0/08, 3:21 pm

Những tác phẩm nổi bật dự giải Goncourt 2008
 

Tuần qua, Hội đồng giám khảo giải Goncourt văn học 2008 đã chọn ra 15 cuốn trong số 466 tác phẩm dự thi vào vòng chung khảo. Tiểu thuyết duy nhất giành chiến thắng sẽ được trao giải vào 10/11.
 
Các tác giả lọt vào sơ khảo đều từng được giới phê bình và công chúng biết đến từ lâu. Nhưng, trong khi Catherine Cusset, Catherine Millet và Olivier Rolin đi tiếp vào chung khảo thì Amélie Nothomb và Christine Angot (vốn cũng đình đám không kém) lại không thu hút được sự chú ý của Hội đồng giám khảo. Số phận của những Régis Jauffret, Jean-Paul Dubois và Alice Ferney cũng không khá hơn, họ đành phải nhường chỗ cho hai tên tuổi còn mới toanh là Jean-Baptiste Del Amo và Jean-Marie Blas de Roblès.
 
Trong số 8 nhà xuất bản có sách lọt vào bình chọn mùa này thì Gallimard vẫn đứng đầu bảng với 5 cuốn, tiếp đó là Grasset – 3 cuốn và Seuil – 2 cuốn. Đây là một cuộc đua tranh về tài chính rất quan trọng giữa các nhà xuất bản bởi cuốn tiểu thuyết nào ẵm giải, thì uy danh của nhà xuất bản đương nhiên tăng lên, và kèm theo đó là sức mua.
 
Nội dung bao quát của 15 cuốn tiểu thuyết năm nay đề cập đến mọi vấn đề như gia đình, tình yêu, tình dục, xã hội, lịch sử, chiến tranh, giáo dục, tôn giáo, đời sống của người nhập cư, cái chết, huyền thoại, nghệ thuật… Đó cũng là những vấn đề muôn thủa của tiểu thuyết.
 
Tác phẩm của
Bức tranh "Pertuiset, người thợ săn sư tử" của Édouard Manet được cho là đã gợi cảm hứng cho cuốn "Một người thợ săn sư tử" của Olivier Rolin.
Song, đáng chú ý là có bốn tiểu thuyết đề cập đến các danh nhân có thật. Chúng tôi tập trung vào tóm lược nội dung những tác phẩm “người thật việc thật” này: Sự im lặng của Mahomet (Le silence de Mahomet) của Salim Bachi; Giấc mơ của Machiavel (Le rêve de Machiavel), Christophe Bataille; Cái đẹp của thế gian (La beauté du monde), Michel Le Bris; và Một người thợ săn sư tử (Un chasseur de lions) của Olivier Rolin.
 
Trong Sự im lặng của Mahomet, Salim Bachi đã trở lại thời điểm 600 năm sau Công nguyên, giữa La Mecque và Médine, vùng cát sa mạc của Ảrập tiếp giáp với Jérusalem. Chúng ta được chứng kiến Mahomet ra đời, sống và chết qua người vợ đầu của ông – Khadija, qua người bạn tốt nhất – vua Thổ Nhĩ Kỳ Abou Bakr… Là nhà buôn và người dắt vật thồ được Chúa mời đến vào năm bốn mươi tuổi, là nhà tiên tri và chính khách thấu thị vào tuổi năm mươi, là người tình si và kẻ chinh phục nhẫn tâm, Mahomet không ngừng làm thôi miên tâm hồn con người từ hơn mười bốn thế kỷ nay kể từ khi ông qua đời ở Médine bên chân của Aïcha, mối tình cuối cùng của ông.
 
Trong Giấc mơ của Machiavel của Christophe Bataille, vài tuần trước khi qua đời, nhà triết học Machiavel đã kinh ngạc trước nạn dịch hạnh. Thành phố như một ngôi mộ lớn. Con người phải sống trong sợ hãi, đói khát. Trên bờ sông, một nhà tiên tri yêu cầu lập đàn thiêu. Một mụ đồng cốt đã bị rơi vào hoảng sợ… Cái thành phố xa hoa này, đang bị quân lính bao vây, nhan nhản những kẻ sát nhân và những kẻ hiếp dâm… như một địa ngục kỳ lạ. Không hiểu do đâu, Machiavel đã cứu một cô gái trẻ đang bị ốm từ giàn thiêu… “Và đó là những gì tôi kể, sau mười năm lưỡng lự và phác thảo: mối tình cuối cùng của Machiavel. Nhà tư tưởng bị rơi vào tình yêu ra sao giữa những xác chết và những ác mộng. Tôi đã lấy Machiavel từ lịch sử cuộc đời ông. Tôi đã tạo ra ở đó một con người…”. Christophe Bataille đã mang lại cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết lộng lẫy về bệnh tật và về cái hư vô, nhưng cũng đồng thời là một cuốn tiểu thuyết về tình yêu.
 
Cái đẹp của thế gian của Michel Le Bris nói về những cuộc phiêu lưu vào những năm 20 thế kỷ trước của những ngôi sao lớn trong nghệ thuật: Chàng, Martin Johnson, người đã phát minh ra các phim về động vật, bạn thời trẻ của Jack London; còn Nàng, Osa, gợi cảm hứng cho cho các nhà làm phim xây dựng nữ nhân vật trong phim King Kong. Đôi vợ chồng có thực này đã say mê chụp ảnh về thiên nhiên hoang dã, về các loài động vật, là những người mở đường cho nghệ thuật phim trường.
Hemingway đã viết rằng: họ là những người đầu tiên đã đập vỡ những khuôn mẫu về “Phi Châu tăm tối”. Đối với toàn thể châu Phi, Martin và Osa đã là “đôi tình nhân của phiêu lưu”. Vào năm 1938 (một năm sau cái chết của Martin), Winnie, một nữ nhà văn mới vào nghề, đã viết về tiểu sử của Osa, giờ đây góa bụa (Osa còn sống đến 1953), vẻ đẹp úa tàn đang chạy trốn trong rượu, luôn bị ám ảnh bởi sự bí ẩn của cái đẹp của thế giới… Từ số phận của một phụ nữ, Michel Le Bris đã làm hồi sinh sự náo nhiệt của một giai đoạn đầu thế kỷ 20 trong tiểu thuyết của ông. Và giờ đây, sân bay thành phố của họ ở Kansas mang tên Martin: Martin Johnson Airport.
 
Trong Một người thợ săn sư tử, Olivier Rolin đã đan cài số phận của họa sĩ Edouard Manet, chết vào tuổi 51 vì bị hoại thư với số phận của nhà sưu tập tranh, Eugène Pertuiset – một con người ưa phiêu lưu, săn sư tử, một người đàn ông đào hoa, ăn khỏe, uống tợn. Vào 1881, hai năm trước khi qua đời, Edouard Manet đã vẽ bức Pertuiset, người thợ săn sư tử ở Algérie, nhưng đồng thời Pertuiset cũng là nhà thôi miên, người thám hiểm, sáng tạo và người buôn bán bất chính vũ khí. Những hoạt động đó đã đưa ông ta đi đến nhiều nơi ở Nam Mỹ. Đó là những cuộc phiêu lưu của một con người huyền thoại và khá kỳ khôi mà Olivier Rolin đã dựng lên, đan cài vào đó là nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của Manet. Đó cũng còn là một cuộc du hành qua không gian (Algérie thuộc địa, Lima, Valparaiso, Tây Ban Nha), qua thời gian (Paris vào thời Napoléon đệ Tam, chiến tranh 1870, thời kỳ Công xã), qua những hồi ức văn học (Baudelaire, Zola, Maupassant…). Song tất nhiên, Olivier Rolin không viết một cuốn tiểu thuyết theo kiểu cổ điển. “Sư tử mà bạn săn bắt, miền Đất Lửa mà bạn thám hiểm, châu báu mà bạn kiếm tìm, đó luôn chính là thời gian đã mất”.
 
Từ những tổng hợp 4 cuốn tiểu thuyết trên đây, ta có thể rút ra được một vài nhận xét: gần một phần ba số tiểu thuyết viết về các danh nhân phần nào cho thấy khuynh hướng tiểu thuyết đang hư cấu dựa trên sự thật lịch sử trong định hướng của từng tác giả. Phục sinh lại những “nguyên mẫu” (archetype) đã ít nhiều có trong ý thức của độc giả, nhà văn cùng lúc dựng lại một giai đoạn lịch sử xa xăm, làm sống lại trong họ sự song chiếu về thời gian quá khứ đan cài trong hiện tại và để họ so sánh những hiểu biết từ “nguyên mẫu” của mình với con người “đang sống” trước mặt họ, trên các trang sách. Và theo đó, có thể cả những ước mơ và tình yêu. Không hoàn toàn hư cấu, nhưng cũng không hoàn toàn là những sử gia ghi chép sự kiện, nhà văn đã soi chiếu và phân tích những khía cạnh rất đời thường, rất con người qua các nhân vật của họ.
 
Việc phỏng đoán cuốn nào trong 15 cuốn tiểu thuyết sẽ đoạt giải năm nay, có lẽ còn hơi sớm. Nhưng theo các phân tích và tổng hợp của một vài tờ báo văn học ở Pháp thì ba cuốn: Đó đã từng là đất đai của chúng ta (C’était notre terre) của Mathieu Belezi nói về việc mất đất của một gia đình trên đất Algérie khi nước này thôi không còn thuộc Pháp nữa; Một người thợ săn sư tử của O.Rolin và Cái đẹp của thế gian của Michel Le Bris là những tác phẩm có nhiều triển vọng thắng giải nhất.
 
Về nghệ thuật của ba cuốn trên, do chưa thể trực tiếp đọc, nên không có gì để nói được nhiều. Tuy nhiên, bằng cảm nhận cá nhân, chúng tôi nghiêng về hai cuốn sau, nhất là cuốn của Olivier Rolin (ông này đã sang Việt Nam vào cuối những năm 90 và đã được Hội nhà văn đón tiếp). Lý do: hai cuốn tiểu thuyết đều viết về những con người nổi tiếng có thật – là những thứ mà độc giả ngày nay hay tìm hiểu; còn nghiêng về cuốn của O. Rolin vì nghệ thuật đan cài các thời gian, không gian và những sự kiện văn học lớn của thế kỷ trước cũng như việc “khai quật” lại những khía cạnh đời tư trong bức tranh không phải được chiêm ngưỡng nhiều nhất của danh họa Manet.
 
Nhưng, mọi phỏng đoán vẫn chỉ là phỏng đoán. Ẩn số vẫn còn đang ở phía trước. Đôi khi, chính các nhà báo và độc giả của nước sở tại vẫn còn phải ngỡ ngàng trước quyết định của Hội đồng trao giải.
 
Danh sách chung khảo:
 
1. Jean-Baptiste Del Amo – Une éducation libertine (Gallimard)
2. Salim Bachi – Le silence de Mahomet (Gallimard)
3. Christophe Bataille – Le rêve de Machiavel (Grasset)
4. Matthieu Bellezi – C’était notre terre (Albin Michel)
5. Jean-Marie Blas de Roblès – Là où les tigres sont chez eux (Zulma)
6. Catherine Cusset – Un brillant avenir (Gallimard)
7. Jean-Louis Fournier – Où on va, papa? (Stock)
8. Valentine Goby – Qui touche à mon corps je le tue (Gallimard)
9. Alain Jaubert – Une nuit à Pompéi (Gallimard)
10. Michel Le Bris – La beauté du monde (Grasset)
11. Catherine Millet – Jour de souffrance (Flammarion)
12. Patrice Pluyette – La traversée du Mozambique par temps calme (Le Seuil)
13. Atiq Rahimi – Syngué Sabour (POL)
14. Olivier Rolin – Un chasseur de lions (Le Seuil)
15. Karine Tuil – La domination (Grasset)
 
Đào Duy Hiệp – Evan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *