Thuyền ta nhẹ lướt trên sông
Buồm căng gió lộng xuôi dòng ra khơi.
(Hoàng Trung Thông)
Mùa xuân này là năm thứ 18 nhà thơ lớn Hoàng Trung Thông từ biệt chúng ta.
Tôi vẫn nhớ một ngày cuối năm 1992, một buổi chiều Hà Nội lao xao gió mùa Đông Bắc, tôi đến thăm nhà ông. Ông đang nằm suy tư dưới sàn gỗ lau bóng, bỗng bật dậy mừng vui:
– Ngọn gió nào thổi cậu đến đây, ngồi xuống uống chén đi! Anh quờ tay lấy bình rượu thuốc rót ra hai ly nhỏ.
– Anh mệt mà uống sao được?
– Không lo, mình sẽ vượt qua thế kỷ 20 mà!
Thấy anh lạc quan, tôi cầm ly rượu nhỏ, nhìn thần sắc anh đã hơi xuống, cảm thấy lo lo. Ông cũng nhìn tôi, chưa bao giờ ông nhìn tôi lâu đến thế, hình như có điều gì báo trước, đây là cuộc gặp gỡ lần cuối. Tôi có ngờ đâu! Ông cụng ly và hỏi tôi:
– Cậu có nhận được tập thơ Mời trăng của mình không?
Tôi đáp lại:
– Hôm trước có gặp Hoàng Phượng Vĩ – có nghe Vĩ nói ông anh gửi Nguyễn Quang Sáng, nhưng hỏi ông Sáng, anh đâu có gửi – Hôm nay tôi và ông Sáng trao đổi với nhau “Ông anh mình “bộ nhớ” bắt đầu trục trặc rồi đấy!”.
Còn nhớ những năm trước tôi và Đoàn Giỏi thỉnh thoảng lại đến nhà anh. Chị Hoa – vợ anh – người đàn bà đảm đang xứ Nghệ chiều chồng, mến bạn, thường hỏi chúng tôi muốn ăn gì? Đoàn Giỏi bao giờ cũng thích món tiết canh. Bà chị đánh tiết canh vịt rất tài. Thế là ba anh em chúng tôi, có khi mời thêm họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng hoặc một vài bạn thơ khác đến liên hoan nhẹ.
Căn gác nhỏ không quá 30m2, bên trong có thêm gác xếp để tăng diện tích, chứa sách và có thêm chỗ để ngủ. Những ngày chiến tranh phá hoại, những năm cuối thập niên 70, tôi hay đến với anh, đêm đêm ngồi ở căn gác nhỏ này nhìn ra bầu trời lửa đạn phía Đông Anh. Nhiều đêm lạnh đạp xe đạp qua phố Ngô Quyền, ánh đèn điện ở số nhà 70 đỏ quạch trên căn gác hắt ra ban công, chỗ có treo mấy giò phong lan. Tín hiệu như vẫy gọi, như lời mời mọc của nhà thơ, tôi lại lò dò lên gác ngủ với anh.
Và những ngày tôi lên đường vào Nam chiến đấu, anh Hoàng Trung Thông, chị Ngọc Trai, Đoàn Giỏi, Hải Như, vài anh chị em báo Thống Nhất, báo Văn Nghệ đến tiễn tôi ở đoạn đường cuối khi xe chuyển bánh. Anh Thông ghì ôm chặt lấy tôi, lặng im không nói gì và anh đã nhét vào túi tôi bài thơ trong Ngục trung nhật ký của Bác Hồ – bài tứ tuyệt "Tẩu lộ" viết bằng chữ Hán trên giấy lụa với nét chữ như Thư pháp:
Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Rồi sau này, những khi ra Bắc vào Nam tôi và anh vẫn thường đến thăm nhau. Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre, nhà thơ Hoàng Trung Thông bấy giờ có vào dự. Ông là Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, đến nhà tôi ở suốt thời gian ấy và bị ốm có đến mười ngày. Nhiều thi nhân Sài Gòn đến gặp anh xin thơ, xin chữ Hán, xin câu đối và xin trò chuyện với nhà thơ. Các cụ từ Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang lên bình thơ Đường, Tống. Ông như nhà thư họa nét chữ tài hoa như tranh thủy mặc. Nhiều nhà thơ nữ trẻ tự nguyện mài mực, mua bút lông để xin chữ. Ở căn lầu nhỏ chung cư của tôi nhiều khách đến, trong đó có những nữ sĩ như cụ bà Mộng Tuyết là sương phụ của nhà thơ Đông Hồ, bà Mai Huỳnh Hoa là cháu ngoại cụ Đồ Chiểu – bà chị nuôi của tôi, vợ của Phan Văn Hùm thường bảo: Hà Nội có nhiều văn nhân lỗi lạc quá – Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… Riêng chị thích thơ chú Hoàng Trung Thông nhất. Hoàng Trung Thông có cái uyên bác của Đường thi, có cái dân dã mộc mạc của ca dao. Rồi chị lấy cho xem các tập thơ của Hoàng Trung Thông gửi: Đường chúng ta đi, Những cánh buồm, Như đi trong mơ, Hương mùa thơ… ký tặng chị. Thi ca của Hoàng Trung Thông có cái hiện đại của hơi thở đương thời, có cái trầm lắng say sưa của cổ điển. Những câu thơ bình dị của anh mãi mãi đi vào lòng bạn đọc hôm nay.
Nhà thơ Hoàng Trung Thông. |
Làng tôi nghèo
Mái lá nhà tre,
Các anh về xôn xao xóm làng bé nhỏ…
Hoặc những câu: Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Rồi chị nói cho vui với tôi: Ông Hàn Thông – ý muốn nói Hoàng Trung Thông giỏi như ông hàm lâm, ông nghè – thông minh, giỏi Hán học, Tây học, nếu ngày xưa đi sứ có thể trở thành lưỡng quốc trạng nguyên được. Tôi cũng thưa cùng với bà chị: Hoàng Trung Thông được phong Giáo sư Viện trưởng Viện Văn học – sau cụ Đặng Thai Mai – đợt đầu tiên nhưng anh là người duy nhất từ chối! Mình làm thơ, bạn đọc gọi là nhà thơ đủ rồi. Sức học và hiểu biết rộng của ông, có lần có người hỏi GS. Đặng Thai Mai, theo cụ ai là người kế cận được. Không chần chừ cụ Mai bảo: Hoàng thi sĩ. Ngoài mười năm tác phẩm thơ, văn, Hoàng Trung Thông còn dịch Nàng công chúa Thiên Nga, Vương Quý và Lý Hương Hương, Người đánh cá và con cá vàng. Dịch và giới thiệu các nhà thơ lớn trên thế giới: Đỗ Phủ, Lục Du, Puskin, Hainơ, Pêtôphi, Maiacopski, Mikivêvich, Quách Mạc Nhược và chủ biên một số công trình khoa học như thơ Lý – Trần, Văn học Việt Nam, ông đã cống hiến nhiều tác phẩm xuất sắc trên các chặng đường chống xâm lược. Riêng ông là cả một Viện Hàn lâm. Ông còn có tác phẩm đả kích, trào phúng ký tên Đặc công, Bút châm.
Sức học, hiểu biết về thông thạo ngoại ngữ Anh, Hoa, Pháp của ông làm kinh ngạc bạn bè nhiều nước.
Nhưng giờ đây dưới chín suối, nếu như có linh hồn chắc chắn chị đã nhận được tín hiệu, dò được tần số nhà thơ Hoàng Trung Thông, ông nghè Thông, cụ Hàn lâm Thông đã về với các thi bá và vẫn ngâm thơ hầu chị:
Nhớ chị như nhớ mẹ
Nói làm sao chị ơi!
Và mùa xuân thứ 18 ngày anh đi xa, 3/1993, thương nhớ anh tôi lại ra Tào Đàn – Hội hoa xuân Canh Dần vỉa hè uống bia để nhớ lại những xuân cũ.
Con lớn lên viết tiếp thay cha
Người đứng lên viết tiếp người ngã xuống.
Ngày hôm nay viết tiếp ngày hôm qua.
Nhân dịp xuân này, thanh minh cho hai ông anh Đoàn Giỏi và Hoàng Trung Thông cùng tuổi Ất Sửu là chưa bao giờ thấy hai ông anh nổi tiếng văn chương, nổi tiếng uống rượu như Lý Bạch say ôm cả trăng dưới hồ. Mà chàng thi sĩ Hoàng lại rất tỉnh Mời trăng cùng uống rượu xuân. Nhân đầu năm nay, chị Hoa – vợ nhà thơ Hoàng Trung Thông vừa mất, viết đôi dòng xem như nén hương buồn thắp cho ông bà vậy.
Đỗ Minh Tuấn – Theo Sức khỏe và đời sống