1/08, 2:20 pm
Nhiều người gọi ông là cây Đại thụ của làng tân nhạc Việt Nam hay với nhiều cái tên vĩ đại khác. Tôi thì không. Tôi thích gọi ông với một cái tên thân mật là người-của-nỗi-buồn. Tôi đã rất nhiều lần hát nghêu ngao (và chắc chắn rằng có nhiều người như tôi cũng hát nghêu ngao) những bản nhạc của ông, vì nó quá gần gũi với mình, với tâm trạng của mình. Mỗi bản nhạc của ông là một thế giới tràn ngập nỗi buồn mà bất kỳ người nào cho dù bình thường hay vĩ nhân cũng có thể tìm được mình trong đó. Ông là Nhạc sỹ Châu Kỳ.
Cố nhạc sĩ Châu Kỳ
Nhạc sỹ Châu Kỳ sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại làng Dưỡng Mông, Huế trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Bố ông là nghệ nhân ca Huế Châu Huy Hà, chị ruột ông là Châu Thị Minh được coi là nữ minh tinh duy nhất của miền Trung thời đó. Bà cũng là người hát nhạc Pháp đầu tiên ở Huế, là người có tên trong “ngũ nữ minh tinh” của làng văn nghệ miền Nam gồm: Phùng Há, Châu Thị Minh, Năm Phỉ, Bích Hợp và Ái Liên. Cứ thế, sống trong môi trường âm nhạc từ nhỏ, Châu Kỳ sớm bộc lộ tài năng và đã trở thành người nổi tiếng trong làng tân nhạc Việt Nam từ thuở ban đầu.
Cùng thời với những cây đại thụ âm nhạc của Việt Nam thời bấy giờ như Anh Bằng, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Nguyễn Hiền, Lữ Hiên, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Quý, Đặng Thế Phong…Lại là học trò của vị giáo sư âm nhạc đầu tiên ở Huế – Pière Thiều. Có thể nói Châu Kỳ là người cực kỳ may mắn.
Tuy nhiên, ông không may mắn như những gì mà ông đã có. Tác phẩm âm nhạc đầu tay của ông có tên “Trở về”. Đây là khúc ca đầy bi thương của một con người lần đầu tiên bước chân vào đời và chạm trán ngay với nổi buồn thời cuộc. Số là khi ông đang học ở trường Lycée Khải Định thì một người bạn của ông báo rằng ông có tên trong sổ đen của chánh mật thám Trung Kỳ. Chính điều đó đã đẩy ông rời quê hương. Ông trốn ra Quảng Trị, rồi vượt Trường Sơn sang Lào, từ Savanakhet đến Thakhet vừa đi vừa hát rong để kiếm tiền. Ở Thakhet, ông tham gia diễn vở kịch Hồn lao động, sau đó ông bị Pháp bắt đưa về Ba Vì giam giữ. Nhờ biết tiếng Pháp và hát nhạc Pháp (ông hát nhạc Pháp hay như danh ca Tino Rossi – người nổi tiếng trong làng âm nhạc thế giới lúc bấy giờ), nên ông được vợ chồng trung uý Muraton tiếp đãi đặc biệt, và vợ chồng vị trung úy này đã cứu ông, còn đưa ông về Dưỡng Mông thăm mẹ già. Trong khi lưu diễn ở Lào, ông quen và yêu tha thiết cô gái bản xứ với cặp mắt xanh non tươi đẹp – Đoàn Thị Sum. Cô gái này cũng tha thiết yêu ông. Sum là con gái một dòng dõi trâm anh, vốn gia đình quyền quý. Trong khi Châu Kỳ thuộc vào hàng “xướng ca vô loài” – theo quan niệm lúc bấy giờ. Tình yêu không thành. Người yêu tự tử. Ông tuyệt vọng. Khi về đến Dưỡng Mông thì hay tin mẹ ông cũng qua đời vì bị cơn lũ cuốn trôi. Buồn vì mẹ mất, buồn tình yêu không còn…tâm trạng buồn tuyệt vọng và đau xót đã đưa Châu Kỳ đến với cung Ré trưởng trong âm nhạc nhưng buồn mang mác trong “Trở về”. Thường thì khi trở về, làng quê đón chào với bao tình yêu và đầm ấm. Còn ông trở về với sự điêu tàn, không buồn sao được?!
Về đây nhìn mây nước bơ vơ
Về đây nhìn cây lá xác xơ
Về đây mong tìm bóng chiều mơ,
Mong tìm mái tranh chờ, mong tìm thấy người xưa….
Sau biến cố đó, bước chân lãng du đã đưa ông vào đất Sài Gòn và cộng tác với Đài Phát thanh Pháp Á. Cũng trong giai đoạn này, ông quen và yêu cô danh ca nổi tiếng đất Sài Gòn – Mộc Lan. Mọi người không hề ngạc nhiên trước đôi trai tài gái sắc này vì Châu Kỳ đã nổi tiếng khắp nước còn Mộc Lan là một danh ca tài hoa và nết na hơn người. Tuy nhiên, hình như với Châu Kỳ thì không niềm vui nào trọn vẹn. Năm 1952, Mộc Lan âm thầm rời bỏ ông. Một lần nữa, Châu kỳ lại âm thầm khóc cho sự ngang trái, bẽ bàng của mình. Cũng từ đó, một loạt nhạc phẩm: Từ giã kinh thành, Mưa rơi, Giữa lòng đất mẹ, Tôi chưa có mùa Xuân, Sao chưa thấy hồi âm, Hồi âm, Cánh nhạn hồi âm, Con đường xưa em đi, Đừng nói xa nhau, Cuối đường kỷ niệm, Nước mắt quê hương, Đón Xuân này nhớ Xuân xưa, Vào mộng cùng em, Em sắp về chưa?...ra đời. Trong thời gian này, Châu Kỳ viết nhạc chủ yếu theo điệu T
ango với cung Ré thứ ai oán, não nùng, than trách cho mối tình tan vỡ.
Được tin em lấy chồng
Ôi lòng buồn biết mấy
Được tin em lấy chồng,
Biết người từ dạo ấy,
Còn thương tiếc hay không…
Sau năm 1975, Châu Kỳ ở lại Sài Gòn sống và viết. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, nền kinh tế Việt Nam rất thảm. Châu Kỳ ngày nào với cây Tây ban cầm cùng chiếc vespa hay xê dịch tìm cảm hứng và lãng quên, thì giờ đây Châu Kỳ chỉ còn…chiếc xe đạp cũ. Cũng trong thời gian này, những nhạc phẩm buồn ơi là buồn cũng lần lượt ra đời: Một mình với Guitare (1 và 2), Giọt đàn theo giọt lệ, Bỏ phố lên rừng, Đôi dép ngược…
Khởi đầu đầy may mắn, nhưng trong suốt quảng đời ông, bước chân nào cũng nặng chịt nỗi buồn. Khi những người cùng thời với ông, buồn cho số phận còn được tình yêu san sẻ, mất tình yêu còn được cuộc sống đền bù… ông thì mất hết! Bởi vậy, trong các nhạc phẩm của ông, nốt nhạc nào cũng nặng buồn, nốt nhạc nào cũng mang tâm trạng, nốt nào cũng cô đơn, bàng bạc, xa vời… Ông là nhạc sĩ buồn nhất trong các nhạc sĩ buồn.
Hay thay, thính giả không quên ông. Khi buồn họ tìm đến ông, nhờ nhạc phẩm của ông nói nên tiếng lòng của họ. Còn khi vui, họ cũng không bỏ rơi ông. Tôi đã từng gặp nhiều người khi vui cũng ngân nga những câu ca của ông (mặc dù có thể họ không biết là của ai!), như thế thì ông cũng được san sẻ rồi. Mừng vì ông đã không mất hết. Tuy viết nhạc buồn, nhưng ông là nhạc sĩ hạnh phúc vì có và còn rất nhiều người đam mê nhạc của ông. Như thế đã đủ với một nhạc sĩ tài hoa. Khi ông về với hư không, thì ở đây vẫn còn nhiều người hát nhạc của ông, nhớ về ông. Những bản nhạc như: Giọt lệ đài trang, Sao chưa thấy hồi âm, Được tin em lấy chồng, Đón xuân này nhớ Xuân xưa, Thương về Miền Trung, Đà Lạt mờ, Huế xưa, Chiều trên đồi thông, Miền Trung thương nhớ, Đàn không tiếng hát, Tình quê…vẫn còn nhiều người mê và hát.
Phan Trường Sơn