Vì hướng tới con người, vì con người, bởi vậy, nhà văn mỗi khi cầm bút, tâm thế cũng phải vằng vặc sao khuê mới có thể nhả chữ châu ngọc cho đời. Các cụ đồ nho xưa, trước khi đọc sách thánh hiền của các bậc tiền bối, thường tiến hành những nghi lễ như chỉ được đọc sách ở thư phòng.

 

Không mang sách ra khỏi thư phòng đến những nơi tạp nham ô uế. Muốn đọc sách của thánh hiền, bản thân phải trong sạch. Tâm hồn trong sạch, tâm thế phải chân thiện. Ông nội tôi xưa thường tắm rửa sạch sẽ rồi mới lên chính giữa gian bảy nhà, ngồi lên sập gụ và đọc sách.

Ông dạy cha tôi muốn đọc sách tâm phải tĩnh, trí phải động, thân thể phải trong sạch. Muốn xem sách thánh hiền, viết chữ, làm thơ trước khi ngồi vào bàn, phải đốt trầm hương lên đã. Chữ là tri thức, là vốn quý văn hoá, là thứ tốt đẹp nhất mà con người luôn trân trọng gìn giữ và tôn vinh.

Nhà văn trong cuộc đời sáng tác của mình, dĩ nhiên điều mà họ hướng tới là viết về những điều tốt đẹp trong cuộc sống, phản ánh cuộc sống đa chiều với mọi mặt phức tạp và những hệ lụy trầm luân của kiếp người.

Mục đích cũng là hướng con người tới những đạo lý tốt đẹp, bồi dưỡng cho tâm hồn con người những ánh sáng thiện tâm lấp lánh vẻ đẹp của trí tuệ và ấm áp tình người. Muốn vậy, đương nhiên nhà văn phải là những người có nhân cách.

Nhân cách của nhà văn được biểu hiện rõ nét nhất ở chính tác phẩm của họ. Những nhân cách lớn đương nhiên sẽ làm nên những tác phẩm lớn có sức trường tồn với thời gian. Nhân cách của nhà văn cũng được biểu hiện ở cái tâm và tài.

Là những người mà qua các tác phẩm của mình, họ làm được những việc hơn người như phản biện xã hội, dự báo tương lai và thức tỉnh lương tri con người qua từng trang viết. Nhân cách của nhà văn là biết nhìn ra được xu thế xã hội, tâm thế của thời đại và tâm thế của các tầng lớp con người.

Cuộc sống hiện đại hôm nay, không phải không có những lúc, vấn đề nhân cách của nhà văn hiện nay được đặt lên bàn cân để soi xét. Liệu nhân cách nhà văn có thể mất dần đi trong sự biến động của thời cuộc, trong sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, trong sự va đập của các chuẩn mực xã hội?

Tôi cho rằng, nhà văn đích thực luôn có một nhân cách đích thực. Nhân cách đó có thể ẩn sâu dưới những tác phẩm, có thể không lộ diện, nhưng đó là sức mạnh tinh thần âm thầm vẫn chảy ào ạt trong chính tác phẩm của họ. Có thể phân biệt được ranh giới giữa tính cách và nhân cách nhà văn.

Nhà văn có thể có những tính cách lập dị, dị mọ, ví như nhà thơ C đi ăn tiệc bao giờ cũng cố gắng gói một ít thức ăn ngon cất vào túi mang về cho người vợ hiền. Hành động đó của một người bình thường, thì hết sức bình thường, nhưng của một nhà thơ lớn thì lại là điều gây chú ý.

Nhưng hành động đó thuộc về tính cách chứ không có nghĩa là nhân cách của ông có gì đó tầm thường. Hay như nhà thơ TH, khi xưa bạn bè ông kể lại, hễ TH đến quán rượu thể nào khi uống rượu xong, ra về trong ống tay áo của ông cũng có một cái chén, một cái ly, hay một cái tách rất đẹp của nhà hàng.

Ông có thú vui nhặt đồ của người khác. Hay như nhà văn C., hay họa sỹ C.. Thú vui của họ là đến bất kỳ đâu, gặp bạn bè thân thiết họ đều xin xỏ bằng được một cái gì đó thuộc về vật chất. Khi là nửa chai rượu tây trên bàn làm việc của bạn, hay chiếc bút, điện thoại di động, và đặc biệt là xin tiền.

Xin tiền một số người trong bất kỳ tình huống nào. Mới quen sẽ thấy những chuyện này thật khó chịu và phiền nhiễu, và vô lý, thậm chí rất đáng xấu hổ. Nhưng một khi người đó không cảm thấy xấu hổ và hồn nhiên với những tính cách đa diện của mình thì chúng ta lại thấy nếu họ khác đi, hẳn không còn là C và HC nữa. Đọc những trang viết của họ, hay xem những tác phẩm của họ, chúng ta vẫn xúc động bởi những ánh sáng kỳ diệu mà họ mang đến cho con người, cho cuộc đời.

Điều đó khác xa với những nhà văn mũ cao áo dài, nhưng lại cơ hội chính trị và viết những tác phẩm với một mục đích không trong sáng, hay lợi dụng diễn đàn văn chương để bộc lộ những động cơ không trong sáng.

Không ít nhà văn Việt đã lợi dụng tác phẩm để thông qua tác phẩm mà ám chỉ trả thù những người mà mình không thích, hay nói xấu chế độ, phủ nhận tác phẩm và tác giả…

Tôi cho rằng, họ là những người viết chứ chưa chắc đã là một nhà văn. Bởi một khi khoác lên vai mình một sứ mệnh văn chương, nhà văn không được phép có một nhân cách tầm thường.

Một khi văn học được lợi dụng để đạt được mục đích cá nhân tầm thường thì quả nhiên nền văn học đó là một tai họa cho xã hội, cho người tiếp nhận và lĩnh hội. Thật may, trong đời sống văn chương xưa và nay, độc giả luôn đủ nhạy cảm và tinh tế để nhận ra đâu là những nhà văn đích thực, những tác phẩm đích thực.

Tác phẩm vĩ đại hay bé nhỏ thì đều chứa đựng trong đó một trái tim, một tâm hồn, một nhân cách của người viết. Không phải nhà văn nào cũng viết ra được những tác phẩm vĩ đại. Nhưng đã là nhà văn đích thực, trong con người họ luôn tồn tại một nhân cách.

Tùy vào tài năng, trí tuệ của từng nhà văn mà  nhân cách của họ lớn đến đâu. Đạo lý của người cầm bút là viết lên những điều tốt đẹp, định hướng xã hội ủng hộ những điều tốt đẹp. Đạo lý ấy chưa bao giờ mất đi trong mỗi nhà văn cho dù lịch sử đổi thay và cuộc sống có nhiều chuyển động, biến thiên tới đâu.

Theo Như Bình – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *