Bước qua tuổi chín mươi, với vẻ mặt nhẹ nhõm, thanh thoát, trông ông như một vị sư già ngồi nhìn dòng đời trôi bằng một tâm hồn thanh thản. Câu chuyện bắt đầu từ thời ông viết Dế mèn phiêu lưu ký cho đến tiểu thuyết Ba người khác chưa được xuất bản chính thức, và kết thúc là chuyện tình yêu.

Nhớ màu áo tím

Nhà văn Tô Hoài: “Tôi không phải là người yêu dữ dội, nồng nhiệt” Ảnh: Ngân Hà

Những năm tháng ở rừng, ông và Nam Cao cùng thương thầm cô gái Huế dịu dàng, xinh đẹp mang tên một loài hoa mà anh rất yêu: Phùng Thị Cúc, tên thật của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị.

Không biết làm sao để “gây ấn tượng” với nàng, nhà văn đã viết một tác phẩm dành tặng riêng nàng. Trong đêm mưa tầm tã, anh đưa cho nàng và nói “Cúc đọc thử xem”. Đó là tập bản thảo hơn 200 trang có tên Mưa đêm. Sáng hôm sau, hành quân, anh không kịp hỏi nàng đã đọc chưa. Kể từ đó họ không gặp lại nhau, bản thảo ấy cũng đi cùng nàng, mà anh không biết số phận của nàng và cả của Mưa đêm thế nào. Đó cũng là tập bản thảo duy nhất ông chưa bao giờ đọc lại.

Mấy mươi năm sau, trong một buổi chiều mưa Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân nhắn bạn: “Điềm Phùng Thị gửi lời hỏi thăm cậu, tớ hỏi sao em không gặp lại anh ấy mà hỏi thăm anh làm gì, cô ấy bảo: Anh ấy giờ đã đi theo K. rồi!, giọng vẫn còn hờn giận, đúng là con gái Huế, giận lâu thế!” Ông nghe mà tim bỗng nhói. Rồi ông nhớ lại tập bản thảo Mưa đêm của mình. Nó cũng không quay trở lại với ông nữa, như những cảm xúc ngày xưa, thơ mộng, bồng bột mà chỉ có vậy thôi.

Đôi mắt ông chợt nhắm lại một giây, rồi mở ra, ông lại nở nụ cười, như thể ký ức đang hồi tỉnh trong ông. Ông kể: “Cô nữ sinh trường áo tím ngày xưa vừa đi học, vừa bán sách, vừa tranh thủ ngồi bên máy khâu vá áo cho người thân. Trông nàng lung linh như một thiên thần nhỏ bé nhưng có thể làm đủ thứ việc trên đời bằng đôi tay thon thả và nụ cười luôn phảng phất trên gương mặt thánh thiện”. Ông lại tiếp tục câu chuyện thần tiên với những hồi ức về tháng ngày trẻ tuổi với những xúc cảm tinh khôi từ trái tim nhuốm màu áo tím.

Rồi mấy mươi năm lại qua đi, một buổi sáng, ông nhận được bức thư đề tên người nhận là “Nhà văn Tô Hoài – hội Nhà văn Việt Nam”. Thế thôi, mà nó cũng đến được với ông. Đọc xong bức thư, ông bần thần, xốn xang. Cho đến cách đây vài năm, khi người đàn bà trường áo tím năm xưa đã qua đời, ông mới viết tặng bà một truyện ngắn, như lời tạ từ đằm thắm.

Dế mèn đã sang trang

Ông tâm sự: “Bố vào Nam từ lúc tôi còn bé. Tôi là con trai độc nhất của mẹ tôi. Hai mẹ con vẫn thường tâm sự với nhau cho đến khi mẹ tôi mất cách đây gần chục năm. Không biết tôi có chịu ảnh hưởng mẹ hay không, nhưng bà là người giúp tôi yêu văn chương, thích đọc sách và mê học. Còn lại là tôi tự học”. Hỏi sao ông không viết tiếp chuyến phiêu lưu của dế mèn và tình yêu của cậu ấy, biết đâu có thêm những chuyện hay như Mưa đêm chẳng hạn, ông trả lời: “Không cần thêm nữa, nếu không sẽ rắc rối. Tôi không phải là người yêu dữ dội, nồng nhiệt. Ngay cả với tình yêu, cũng đúng tính cách bấy lâu của mình, chỉ nhẹ nhàng, thầm lặng thế thôi”. “Vậy, với kinh nghiệm của ông, cuộc đời một con người thực sự cần điều gì nhất ngoài tình yêu?” Ông nhấn mạnh, ngoài tình yêu, cần phải học sống, bắt đầu bằng cách học chữ nghĩa. Biết thật nhiều chữ nghĩa. Ngôn ngữ nuôi dưỡng tâm hồn. Không có cách giáo dục nào bằng cho con trẻ đi học hàng ngày, chỉ dẫn cho con trẻ đọc sách. Thế giới của ngôn ngữ mới thực sự là thế giới cần thiết nhất của con người. “Tôi vốn là người hay ghi chép. Bất cứ đi đến đâu, thấy điều gì tôi cũng quan sát thật kỹ và tỏ rõ mọi chuyện rồi ghi chép cẩn thận, kể cả những từ địa phương, tiếng nói vùng miền… Truyện Tây Bắc tôi viết trong rất nhiều năm và cũng có mười năm ở trên vùng đó. Chỉ cần 100 từ địa phương mà tôi thuộc làu, tôi có thể giao tiếp và viết tương đối chính xác thứ ngôn ngữ người dân tộc H’Mông dùng, khi nào ngờ ngợ thì phải hỏi cho kỹ, tra từ điển, không áng chừng được. Cũng nhờ có ngôn ngữ mà tôi sống cùng họ như người thân. Khi trở về, chia tay tôi là mấy chục đứa con nuôi bé xíu đứng vẫy tay tạm biệt. Những bàn tay nhỏ xíu ấy cũng là một thứ ngôn ngữ của biểu cảm. Con người ta muốn hiểu nhau, yêu thương nhau, hoà hợp với nhau, chẳng lẽ chỉ mãi nhìn nhau như anh câm và điếc? Cuối cùng thì cũng là ngôn ngữ thôi”.

Giờ ông không viết được nhiều do sức khoẻ, nhưng ông vẫn đọc. “Dạo này tôi thích đọc Nguyễn Ngọc Tư cũng như ngày xưa tôi thích đọc sách cụ Hồ Biểu Chánh. Cụ Chánh viết bằng giọng văn thôn dã đọc mà mê dù chỉ là trong tưởng tượng, dù sau này tôi biết cụ ảnh hưởng văn chương Tây nhiều. Cách cụ dùng thứ ngôn ngữ rất quê mùa của miền Nam cũng đủ làm mê hoặc những tâm hồn du mục như tôi. Năm 1942, tôi làm chuyến phiêu lưu vào Nam sau khi viết Dế mèn phiêu lưu ký. Người đầu tiên tôi tìm đến gặp là cụ Hồ Biểu Chánh, lúc đó làm chủ bút tờ Tân Dân. Trông cụ hiền từ, áo bà ba trắng, người thanh lịch, nói chuyện êm ái, dịu dàng. Có lẽ tôi cũng ảnh hưởng một phần tính cách của cụ từ cái nhìn đầu tiên ấn tượng ấy”.

Thắc mắc của độc giả là tại sao không có Dế mèn phiêu lưu ký tập hai, tập ba… phải chăng chàng dế mèn đã thôi phiêu lưu từ độ ấy? Ông trả lời: “Dế mèn đã phiêu lưu và quay trở lại, rồi kết chuyện là những chuyến phiêu lưu mới. Và cuộc đời chẳng như những trang sách mới hay sao!”

Theo Ngân Hà – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *