (Đức) nhích lên cao từng ngày trong bảng cá cược của làng sách và rốt cuộc qua mặt Amos Oz – ứng viên nặng ký người Israel – để giật giải Nobel Văn chương 2009.

Khác với các thành tựu khoa học hay thậm chí trong đấu tranh vì hòa bình, Viện Hàn lâm Thụy Điển chưa bao giờ cho biết rõ họ lựa văn sĩ tiêu biểu cho giải Nobel Văn chương theo tiêu chí nào. Nhưng cũng không sao. Cái nghề làm dâu trăm họ này bao giờ chả bị trách móc.

Như năm nào cũng vậy, không chê Orhan Pamuk (vì lý do chính trị hơn vì văn chương) hoặc Elfriede Jelinek (làm nhục mặt nước Áo) thì người ta cũng ngán ngẩm bởi danh sách ứng viên nặng ký lần nào cũng dài dằng dặc những Haruki Murakami hay Philip Roth hẩm hiu.

Giải Nobel Văn chương thứ 10 cho người Đức không thể không gây ra vài cú lắc đầu, vì sau Hermann Hesse (Thụy Sĩ), Albert Schweitzer (Pháp) và Nelly Sachs (Israel) thì Herta Müller lại là một người có gốc Romania, nghĩa là không "thuần“ Đức.

Nhưng, săm soi như vậy có nhỏ nhen quá không, khi chính số phận lênh đênh đã đưa những cây bút lớn ấy lên chiếu trên của làng văn?

Tuổi thơ bất hạnh

Herta Müller ra đời tại ngôi làng nhỏ Nitzkydorf ở Banat (Romania) và trực tiếp chịu đựng tàn dư của chiến tranh.

Mẹ bà bị đẩy vào một trại cải tạo. Ở đó, một bạn thân của bà bị chết đói và để lại cái tên Herta cho đứa con gái tương lai của bạn mình. Bố bà tìm an ủi trong rượu chè sau khi nông trại bị quốc hữu hóa, cả gia đình phải bò ra ruộng kiếm ăn.

“Tôi tin rằng, người lớn nhầm khi cho là trẻ con dễ sướng. Tôi không biết truyện cổ tích là gì, lúc nào cũng cô đơn và phải làm việc cực nhọc”. Sau này, bà thuật lại thời thơ ấu trong Die Nacht ist aus Tinte gemacht.

Mọi cực khổ hồi ấy mới chỉ là bước đầu cho những khiếp sợ sau này. “Sáng sớm, tôi thức dậy và không biết buổi tối còn tồn tại không”.

Vào tháng 12 tới, nhân ngày mất của Alfred Nobel, giải thưởng cao quý mang tên ông sẽ được trao cho Herta Müller vì bà đã vẽ ra được những cảnh đời tứ cố vô thân bằng nét màu đậm đặc của thi ca và hiện thực trong văn xuôi.

Lớn lên ở một vùng tập trung nhiều người Đức di cư, Müller đã sớm nếm trải số phận của dân thiểu số, nhất là ở xứ Romania nhiều xung đột sắc tộc. Học xong Đức ngữ và văn học Romania, bà làm phiên dịch tại một nhà máy, nhưng sớm bị sa thải vì không chịu hợp tác với Securitate, tổ chức mật vụ của Romania.

Tác phẩm đầu tay Niederungen (1976) của bà bị cắt xén nhiều trước khi được phép in. 1987, bà rời quên hương sang CHLB Đức (cũ) và giảng dạy tại nhiều trường đại học Đức cũng như nước ngoài.

20 tiểu thuyết và cũng chừng ấy giải thưởng quan trọng là những viên đá lát đường dẫn đến Stockholm, song hình như Herta Müller không tìm lại được sự yên bình trong tâm hồn.

Nghi ngại cả ngôn từ

Müller đặt chân đến Tây Berlin năm 1987, nơi mấy năm trước đó, Niederungen (theo bản thảo không bị kiểm duyệt) ra đời và lần đầu tiên độc giả Đức biết đến một vùng khỉ ho cò gáy Banat cùng một Herta Müller mới được phát hiện trên văn đàn.

Banat được mô tả như một sự pha trộn giữa phong cảnh thi vị và những giai thoại lạnh lùng. Lạnh lùng cả trong thứ tiếng Đức từ ngoài nước Đức.

“Hình như trong tôi có một nhu cầu hướng đến sự tối giản” – bà thổ lộ. “Tôi không viết các động từ thể giả định, tôi ghét thời quá khứ. Tôi gạch tất cả những gì không cần thiết khỏi bản thảo”.

Đứa bé không đọc cổ tích nay chuyển thẳng cuộc sống trần trụi lên trang giấy? Không, đó chỉ là cái nhìn quyết liệt không khoan nhượng, là quyết định không ngoảnh mặt đi để quên lãng, là ước vọng được miêu tả chính xác những gì diễn ra trước mắt và trong trí nhớ.

“Tôi nghi ngại ngôn từ, vì tôi không rõ phải nói ra như thế nào những gì tôi thấy. Cuộc sống không muốn bị chép lại. Ngôn ngữ là một thứ nhân tạo, ngay cả trong cuộc sống thường nhật”. Quả cũng là nhận xét độc đáo của một người sống khỏe bằng ngòi bút.

Làm người lạ trên chính quê hương mình

Bà chia tay với người chồng đã cùng bà chạy khỏi Romania, chịu sự công kích của các đồng nghiệp cũ bị bà vạch mặt đã làm việc cho Securitate, rời Trung tâm Văn bút danh tiếng và bỏ lại sau lưng cả cộng đồng gốc Đức hôm nay chỉ còn 15.000 người ở Romania.

Đề tài tha hương không buông bà ra : Der Fuchs war damals schon der Jäger là bức tranh của cuộc sống ngột ngạt ở Banat được bà làm tái hiện khi đã ở Đức. Herztier tuy là tiểu thuyết chính trị, nhưng đẫm chất thơ và ý chí vươn đến cuộc sống tươi sáng hơn.

Nhưng quê hương mới mang tên Berlin cũng mãi mãi lạ lẫm. Tiểu thuyết Reise auf einem Bein (1989) mang nặng dấu ấn đó.

“Quê hương là thứ mà người ta không chịu đựng nổi mà cũng không rứt bỏ được”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn. Phải bất hạnh đến mức nào mới có được một tổng kết đau đớn như vậy?

Tác phẩm gần đây nhất, Atemschaukel, được vào vòng trong của giải Sách Đức 2009, xoay quanh số phận một thanh niên phiêu dạt sang Nga – hình ảnh người Đức thiểu số ở Romania sau Thế chiến II.

Bà lấy hình mẫu là nhà thơ Oskar Pastior, đã mất năm 2006. Khi còn sống, ông đã gửi gắm lại nhiều tâm sự để bà chép đầy mấy quyển vở. Bà bỏ chúng vào ngăn kéo cả năm trời vì mỗi lần định đọc là thấy lại một người bạn thân đã khuất.

Herta Müller khâm phục ý chí của Oskar Pastior, ngay cả trong những hoàn cảnh tuyệt vọng. “Ông ấy không lùi bước, không dễ dàng chấp nhận mọi chuyện xung quanh mình”. Điều đó có lẽ cũng đúng cả với Herta Müller. Nói đúng hơn, đó là đề tài đeo đẳng suốt đời bà.

Thế kỷ này là thế kỷ của không ít nhà văn lưu vong. Ít ai tin điều đó còn lặp lại sau hai cuộc chiến tranh thế giới tàn bạo.

Lê Quang – TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *