(TuanVietNam) – Trở lại với Thắm sắc hoa đào* sau Trường hận ca, Vương An Ức (Wang Anyi)** – tiểu thuyết gia đương đại kỳ tài của văn đàn Trung Quốc – một lần nữa khắc sâu phong cách nghệ thuật phóng túng mang những ảnh hưởng rõ nét của lối viết hiện đại, thậm chí hậu hiện đại, cũng như một quan niệm con người độc đáo của riêng bà.
Xu hướng tư tưởng chung của văn học và nghệ thuật Trung Quốc kể từ sau năm 1980 là thiên về mô tả con người riêng tư, cảm xúc, thậm chí là con người sinh vật, để đối trọng lại khuynh hướng duy ý chí tập thể, áp đặt, cá nhân bị bóp nghẹt của thời kỳ trước. Tuy nhiên, sự “khai phóng” về cá thể cũng như bản năng được đa số các nhà văn miêu tả như những đặc điểm cụ thể trong từng hoàn cảnh, từng câu chuyện mà chưa được xem như một triết lý về con người. Điều này thể hiện rõ ràng trong sáng tác của thế hệ nhà văn cùng thời như Giả Bình Ao, Thiết Ngưng, Trương Hiền Lượng, A Lai…
Bìa cuốn sách Thắm sắc hoa đào (Tác giả : Vương An Ức, Dịch giả : Sơn Lê, NXB Hội Nhà văn) |
Vương An Ức có sự tinh tường khác hẳn khi chọn hình tượng trung tâm trong sáng tạo của mình (khác với quan niệm “nhân vật trung tâm” của từng tác phẩm) là con người bình thường, hay nói cách khác, là đặc tính “phổ biến”, không nổi trội, phần phổ quát nhất trong con người nói chung, biến nó thành đối tượng mô tả văn học.
Nhờ thế, phần bản năng, duy cảm, riêng tư mà các nhà văn khác chỉ nhìn như biểu hiện đơn lẻ, hoặc coi nó là thiểu số, là bi kịch trong thời đại ý chí tập thể lại trở thành kênh riêng biệt để khám phá một bản chất khác đầy tràn, mới mẻ về con người, thậm chí, đây mới là bản chất thiết yếu vốn dĩ cho mọi đối tượng.
Tuy nhiên, hình tượng con người của Vương An Ức từ Trường hận ca đến Thắm sắc hoa đào luôn có tính chất nước đôi. Từ cái “phổ quát”, nó luôn có xu hướng tiến đến cái dị biệt, và ngược lại. Sự dung hòa hai thuộc tính này không chỉ tuân theo logic nội tại của việc miêu tả nhân vật.
Con người bình thường của Vương An Ức trước hết có ý nghĩa tước bỏ mọi sự lý tưởng hóa, mọi sự gán ghép “thêm” cho bản thân tồn tại vốn dĩ. Xa rời kiểu nhân vật lý tưởng chính là sự không thừa nhận tính chất khuôn mẫu, trần thuật một chiều của tác phẩm thường thấy trong lối sáng tác trước hiện đại.
Vương Kỳ Dao trong Trường hận ca là một thiếu nữ đẹp của Thượng Hải, nhưng là cái đẹp không xuất chúng, có thể bị lẫn vào xung quanh. Vẻ đẹp “một cách bình thường” bộc lộ tính chất nước đôi của nhân vật, vừa là “người đẹp”, vừa đại diện cho phẩm chất “thông thường”.
Nhân vật con người bình thường của Vương An Ức hiện lên với bản chất và tầm vóc chưa từng có trong tiền lệ văn học Trung Quốc. Con người khuất phục hoàn cảnh.
Cô nữ sinh Vương Kỳ Dao – Á hậu thứ hai của một cuộc thi Người đẹp ở Thượng Hải hồi những năm 50 thế kỷ trước – bình thản đón nhận tình yêu đầu đời với ông Lý – một quan chức quân nhân vào hàng cha chú, ngưỡng mộ nhan sắc cô. Không vướng bận bởi giáo lý, sự kỳ thị hay hình mẫu nào, con người tươi sáng và yêu đời như Kỳ Dao chấp nhận những người tình không hề danh giá, đẹp đẽ theo tiêu chuẩn của xã hội đương thời đến với mình, vì tình yêu chân thành. Chấp nhận mọi hoàn cảnh thua thiệt do đời sống mang lại, không một chút bất bình, giận dữ hay oán thán.
Kỳ Dao được miêu tả trong niềm vui tràn đầy vốn dĩ của tồn tại : tự kiếm sống, sinh và nuôi con một mình, nấu những bữa ăn tinh tế, tụ họp bạn bè những buổi chiều thong thả, buổi tối đầm ấm… Nhân vật Kỳ Dao, không tham vọng hay lý tưởng hóa, được miêu tả với bản chất vừa tĩnh tại vừa nồng nhiệt, vừa thuần khiết cao quý vừa hài hòa, đằm thắm của thế giới bên trong.
Bìa bản tiếng Anh cuốn Trường hận ca |
Bản chất đó khiến cho một thời đại trời long đất lở với bao nhiêu bi kịch đau đớn, phi lý của đại nhảy vọt, đại cách mạng văn hóa, mặc dầu là bối cảnh cơ bản của câu chuyện, đã bị “vô hiệu hóa”, bị đẩy lùi tưởng chừng không còn tồn tại.
Nhân vật “Trình tiên sinh” – người bạn tri âm của Kỳ Dao – rõ ràng lại có lối khuất phục hoàn cảnh khác hẳn : bị truy bức oan trong cách mạng văn hóa, ông đã nhẫn nhịn cho tới lúc buông xuôi, mở cửa sổ căn hộ tầng thứ 11 và bước xuống dòng sông Hoàng Phố.
Bản chất khuất phục hoàn cảnh, dưới góc độ biểu hiện nghệ thuật, được nhìn nhận như một tâm thái tất nhiên để trở về với con người trong lành, riêng tư đích thực. Trường hận ca gần gũi với văn phong sáng tác hiện đại vì đã đi con đường ngắn nhất đến vẻ đẹp tráng lệ của đời sống nội tâm.
Thắm sắc hoa đào cũng là thế giới của những con người khuất phục hoàn cảnh. Úc Tử Hàm là nam nhi nhưng bao lần bỏ lỡ sự nghiệp, chỉ buông thả cho bản năng thích ăn uống, là một kiểu khuất phục hoàn cảnh. Tiếu Minh Minh, Úc Hiểu Thu, hai thế hệ người đẹp, cũng không nhan sắc vượt trội hay tài năng nổi bật, không tham vọng hay ngộ nhận, chỉ đơn giản sống trọn nghĩa lý của việc họ đã sinh ra trên đời này.
Các nhân vật của Vương An Ức : Kỳ Dao, Hiểu Thu, Minh Minh được chú trọng không phải với ý nghĩa là “người đẹp”, mà với ý nghĩa của sự hấp dẫn giới tính, bản năng. Vẻ đẹp của họ thiên về gợi cảm, đẹp như một thiên chức. Có thể xem bản chất gợi cảm, nồng nàn, quyến rũ của họ là biểu hiện yếu tố bình thường, phổ quát trong quan niệm về con người của nhà văn. Vừa gợi cảm vừa tháo vát, cao quý, vị tha từ thiên bẩm, đồng thời biết thỏa mãn cá nhân cả về vật chất lẫn tinh thần (có phần tương đồng với đặc điểm của tầng lớp trung lưu lớp dưới trong bối cảnh thực tiễn), nhân vật của Vương An Ức bình thản vượt qua mọi biến cố lịch sử không mảy may nao núng.
Quan trọng hơn, vượt qua số phận luôn có nguy cơ trở thành “cá biệt”, băng qua cái nghịch dị, không phải để “hòa đồng”, mà để khẳng định lại bản tính riêng biệt của mình. Kỳ Dao, Minh Minh đều sinh “con hoang” mà không hề bận tâm đến dư luận. Hiểu Thu, cô bé sớm dậy thì, duyên dáng, lại không có cha, trở thành đối tượng ghen ghét, thèm muốn và cô lập của các bạn học, người hàng phố, thậm chí cả gia đình người yêu.
Nhà văn Vương An Ức. Ảnh: eVan |
Nhưng sự dị biệt không phải là bi kịch và không bao giờ có thể trở thành bi kịch, bởi sức ép của cộng đồng – của sự “đồng thuận” – không bao giờ đủ mạnh đối với những cá nhân luôn tràn đầy sinh lực tự thân và lòng yêu sống.
Bản tính bình thường và bản tính độc đáo, dị biệt đan xen, là hai mặt nội tại của nhân vật trong tiểu thuyết Vương An Ức. Cái gai góc, bất tuân có thể coi là hệ quả của nguồn năng lượng bản thể dồi dào mãnh liệt, thiên phú vốn dĩ, hai biểu hiện khác nhau của cùng một tinh thần tự chủ và niềm hạnh phúc nội tâm sâu sắc.
Tiểu thuyết của Vương An Ức khác xa dòng tự sự đời thường phổ biến trong giới cầm bút nữ lưu Trung Quốc, Nhật Bản sau bà một thế hệ, với những cái tên An Ni Bảo Bối, Banana Yoshimoto, Amy Yamada… Dòng tự sự – đời thường giản lược sự kiện đời sống, chỉ quy về những chi tiết nhỏ nhặt thông thường (ăn, ngủ, chuyện trò, dạo chơi…) để bộc lộ thế giới nội tâm của nhân vật, chứ không chủ đích nhằm tới tính chất bình thường thiên phú của con người.
Vương An Ức dụng tâm khắc họa bầu khí quyển lịch sử, không phải bằng những miêu tả trực tiếp dài dòng cái thê lương, đau xót của sự kiện, mà chính là bằng thái độ của các nhân vật. Cái bình thản lồ lộ, tâm trạng ngoài cuộc của các nhân vật chính là lời phủ nhận một cách mạnh mẽ đối với giai đoạn lịch sử phi lý.
Quan niệm hiện thực của Vương An Ức có thể gần gũi với Thẩm Tùng Văn***, nhưng không tương đồng với tính chất thiên về duy mỹ, tập tục và phong tình trong bút pháp của bậc tiền bối này.
(Còn nữa)
Khánh Phương – TVN
—————————
** Vương An Ức (Wong Anyi) sinh năm 1954 tại TP Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Các tiểu thuyết : Trường hận ca, Đào chi yêu yêu, Tửu đồ. Bà là một trong những nhà văn đương đại Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở phương Tây. Trường hận ca được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác. Trong nước, Vương An Ức là nhà văn được giới phê bình đánh giá cao và được nhiều bạn đọc mến mộ. Trường hận ca được trao giải thưởng Mao Thuẫn năm 1999.
*** Thẩm Tùng Văn (Shen Congwen) (1902-1988) : Tác giả tiểu thuyết Biên thành, ông từng được giới phê bình phương Tây đánh giá là “nhà văn trữ tình lớn nhất Trung Quốc thời hiện đại”.
Tư liệu tham khảo :
– Độ không của lối viết, Roland Barthes, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hội nhà văn 1991
– Thi pháp tiểu thuyết, Mikhail Bakhtin
– Đề cương tóm tắt lịch sử mỹ học triết học, Bùi Văn Nam Sơn, Hà Nội tháng 3 năm 2009
– Lịch sử văn học Trung Quốc, NXB Đại học Sư phạm, 2001
– Các tác phẩm của Vương An Ức