Đánh giá một con người bình thường, người ta cũng coi trọng nhân cách của người đó. Khi đã nói: "Anh ta không có nhân cách", thì còn bàn đến họ làm gì nữa. Đối với người bình thường đã thế, với nhà văn, nhân cách càng quan trọng, bởi "văn dĩ tải đạo", nhân cách người viết mà kém cỏi thì anh tải đạo gì?
1. Nhân cách nhà văn
Lịch sử văn chương Việt Nam và phương Đông rất coi trọng nhân cách người cầm bút như chúng ta đã biết. Vì vậy, việc thi cử chọn nhân tài gánh vác những công việc của đất nước trước đây, chủ yếu là thơ văn. Ở tận châu Mỹ La tinh, theo nữ văn sĩ Chilê Ixaben Agiênđê: "Trong con mắt của các đồng bào, nhà văn là người được trọng vọng ngang pháp sư, phù thủy hay nhà tiên tri, được coi là người mang chở một chân lý tuyệt đối, tỏa ra ánh sáng của sự thông thái". Ở miền núi cao Đaghestan của nước Nga cũng vậy.
Nhà thơ Abutalíp có kể câu chuyện về nhà thơ duy nhất: "Ở một vương quốc nọ có rất nhiều nhà thơ. Có lần, quốc vương nghe được một bài thơ về sự tàn bạo, về sự bất công tham lam của y. Y ra lệnh tìm bắt bằng được người đã làm bài thơ đó, bằng cách bắt tất cả các nhà thơ lại, bắt họ đọc một bài do mình sáng tác. Các nhà thơ lần lượt đọc những bài thơ ca ngợi quốc vương, ca ngợi trí tuệ minh mẫn, trái tim phúc hậu của y… Các nhà thơ lần lượt được thả. Chỉ còn một nhà thơ cuối cùng vẫn không chịu đọc. Quốc vương ra lệnh: "Trói nó vào cột, nổi lửa thiêu nó ngay". Nhà thơ bị trói đọc bài thơ nói về sự tàn bạo, tham lam, bất công của quốc vương. Bỗng quốc vương thét lên: "Cởi trói ngay cho anh ta! Ta không muốn mất đi nhà thơ duy nhất của đất nước này!"… Kể thế để thấy, trong lịch sử văn chương nhân loại, nhân cách của các nhà thơ, nhà văn được đặc biệt coi trọng.
Để nói với mọi người, nói với mai sau, người ta mới cầm bút; thế mà lại nói không trung thực thì nói để làm gì? Giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, nhờ có bút ký "Cái đêm hôm ấy đêm gì?" của Phùng Gia Lộc mà lãnh đạo đất nước khi đó thêm hiểu được hiện thực của nông thôn và nông dân, thêm quyết tâm vạch ra con đường đổi mới đất nước. Cũng trong thời gian này, một loạt vở kịch của Lưu Quang Vũ ra đời, góp phần gióng tiếng chuông báo động về sự bế tắc của cái cũ, cần tìm một đường đi mới, tạo ra một bước ngoặt để giải thoát xã hội, giải thoát con người… Những năm gần đây không thấy tác phẩm nào gây được hiệu ứng xã hội như thế. Ngược lại, một vài người đến các cơ sở kinh tế, được họ bao nuôi đã viết những tác phẩm ca ngợi. Tác phẩm vừa xuất bản thì cũng là lúc cơ sở đó bị khởi tố.
Trong đời sống văn chương những năm gần đây, sinh hoạt học thuật có phần giảm sút, những vấn đề ngoài văn chương lại được chú ý hơn. Người ta viết ca ngợi nhau không phải vì tác phẩm giá trị về nghệ thuật hay ý nghĩa xã hội mà chủ yếu do tác giả ấy cùng phe nhóm với mình. Không lấy tiêu chí nghệ thuật để đánh giá thì mọi khen chê sẽ lệch lạc, làm đời sống văn chương cứ rối tung lên.
Việc công bố tác phẩm cũng có những vấn đề. Dường như, một số người công bố tác phẩm chủ yếu là để khoe, để phô diễn với mọi người chứ không nghĩ đến tác dụng thực sự của nó. Thì đành rằng bây giờ là thời đại của tự do. Nhưng tự do không có nghĩa là mình có thể làm mọi điều mình thích. Đưa ra môi trường những tác phẩm mà làm cho môi trường không còn đẹp như trước, chứ chưa nói là làm ô nhiễm, thì có nên chăng?
Dẫu trong cơ chế thị trường, xã hội vẫn rất yêu mến các nhà văn. Vấn đề là các nhà văn phải làm thế nào để giữ được lòng tin của xã hội? Thực ra thì danh hiệu "nhà văn" là tự phong, rồi tôn nhau lên là phần nhiều, chứ các nhà văn đích thực, nhà văn xứng đáng với danh hiệu này, nhà văn được bạn đọc tôn vinh thì không nhiều. Để giữ lòng tin đối với xã hội, vấn đề nhân cách của nhà văn cần được đặt lên hàng đầu. Trong "Truyện Kiều", nàng Kiều là một người tài sắc mà vẫn rất biết mình: "Trông người lại ngẫm đến ta/ Một dày một mỏng biết là có nên?". Danh hiệu "nhà văn" là một danh hiệu rất sang trọng, rất "dày", chỉ dành cho những tài năng xứng đáng. Ước gì sau mấy trăm năm, những người viết văn không để phải ngượng với nàng Kiều!
2. Thơ ơi, quặng thải bao lần…
Trong lời tự bạch cho Kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam hiện đại", cả ba lần in tôi đều giữ nguyên lời tâm sự: "Lúc đầu đến với văn chương, tôi không có ý định viết phê bình. Như rất nhiều người khác, tôi làm thơ – thể loại dễ làm nhất và khó hay nhất của văn chương. Tôi cũng ước mơ mình sẽ làm được những bài thơ nổi tiếng lưu truyền muôn đời. Có lẽ đấy là ước mơ chính đáng và giản dị của tất cả những người làm thơ. Không có những mong ước điên cuồng đẹp đẽ ấy, theo tôi không thể làm thơ được…". Tuy nhiên, ước mơ và hiện thực không đơn giản như người nông dân canh tác trên đồng ruộng cứ gieo cấy là có vụ gặt, thể nào cũng có những hạt mẩy bên cạnh những hạt lép. Mà vụ gặt văn chương hay mất trắng rất nhiều.
Nàng thơ và nữ thần nghệ thuật thường đỏng đảnh hơn, cứ như trêu đùa những người thợ cày thợ cấy văn chương! Có khi cũng cày sâu cuốc bẫm thâm canh mà cây vẫn không đậu quả. Đôi khi quả vàng lại đậu hoa kết trái rất vô tình ở nơi không được chăm bón…
Thì đấy, ai cũng biết thi sĩ Xuân Diệu là một người lao động thơ rất nghiêm túc nhé, ông còn viết báo, viết sách dạy cả thế hệ trẻ làm thơ và thực sự rất nhiều người làm thơ trẻ biết ơn ông về những chỉ dẫn, những kinh nghiệm làm thơ. Thế mà "dao sắc không gọt được chuôi", chặng đường thơ nửa đời sau đầy kinh nghiệm của ông, có thể nói đó là một vụ mùa thất bát, những hạt tạm gọi là tương đối chắc chứ chưa thể gọi là mẩy cũng chỉ được dăm bảy bài. Thì chính thi sĩ cũng phải thốt lên một cách cảm hoài: "Thơ ơi, quặng thải bao lần/ Biết bao giờ mới ra vần kim cương!…". Trong khi cùng thời đó, tức là hoàn cảnh khách quan, không khí thời đại, môi trường văn hóa như nhau thì cậu bé Trần Đăng Khoa chả có kinh nghiệm gì về thơ ca cũng chẳng phải "chau mày bứt trán" lại cứ liên tục làm ra những bài thơ nổi tiếng, mà nhà thơ lớn Tố Hữu phải thốt lên: "Ông trời đã mượn cái miệng của bé Khoa để làm thơ cho người lớn đọc!".
Nên thỉnh thoảng cứ thấy trên tivi hoặc trên báo chí, những nhà văn viết ít mà nói nhiều về những ấp ủ, những dự tính sáng tác vĩ đại cao siêu này nọ là tôi cứ bật cười. Tất nhiên nói hay cũng khó, nhưng làm hay còn khó hơn nhiều. Vậy thì người sáng tạo nghệ thuật hãy nói bằng tác phẩm. Chỉ có tác phẩm hay mới là lời nói của anh gửi cho mọi người, gửi cho mai sau; chứ không phải "lập ngôn" bằng đầu lưỡi.
Mỗi năm tôi chỉ mong nền văn chương Việt Nam có được mươi tác phẩm, chứ không mong có được nghìn tác phẩm như hiện nay. Như thế, số lượng in mỗi cuốn có thể tăng lên từ một vạn, đến mười vạn. Tất nhiên mươi tác phẩm ấy phải là mươi tác phẩm có chất lượng cao. Và như thế sẽ đỡ lãng phí biết bao nhiêu! Nhà thơ V.Nezvan (Cộng hòa Séc) từ gần trăm năm trước, trong bài thơ "Thở dài", trong bốn điều tiếc cho nhân gian đã có một điều tiếc: "Tiếc giấy gỗ rừng/ Đem in sách dở"… Nhà thơ không chỉ tiếc cho giấy in mà còn tiếc thời gian cho ai đó nhầm đọc, và càng tiếc hơn nếu những cuốn sách dở đó làm hại thẩm mỹ của độc giả.
Tôi thấy, trong xã hội hiện tại có một điều trái ngược. Đó là, với những sản phẩm vật chất thì mọi người ngày càng khó tính, đòi hỏi phải chất lượng cao. Nhưng đối với sản phẩm tinh thần thì đòi hỏi của mọi người hình như không gắt gao như thế. Hay là mọi người lảng tránh đi, bởi vì có đòi hỏi cũng chẳng được chăng? Tại sao sự ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm thì nhiều người la hét, còn sự ô nhiễm môi trường văn hóa và văn chương nghệ thuật thì nhiều người có vẻ thờ ơ? Lịch sử xã hội của chúng ta thường coi trọng người có chữ nghĩa hơn là người lao động chân tay làm ra của cải vật chất. Vậy với những sản phẩm văn chương nghệ thuật kém chất lượng vẫn được tuôn ra thị trường thì liệu các nhà văn, các nghệ sĩ đáng kính có còn được xã hội coi trọng mãi không? Đó là câu hỏi mà các nhà thơ, nhà văn, các tổ chức văn học nghệ thuật cần nghiêm túc trả lời bằng việc làm thực tế.
Đinh Quang Tốn – Theo CAND Online