Năm 1900, Chekhov được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Peterburg, nhưng chỉ hai năm sau, ông từ chối danh hiệu đó vì vụ bê bối liên quan tới Maxim Gorky. Tháng 2 năm 1902, Viện Hàn lâm phong tặng Gorky danh hiệu Viện sĩ danh dự về Văn học, nhưng đến tháng 3 lại tuyên bố danh hiệu đó không có hiệu lực vì những nghi vấn chính trị. Hành động này đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của xã hội, còn hai Viện sĩ Chekhov và Korolenko đã công khai tuyên bố từ chối danh hiệu của mình để phản đối quyết định đó.

Tolstoy… không thể chịu nổi kịch của Chekhov

Sinh thời, Chekhov không phủ nhận sự "khác thường" trong các vở kịch của mình. "Tôi sẽ viết một cái gì đấy kỳ quặc" – ông viết cho nhà biên tập Suvorin, ám chỉ vở kịch "Hải âu". Về sau, Tolstoy đã nhận xét về vở kịch này là : "Hải âu" của Chekhov thật vớ vẩn, không ra gì… "Hải âu" rất dở. Hay nhất là đoạn độc thoại của nhà văn, đó là những nét tự truyện, nhưng trong vở kịch, nó nửa quê nửa tỉnh.

Tolstoy coi Chekhov là một "nghệ sĩ vô song", thậm chí gọi ông là "Pushkin trong văn xuôi", nhưng ngay cả khi hiểu rằng Chekhov là một cái gì đấy hoàn toàn khác so với Turgenev, Dostoyevsky hoặc chính mình, Tolstoy vẫn không thể thừa nhận nghệ thuật kịch của Chekhov. Một lần, Chekhov đến thăm Tolstoy bị ốm. Trước khi chia tay, Tolstoy ghé sát tai nhà văn và nói : "Nhưng dù sao, tôi cũng không thể chịu được những vở kịch của anh. Shakespeare viết rất kém, anh còn kém hơn!"

Vinh quang quốc tế chỉ đến với Chekhov sau khi ông qua đời

"Tác phẩm của tôi sẽ được đọc khoảng 7 – 7,5 năm nữa, sau đó sẽ bị lãng quên" – có lần, Chekhov nói. Nhưng ông đã nhầm : Sau 20 năm kể từ ngày ông qua đời, vinh quang quốc tế đã đến với ông. Tác phẩm của ông bắt đầu được đọc, được xuất bản, dàn dựng, người ta bắt đầu nói về ông. Có thể, Chekhov đến với châu Âu từ làn sóng di cư đầu tiên của người Nga, hay, nói như Aleksey Tolstoy, vào đầu cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi quân đồng minh vội vã cần đến "tâm hồn Nga". Chekhov hợp với thị hiếu người Anh nhất. Theo đạo diễn Richard Eyre : "Sân khấu Anh xâm chiếm Chekhov giống như sân khấu Nga xâm chiếm Shakespeare".

 

Tùng Hoa – Theo CAND

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *