Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư |
Có lẽ, điều bất ngờ nhất với những người đọc yêu mến văn chương Nguyễn Ngọc Tư là chị làm thơ, mà thơ hay và đầy tâm trạng. Nhưng dẫu thế nào, chị vẫn như một “đặc sản” của miền Đất Mũi, hay như cái nickname của chị – “Sầu riêng”.
PV : Hỏi vui với Ngọc Tư. Chị có biết gặt lúa, nhổ cỏ mạ, gieo sạ? Những công việc gì của nhà nông chị biết làm và không biết làm?
NGUYỄN NGỌC TƯ : À, tôi biết cũng nhiều, nhưng chỉ dừng mở mức… đại khái. Tôi xa đồng ruộng cũng lâu rồi, chỉ còn cảm giác. Mỗi khi viết về đề tài này, cái gì không rõ, tôi sẽ đi hỏi… má tôi.
PV : Nếu như tự nói về mình bây giờ, chị là ai?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Má của hai thằng nhỏ, phụ giúp ba tụi nó nuôi tụi nó nhờ có biết viết văn chút đỉnh.
PV : Vì sao chị viết, và bây giờ viết vì sao?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Tôi cũng tính đi hỏi… trời câu đó. Những khi mệt mỏi quá, tôi nghĩ, mình viết văn chi cho cực khổ vậy ta? Hóa ra, những câu hỏi như vậy làm mình mệt thêm. Cứ cắm cúi làm việc thôi…
PV : Không nhắc tới “Cánh đồng bất tận” nữa vì bây giờ nó đã có quá nhiều “cuộc sống” khác (truyện, kịch, và sắp thành phim). Sau “nó”, chị có ý định viết gì “dài hơi” về những người nông dân quê chị nói riêng, nông dân Việt Nam nói chung, hôm nay và ngày mai?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Tôi vẫn chưa có ý định viết dài hơi vì thấy mình chưa có… hơi dài. Và có viết về nông dân hay không còn tùy vào cảm hứng, độ chín, phát hiện của tôi đối với đề tài này.
PV : Hiện thời, có nhiều người lo ngại những nhà văn trẻ ít “mặn” với đề tài tam nông – nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Ngay cả những nhà văn trẻ xuất thân từ nông thôn cũng gần như không viết gì về quê mình, họ hướng ra thành thị và công sở. Riêng chị thì sao? Nông thôn hay thành thị thường ám ảnh trong sáng tác của chị?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Tôi vẫn không hiểu tại sao người ta lại lo lắng bồn chồn khi những nhà văn trẻ không viết về nông thôn, nông dân. Tôi nghĩ, nhà văn chỉ viết ra cái gì ám ảnh họ nhất, họ thấy thú vị nhất, hiểu sâu sắc nhất, tự tin để viết nhất. Nông thôn không làm được điều đó, cũng đành. Tôi cũng vậy thôi. Ngay lúc này đây, cái gì chín muồi nhất, ám ảnh nhất, tôi sẽ viết về cái đó, không cần biết là thành thị hay nông thôn. Xin đừng chờ đợi một tình yêu thôn quê giả tạo, yêu bằng nghĩa vụ, yêu cho có phong trào…
PV : Chị có nghĩ mình là một “số ít”, “của hiếm” trong số những cây viết trẻ viết về nông thôn và theo đuổi đề tài này? Nếu như không viết về nông thôn, chị nghĩ mình sẽ viết gì? Và liệu có thành công như viết về nông thôn không?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Mọi người dành cho tôi cái áo quá đẹp, tôi trân trọng. Nhưng tôi nghĩ, mình nên có nhiều cái áo để thay đổi, những áo rộng thùng thình tí, nhưng tự do, thoải mái. Hôm nay mưa, tôi mặc áo dày, mai nắng đẹp, tôi diện áo mỏng, sắc áo tùy nghi vào tâm trạng, vào sở thích. Một cái áo dù đẹp đến đâu, mặc hoài người ta dòm cũng chán, chưa kể nó sẽ… bốc mùi. Chỉ mặc hoài cái áo mà mình nghĩ là đẹp nhất, biết đâu sẽ bỏ qua cơ hội mặc cái áo cũng rất đẹp.
PV : Những nhân vật của chị, dù là truyện dài, truyện ngắn, tạp văn, tản văn, tản mạn và cả “linh tinh” trên blog của chị gần như đều có thân phận và số phận buồn. Đọc xong, dù có cười cũng là cười ra nước mắt. Tại sao lại thế? Không lẽ chị chỉ cảm nhận được những số phận, thân phận buồn mà không thấy những điều khác lạc quan hơn?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Tôi nghĩ chuyện đó cũng bình thường. Khi đi ngang qua một cô gái đang ngồi khóc, có người nói cô ấy khóc vì vui mừng thi đậu, có người nói cô ấy khóc vì mang giày cao gót đau chân, tôi thì nghĩ cô ấy thất tình. Có thể vì tôi mơ mộng, đa cảm. Và độc giả có quyền chọn lựa một cách nhìn gần gũi với suy nghĩ của họ nhất. Ai khoái kiểu buồn buồn thảm thảm thì tới chơi với tôi.
PV : Đọc những tản văn, tản mạn của chị, có cảm giác hình như chị rất cô đơn, cô đơn ở nhiều khía cạnh, từ tâm trạng đến những mối giao tiếp cuộc sống. Và nhớ có lần trả lời phỏng vấn báo chí, chị cũng nói là "Phụ nữ rất dễ nuôi cô đơn để viết”. Trong Diễn từ khi nhận giải thưởng Văn học Đông Nam Á, chị có nhắc tới những giọt nước mắt. Có thể hiểu những “cô đơn”, “giọt nước mắt” đó như thế nào?
NGUYỄN NGỌC TƯ : À, tôi nói vụ nước mắt là… khái quát, nôm na nỗi buồn của con người, mà tôi thì khoái viết về những nỗi buồn đó. Tôi hay hoang mang rằng mình cô đơn, nhưng coi chừng lầm lẫn, giống như mấy ông say hay nói mình còn tỉnh, ông tỉnh thì lại nói tôi không uống nữa đâu nghen, say rồi. Cô đơn mà còn cảm thấy, đong đếm, than vãn được thì có vẻ… chưa cô đơn lắm.
PV : Có nhiều nhà văn hay nói về kỹ thuật viết. Chị có nghĩ mình cũng tạo “kỹ thuật” viết riêng gây hấp dẫn bạn đọc, ví dụ như ngôn ngữ trong tác phẩm của chị “đậm đặc” phương ngữ miệt s&o
circ;ng nước Nam Bộ?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Tôi luôn lo không biết kỹ thuật bao nhiêu là vừa đủ, người ta đọc mình có phải vì kỹ thuật không, một trang viết chỉ có kỹ thuật thôi mà không thế thái nhân tình, không hồn vía con người thì ai mà chịu đọc.
PV : Phương ngữ Nam Bộ có cái hay, hấp dẫn, cuốn hút bạn đọc vì sự kỳ lạ vùng, miền của tiếng Việt. Nhưng có khi nào chị nghĩ chính điều đó cũng là một hàng rào ngăn cản người đọc tiếp cận tác phẩm, nhất là phía Bắc, khi người đọc cứ phải liên tục xem phía dưới chú thích nghĩa của từ ngữ. Chưa kể nếu tác phẩm của chị được dịch ra tiếng nước ngoài, thì phương ngữ cũng là một thách thức với người dịch và cả người đọc ngoại quốc?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Tôi nghĩ người dịch mới mệt mỏi khi phải tìm một ngôn ngữ khả dĩ có thể thay thế được thổ ngữ tôi dùng. Nhưng lúc viết, tôi chỉ thấy nếu trong ngữ cảnh này mà dùng ngôn ngữ này là hay nhất, gợi cảm nhất. Tôi không nghĩ điều đó cản trở sự cảm thụ của người đọc vùng này miền khác, làm tác phẩm bớt đi giá trị. Lúc còn con nít, tôi đọc văn Bắc, có từ không hiểu, có chỗ không biết, vẫn thấy hay.
PV : Nếu có một ai đó nhận xét những trang viết của chị đã có sự lặp lại, không còn mới, lạ, hấp dẫn… Chị có thể thắng thắn đánh giá trang viết của mình như thế nào vào thời điểm này?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Có khi đi một lúc, gặp lại dấu giày mình trên đường. Tự hỏi mình nên tiếp tục bám đường dò dẫm một lối mới hay dừng hẳn lại, không đi nữa ?
PV : Tác phẩm văn chương nước ngoài nào mà chị không thích khi đọc xong?
NGUYỄN NGỌC TƯ : Tôi thiếu kiên nhẫn lắm, khi đọc vài trang mà không thích thì tôi bỏ ngang luôn, làm gì đợi tới đọc xong?
Sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Nhà văn hiện đang sống và làm việc tại Cà Mau.
Tác phẩm chính : Ngọn đèn không tắt; Ông ngoại; Biển người mênh mông; Giao thừa; Nước chảy mây trôi; Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư; Cánh đồng bất tận (truyện ngắn – NXB Trẻ 2005), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác. Giải thưởng : Giải I Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II với tác phẩm Ngọn đèn không tắt. Giải B Hội nhà văn Việt với tập truyện Ngọn đèn không tắt năm 2001. Tặng thưởng dành cho tác giả trẻ – Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt cho tác phẩm Ngọn đèn không tắt năm 2000. Giải thưởng Hội nhà văn Việt năm 2006 cho tác phẩm Cánh đồng bất tận. Giải văn học Đông Nam Á 2008 tác phẩm Cánh đồng bất tận. |
Hoài Hương – Báo Văn Nghệ Trẻ