Tên sách : NGƯỜI
Tác giả : Nguyễn Quang Thiều & Lê Thiết Cương
Phát hành : NXB Phụ Nữ

*****

Có những con người từng sống bên cạnh ta mà ta lại không hiểu được, hoặc như chẳng có gì cần phải hiểu thêm nữa. Nhưng đến một lúc nào và có thể chỉ trong một khoảnh khắc nhanh như một tia chớp, ta chợt nhận ra sự thật của con người đó, để ta thêm yêu những con người đó hơn.

Đó chính là thông điệp mà người đọc nhận thấy trong tập sách – tranh mang tên NGƯỜI của hai tác giả : nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và hoạ sỹ Lê Thiết Cương vừa mới được Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành.

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu một số chân dung con người được dựng lên bằng ngôn ngữ và màu sắc trong tập sách này.

*****

Ông Bếp

Tôi chợt nhớ về ông trong một không khí không lấy gì làm tôn nghiêm lắm. Lúc đó, tôi ngồi trong một quán ăn thịt kanguru ở quận I – TP Hồ Chí Minh. Mùi vị của món đặc sản xứ Úc Đại Lợi, nhưng lại gợi nhớ về một miền đất châu Phi xa xôi.

Ký ức đôi khi lại dẫn chúng ta đi một cách lắt léo, chứ không thẳng đường rõ lối. Lúc này, nó lại đang dẫn tôi về một ngôi nhà tối thấp. Một căn bếp ám khói quanh năm với một đống dấm hình như không bao giờ tắt. Thời ấy tưởng như của hàng thế kỷ trước. Nhưng thực ra mới là những năm 50 của thế kỷ XX. Trong căn bếp ấy, mùi một món ăn mà cho đến bây giờ tôi cũng chưa bao giờ gặp lại và cũng rất khó gặp lại : mùi thịt thỏ nấu rô-ti do ông Bếp nấu mà tôi được ngửi duy nhất một lần trong đời.

Sau này, người ta bảo nấu thỏ rô-ti là phải có rượu vang. Nhưng ở một làng quê nghèo nàn đến như thế của thời ấy thì đào đâu ra rượu vang. Nhưng sao cái mùi thỏ rô-ti ngày ấy lại tuyệt vời đến thế. Ngẫm lại thấy chẳng có gì quá đáng cả, khi trong những năm tháng đói khát ấy, ngay cả mùi muối rang ớt cũng hấp dẫn người ta chứ nói gì đến mùi thỏ rô-ti.

Thực lòng, tôi không nhớ tên họ ông chính xác là gì. Nhưng tất cả họ hàng cũng như làng xóm đều gọi ông là ông Bếp. Lúc đầu, tôi nghĩ đấy là tên ông. Sau lớn lên mới hiểu ra rằng, ông là người bị Pháp bắt bắt đi lính. Vào lính, ông làm anh nấu bếp. Sau đó, quân đội Pháp đưa ông sang tận châu Phi, cũng chẳng phải đánh đấm gì, mà vẫn chỉ là anh nấu bếp. Thế là người làng gọi ông là ông Bếp.

Bức tranh Người của họa sỹ Lê Thiết Cương trong cuốn sách – (Ảnh do các tác giả cung cấp)

Sau này tôi biết, không chỉ người làng tôi gọi ông như thế, mà rất nhiều nơi gọi những người chuyên làm bếp là anh Bếp hay chị Bếp. Ông Bếp làm nghề nấu bếp cho quân đội Pháp bao nhiêu năm, tôi không biết, nhưng biết ông rất rành tiếng Pháp. Bởi đã có một lần, tôi chứng kiến một ông cán bộ người làng đưa cho ông một tờ giấy có in những dòng tiếng Pháp nhờ ông dịch. Lũ trẻ con chúng tôi xúm đen xúm đỏ quanh ông, nghe ông dịch những thứ được in trên tờ giấy rất đẹp thời đó nói về một thứ bệnh gì đó từa tựa như bệnh lang ben, hắc lào và cách chữa trị.

Nhưng cũng sau lần đó, một ông cán bộ xã đã đến hỏi ông nhiều lần về việc dùng tiếng Pháp của ông. Ông cán bộ này nói ông không được dùng tiếng Pháp nữa. Ngày ấy, những tiếng như Anh, Pháp và sau này cả tiếng Trung không được giảng dạy trong các trường phổ thông cơ sở. Khốn khổ, ở cái làng trồng lúa nước nghèo rớt mùng tơi ấy thì ông dùng tiếng Pháp làm gì.

Từ ngày trở về từ châu Phi xa lắc xa lơ, ông chẳng mấy khi ra khỏi làng. Mà thực tế, ông cũng chỉ dùng một lần để dịch giúp người ta cái giấy mà tôi cam đoan là cái đơn chỉ dẫn dùng thuốc lang ben hay hắc lào. Nhưng một người đã đi lính cho Pháp, dù chỉ là nấu ăn thôi, giờ lại to te tiếng Pháp thì thật không chấp nhận được.

Mới đấy thôi mà sự đời đã thay đổi tất cả. Ngày nay, đâu đâu người ta cũng nói tiếng Anh, tiếng Pháp nhem nhẻm. Biển hiệu nhiều quán ăn, quán cà-phê… cũng dùng ngoại ngữ. Tiêu chuẩn của một cán bộ nhiều ngành muốn được đề bạt cũng phải có cái bằng ngoại ngữ Anh, Pháp hoặc Trung v.v… mặc dù đa số những người có bằng ấy lại chẳng nói được cho ra hồn một hai câu ngoại ngữ.

Mấy năm lang thang ở một xứ sở châu Phi, ông trở về làng. Bà tôi kể : Ngày ông về làng, lũ lượt một đám đông đủ người già trẻ nhỏ chạy theo ông. Ông khoác một chiếc áo ba-đờ-xuy có hàng cúc mạ vàng và xách một cái va-ly rất nhỏ bằng da đã sờn các góc. Người làng suốt mấy ngày sau đó xì xào về những chiếc cúc mạ vàng trên chiếc áo khoác của ông. Những người nông dân hoàn toàn tin rằng những chiếc cúc đó là bằng vàng. Họ còn bảo nhau cái va-ly sờn góc của ông Bếp trông xấu xí, cũ kỹ thế thôi chứ đựng toàn của quí, có thể sống cả mươi đời.

Chính vì thế mà chỉ hơn tháng sau, kẻ trộm đã đột nhập vào nhà ông và lấy trộm chiếc áo. Cái thằng kẻ trộm mang chiếc áo ra cuối làng, cắt hết cúc và vứt chiếc áo xuống cái ao. Ông vớt chiếc áo dạ sũng nước, nặng như một tấm da trâu mới lột, mang về giặt giũ cẩn thận và phơi đến cả một tháng mới khô. Sau đó, ông quyết định đi tìm mấy cái cúc áo. Ông bảo cái áo đó không có những chiếc cúc ấy thì chẳng khác gì tấm bao tải gai. Người làng nghe ông nói đi tìm mấy cái cúc áo thì trố mắt ngạc nhiên. Họ càng tin mấy cái cúc áo đó làm bằng vàng thật.

" …Tôi đặc biệt thích những câu mở, những hình ảnh buông, lửng lơ của Nguyễn Quang Thiều khi anh kết về một nhân vật nào đó.

Nó làm tôi được trôi đi, được thoát ra, được tiếp tục. Nó tạo ra một cái đà để người đọc đọc được thêm, bay được thêm, sống được thêm với những nhân vật của anh và mở được thêm dù sách đã đóng lại rồi.

Hiện thực luôn thừa, chỉ có ước mơ, chỉ có những điều mơ mộng là bao giờ cũng thiếu."

– Lê Thiết Cương (6/2008) –

Cả làng tôi lúc bấy giờ không có ai đeo vàng. Tôi biết chỉ có một bà, vốn là vợ ba một ông người Hoa làm nghề sản xuất lạc rang húng lìu ở Hải Dương bỏ về quê khi ông chồng người Hoa này chết, có đeo một đôi khuyên vàng ba đồng cân. Nhưng một đêm bà ngủ thì một tay trộm nào đó mò vào dùng dao bổ cau xẻo gần mất cả một bên tai bà để lấy chiếc khuyên vàng. Từ đó, bà không bao giờ đeo vàng nữa, mà bà cũng chỉ còn một cái tai nguyên vẹn thì có muốn đeo cũng không được.

Cuộc truy tìm mấy cái cúc tưởng là chuyện vô vọng. Thế mà cuối cùng, ông Bếp cũng tìm được. Thằng kẻ trộm tưởng mấy cái cúc đó làm bằng vàng thật liền mang ra tận một hiệu vàng thị xã bán. Ông chủ hiệu vàng giảng giải cho gã kẻ trộm kia về công nghệ đồ mỹ ký và mua lại mấy cái cúc vì thấy nó đẹp và bày trong tủ kính cũng là để chơi.

Ông Bếp biết được thằng trộm sẽ làm như thế. Bởi cả thị xã lúc ấy chỉ có mỗi một hiệu vàng của ông Thịnh hói. Ông đến hiệu vàng đó dò la tin tức thì thấy mấy cái cúc áo của mình. Ông Bếp chuộc lại mấy cái cúc mạ vàng, mang về đơm lại vào chiếc áo.

Vật quí thứ hai ông Bếp mang về là một cái tẩu hút thuốc có phần cán ngậm hút bằng ngà voi. Bọn trẻ chúng tôi đã đôi lần được nghe ông kể về những con voi xứ châu Phi và giá trị của những cặp ngà. Nhưng với người làng tôi thì chỉ có vàng là có giá trị, chứ lúc đó ngà voi hay kim cương cũng chẳng hơn gì mấy hòn sỏi dưới chân núi Non Nước.

Thi thoảng, ông Bếp lại mang cái tẩu ra ngồi trên hiên nhà lau chùi cả một buổi sáng và đôi lúc lại đưa lên miệng ngậm và hít hà như là đang hút một loại thuốc ngon lắm. Có người bảo ông lấy thuốc lào cho vào mà hút, ông cười nhếch mép và nói : "Cái này đâu phải là thứ để hút loại thuốc kia". Ông cán bộ xã, người đã từng truy vấn tại sao ông lại biết tiếng Pháp và tại sao về làng mà ông còn dùng cái tiếng của kẻ thù, nay nhìn thấy ông ngậm cái tẩu thì ghét lắm : "Nhìn lão ta ngậm cái tẩu thật đúng là cái mặt tư sản".

Ông Bếp về làng hồi còn trẻ, nhưng cho đến cuối đời cũng không nghĩ đến chuyện vợ con. Người ta thì thầm với nhau rằng ông có một người vợ Pháp da trắng xinh đẹp vô ngần. Họ đã có một đứa con với nhau. Sau khi giải ngũ, ông không ở lại Pháp với vợ con, mà tìm đường về quê vì không sao chịu được khi sống mà không có món mắm rươi ăn với cà pháo muối xổi. Hồi nhỏ, chúng tôi hay lân la bên cạnh những người già và nghe đủ thứ chuyện.

Họa sỹ Lê Thiết Cương (trái) và nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong buổi ra mắt cuốn sách Người – Nguồn: vtc.vn

Cái chuyện nhớ mắm rươi của ông Bếp làm chúng tôi tin sái cổ. Nhưng khi lớn lên thì biết đấy chỉ là lời đồn.

Nhưng món mắm rươi thì chúng tôi thấy ông hay ăn thật. Cứ đến mùa rươi, ông nhờ cô em gái mua cho ông có khi cả một rá lớn rươi. Ông tự làm mắn rươi. Ông làm cả các loại mắm khác. Mùa cua thì làm mắm cua. Mùa cá thè be sông thì làm mắm cá thè be. Mùa tôm gạo thì làm mắm tôm gạo.

Ông xếp ngay ngắn một dãy hũ sành đựng mắm trong bếp và cứ đôi ba ngày lại lau chùi những chiếc hũ sành rất cẩn thận. Cũng chẳng phải mắm rươi là cái không thể thiếu được trong cuộc sống của ông, mà vì ông nghèo quá. Nghèo quá thì người ta hay tìm cách ăn được mọi thứ có thể. Người Việt Nam biết ăn đủ thứ, từ châu chấu, cào cào đến củ chuối, củ dáy… Cái gì có thể ăn được là ăn, là chế biến đủ cách để có thể ăn và ăn cho đỡ nhạt miệng. Ông Bếp cứ sống “thanh đạm” như thế cho đến chết.

Khi ông Bếp chết, người ta mới hiểu ra rằng ông chẳng có của nả gì như người làng đồn đại. Nhưng hình như lúc nào, ông cũng sống như một người khá giả, chẳng bận tâm gì đến tiền của. Ông vẫn chải đầu óng mượt bằng nước lã và khoác chiếc áo ba-đờ-xuy với hàng cúc vàng chóe đi chơi họ hàng, làng xóm trong những dịp tết nhất. Ông vẫn ngồi trên hiên ngôi nhà tối thấp, lau tẩu hoặc đọc một cuốn sách gì đó và bỏ kính ra hơi cúi đầu chào khi có một người làng dắt trâu, bò hay gánh phân bón ruộng đi qua.

Từ ngày ở châu Phi trở về, ông chẳng bao giờ nhúng tay vào công việc đồng áng nữa. Ông không được chia ruộng phần trăm. Có bận, bà em gái ông gặp cán bộ địa phương xin ruộng phần trăm cho ông thì người ta nói : “Đã đi lính cho Pháp không phải vào tù là phúc bảy đời rồi, không biết mà còn nhăm nhe đòi ruộng”.

Ông sống bằng nghề làm kẹo bột và trồng trọt trong cái vườn bố mẹ ông còn giữ lại được. Ông cứ sống điềm đạm, lặng lẽ như là một người có tội với một phong thái không giống những người nông dân làng ông cho đến khi chết. Theo lời dặn dò của ông, người nhà ông mặc cho ông chiếc áo ba-đờ-xuy có hàng cúc vàng và đặt chiếc tẩu vào tay ông rồi chôn cất ông.

Nhưng sau khi ông mất vài năm thì nổi lên một chuyện. Đó là chuyện người ta xì xào là Chính phủ Pháp sẽ trả lương cho những người Việt Nam đã làm việc cho Pháp trước kia. Một đứa cháu họ ông làm việc ở thành phố biết được cái thông tin này liền về làng tìm ngay người cháu ruột của ông Bếp thông báo và bàn chuyện. Họ nhẩm tính số tiền lương kể từ ngày ông Bếp làm việc cho người Pháp đến giờ quả là không nhỏ. Bao nhiêu người giàu còn thường xuyên nghĩ đến tiền và “chăm sóc” đêm ngày từng đồng một, nói gì đến những người nghèo như anh cháu ruột ông Bếp.

Rất may là những giấy tờ liên quan đến những năm làm nấu bếp cho quân đội Pháp, ông Bếp vẫn giữ trong cái va-ly da sờn góc. Có một điều nghe nói là Chính phủ Pháp chỉ trả lương cho những người còn sống chứ không trả cho những người đã chết. Nhưng ông Bếp đã mất rồi. Mà cứ bảo ông còn sống thì ai mà biết được. Người Pháp làm sao mà đến được cái làng xa xôi của ông mà tìm hiểu xem ông còn sống hay đã chết.

Người cháu viết một cái đơn và ký giả tên ông đưa cho chính quyền xã, xin chứng thực ông Bếp vẫn còn sống. Mấy ông lãnh đạo cũng bàn luận đôi chút, nhưng cuối cùng tặc lưỡi : "Chuyện chẳng có gì nghiêm trọng, cứ chứng cho người ta còn sống”. Người cháu ông mang theo tất cả những giấy tờ liên quan nhảy tàu chợ lên Hà Nội tìm đến Sứ quán Pháp với bao nhiêu là hy vọng. Người cháu đi lại nhiều lần và khá tốn kém vì tiền tàu xe, ăn uống và thuê nhà trọ.

Một nhân viên người Việt làm cho Sứ quán đã gặp người cháu và nói gì đấy. Thế là người cháu nổi giận vì chắc hiểu sai gì đó và nói : “Tôi đi đòi tiền cho ông tôi chứ không phải là đi xin”. Nhưng người nhân viên Việt làm cho Sứ quán kia vẫn nhận hồ sơ nói để xem xét. Việc xem xét kéo dài mấy năm liền. Cuối cùng, người cháu đành bỏ cuộc vì biết chẳng còn hy vọng gì, lại thêm tuổi mỗi năm một già cùng với bệnh tật luôn, mà cũng chẳng có tiền để cứ đáp tàu mỗi tháng một lần lên Hà Nội chờ đợi mấy ngày chỉ để nghe một câu trả lời vu vơ.

(Trích sách Người – Tác giả : Nguyễn Quang Thiều & Lê Thiết Cương (tranh) – NXB Phụ nữ, 2008)
Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *