Không chọn những bộ môn nghệ thuật thời thượng, có những cô gái trẻ đã dành tình yêu của mình cho nghệ thuật múa rối. Cần mẫn, chăm chỉ, họ miệt mài khổ luyện để thổi tình yêu nghệ thuật vào từng vai diễn và giữ cho ngọn lửa đam mê luôn cháy sáng.  

Từ đam mê khám phá

Tiếng trầm trồ thích thú xen lẫn ngạc nhiên vang lên từ hàng ghế khán giả theo từng chuyển động uyển chuyển  của “nàng” Phượng trên mặt nước trong tiết mục Múa Phượng của Nhà hát múa rối nước Thăng Long (Hà Nội). Với sự điều khiển khéo léo của diễn viên ở phía sau tấm mành trúc, “nàng” Phượng không còn là một con rối gỗ vô tri vô giác, mà hóa thân thành nàng thiếu nữ đang e ấp chờ người yêu. Một cái rung lắc nhẹ, nhưng cũng đủ để khán giả cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc được gặp người yêu của “nàng”. Phía sau tấm mành, đôi mắt  Phương Thanh cũng lấp lánh niềm hạnh phúc mà ai đã từng một lần thử cầm que điều khiển rối nước mới cảm nhận hết.

Bố Phương Thanh là bác sĩ răng hàm mặt nên muốn con gái nối nghiệp, nhưng Thanh lại muốn thử sức ở lĩnh vực khác. Làm cách nào để các con rối múa lượn trên mặt nước là một bí mật mà Thanh quyết tâm phải khám phá. Ngày thi năng khiếu ở ĐH  Sân khấu điện ảnh năm 2002 (chuyên ngành rối nước) trùng với ngày thi môn đầu tiên của kỳ thi đại học, Phương Thanh đã chọn rối. 


 
 Thu Huyền
 Phương Thanh
 

Để có chỉ năm phút với một nhân vật rối trên mặt nước, Phương Thanh phải luyện tập hàng tháng trời. Con rối có thể nặng đến 8kg – 9kg vì ngấm nước lâu ngày, sào điều khiển thì quay tứ phía. Giữ thăng bằng cho rối đã là chuyện không đơn giản. Có những buổi tập, những diễn viên rối phải ngâm mình dưới nước vài giờ liên tục, hai bàn tay nhăn nhúm, cánh tay mỏi rã rời vì phải gồng hết sức để điều khiển rối.

Lần đầu tiên xuống nước tập với rối, cảm giác thích thú khi được cầm que điều khiển nhanh chóng biến mất. Nó khác nhiều so với những gì Thanh được thấy và được học lý thuyết. “Chỉ mất hai mươi phút là tôi có thể “rê” cho rối di chuyển, nhưng chuyển động theo ý mình thì lại không thể. Muốn rối xoay một vòng, rối lại xoay tít hai vòng. Rõ ràng tay mình điều khiển sang trái, nhưng rối cứ sang phải; muốn rối nhích một quãng chừng năm tấc, thì rối lại chạy gấp ba lần như thế. Nhưng, nhờ làm diễn viên rối, chúng tôi có thêm sức khỏe, sức chịu đựng và sự dẻo dai. Đó là lợi thế mà chỉ diễn viên rối mới có”, Phương Thanh dí dỏm.

Duyên nghiệp

Những tràng cười nắc nẻ vang lên không ngớt khi bà lão chăn vịt cho thằng cáo tham lam một trận đòn nhớ đời. Bà lão chăn vịt là một trong những trò rối hay nhưng không dễ thực hiện của nghệ thuật rối nước. Trò diễn đòi hỏi sự nhịp nhàng, tung hứng theo nhạc của con rối, diễn viên đồng thời cũng phải vừa hát và thoại khi điều khiển rối. Chỉ cần thiếu sự phối hợp đồng bộ, trò rối sẽ mất hiệu quả. Người mang lại sự hóm hỉnh, thông minh cho những nhân vật rối nước Việt Nam chính là Thu Huyền.

Trúng tuyển ngành kịch hát dân tộc (ĐH Sân khấu – điện ảnh) năm 1996, Thu Huyền và một số bạn được khuyến khích theo chuyên ngành rối. Thu Huyền đồng ý chuyển ngành dù chẳng hiểu gì về loại hình nghệ thuật này. Càng học, cô càng cảm nhận dường như rối là duyên, là “nghiệp” của mình, dù biết sẽ phải đối mặt với không ít thử thách. Mọi chuyển động của con rối chỉ thông qua chiếc sào tre hoặc nối với nhau bằng hệ thống dây kéo và bánh xe đặc biệt. Sự uyển chuyển của từng động tác, sự hóa thân và “hồn” của mỗi nhân vật rối phụ thuộc hoàn toàn vào  khả năng sáng tạo,  sự tinh tế của người điều khiển.

Cũng là diễn viên, nhưng với các bộ môn nghệ thuật khác diễn viên được xuất hiện trước khán giả với những hình ảnh thật đẹp, nhưng diễn viên rối nước luôn phải ẩn mình phía sau tấm mành, ngâm mình trong nước đến ngang thắt lưng và mặc những bộ trang phục đen để không bị khán giả phát hiện. “Thú thật có lúc chúng tôi cũng thấy buồn, nhưng nỗi buồn đó qua rất nhanh khi nhìn thấy ánh mắt thích thú xen lẫn ngạc nhiên của khán giả, được nghe những tràng vỗ tay không dứt bên kia tấm mành. Đó là niềm hạnh phúc vô giá”, diễn viên Thu Huyền chia sẻ. 

Hà Nội những ngày lạnh cắt da, người nghệ sĩ rối vẫn miệt mài với công việc. Những con rối múa lượn nhịp nhàng, uyển chuyển trên mặt hồ. Không ai biết chỉ cách một tấm màn tre đang có những đôi môi thâm tím vì lạnh. Nước không thể ngấm qua bộ quần áo cao su, nhưng cái giá lạnh của thời tiết, của nước hồ thì bất chấp mọi “rào cản”. Có khi những chiếc sào, bàn rối, bánh xe… vô tình cứa rách bộ quần áo cao su, nước lạnh buốt thừa cơ hội “tấn công” nghệ sĩ. Áo quần sũng nước, lạnh run bần bật, nhưng họ vẫn tiếp tục diễn cho đến khi hạ màn. 

Năm mươi phút ngâm mình dưới nước lạnh giá cho một suất diễn, quả là một thử thách không đơn giản. Nắm đôi bàn tay lạnh buốt, chai sần và đầy gân guốc của những nữ diễn viên trẻ, sẽ  hiểu hơn những gì họ phải đánh đổi để góp phần gìn giữ và phát huy một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam.

Theo phunuonline 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *