Ở ta vẫn có một số nhà văn sống bằng nhuận bút, nhưng số nhà văn như vậy đếm trên đầu ngón tay. Vì sao ở một đất nước có số lượng người cầm bút đông đảo (căn cứ trên danh sách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) lại ít người sống được bằng nghề như vậy?
Sống bằng nhuận bút phải “ba đầu sáu tay”
Sống được bằng nhuận bút ở đây được hiểu là thu nhập đơn thuần từ tác phẩm chứ không phải nhờ các công việc ngoài văn chương. Nhưng khái niệm này cũng tương đối vì không thể đem so sánh thu nhập từ một tác phẩm thuần chất văn chương với một tác phẩm giải trí đơn thuần.
Nếu căn cứ vào nhuận bút tác phẩm, có thể tính những nhà văn đang nổi đình nổi đám với các đầu sách có số lượng in lớn hoặc tái bản nhiều lần, như Nguyễn Ngọc Tư (với Cánh đồng bất tận), Nguyễn Nhật Ánh (Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ), Lý Lan (dịch giả Harry Potter)… Vì chỉ có tác phẩm in hàng chục ngàn bản hoặc tái bản nhiều lần với số lượng lớn mới có thể tính được thu nhập từ nhuận bút của nhà văn cao hay thấp. Trong ba nhà văn vừa nêu, chỉ có nhà văn Lý Lan là sống đơn thuần từ nhuận bút chứ không nhận lương từ bất cứ cơ quan nào (dù trước đây chị từng đi dạy học). Hai nhà văn còn lại đều ít nhiều có nhận lương từ các công việc khác, chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, anh không chỉ viết văn để sống, mà thu nhập ổn định của anh lâu nay là từ việc làm ở báo Sài Gòn giải phóng với bút danh Chu Đình Ngạn viết mảng thể thao. Còn Nguyễn Ngọc Tư, sau khi rời khỏi Hội Văn nghệ tỉnh Cà Mau, chị đã về nhận lương ở báo Sài Gòn tiếp thị… Ngay cả Lý Lan, chị cũng không chỉ thu nhập chính từ nhuận bút văn chương (kể cả sách dịch), mà còn “chạy show” viết bài cho nhiều báo. Tất nhiên, những bài báo của Lý Lan thường là tản mạn, tạp bút…
Quầy sách văn học Việt Nam… vắng độc giả. Ảnh: Minh Đức |
Nói như thế để thấy, nhà văn ta muốn sống được bằng nhuận bút thì phải “ba đầu sáu tay” để làm cùng lúc nhiều việc khác nhau. Ấy là nói về các nhà văn viết… văn, còn các nhà thơ thì không thể nào sống nổi với nhuận bút thơ in báo hoặc in sách trong thời kinh tế thị trường này. Vậy nhà thơ lấy gì mà sống nếu chỉ căn cứ trên nguyên lý “đã viết ra tác phẩm thì phải có thù lao”? Có cách, khi và chỉ khi nhà thơ đó đã thành danh và có thêm các tài lẻ xung quanh (tất nhiên tài chính là làm thơ), tỉ như biết vẽ, biết làm MC, đóng phim. Chẳng hạn như nhà thơ Đỗ Trung Quân, anh nổi tiếng với vai trò là tác giả phần lời của các ca khúc Quê hương (nhạc Giáp Văn Thạch) hay Phượng hồng (nhạc Vũ Hoàng), thì đi kèm với sự nổi tiếng ấy, anh trở nên đắt show dẫn chương trình hay đóng phim. Vì sao phải thành danh trong lĩnh vực chính rồi mới phát huy được “tài lẻ”, vì đơn giản, khán giả muốn xem ông nhà thơ nổi tiếng ăn nói ra sao, diễn xuất thế nào. Nhưng thu nhập từ làm MC và đóng phim chỉ thu về “nhuận nói”, “nhuận diễn” chứ nhất định không phải là… nhuận bút. Vả lại, cái không phải nhuận bút nó cũng “Xuân Thu nhị kỳ” lắm. Do đó, nhà thơ họ Đỗ phải viết (tản mạn, tạp bút), phải vẽ (vẽ minh họa cho các báo). Do vậy, sống bằng nhuận bút với các tác phẩm văn chương thuần túy thật khó trăm bề.
Nhà văn vẫn phải sống như… người thường
Như thế, ở ta không có nhà văn nào “sống bằng tác phẩm” hay sao? Có, nhưng như nhà văn Lý Lan nói với phóng viên TT&VH cuối tuần là “sống như thế nào”! Từ đó, có thể khái quát rằng, nhà văn cũng như mọi con người bình thường khác : không có ai chết cả. Trong thời buổi vật chất leo thang, đồng tiền mất giá… có lẽ một bà nội trợ cả đời không đọc một trang sách nào cũng hình dung được đại bộ phận nhà văn phải sống ra sao?!
Căn cứ trên tiêu chí nhà văn sống đơn thuần bằng nhuận bút, có thể lẩy ra vài cái tên hiện không nhận lương, như : Bùi Chí Vinh, Võ Phi Hùng, Nguyễn Mạnh Tuấn… Trong ba nhà văn này, thì Nguyễn Mạnh Tuấn có lẽ “xông xênh” (hiểu theo nghĩa ở nhà lầu, đi xe hơi) hơn cả. Ông “xông xênh” không phải nhờ “vốn tích lũy” từ các tác phẩm Đứng trước biển, Cù lao tràm in cách đây vài chục năm, mà từ biên kịch. Sở dĩ nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn “bỏ hẳn” viết văn sang biên kịch vì ông quan niệm : Viết một cuốn sách có vài ngàn người đọc, còn làm một bộ phim có hàng triệu người xem. Nhưng đó chỉ là cách nói của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn – một người thích ứng nhanh nhạy khi cơ chế bao cấp chuyển sang thị trường.
Rõ ràng rằng, hiện nay, nhà văn có nhiều đất để “dụng võ”, nhưng đa phần các mảnh đất đó đều được họ “cày” trái tay. Nhà thơ Lê Minh Quốc từng có thơ về sự trái khoáy này : Thời tôi sống nhà thơ đi viết báo/ Còn nhà báo thì viết bằng tưởng tượng của thơ. Bỏ qua lãnh địa báo chí vốn gần gũi với văn chương, các nhà văn hiện nay nhiều người sống nhờ… nhà đài. Với sự nở rộ các kênh truyền hình cần phim Việt, hiện không chỉ nhà văn thành danh như Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục… mới đắt hàng biên kịch. Ngay cả các nhà văn trẻ cũng sống được nhờ viết kịch bản phim. Nếu tính mỗi tập phim truyền hình hiện trả cho tác giả biên kịch (tùy tên tuổi) khoảng 5 – 6 triệu, thì một nhà văn mỗi năm “cày” được vài chục tập, kể cũng sống khỏe. Nhưng do nhà văn nhảy sang viết kịch bản – một nghề cần chuyên môn khác, nên sau khi bộ phim ra đời lại không thấy dấu ấn “ngòi bút” của mình đâu cả do bị đạo diễn “biên tập”… mỏi tay. Với những nhà văn có cá tính sáng tạo, viết mà không “thấy mình” kể cũng buồn. Buồn hơn, có một số nhà văn, nhà phê bình chữ nghĩa đầy mình nhưng lại đem chữ đi bán cho các “đầu nậu” sách bằng các bài điểm sách hay đúng hơn “PR” nhạt nhòa trên báo chỉ để nhận về vài “xu lẻ”. Buồn thì buồn vậy, nhưng nhà văn hay nhà phê bình nào cũng phải sống như những con người bình thường.
Khi nào nhà văn ta sống được bằng nhuận bút?
Nhà văn nào còn phải viết nhiều để kiếm tiền thì nhà văn đó còn nghèo. |
Câu hỏi này thiết nghĩ cũng chính là câu trả lời. Trước đây, đã có rất nhiều nhà văn sống được bằng tác phẩm của mình. Còn nhớ năm 2007, trong cuộc tọa đàm “Vì sao nhà văn không sống được bằng tác phẩm?” do báo Phụ nữ TPHCM tổ chức, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã tự hào về mẹ ông – nhà văn Bà Tùng Long – đã nuôi được 9 người con và một ông chồng bằng nhuận bút. Xa hơn chút nữa, các nhà văn cùng thế hệ với Vũ Trọng Phụng chẳng sinh nhai bằng tác phẩm là gì? Tất nhiên, thời “các cụ”, văn hóa đọc chưa bị cạnh tranh bởi các loại hình giải trí khác, nên văn chương còn nhiều “đất” để tung hoành. Tuy nhiên, thời nào cũng vậy, việc “sống được” (nuôi bản thân và gia đình) bằng nhuận bút luôn là việc khó. Một nhà văn xin giấu tên đã nói : Nhà văn nào còn phải viết nhiều để kiếm tiền thì nhà văn đó còn nghèo. Nói đi cũng phải nói lại, nhiều nhà văn muốn viết nhiều, nhưng biết tìm nơi nào in tác phẩm. Các nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Bà Tùng Long… một thời viết được nhiều vì các báo tại miền Nam trước năm 1975 có in tiểu thuyết dài kỳ. Bây giờ có báo nào in tiểu thuyết dài kỳ không, kể cả báo chuyên ngành của Hội Nhà văn Việt Nam?!
Thêm nữa, cơ chế thị trường vừa tạo nhiều “đất sống” cho nhà văn như đã nói ở trên, song nó cũng “bắt chẹt” nhà văn nhiều thứ. Cụ thể như chuyện in sách và phát hành, trong khi nhà văn hưởng 10% nhuận bút thì “đầu nậu” sách lại lấy đến 40%. Hưởng cao thế nhưng không mấy khi “đầu nậu” trung thực “khai” số lượng in chính xác với nhà văn. Một nhà văn thuộc hàng “ăn khách” tại TPHCM đã từng quyết định tự in rồi tự phát hành bằng cách mang đến các nhà sách ký gửi. Kết quả, nửa năm sau nhà văn trứ danh của chúng ta đến các nhà sách để nhận tiền, thì… hỡi ôi, chủ các nhà sách đồng loạt nhỏ nhẹ bảo : Không hiểu sao sách của anh cuốn nào bán cũng sạch, riêng cuốn này thì không ai mua. Rồi chủ các nhà sách sai nhân viên vào kho mang sách (phủ đầy bụi) trả lại. Sau bài học “đau đớn” về “làm” kinh tế, nhà văn nọ rút ra kinh nghiệm : “Thôi thì nó (phát hành sách) ăn cơm thì mình húp cháo cũng được!”. Một nhà văn từng “ăn nằm” với giới làm sách chia sẻ : Nhà văn phải biết mình ở đâu trên thị trường mới mong sống được với “đầu nậu”, đó là không tính in lậu. Khổ thế, mất bao thời gian và công sức mới cho ra cuốn sách mà nhà văn ta thì bị “chèn ép” đủ điều.
Hoàng Nhân
Theo TTVH