Catch-22 (1961) – Joseph Heller
Catch-22 là cuốn tiểu thuyết có tiêu đề rất khó dịch sang các ngôn ngữ khác. Sau khi tác phẩm này được xuất bản, Catch-22 trở thành một khái niệm mới, được bổ sung vào kho từ vựng tiếng Anh.
Tên cuốn sách liên quan đến một tình huống cụ thể trong tác phẩm. John Yossarian là một sĩ quan, chiến đấu trong lực lượng không quân Mỹ có căn cứ ở một sân bay tại Địa Trung Hải hồi Thế chiến II. Yossarian không muốn trở thành anh hùng trong những chuyến bay ném bom vô nghĩa. Nhưng nỗ lực rút lui của Yossarian trở nên tuyệt vọng vì anh phải đối diện với một điều lệ bí mật của không quân Mỹ – gọi là Catch-22. Điều lệ này nói : chỉ có những kẻ mất trí mới thực hiện những chuyến bay nguy hiểm. Nếu một ai đó không muốn bay, tức là họ hoàn toàn tỉnh táo. Nếu vậy, họ sẽ không có cớ gì để rút lui hoặc tìm đến sự cứu trợ cả.
Với ý nghĩa châm biếm hài hước này, Catch-22 trở thành một khái niệm chỉ tình thế lưỡng sự (double bind), trong đó, hai sự việc có bản chất đối nghịch cùng xuất hiện một lúc. Người nào gặp phải tình trạng Catch-22 thường rơi vào cảnh huống tiến thoái lưỡng nan.
Catch-22 không phải là con số nằm trong chuỗi liên hoàn, vì tác phẩm không hề có Catch 1 đến Catch 21 hay 23. Catch 22 xuất hiện độc nhất. 22 chỉ là một con số đơn giản, nhưng để ấn định tiêu đề này cho tác phẩm, Joseph Heller đã phải khổ sở lựa đi chọn lại suốt một thời gian dài.
Ban đầu ông đặt tên tác phẩm là Catch-18.
Năm 1955, chương đầu của cuốn sách với tiêu đề Catch-18 được đăng tải trên tạp chí New World Writing. 3 năm sau, nhà văn gửi những phần mình đã viết được cho Nhà xuất bản Simon & Schuster. Cuốn sách dễ dàng nhận được sự đồng ý của NXB. Heller viết một cách say mê. Tác phẩm được hoàn thành năm 1961. Chỉ một thời gian ngắn trước khi sách của Heller ra đời, Leon Uris – một tiểu thuyết gia nổi tiếng lúc bấy giờ – xuất bản cuốn Mila 18 (cũng viết về Thế chiến II). Là tác giả mới tập tành viết lách, Heller được khuyên không nên bắt chước bậc đàn anh. Tên gọi Catch-18 vì thế bị loại bỏ.
Nhà văn phát biểu : “Tôi đau buồn quá. Tôi nghĩ, 18 chỉ là một con số thôi”. Ngay sau đó, Heller và biên tập viên xuất bản của ông là Robert Gottlieb đã cẩn thận tìm một cái tên thích hợp. Catch-11 là một trong những đề xuất đầu tiên, nhưng nó nhanh chóng bị gạt đi, vì trùng với bộ phim Ocean’s Eleven. Heller chuyển sang số 14 và quyết định "chốt hạ" tiêu đề cuốn tiểu thuyết là Catch-14. Nhưng Gottlieb không đồng ý với lý do, 14 không mang ý nghĩa gì đặc biệt. Bỗng nhiên, con số 22 xuất hiện, Gottlieb cho rằng : “22 nghe hay hơn 14”. Sau 2 tuần được thuyết phục, Heller cuối cùng đã đồng ý.
Hành trình từ 18 đến 22 khá vất vả, nhưng đáng công sức. Bởi 22 là con số có ý nghĩa hơn tất cả những con số dự kiến khác. Trong Catch-22, mọi thứ dường như luôn được nhân đôi. Yossarian bay qua cây cầu ở Ferrara 2 lần, thức ăn của anh bị bỏ độc 2 lần…
The Great Gatsby (1925) – F.Scott Fitzgerald
F.Scott Fitzgerald cũng rất khổ sở khi đặt tên cho cuốn sách thứ ba của mình. Trong số rất nhiều tiêu đề ông đắn đo cân nhắc cùng biên tập viên Max Perkins có : Trimalchio [1], Trimalchio’s Banquet (Bữa tiệc của Trimalchio), Among the Ash Heaps (Giữa đống tro tàn), Millionaires (Những nhà triệu phú), The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại), On the Road to West Egg (Đường tới West Egg), Incident at West Egg (Sự cố ở West Egg), Trimalchio in West Egg (Trimalchio ở West Egg) và nhiều cái tên khác nữa. Perkins đã lái Fitzgerald chọn The Great Gatsby, dù nhà văn nghi ngờ ý nghĩa của tiêu đề này.
Trước giờ The Great Gatsby đến nhà in, Fitzgerald còn thay đổi quyết định một lần nữa. Ông đòi Perkins đổi tên cuốn sách thành Under the Red, White and Blue (Dưới màu Đỏ, Trắng và Xanh) – ám chỉ đến giấc mơ Mỹ bị sụp đổ tan tành trong cuốn sách. Nhưng rồi ông nghĩ lại và viết thư cho Perkins : "Tôi nghĩ Trimalchio là cái tên thích hợp nhất". Tuy nhiên, cuối cùng The Great Gatsby vẫn là tiêu đề được lựa chọn.
Tại sao lại là Gatsby? Chúng ta nên nhớ rằng, trong cuốn sách, Jay Gatsby không phải là tên thật của nhân vật. Tên của anh ta là James Gatz. Ý nghĩa của "Gatsby" và "Gatz" nằm trong tiền tố "gat" – khẩu súng đã kết liễu cuộc đời của Gatsby. Ngoài ra, nếu đọc to từ Gatsby, bạn sẽ thấy nó gần đồng âm với một từ trong tiếng Pháp "gaspiller" – chỉ sự lãng phí, vô dụng.
Vậy "Gatsby" là một từ có ý nghĩa. Nhưng tại sao lại là "Great" (Vĩ đại). Trong bản thảo đầu tiên, Fitzgerald đã để cho Gatsby tự coi mình là một kẻ vĩ đại : "Jay Gatsby!", anh kêu lên một cách rành rọt, "Ngài Jay Gatsby vĩ đại đã tới! Đấy là cách mà mọi người sẽ gọi. Hãy chờ xem. Bây giờ ta chỉ mới 32 thôi".
Nhưng bất chấp những bữa tiệc xa hoa, Gatsby cũng không thể trở nên vĩ đại. Anh ta không gốc rễ, không bạn bè, không tình yêu và sống một cuộc đời vô nghĩa. Chỉ có 3 người tham dự lễ tang của Gasby. Vì vậy, tính từ "vĩ đại" còn mang nghĩa mỉa mai, trào lộng.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, từ "vĩ đại" được sử dụng một cách thích hợp. Gatsby vĩ đại chính là cuốn Tiểu thuyết Mỹ vĩ đại. Đây là kiệt tác vĩ đại nhất trong sự nghiệp của Fitzgerald.
Lolita (1955) – Vladimir Nabokov
Lolita là một trong những cuốn tiểu thuyết để đời của nhà văn Nabokov. Tên gọi tác phẩm về sau cũng trở thành một khái niệm nổi tiếng. Nhưng không ai biết rằng, Lolita là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay sự "vay mượn" có chủ ý của Nabokov với một tác phẩm khác.
Năm 1916, Heinz von Eschwege, một nhà báo Đức, từng xuất bản tập truyện ngắn The Accursed Gioconda với bút danh Heinz von Lichberg. Trong tập truyện này, có một tác phẩm dài 12 trang, có tiêu đề Lolita.
Đây chỉ là một truyện ngắn ngớ ngẩn và không có gì hấp dẫn, nhưng nó cũng có những điểm chung nhất định với Lolita của Nabokov. Cả hai đều kể về một nàng Lolita nồng nhiệt và quyến rũ.
Tất nhiên, Nabokov có thể chưa từng đọc mẩu truyện ngắn vô danh của tác giả người Đức kia. Tập truyện được xuất bản khi Nabokov mới 17 tuổi và hãy còn sống ở Nga. Nhưng cũng có thể, Nabokov đã đọc nó. Nhà văn rời khỏi nước Nga năm 1919 và sau 3 năm học ở Cambridge – Anh, ông cùng gia đình đến định cư ở Berlin năm 1922. Ông ở đấy suốt 15 năm, kết hôn, sinh con, viết văn tại đó. Trong 15 năm ấy, rất có thể, tập truyện của Lichberg vẫn còn được bày bán trên giá sách. Và không ai dám chắc rằng, nhà văn Nga chưa từng đọc cuốn sách của tác giả Đức.
Moby-Dick (1851) – Herman Melville
Moby-Dick là một con cá voi có thực. Lúc bấy giờ, loài cá này vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người đi biển. Một trong những hung thần của biển cả là "Mocha Dick" – con cá voi được đặt theo tên của hòn đảo Mocha ở vùng biển Chile. Mocha Dick từng dìm chết 30 thủy thủ, đánh đắm 5 tàu và bị đâm 19 mũi giáo.
Nguồn gốc gợi hứng cho Herman Melville là bài báo Mocha Dick Or, the White Whale of the Pacific (Mocha Dick hay là chú cá voi trắng của Thái Bình Dương) của Jeremiah N Reynolds in trên tạp chí Knickerbocker năm 1839.
Nhưng không hiểu vì sao nhà văn lại đổi tên Mocha thành Moby. Có thể, ở thời điểm đó, Melville đang viết một cuốn sách khác, cũng đề cập đến loài cá voi trắng, nhưng có tên gọi là The Story of Toby (Câu chuyện của Toby). Toby, tên thật là Tobias, là một người bạn chuyên đi biển của nhà văn. Đây được coi là một trong những dấu hiệu cho thấy Melville hẳn đã đổi Mocha Dick thành Moby-Dick.
Theo Thanh Huyền – evan
——————————–
[1] Trong truyện trào phúng "Satyricon" của Gaius Petronius ở La Mã, Trimalchio là một kẻ mới nổi, ăn tiêu hoang phí và thường xuyên tổ chức những bữa tiệc linh đình.