Ông bảo mấy hôm nay ở Hà Nội nhậu nhiều quá rồi. Bạn bè nhiều quá rồi. Bây giờ ông muốn uống một cốc cà phê thật ngon để chiều bay vô Nam là trọn vẹn. Tôi bảo vậy phải đi bộ một quãng khá xa mới đến được địa chỉ có cà phê ngon. Ông đồng ý. Để rồi trong một buổi sáng đầu hè yên bình, Nguyễn Quang Sáng thập thững cùng tôi đi bộ ra phố Lê Thánh Tông…

Gần tám mươi tuổi, đặt bàn chân lên từng chiếc lá xà cừ đang vào mùa rụng lá, ông bảo ông như đang chạm vào kỷ niệm. Cũng phải thôi, Hà Nội gắn bó với ông như một nợ nần thời trai trẻ. Trở lại mảnh đất này, ông thấy lòng mình dường như đang trẻ lại…

– Nghe nói, ngày nhỏ Nguyễn Quang Sáng học… dốt môn văn?

+ Đúng. Ngày nhỏ mình học giỏi toán. Sau này nhiều bạn bè cũng thấy ngạc nhiên khi mình trở thành nhà văn. Hồi là học sinh trường kháng chiến, thầy giáo kiểm tra ra đề thi môn văn, mình chỉ được 0,5/20 điểm. Chỉ duy nhất một lần trong khóa học ấy, một thầy giáo khác ra đề: "Các em hãy viết bất kỳ một cái gì để thầy đọc". Dù chỉ là đề ngoại khóa, không tính vào kết quả học tập, nhưng lần ấy mình được 18/20 điểm.

– Ông có nhớ khi ấy, ông viết về chuyện gì?

+ Mình viết lại một trận đánh mình đã tham gia. Rất chân thực và sinh động bởi mình là người tham dự. Hồi đó là năm 1948, mình mười sáu tuổi nhưng trước khi vào học ở trường kháng chiến, mình đã tham gia bộ đội. Mình tham gia bộ đội khi mười bốn tuổi.

– "Tôi luôn đặt câu hỏi mình thực sự đã trở thành nhà văn chưa?"- Lời tự vấn ấy không dưới một lần ông đã thốt lên. Tôi rất thắc mắc, một người đã có trên năm mươi năm cầm bút, được nhiều giải thưởng văn chương, thậm chí còn có một thời gian dài làm công tác quản lý trong Hội Nhà văn lại đặt ra một câu hỏi tưởng chừng rất mâu thuẫn ấy?

+ Nghĩ về thiên chức nhà văn thì mình luôn thấy bản thân thực hiện chưa được đầy đủ. Vì có những câu chuyện, những đề tài mình muốn viết nhưng chưa viết được. Có thể mình chưa được dũng cảm, mình đã ém lại nhiều câu chuyện muốn kể.

– Bởi vậy mà có lần ông đã thừa nhận, từ trước đến nay, ông luôn viết bằng vốn sống của một thời niên thiếu?

+ Thời thơ ấu của mình rất khác bây giờ. Mình học và học rất giỏi, được chuyển lên trường huyện, cách nhà 12 cây số để trọ học. Tuần nào cũng đi dọc một con sông để về nhà và trong "Dòng sông thơ ấu" có đoạn đi xe ngựa, chính là những chi tiết thật ngoài đời mà tuổi thơ đã trải qua. Sau này in sách, mình coi đó như những dòng hồi ức được tiểu thuyết hóa. Tình yêu dành cho văn chương, cho nghệ thuật cũng được bồi đắp trong những ngày khốn khó ấy.

Năm 1950, khi mình công tác ở Ban địch vận, có nhiệm vụ nghiên cứu về đạo Hòa Hảo, những ngày xuống sống với bà con, tìm hiểu tâm tư tình cảm của bà con, mình đã viết được "tác phẩm" đầu tay. Nói là tác phẩm đầu tay nhưng lại là những nghiên cứu về đạo Hòa Hảo chứ không phải viết truyện. Gọi là tác phẩm bởi trong đó cũng là tâm tư, tình cảm của bản thân nên rất khác với những bản báo cáo thông thường khác. Rồi những lần đi làm giao liên trong bộ đội, tiếp xúc với bà con, với đồng đội, thậm chí là những tù binh người Pháp làm mình hiểu ra nhiều chuyện, bồi đắp vốn sống để sau này, rất nhiều tác phẩm được viết ra bằng hồi ức từ những tháng ngày đó.

Nói vậy để thấy rằng, những tháng ngày của thời tuổi trẻ tác động rất lớn đến các tác phẩm của tôi

– Nguyễn Quang Sáng là nhà văn mang đậm chất Nam Bộ, cả trong văn chương lẫn phong cách sống ngoài đời. Người ta bảo, cái cách làm kịch bản phim của ông… cũng chẳng giống ai. Vào rạp xem phim rồi nhìn người ta làm và tự học. Để rồi sau đấy là những bộ phim được ông biên kịch rất thành công như: "Mùa gió chướng", "Cánh đồng hoang"…

+ Tôi nhớ ngày trước, các rạp ở Hà Nội chiếu rất nhiều phim. Mà toàn những phim hay, hay hơn bây giờ rất nhiều. Mình vào xem và học được rất nhiều từ những nhà làm phim nước ngoài. Đến khi làm những bộ phim lấy từ các tiểu thuyết của mình, mình làm đơn giản lắm, bởi vì mình đã nắm được hồn cốt của câu chuyện, chỉ dựng lại bằng một thứ ngôn ngữ khác thôi. Thường khi dựng xong phần biên kịch, khi đi quay mình hay xin đi theo đoàn làm phim. Đó cũng là một cách học và tự rút cho mình những kinh nghiệm. Đi với anh em, mình sẽ hiểu viết như thế nào thì anh em dễ làm, dễ quay.

– Cũng một tính cách rất… Nguyễn Quang Sáng, ấy là khi phần lớn người cầm bút lúc sáng tác thường rất tập trung, riêng ông lại có thói quen… nghe nhạc?

+ Mình mê nhạc từ nhỏ. Với mình, nghe nhạc cũng là một cách làm việc, một sự tư duy.

– Nghe nói thời trẻ, ông cũng đã sáng tác nhạc?

+ Có. Mình có viết nhưng sau bị ph&ec
irc; là tiểu tư sản, cộng với tính trẻ con nên mình không viết nữa.

– Vậy còn khả năng thanh nhạc, đã nhiều lần cùng bạn bè đi hát karaoke mỗi dịp gặp nhau, nếu tự chấm điểm, ông sẽ đánh giá mình như thế nào?

+ Tôi chỉ hát được khi tôi …đọc được chữ trên màn hình. Vậy nên nhiều lần theo bạn bè đi hát lai rai cho vui nhưng tôi ít hát. Chỉ duy nhất gần đây tôi đã hát lại bài hát mình yêu thích của một người bạn thân đã quá cố là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên đất Hà Nội: "Nắng có hồng bằng đôi môi em/Mưa có buồn bằng đôi mắt em. Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng…". Bài "Như cánh vạc bay" tôi hát được 100 điểm, làm bạn bè phục lăn. Không hiểu sao khi hát từng lời của Trịnh tôi lại thấy thấm đẫm những cảm xúc của riêng mình đến thế. Bài hát này lần nào tôi hát cũng được điểm tuyệt đối.

– Nghe đâu tửu lượng của ông cũng rất khá?

+ Đó có thể là do gien di truyền đấy. Tôi uống ít say mà bạn bè thì lắm. Ra Hà Nội mấy ngày nhưng phải làm xong công việc mới cho mọi người biết sự có mặt của mình. Nhưng giờ ngồi nhậu không phải uống "cốt lấy được" mà là lai rai, chia sẻ. Nhận ra nhau vẫn khỏe mạnh, vẫn nâng chén được là mừng rồi. Không bao giờ để nhau lâm vào tình trạng "xỉn" như thời sức khỏe còn tốt. Nhưng hôm nào ngồi cũng phải hai, ba giờ sáng mới được về và tôi thường kêu taxi. Có "tốn kém" một chút nhưng an toàn, nhiều khi lên xe, ngủ được một giấc là… tới nhà.

– Nổi tiếng là một người ham vui, ham cái đẹp và sống hết mình. Giả sử như giờ đây, có một cô gái trẻ đẹp đến và ngỏ lời với ông, ông sẽ trả lời như thế nào?

+ Nói cái này cũng khó. Nhưng nếu cô gái ấy hỏi một ông lão Nguyễn Quang Sáng tám mươi tuổi thì tôi cũng chẳng để ý làm gì nữa, nhưng nếu cô ấy hỏi một Nguyễn Quang Sáng nhà văn thì chắc tôi vẫn sẽ rung động. Làm một người nghệ sĩ mà không biết rung động trước cái đẹp thì hỏng. Nhưng đó là sự đề cao, và ủng hộ cái đẹp, cái hoàn thiện. Tôi thừa nhận tôi là người ham vui. Hôm qua theo mấy ông Hà Nội đi nhậu đến hai giờ sáng mới chịu về khách sạn (cười thoải mái).

– Ông nói từ ngày nghỉ hưu, ông vẫn viết tiếp những tác phẩm về đất và người Nam Bộ. Xin hỏi công việc ấy ông đã làm đến đâu?

+ Tôi chưa viết được nhiều. Hiện tại tôi đang viết một tiểu thuyết khoảng một trăm trang về miền Tây Nam Bộ. Tôi đang tập trung cho công việc này.

– Miền Tây Nam Bộ, nơi ông sinh ra và có một tuổi thơ nhiều kỷ niệm ở đó. Nguyễn Quang Sáng cũng đã có không ít những tác phẩm nói đúng và trúng về con người và mảnh đất này, nhưng xin hỏi: Đó là quãng thời gian trước, còn giờ đây, Tây Nam Bộ đã đổi khác rất nhiều, vậy ông có tin rằng, khi viết về nó, mình vẫn lột tả được, vẫn phả vào đó được cái không khí, những tâm tư tình cảm của con người miền Tây Nam Bộ của ngày hôm nay?

+ Mình tin mình vẫn làm được. Vừa qua, có một công ty đã tài trợ cho miền Tây Nam Bộ 100 chiếc cầu. Họ rủ mình đi với tư cách khách mời. Mình đã có dịp đi vào những vùng sâu, vùng xa gần một năm trời, ăn ngủ cùng dân, sinh hoạt cùng dân và mình nghĩ rằng mình đã lắng nghe được không ít. Để rồi nhận ra nhiều thứ từ trong cuộc sống. Một khi anh còn đi vào cuộc sống, còn lắng nghe những hơi thở của cuộc sống thực thì anh vẫn còn có thể viết văn được.

– Bởi vì văn chương không thể là sự bịa đặt. "Nếu đứng trước sự bịa đặt và trang giấy trắng thì tôi sẽ lựa chọn trang giấy trắng"- Tôi nhớ có lần ông đã nói như vậy về nghề?

+ Đúng như vậy. Văn chương phải phản ánh chân thực nhất những gì của đời sống. Để rồi qua đó người ta biết yêu và thương hơn quê hương xứ sở của mình.

– Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Sáng về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Theo Nguyễn Văn Quân – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *