Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thật sự là một hiện tượng âm nhạc kỳ lạ của Việt Nam. Ai cũng dường như tìm được chính mình trong ca khúc Trịnh. Bởi vậy, khi hay tin người nhạc sĩ tài hoa qua đời, nhiều nỗi đau đã vỡ òa. Và nhiều người đã đến đưa tiễn anh trong nước mắt, hoa và tất nhiên là không thể thiếu những ca khúc của Trịnh Công Sơn.

Vốn là một cử nhân triết học, lại là một người Huế vốn thâm trầm sâu sắc, trong ca khúc của anh luôn khắc khoải thân phận con người. Anh nhắc đến cái chết như là một sự suy nghĩ về nó, coi đó là lẽ thường tình đương nhiên, buồn đó để rồi lạc quan đó. Phải chăng vì đời chỉ là cõi tạm, một quán trọ, một cõi đi về – theo anh – mà thôi.

Đến tiễn đưa anh, đám đông đã hát những ca khúc quen thuộc với họ : Hạ trắng, Diễm xưa, Một cõi đi về… Điều đặc biệt, có một ca khúc được cất lên khiến nhiều người phải sửng sốt vì có sự trùng hợp đến lạ kỳ và do đó cũng hay đến mức nổi da gà. Đó là ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống”. Có dịp, tôi đã đọc lại trọn vẹn lời ca khúc này và ngân nga hát để hiểu thêm và thấm thêm tình người sâu sắc, thấm đẫm nhân văn của nhạc sĩ : “Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên/ Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn/ Đất ôm anh đưa vào cội nguồn”.

Tại nơi tiễn biệt anh ở nghĩa trang Gò Dưa, mọi người hát say sưa ca khúc Cho người nằm xuống và nhận thấy rằng, không có ca khúc nào lại hợp cảnh và hợp tình như vậy. Tôi thật sự xúc động khi nghe anh Nguyễn Trọng Huấn – một kiến trúc sư gốc Huế là một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – kể về cảm xúc của anh về ca khúc tại lễ tiễn đưa nhạc sĩ cách nay vừa tròn 9 năm.

Anh kể rằng, khi tang lễ kết thúc, người thân của nhạc sĩ cũng về hết rồi thì anh cùng mấy người bạn mới vào viếng mộ. Người vẫn đông kìn kịt. Trước mắt anh, trên khu mộ của Trịnh Công Sơn được rải đều một lớp cánh hoa hồng bạch. Có hai cô bé con lấy hoa hồng nhung rứt ra từng cánh, xếp thành hai chữ Anh Sơn. Một dàn hợp xướng người hâm mộ vây quanh mộ, say sưa hát những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Có những lúc đang hát nửa chừng, bỗng dưng cả đám đông quên lời bài hát là lập tức có một người lĩnh xướng vào ngay một bài khác và cả đám đông lại tiếp tục hát bài nọ tiếp nối bài kia không ngừng, không nghỉ. Dàn hợp xướng kỳ lạ đó kéo dài có lẽ cũng đến ba giờ đồng hồ. Nhưng xúc động nhất là bài hát Cho một người nằm xuống. Những người chứng kiến đều không cầm được nước mắt. Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn tâm sự : “Tôi chưa từng thấy có một bài hát nào dành cho người đi xa thấm thía như bài đó. Lời ca thật tuyệt vời. Trời ơi, sao mà hợp cảnh hợp tình đến như thế : “Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây/ Đã rong chơi trong cuộc đời này/ Đã bay cao trong vòm trời đầy/ Rồi nằm xuống không bạn bè, không có ai/ Không có ai từng ngày/ Không có ai đời đời/ Ru anh ngủ vùi mùa mưa tới/ Trong nghĩa trang này có loài chim thôi”. Cảm động vô cùng trước một đám đông quần chúng vô danh tự nguyện tiễn đưa nhạc sĩ như một dàn Thánh ca”

Có chút việc, anh Huấn đi ra bên ngoài khoảng 15 phút, trở vào thì thật ngạc nhiên, trên khu mộ của Trịnh Công Sơn không chỉ là một thảm hoa hồng bạch như trước, mà thay vào đó là một rừng hoa hồng bạch. Người ta đã cắm thật nhiều hoa hồng bạch lên mộ của nhạc sĩ. Và dàn hợp xướng vẫn tiếp tục ca khúc Cho một người nằm xuống.

Nhạc sĩ quả là một nhà tiên tri. Hát cho người mà cũng chính là hát cho mình. Ai rồi cũng sẽ vậy thôi. Đến với cuộc đời này như một sự rong chơi. Để rồi khi chết đi cũng sẽ vào nghĩa trang. Và khi đó ngủ vùi, chỉ có loài chim là còn lại bên mình. Nghĩ được như vậy thì con người sẽ sống nhẹ nhàng hơn, thanh thản hơn. Quên bớt hận thù phiền muộn. Âu đó cũng là những lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi lại cho cuộc đời mà anh vốn rất yêu thương này.

TRẦN DIỆU HIỀN – Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *