(Thương tặng giấc mơ tuổi thơ về những lần đi xa của tôi)

Mỗi hành trình có một vài chuyến xe, và mỗi chặng đường đều có hành khách đáp các chuyến xe khác nhau. Tôi cũng như những thằng nhỏ đồng lứa luôn mơ màng về một chuyến đi xa ra khỏi thị trấn miền biển nhỏ tè cô quạnh.

Tụi tôi gân cổ cãi nhau hay túm tụm kể lể về một chuyến đi đâu đó hiếm hoi trong đời. Sôi nổi hơn là bình luận về các loại xe mình được ngồi, được tận hưởng cảm giác đi nhanh vù vù mà khối người đi đường phải né mình vào lề đường chật hẹp đầy bụi đỏ, ngước nhìn những hành khách oai vệ đang ngồi mơ mộng trên xe.

Đi tới đi lui trong huyện chủ yếu dựa vào xe bò và xe ngựa, đi đâu cũng thấy phân súc vật, ngửi mùi cỏ cây và mồ hôi bụi bặm. Ai có nhiều tiền hơn một ít thì đi bằng xe lam. Những chiếc xe ba bánh này chở được mười hai người hoặc thậm chí là hai mươi với hàng hóa cồng kềnh trên mui. Tài xế ra sức đạp máy xe như đạp xe hon đa, nếu không thì hai ba hành khách phải phụ đẩy ì ạch. Những chiếc xe lam phành phạch phun khói xanh ngùn ngụt luôn làm náo động thị trấn thanh bình vào buổi sáng và xế chiều. Những chiếc cần xé đựng đầy cá tôm miệt biển, bầu bí rau xanh từ giồng cát quyện với khói xe luôn cho thị trấn một mùi ngòn ngọt tanh tanh khó quên đến kỳ lạ. Có đôi lần tụi nhỏ chúng tôi thèm đi xe lắm, bèn trốn mình ngồi đại lên một chiếc xe đi Tiệm Tôm còn vắng khách, bác tài không để ý nổ máy chạy luôn. Chúng tôi phát hoảng, phần vì không có tiền, phần vì xe chạy càng xa, đánh liều la lên bác ơi cho con xuống. Vậy là có một kỷ niệm không bao giờ quên, hóa ra muốn đi xa hay muốn thưởng thức điều kỳ thú trên đời thì chúng ta đều phải trả giá cả.

Những chiếc xe lam dần dần bị xe Daihatsu đánh bại, nó có bốn bánh an toàn hơn nhiều, chạy nhanh và sang trọng hơn bao giờ hết. Loại này chỉ có thuần một màu trắng sữa, tiếng máy chạy êm êm như xe đò thu nhỏ. Hai băng ghế bằng gỗ nhưng có một lớp nệm mỏng, dù sao cũng trông có vẻ êm ái và sang trọng hơn ngồi xe bò cọc cạch hoặc xe lam thô kệch. Tôi còn nhớ bản thân hay bồn chồn mỗi khi qua phà Rạch Miễu để được ngồi trong chiếc xe be bé này chạy từ đấy đến bến xe Mỹ Tho. Độ khoảng bốn cây số nhưng đó là một hành trình khá dài và quan trọng trong chuyến đi, vì nó là một chặng đường tất yếu của bất kỳ chuyến đi nào từ Bến Tre đến Sài Gòn, giao điểm giữa miền quê và đô thị. Và đó cũng là một sự so sánh về vận tốc, sự êm ái hay cả về mặt tiền bạc so với chặng từ Mỹ Tho đến Sài Gòn hoa lệ.

Xe đi Sài Gòn bao giờ cũng xinh đẹp hơn cả, có hai đèn vuông, hai ống khói ốm nhách phía sau chọc thẳng lên trời, sơn sọc xanh sọc đỏ mà một số ông hay cho rằng nó trông giống như màu cái quần sịp! Cả thị trấn mỗi ngày chỉ có ba chuyến xuất phát đi Sài Gòn: chuyến lúc 4 giờ, 5 giờ và 6 giờ nên lơ xe lúc nào cũng hò hét, kênh kiệu ra phết vì xe của họ hầu như là cục nhưn (1) của cả bến xe. Hành khách cũng trông có vẻ mỹ miều hơn, quần áo tươm tất, phần lớn là dân đi mua hàng tiêu dùng từ chợ Bình Tây, An Đông, hay Tân Định. Trong túi áo, túi quần của họ luôn mang theo củ tỏi nhằm trừ tà, tiền được lận vào áo lót bên trong có gài vài cây kim tây cứ như là sắp đi buôn hàng triệu đô la không bằng. Mà thời ấy có nhiều móc túi trên chặng xe lam từ bến xe Miền Tây vào Chợ Lớn. Chiếc xe lam màu vàng máy nổ tành tạch rảo khắp phố phường đô thị đón khách bất kỳ nơi nào, đến độ họ phải đánh liều đu mình tòn ten phía sau, bên trong chật như nêm nên tạo cơ hội tốt cho người xấu tay che nón lá, tay kia lòn vào móc túi mấy người ngủ gà gật từ các tỉnh đổ xô lên thành thị sau một chặng đi dài mệt nhọc. Thật là không thoải mái chút nào cả so với chuyến xe đi từ huyện đến Sài Gòn khi mỗi một hành khách được sở hữu một cái ghế ngồi, tuy đôi khi họ phải nhét tay vào lòng để có chỗ cho hành khách khác ngồi ké lúc xe đón quá nhiều khách dọc đường. Những chiếc xe đò này không phải đẩy khi khởi động máy, không cần phải đốt gáo dừa ở phía trước nắp cạc bô hay đốt hay ngọn đèn dầu tù mù hoặc bó đuốc lá dừa rừng rực lửa khi chạy vào ban đêm như xe từ Bến Tre về Ba Tri.

Thời ấy tôi còn nhớ chiếc xe đò Ba Tri đi Bến Tre toàn hiệu DeSoto màu đỏ chạch với một số ghế quay mặt về phía trước và bốn năm hàng ghế làm bằng cây ở phía sau mà hành khách phải nương người khe khẽ mỗi khi bánh xe lăn vào ổ gà ổ vịt to tướng, không khéo thì đầu bị va cành cành vào hai thanh gỗ bên hông xe. Xe nào khá hơn thì có ghế dựa hẳn hoi làm bằng sợi ny lông màu xanh đỏ rách tả tơi mà tôi nghĩ nó trông giống như các sợi tua mà kép cải lương thường hay đeo khi đóng vai tướng võ trên sân khấu. Nhiều khi tôi mơ có được 22 đồng để mua vé đi và về từ Ba Tri đến Bến Tre hầu trải nghiệm cảm giác được đàng hoàng ngồi trên một ghế cạnh cửa sổ rộng thênh mà không phải ngồi bó gối trong lòng người lớn, nhìn cảnh vật chạy thụt lùi từ từ lại phía sau, cảm giác giựt người mỗi khi tài xế sang số. Nói cho cùng điều này cũng chỉ là mơ mộng hết sức viễn vông vì một đồng chị em tôi còn không có thì nói chi đến cả chục bạc. Vì thế nên chúng tôi rất thích chiều chiều rảo bộ ra bến xe huyện, ngắm thỏa thích những chiếc xe đò xanh đỏ và rờ vào những bánh xe bự chảng đỏ lòm sau chặng đường dài nhuốm đầy bụi đất đỏ. Có bác tài tử tế, cho tôi leo lên chơi, tò mò đi dọc theo hai hàng ghế và ngửi mùi khói xăng lẫn mùi nước mắm và cá biển để mộng tưởng về một chuyến đi xa vời đến một xứ sở phù hoa.

Nhưng nếu nói về mặt phù phiếm miệt đồng bằng thì phải kể đến bến xe Mỹ Tho thời ấy. Nó hao hao giống bến xe Miền Tây ở chỗ đông nghẹt người ta và đủ loại xe khách từ nhỏ đến lớn, kẻ đến người đi nhộn nhịp từ khuya. Hành khách chen chúc xếp hàng mua cho được tấm vé đi Sài Gòn, người này mắng nhiếc người kia khi lấn hàng, miệng nhóp nhép ăn đủ loại hàng rong. Lắm khi tôi tiếc hùi hụi khi trễ phà, trễ luôn chuyến xe đò loại 50 ghế đi Sài Gòn. Chúng tôi phải nhét mình vào một chiếc xe đò cải biên mà xuất thân của nó là một chiếc xe hơi có từ đời Bảo Đại. Nó chẳng có ghế gì sất mà nhà xe chỉ trải vài tấm chiếu cáu bẩn để hành khách nhóc nhách ngồi bẹp ở bên trong. Tôi thường càu nhàu vì bị tê chân với chặng đường 75 cây số trong ba tiếng đồng hồ. Hành khách thường chẳng thấy được cảnh vật gì cả trong cái hộp bít bùng này, chỉ toàn mùi mồ hôi và mùi ôi ôi từ một số bà khách ói mửa say xe hay xức dầu gió kim. Ngầy ngật và mỏi mòn trong những chuyến xe tạp nhạp là vậy nhưng mẹ lại cho rằng mình còn may khi đón được chiếc xe này còn hơn phải đứng chờ chuyến khác lại phát sinh ra chuyện ăn uống lôi thôi tốn tiền! Nhưng dù có cực một ít nhưng tôi thích đi Sài Gòn lắm. Lũ nhỏ chúng tôi khù khờ nao nức đến nỗi ngủ không được khi được mẹ cho đi chơi trong chuyến buôn thuốc tây cùng với các dì ở Sài Gòn. Thời buổi bao cấp gian nan, nói trên lý thuyết ai cũng có được phần hàng của nhà nước phân phối, mua đi bán lại vải vóc còn bị cho là mua gian bán lậu thì nói chi đến chuyện mua bán dược phẩm. Vậy mà lũ nhóc vui lạ. Có lẽ bởi vì cuộc sống nghèo hèn quá độ mà mỗi khi được thoát ra khỏi cánh cửa nhà và ngao du xứ lạ lại là kinh nghiệm để đời chăng?

Nhưng không hẳn lúc nào đi xe cũng thú vị. Người ta nói tài xế tuyến Hậu Giang giành khách chạy bạt mạng. Họ thường chạy từ từ khi ra khỏi ngã ba Trung Lương, được một đỗi khi xe khác từ Sài Gòn đổ về hay từ Mỹ Tho ra bến thì họ bắt đầu nháy nhó với nhau và rồi tăng tốc. Cả chiếc xe đò 50 chỗ như một chiếc xe tăng chạy đua trên quốc lộ: ầm ầm trong gió lồng lộng, lạng qua lách lại rất điệu nghệ. Nhưng chỉ tội cho mấy bà già ngất ngư trên xe, miệng méo xệch niệm a di đà hay gọi tên tổ tiên cứu nạn, vật vựa say xe, nửa sống nửa chết. Tài xế đâu thèm quan tâm, rú ga chạy ào ào như ma đuổi, lấn lề tưởng như chạy bừa xuống ruộng. Tôi chẳng có chút cảm giác thưởng thức chuyến xe chút nào cả vì gió quất vào mặt đến độ không thở được, lạnh cóng, tay vịn cứng ngắc vào hàng ghế trước, tai ù ù, người nôn nao khó chịu. Chạy nhanh đó, nhưng hễ anh lơ xe la làng nói thằng Mỹ Thuận bỏ cuộc rồi thì tài xế đột ngột giảm ga, chạy từ từ như đi hóng mát, rồi lại vọt lên cái vù. Nhưng đấy là xe còn tốt, chứ chặng đường từ ngã ba An Thái Trung vào Cao Lãnh thì khác. Những chiếc xe khách này được làm từ xe hàng, thùng sau được đóng lại với bốn hàng ghế gỗ có thể chở được hơn 50 người, luôn được khởi động bằng sức người, chạy rịch tang khoảng 20 cây số một giờ nên chặng này 35 cây số mà hành khách phải mất non 2 tiếng. Đường đi đã xấu, xe lại rị mọ bò qua lết lại trên đường nên hành khách tuyệt đối không nên ngủ gật trên xe vì đầu có thể va vào thành xe chảy máu như chơi. Có khi xe đang chạy rì rì bỗng nghiêng qua một bên, bánh sau sút ra chạy lộc cộc nhanh hơn cả chiếc xe rồi thản nhiên lăn xuống ruộng. Hành khách chẳng sợ chi cả, chỉ ồ lên thán phục anh lơ xe tội nghiệp phải hớt hơ hớt hải đuổi theo nó, miệng văng tục um trời! Suốt chặng này không có một ai bị ói cả, chỉ tội toàn thân bị nhức rêm vào ngày hôm sau mà thôi.

Nỗi thèm khát được leo lên xe đò để đi chơi xa của tôi chưa bao giờ dừng lại cho đến tận thời đại học. Có bà chị coi bói bài cho tôi, nói khơi khơi rằng số tôi sau này được đi xe hơi chứ không bỡn. Mà ngẫm ra thì đúng thật vì bây giờ tôi đi xe hơi nhiều lắm. Đi vòng vòng trong nội thị thì có thể gọi một chiếc tắc xi, tài xế lịch sự mở cửa mời lên xe và được đối xử như thượng đế thật sự, chỉ mỗi tội trả tiền nhiều quá, thấy đau lòng xót của mà thôi. Đi Sài Gòn cũng không phải cần chầu chực tranh giành vé xe nữa, chỉ cần gọi điện thoại cho hàng loạt các công ty xe khách chất lượng cao, được người ta đưa đón tận nhà, lại được tặng chai nước suối, cái khăn giấy lạnh. Xem ra một số công ty còn phục vụ hành khách như thể đi bằng máy bay, có nhân viên cầm micro thông báo tuyến đường và cung cách phục vụ trên xe. Đoạn đường Sài Gòn đi Cần Thơ 168 cây số chỉ như là một chuyến đi nghỉ mát trên xe. Riết rồi đâm chán. Mỗi lần cứ nghĩ đến việc đi xa, ngồi trên xe không biết làm gì, chỉ ngủ, nghe nhạc tào lao hay xem vài bộ phim hài vô vị thì lại cảm thấy mỏi mệt. Cứ nghĩ đến những công việc đang chờ mình đằng sau hành trình và những người mình phải bỏ lại phía sau mà cảm thấy nôn nao khó chịu, đôi khi chia tay lại còn thấy đau lòng. Xem ra việc thực hiện những hành trình lại là một điều lao dịch khác trong cuộc đời. Đôi khi tôi cố tìm lại cảm giác bồi hồi mỗi khi bước lên xe đò, nhưng thật tình những điều lo âu và ưu tư trong cuộc sống đã tiêu diệt lòng đam mê đi lại. Tôi bắt đầu ngại di chuyển. Hôm qua một thằng bạn rủ tôi đi uống cà phê bằng chiếc Camry trị giá một tỷ đồng của nó, tôi lại thấy một ít ghen tị, một ít tủi thân cho phận bần sĩ muôn đời. Bạn tôi vẫn hồn nhiên tự thuở nào, ham thích phiêu lưu bằng những chiếc xe hơi đời mới, chứ không phải xe lam hay xe đò buổi nao. Người tôi cứ như bị hít chặt vào ghế da khi nó tăng tốc từ 40 cây số một giờ lên gấp đôi, mặt cứ ngẩn ra như kẻ bị thịt không am tường cách thưởng thức điều xa xỉ mà cuộc đời trao tặng. Xem ra những gì mình muốn hưởng thụ đều luôn phải trả một cái giá nào đó. Người bạn tôi vẫn như vậy nhưng hơi xa vời một ít khi nó luôn nói về những chuyến đi làm ăn xa xôi với những được hơn mà công cuộc thời thế tạo ra. Những chuyến xe đò ngày xưa chắc chỉ còn tồn tại trong những giấc mơ vô chừng của bạn mà thôi.

Giấc mơ về những hành trình xa xôi của tôi từ từ phần nào đã trở thành sự thật. Đôi khi lang bạt ra Bắc, đi rong ngoài Trung, lang thang ở miệt đồng bằng hay la cà nơi này nơi nọ ở nước ngoài, thấy bản thân mình đã còn đi xa hơn những nơi mình từng khao khát đặt chân đến, thấy cuộc đời trải rộng mênh mông, vốn dĩ dành cho mọi người. Cứ thấy nếu mình hãy còn có khát vọng về những chuyến đi chơi rong ruổi trong đời thì cuộc đời lại tiếp tục cho mình những mơ ước về những hành trình khác. Và như vậy những chiếc xe đò ngày xưa vẫn chạy hoài trong cuộc hành trình đi tìm ước mơ xa vời của tôi.

Theo Nguyễn Hồng Chi – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *