1/2
MỘT TRÍ THỨC
         
Vũ Đình Hòe mất, người ta chỉ nói tới ông như một nhà giáo dục. Theo tôi, phải tính tới ông trong vai trò của một trí thức. Cả thời trung đại lẫn thời Pháp mới sang, trí thức tự do nếu có chỉ là trí thức làng xã. Lớp cao cấp như Vũ Đình Hòe ra đời đánh dấu sự trưởng thành của xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
 
Một định hướng của xã hội lúc này là chuẩn bị cho việc lấy lại đất nước từ tay người Pháp và bằng cách học hỏi văn hóa Pháp và văn hóa thế giới chứng tỏ khả năng làm chủ của mình – chữ văn hóa ở đây theo nghĩa rộng, bao gồm văn hóa sống, văn hóa quyền lực, văn hóa chính trị… Những tư tưởng mà Vũ Đình Hòe và các đồng chí của ông phát biểu trên tờ Thanh Nghị  tồn tại thời 1941 – 1945 là  sự chuẩn bị tư tưởng để quản lý đất nước một khi ta có độc lập.
        
Có vẻ như vào những ngày này, rất ít người biết có một Vũ Đình Hòe với một thời như vậy.
        
Muốn đúng ý nguyện của Vũ Đình Hòe, tôi cho rằng phải nhắc lại ở đây các chiến hữu của ông, những Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Nghiêm Xuân Yêm, Đinh Gia Trinh, Đỗ Đức Dục…
     
Vũ Văn Hiền chẳng hạn. Một cái tên như thế kêu lên chắc chẳng gợi trong lòng người có học hôm nay một cảm tưởng nào cả. Nhưng trên đường nghiên cứu xã hội và văn hóa trước 1945, tôi thật sự xúc động khi đọc những nghiên cứu của Vũ Văn Hiền về nông thôn Việt Nam và con người Việt Nam, xã hội Việt Nam nói chung in trên Thanh Nghị. Tôi đã thử tóm tắt một số ý của Vũ Văn Hiền để viết thành bài Bức tranh làng xã một thời quá khứ.
      
Hơn nửa thế kỷ qua, thời cuộc xô đẩy các ông mỗi người một phương, số phận mỗi người ra sao, chẳng ai biết hết. Điều có thể tin chắc là nhiều người trong nhóm Thanh Nghị qua đời trong ngổn ngang tâm sự. Họ đã có bao nhiêu đóng góp cho dân cho nước mà chưa được hiểu, được đánh giá đúng.
    
4/2
MONG MỎI LÚC  VỀ GIÀ
    
Nguyễn Văn Thành kể là mấy ngày Tết đi với một bạn Việt kiều xuống Hưng Yên và Quảng Ninh chơi, nghe được một ít tâm sự. Mấy năm nay, mong mỏi của nhiều anh em xa nước hóa ra rút lại một điều là muốn quay về mua cái nhà, lấy chỗ yên nghỉ tuổi già. Sinh hoạt trong nước dẫu sao cũng rẻ hơn, người với người dễ đầm ấm hơn.
    
(Ấy là không kể một điều không tiện nói ra : Nếu muốn làm ăn vung vít rồi trốn thuế, chỉ cần hối lộ qua loa là tha hồ vơ của, hoặc bán dạo những thứ kiến thức ế ẩm… thì có đâu hơn nơi đây bây giờ. Việt Nam đang là thiên đường của những trò làm ăn gian dối).
   
Tôi nghe mà cũng buồn lây. Anh em trong nước bí đã đành, người đi xa sao cũng không tìm thấy hướng làm lại cuộc đời mình? Một lý do thường được nêu lên khi tính chuyện về là những đóng góp cho quê hương. Có thể có những cách hiểu khác nhau với hai chữ đóng góp, và rộng hơn, với  nhu cầu của xã hội Việt Nam lúc này. Về phần mình, tôi cho rằng sau mấy chục năm chiến tranh, cái mà đất nước đang cũng rất cần là tự nhận ra mình. Đang thiếu những công trình nghiên cứu tổng hợp về lịch sử Việt Nam, xã hội Việt Nam. Biết đâu chính khoảng gián cách lại là yếu tố cần thiết để cho người ở xa có được những khái quát chính xác…
 
6/2
    
Diễn đàn kinh tế của VNN có bài đặt vấn đề “Sao không mời Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam?”. Trong mối quan hệ rắc rối và mệt mỏi giữa Trung quốc và Việt Nam, đây có lẽ là một đề xuất tốt. Khi đã không thể rời xa nhau, chi bằng tính cách cộng tác với nhau.
     
Trong lịch sử, sự cộng tác này đã là thường xuyên. Từ Tuyển tập các báo cáo tóm tắt   trình bày trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba mang tên Hội nhập và phát triển diễn ra ở TP HCM từ 4/12/2008, tôi ghi được một đoạn dẫn chứng.    
 
Báo cáo mang tên Sự mở rộng lãnh thổ thời Hậu Lê
Tác giả là Song Jung Nam, một giáo sư Đại học ngoại ngữ Hàn Quốc.
  
Tóm tắt ý chính : Trong lịch sử, Việt Nam là mục tiêu của chính sách mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc. Cùng lúc, Việt Nam lại có chính sách mở rộng về phía các quốc gia  yếu hơn là Champa và Campuchia. Kết quả là trong lịch sử Việt Nam có sự tồn tại song song chủ nghĩa quốc gia chống ngoại xâm và chủ nghĩa quốc gia xâm lược. Trong quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam không thể không nói đến một nhân tố quyết định là người nhập cư Trung Hoa. Những người Trung Hoa đã cung cấp một số lượng lớn lao động, do đó thúc đẩy Việt Nam phát triển thương mại và làm cho Việt Nam thành một quốc gia đa chủng tộc đa văn hóa (sđd, trang 25).
 
7/2  
NHÌN RA THIÊN HẠ
  
Băng giá tận trong cốt lõi là tên một bài viết trên báo Economist – Anh, TTXVN dịch ra tiếng Việt. Bắt gặp vài ý hay hay. Nước Nga hiện có một nhà nước không chỉ trắng trợn coi thường pháp luật vì lợi ích của riêng mình, mà còn gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho bộ máy hành chính quan liêu rằng hành động này giờ đây được tán thành. Hiện, nhà nước đó được coi một như tài sản không được đầu tư, yếu kém, và người ta đang tư hữu hóa nó. Ranh giới giữa các doanh nghiệp quan trọng nhất và các quan chức chính phủ đi từ mập mờ đến không tồn tại. Thanh niên thích có một công việc trong chính phủ hoặc một công ty nhà nước hơn là một doanh nghiệp tư nhân. Hối lộ là một thị trường lớn, giá trị của nó tăng đến 300 tỷ USD, hoặc 20% GDP.
      
Trong các tin tức liên quan tới sự kiện Ai Cập, người ta cũng luôn luôn nhận thấy mối quan hệ giữa những quyền lợi kinh tế và sự lựa chọn chính trị. Ông Mubarak không chỉ là nhà chuyên chế, mà còn là người có một tài sản khổng lồ, vài chục tỉ đô. «Ám ảnh về sự ổn định và an ninh đã cản trở ông ta hiện đại hóa đất nước» (Libération). «Sau 30 năm trị vì, Tổng thống Ai Cập là nạn nhân của sự khép kín, tắc nghẽn và cô lập của hệ thống quyền lực do chính ông ta tạo ra» (Le Figaro).
         
Quay trở lại với đời sống xã hội mấy chục năm nay, người ta  phát hiện ra không chỉ Ai Cập, mà nhiều nước trong thế giới Ả Rập nằm dưới ách Những Tổng thống – Vua (báo TT 9/2/11). Đó là những “nhà cách mạng” cầm quyền suốt đời. Và họ lại thường công khai tạo dựng cho con cái vai trò kế nghiệp.    
        
Như vậy là gặp ở đây một ví dụ khẳng định thêm cái điều tôi hay nghĩ : Nay là lúc ở nhiều nơi, cái mới chẳng qua là cái cũ trá hình. Ai Cập vẫn đầy chất phong kiến. Lịch sử có lúc như là quay ngược. Phương diện này của đời sống tiến lên thì phương diện khác thụt lùi. Muốn hiểu một xã hội đừng có căn cứ vào nhãn mác nó dùng, mà hãy nhìn vào thực chất.
  
8/2
   
Đi ngang qua một nghĩa trang làng, thấy một ngôi mộ có cắm thêm một cành đào nhỏ. Không thể bật cười được, chỉ nghĩ con người bây giờ như điên loạn, thường làm những việc linh tinh bát nháo mà chính họ cũng không hiểu nổi là tại sao mình làm vậy…
 
10/2
ĐẾN HƯNG YÊN
   
Cảm thấy như được trở lại với không khí rất hài hòa của đời sống những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước. Một đô thị chuẩn, không quá tải, không bị những lớp người nông thôn kế tiếp nhau ùn ùn đóng trại như Hà Nội sau 1954, sau 1975.
     
Lùi về quá khứ, được biết đây là một “phòng thí nghiệm” tiếp nhận những ảnh hưởng tốt đẹp nước ngoài suốt từ thời cả người Tầu lẫn phương Tây các thế kỷ XVII, XVIII cho tới khi được nhào nặn dưới bàn tay của người Pháp đầu thế kỷ XX.
     
Thành phố nho nhỏ, xe ít đến mức không cần bóp còi, vỉa hè rộng làm yên lòng người đi bộ… Và điều làm tôi thích thú là không thấy những đống đất đống gạch đống cát ven đường, không những ngôi nhà dang dở, không biển quảng cáo, không tiếng nhạc mở quá to ở mọi cửa hàng, không có cái sự cọc cạch cũ mới lẫn lộn, nhất là không có cái thèm muốn thay đổi và khao khát hưởng thụ mà chạy loạn cả lên… như ở Hà Nội.
11/2
TẾT TRUNG CỔ  
   
Cậu em tôi từ Sài Gòn ra bảo là sao ngoài Hà Nội vui thế, không khí Tết nhất kéo dài thế. Tôi chỉ cười, chẳng qua Hà Nội nặng nợ với nền nếp sinh hoạt bao cấp, còn dư âm thời chiến tranh, sống đến đâu hay đến đấy, dông dài dềnh dang chậm rãi. Cái đó nó thấm nặng lắm, làm sao thay đổi được.
    
Luôn luôn tôi phải tự nhắc, không được lấy chuyện thời mình ngày xưa ra áp đặt cho chung quanh. Nhưng luẩn quẩn một lúc vẫn không thoát khỏi qua cái ý nghĩ sao thời nay nghỉ Tết lắm thế. Ngày xưa, chúng tôi chỉ Tết có ba ngày mồng một mồng hai, vay trước chiều ba mươi thì sẽ phải trả cho ngày mồng ba. Bây giờ ấy ư, đêm đêm hàn thực ngày ngày nguyên tiêu, nhất nhật tiểu yến tam nhật đại yến, rồi mấy ngày nay nườm nượp rủ nhau du xuân và sẽ còn dung dăng dung dẻ với nhau cho tới hết tháng giêng.
     
Lần đầu nẩy ra cái ý “ta đang trở lại thời tiền hiện đại’ còn thấy hơi nghi ngại, nhưng rồi  thấy phải nói vậy vì nhìn đâu cũng bắt gặp một không khí trung cổ ngự trị và nó được người ta gọi là truyền thống.
  
Chữ trung cổ là tôi mượn từ Xuân Diệu trong bài viết của ông nhân Tết 1946. Tôi đã khai thác ý này trong bài viết mang tên Đúc Tết lại năm ngoái. 
 
12/2  
        
Danh sách các tin đưa trong mục xã hội một báo mạng hôm nay : Cụ rùa hồ Gươm đang suy giảm sức khỏeHọc sinh lớp 10 tông xe máy vào cảnh sát, gây tai nạn/ Khách du xuân phờ phạc rời quê hương hải đội Hoàng Sa/ Khen thưởng 2 người cứu nạn nhân vụ xe buýt lao xuống kênh/ Đội quân ‘cái bang’ vào mùa làm ăn/ Sương mù bao phủ các tỉnh miền Tây/ ‘Trốn’ cảnh sát trong ngày cao điểm phạt mũ bảo hiểm/ Giới trẻ trổ tài leo cầu khỉ/ Mất rào chắn, cầu sạt lở, ta-xi lao xuống vực/ Tượng đài Thánh Gióng bị vẽ bậy, cây doanh nhân bị chết héo.
     
Những biến động nho nhỏ thế này là gì nếu không phải là dấu hiệu của một cơ thể hỗn loạn thoái hóa?   
        
Nhân đây đặt câu hỏi, tại sao lễ hội thường có khuôn mặt tòe toẹt xấu xí? Một câu trả lời có thể là : Tính tổ chức không phải là mặt mạnh của văn hóa Việt Nam, mà lễ hội là vấn đề tổ chức.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn – st

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *