Chưa hề biết tuổi. Chưa hề biết tên thật của tác giả là gì. Đọc xong tập thơ "Những cơn mưa" của Cảnh Trà (ấn hành tháng 10/2007 – NXB Thanh Niên), tôi bất giác ngẩn ngơ người. Ngẩn ngơ, vì đọc vài câu đầu của bất kỳ bài thơ nào, cũng đều thấy nó quá mộc mạc, thô sơ. Y như miếng đất cày ngoài ruộng, cọng rơm khô trên đồng. Ấy vậy mà càng đọc tới, càng thấy nó hay.

Cái hay hoàn toàn không dựa hẳn vào chữ, vào câu. Vì chữ chẳng hề có vết đẽo, đục, giũa, mài nào. Ở câu cũng thế, không thấy có sự gia công vất vả, nhọc nhằn nào trong cấu trúc, thiết kế… Tất cả giống hệt lời nói suông có nhịp. Vậy mà bài thơ nào, khi đọc xong, cũng bắt gặp một tứ rất sắc, gọn. Cái tứ này, tác giả luôn nhắm tới suốt quá trình "làm văn vần" của mình, nhưng chẳng bao giờ chịu nói ra : Khi đọc tới chữ cuối cùng của bài thơ, bằng sự dẫn dắt tự nhiên của óc liên tưởng, vận hành trên nguyên lý đồng dạng, được cộng hưởng thêm từ một bối cảnh, một tâm thế xã hội chung, ta bỗng nhiên thấy nó hiện lên, vừa lồ lộ, vừa kín đáo bên ngoài bài thơ. Lại còn mở lối cho ta nhìn thấy lấp lánh một bầu trời ý nghĩa khác nữa, ửng sáng đằng xa, nơi cuối con đường suy tư, trăn trở thường gặp của thế nhân đang còn quanh co giữa vòng nhân thế. Hãy đọc thử đoạn thơ này, trong bài "Không đề" của Cảnh Trà :

"Tôi không được là vua nên tôi không hiểu
tôi chưa phải là sư nên tôi chưa hiểu
vì sao Trần Nhân Tông
bỏ vua
lên chùa?"

Rõ ràng, chỉ qua mấy dòng "khẩu ngữ" này, Cảnh Trà đã "siêu ngôn" được một ý tưởng, một thông điệp không thể xem nhẹ về quan niệm lẫn thái độ hiện có của tác giả về thế sự, nhân sinh. Hoặc là bài "Tiếng vỗ tay". Nó có thêm biện pháp nghệ thuật : Khái quát hoá hiện thực vào một đối vật cụ thể, nhưng ở đây mang diện mạo khá mới, lạ, mà lại khá hay :

"Tôi xin trân trọng giới thiệu, đến dự buổi lễ hôm nay
chúng ta vinh dự được đón ngài…
cả hội trường đứng dậy vỗ tay
rốp… rốp… rốp… rốp… rốp

Tôi xin trân trọng giới thiệu
rốp… rốp… rốp… rốp

Tôi xin trân trọng giới thiệu
rốp… rốp… rộp

Xin giới thiệu…
rộp… rộp… "

Lại rõ ràng, chỉ bằng mấy âm ngữ, mang tính miêu tả, từ "rốp" đến "rộp", Cảnh Trà đã cấu trúc xong một tứ khá "nặng ký" cho bài thơ : đó là cái gì rồi cũng đi đến, cũng bước vào chu kỳ "cung vượt quá cầu" của nó…

Hoặc như bài "Kể lại một chuyện rất nhỏ ở băng ghế chờ xe" :

"Trên băng ghế dài bằng gỗ
anh ngồi một đầu
chị ngồi một đầu
im lặng
gió loãng giữa vùng trống vắng
sau hồi lâu
anh bảo :
– Em hãy xích lại gần đây, anh không làm gì đâu!
chị nhìn anh cười cười :
– Anh không làm gì thì em xích lại làm chi?

Nói thế, nhưng rồi hai người vẫn xích lại gần nhau
băng ghế dài
tuy vẫn hai người
hình như đã bớt đi phần lạnh vắng!"

Lại rõ ràng, qua những câu "lấy từ hè phố vào trang thơ" này, Cảnh Trà đã đưa ra được một quan điểm, một thông điệp duy nhân bản hết sức sâu đậm về cuộc nhân sinh; mặt khác, mang tính nghị luận phản đối những giá trị văn hoá phi nhân bản cũng hết sức sâu đậm. Tuy nhiên, nếu cần một kiểu thơ vừa có tình, vừa có ý, vừa có hình, được trộn lẫn trong ngôn từ diễn đạt theo mô thức "thi trung hữu hoạ", mang nặng tư duy nghệ thuật phương Đông hẳn hoi thì trong tập thơ này, Cảnh Trà cũng không hề non tay. Cũng có khá nhiều bài thơ thuộc loại này. Đều mượt mà, thắm đượm xúc cảm yêu thương tràn đầy nơi tác giả (Cái hay trong thơ Cảnh Trà được làm nên từ xúc cảm nồng nàn, chân thật này. Mới hay, lời nói chân thành, thiết tha, dù mộc mạc, thường làm người nghe cảm động hơn lời giả tạo mà khéo léo). "Mùa chùm đuông chín" là bài thơ có thể mang tính đại diện. Nó có cái hay của bút pháp siêu ngôn ngữ phối hợp với bút pháp hàm ngôn, ngụ ý. Quang cảnh đất nước nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng đang ở vào mùa thanh bình, phát triển yên vui, tràn ngập thân tình yêu thương giữa người với người được biểu đạt sinh động thông qua một hệ thống hình ảnh thơ khá đẹp :

"Sau cơn mưa đầu mùa
rừng Tây Ninh như chừng ngon hơn
tầng tầng lá non vun cao
những mâm xanh nở nang thèm thuồng
nước ngọt chảy long lanh
uốn mình trên thân cây mượt mà vỏ mới
rừng đang vào mùa chùm đuông!

Những con chim đuôi dài quệt đất
cả một trời chim
từ đâu rào rào bay về
ăn trái chùm đuông
nhả hạt chùm đuông
con trống mớm cùi con mái!

Những con sóc lông đỏ mật
cạ mình nhâm nhi chùm đuông
những con thỏ mình vàng bắp chín…
quanh gốc chùm đuông dầm dề trái rụng…
con gái con trai
ngoài ấp trong xóm
xô nhau
đẩy lưng nhau
vào rừng
hát bài bềnh bồng, bềnh bồng
níu cành
hái chùm đuông
đổ chồng lên nhau
la như trời sập!"

Nhìn chung, "Những cơn mưa" có nhiều bài thơ có ngôn từ mộc mạc, đơn sơ như lời nói thường nhật của người bình dân. Một kiểu dạng văn xuôi. Nhưng nó được cấu trúc, thiết kế theo mô hình nghệ thuật siêu ngôn ngữ : Cái ý, cái tứ nằm bên ngoài bài thơ, được thể hiện qua những lời thơ, câu thơ đơn sơ, mộc mạc nằm ở bên trong. Mà những ý, những tứ kia thường khá "nặng" và sâu. Cái vĩ mô được gói gọn vào cái vi mô "Ý tại ngôn ngoại". Khéo đến độ không còn dấu vết của sự khéo. Đặc biệt, Cảnh Trà làm thơ khá đều tay, trong tập thơ này. Song le, tính chất trụ cột để "Những cơn mưa" thật sự đạt tới tính thơ lại nằm ở xúc cảm yêu thương vô cùng nồng nàn, chân thật của tác giả về đối tượng thơ của mình, như trên đã nói…

Có thể nói tóm lại rằng, Cảnh Trà có một phong cách thơ lạ và mới qua tập "Những cơn mưa". Cái lạ, cái mới ấy đi ra từ kiểu tư duy và xúc cảm thơ thiên về phân tích – quy nạp nhiều hơn. Điều ít gặp ở vườn thơ Tây Ninh hiện nay. Và tất nhiên, đây chỉ là một trong nhiều phong cách thơ mà giới làm thơ ở Tây Ninh đang sở hữu. Mong và chúc thơ Cảnh Trà ngày một thăng hoa, đẹp hơn, hay hơn trong mô thức thẩm mỹ riêng biệt, đặc sắc mà mình đang có.

Trần Minh Tạo -Theo SCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *