Ông để lại sau mình hàng chục tác phẩm kiệt xuất và rất nhiều bí ẩn riêng tư nhưng mang tính thời đại. Năm 2009 đã được UNESCO tôn vinh là Năm kỷ niệm Gogol. Ngày 1/4 năm nay sẽ kỷ niệm lần thứ 200 ngày sinh của ông.
Thực ra, ngay cả ngày sinh của Gogol cũng là điều bí ẩn đối với những người đồng thời với ông trong suốt một thời gian dài. Thoạt tiên mọi người cứ tưởng Gogol sinh ngày 19/3/1809, rồi lại tưởng sinh nhật của ông là ngày 20/3/1810. Và chỉ sau khi ông qua đời, từ giấy khai sinh của ông, người ta mới biết nhà văn sinh ngày 20/3/1809, tức là ngày 1/4 theo lịch mới.
Cuộc hôn nhân của cha mẹ nhà văn được bắt đầu rất lạ lẫm. Ngay khi còn bé, Vasili Afanasevich, cha của Gogol đã thường tới nhà thờ ở tỉnh
Một lần, ông mơ thấy cảnh Đức Mẹ ngồi ở trên trời cao và chỉ vào đứa nhỏ ngồi dưới chân bà và nói: Đây sẽ là vợ con! Một thời gian sau, cậu bé mà sau này sẽ trở thành cha Gogol đã nhìn thấy trong cô bé con nhà hàng xóm mới bảy tháng tuổi đường nét của vị hôn thê tương lai mà cậu đã gặp trong mơ.
Từ đó trở đi, trong suốt 13 năm liền, Vasili Afanasevich không lúc nào rời mắt khỏi cô con gái con hàng xóm và sau một lần giấc mơ cũ lại hiện về, đã xin được kết hôn với nàng. Một năm sau đó, đám cưới tưng bừng đã được tổ chức. Và đứa con trai đầu lòng của họ là nhà văn vĩ đại tương lai.
Tiếp theo sau là hai cô con gái. Là con trai duy nhất trong nhà, lại mồ côi cha từ năm 15 tuổi, Nikosha (tên gọi thân mật của Gogol) thuở nhỏ được cả gia đình cưng chiều, đặc biệt là mẹ. Bà mẹ sùng bái cậu con trai quý hiếm đến mức đã mất rất nhiều lời để cố gắng thuyết phục mọi người rằng chính Nikosha đã phát minh ra đường ray xe hỏa! Gogol được thừa hưởng từ mẹ một tâm hồn tinh tế, một tinh thần mộ đạo và mối quan tâm sâu sắc tới linh cảm.
Cha ông truyền cho ông tính hay lo lắng quá. Không có gì lạ nếu nhà văn tương lai ngay từ nhỏ đã rất quan tâm tới những điều bí mật, huyền bí, những giấc mơ kỳ thú và đầy điềm báo, những dấu hiệu định mệnh, mà về sau sẽ xuất hiện dày đặc trong các tác phẩm của ông…
Gogol lớn lên đủ đầy trong khung cảnh thiên nhiên hào phóng sắc màu ở Ucraina và dường như không có gì hứa hẹn việc sau này sẽ trở thành nhà văn viết nên những tác phẩm đầy hiện thực cay đắng và u ám như "Chiếc áo choàng" hay "Những linh hồn chết"…
Thực ra ước mơ tuổi thơ của Gogol không phải là viết văn mà trở thành nghệ sĩ: nhà văn tương lai đã thích diễn kịch từ hồi còn học trung học… Năm 20 tuổi, Gogol tới kinh đô Peterburg với ý định xin vào Nhà hát Hoàng đế. Chàng trai đã phải diễn thử một số đoạn kịch trước vị chủ khảo khả kính Khrapovitsky. Phong cách phổ biến hồi đó của các diễn viên là phải diễn rất màu mè và khuếch trương.
Thế nhưng, Gogol đã không làm việc gì tương tự như thế mà đã diễn cực kỳ hiện thực, cẩn trọng và đã bị đánh trượt vỏ chuối vì "không có tài năng" như lời báo cáo của viên chủ khảo với Giám đốc Nhà hát Hoàng đế, Công tước Gagarin. Đó là cái vả đầu tiên của số phận. Còn cái vả thứ hai thì do chính ông tự vả vào mình.
Cảm nhận rất đúng rằng, sức mạnh của nhà hát phải ở trong chủ nghĩa hiện thực chứ không phải ở những sự hoa hoè hoa sói, Gogol lại bắt tay vào viết trường ca đầu tiên của mình "Hanz Kuchelgarten" theo phong cách màu mè và khuếch trương. Và cho in nó bằng tiền túi bỏ ra, dưới bút danh Alov, có ý tuyên bố đây sẽ là bình minh mới đỏ rực của một thiên tài (!).
Thế nhưng, tập trường ca này ngay lập tức đã bị phê phán tơi bời và kinh ngạc trước những lời chê trách, Gogol đã cho người hầu Yakim trung thành của mình đi khắp các hiệu sách mua tất cả những bản trường ca còn lại về nhà trọ đốt. Hình như niềm đam mê lửa và sự tự đốt mình của Gogol đã nảy sinh từ đó!
Nhưng cũng từ đó, công việc của Gogol lại trở nên tốt đẹp hơn. Tới các quầy sách và giở xem các tạp chí, Gogol bỗng nhận thấy nỗi đam mê của người Peterburg đối với những kỳ thú Ucraina, đặc biệt là những chuyện ma quỷ rùng rợn tới tức cười.
Thế là ông ngồi vào viết rất nhanh tập những truyện tưởng tượng mang đậm màu sắc Ucraina "Những buổi tối ở làng gần Dinkanka" rất xuất sắc. Cuốn sách này đã gây nên cả một làn sóng chú ý của độc giả và quan trọng nhất là được lọt vào mắt xanh của những "trưởng lão văn học" thời đó ở Saint Peterburg là Zhukovsky và Puskin.
Trong số phận của Gogol, thi hào Puskin có vai trò gần như là một người cha đỡ đầu, còn Zhukovsky – thầy giáo của thái tử – đã trở thành người bắc "nhịp cầu duyên" nối giữa Gogol với Sa Hoàng.
Không có mối quan hệ đó với Sa Hoàng chắc chắn sân khấu Nga đã không bao giờ được nhìn thấy một vở diễn như "Quan thanh tra" vì sự xuất hiện của một tác phẩm sâu cay như thế chỉ có thể có được nếu Sa Hoàng gật đầu. Vở kịch "Quan thanh tra" lần đầu tiên được dựng vào tháng 5/1836.
Sa Hoàng sau khi nhận bản in vở kịch này đã tặng lại cho Gogol một cái nhẫn kim cương. Sa Hoàng còn đích thân xem vở diễn này tại nhà hát Aleksandrinsky, cười nghiêng cười ngả và cuối buổi diễn, đã thốt lên: "Tất cả đều bị giễu, nhất là trẫm!". Gogol đã qua mặt được Sa Hoàng như thế đấy…
Thế nhưng, các nhà phê bình lại không mấy hào phóng lời khen khiến nhà văn cảm thấy choáng. Trạng thái tâm lý của ông trở nên tồi tệ đến mức tới tháng 6/1836, ông đã quyết định ra nước ngoài để "giải khuây"…
Gogol đã tới Saint Peterburg với tư cách một thanh niên tỉnh lẻ, ăn vận theo mốt quê
Ngay cả Puskin cũng có lần phải buột miệng nói rằng, "cần cảnh giác với chàng trai Tiểu Nga này", người đã xin được ở thi nhân mấy cốt truyện cực quý giá (trong đó có cốt truyện của "Quan thanh tra" và "Những linh hồn chết") và đã xếp việc hoàn hảo cho tất cả những chị em gái không chồng của mình và chỉ trong vòng dăm bảy năm – tới tuổi 27 – đã đạt được cực đỉnh vinh quang rồi ra nước ngoài cư trú. Sự thành đạt nhanh chóng và vững bền của Gogol cho tới nay vẫn là mẫu mực đối với tất cả những thanh niên tỉnh lẻ lên lập nghiệp ở chốn phồn hoa đô hội.
Thế nhưng, tuổi trưởng thành của Gogol bị u ám bởi những vấn đề mang tính tinh thần. Trước hết, đó là chuyện phụ nữ. Do hàng loạt nguyên nhân Gogol đã nâng phụ nữ lên quá cao trên số phận của mình và mọi nỗ lực chuyển họ xuống đúng chỗ của họ đều trở thành bi kịch. Những người phụ nữ ông yêu vì sao đấy đều chỉ thấy trong ông một hình ảnh văn nhân kỳ dị, không của cõi đời này…
Và rốt cuộc Gogol không chỉ không một lần cưới vợ mà xét trên mọi phương diện, vẫn là trai tân cho tới khi chết, mặc dầu về tính cách, ông là một người rất nặng nợ nhục cảm. Thành ra suốt đời ông phải vật vã với "cây thánh giá đồng tân".
Có thể Freud tìm được dấu vết nào đó của một lần "diện kiến" bất thành với các nàng Kiều của Gogol. Trong bất luận trường hợp nào, bà mẹ rất cưng chiều con trai của nhà văn, khi nhận được lá thư của Gogol báo tin ông đã phải lòng một nữ thánh và đang đi tới thành phố miền Bắc nước Đức Lubek, đã nghĩ ngay rằng, có lẽ Nikosha của bà đã bị mắc phải căn bệnh hiểm nghèo tế nhị nên phải sang Đức chữa trị…
Rời khỏi nước Nga trên đỉnh cao danh vọng văn chương, lang thang khắp cả châu Âu, cuối cùng, năm 1839, Gogol đã "dừng bước giang hồ" tại thành
Hiện nay tại ngôi nhà này có tấm biển kỷ niệm: "Nơi đây nhà văn Gogol, tác giả của "Những linh hồn chết" đã sống"… Gogol đã viết "Những linh hồn chết" ở
Chính nhờ nhìn về Tổ quốc từ khoảng cách xa xôi đã giúp Gogol thấy được nước Nga bằng cái nhìn hơi lạ lẫm của viễn khách, tạo cho văn xuôi của ông một vẻ tinh quái đầy thiện cảm. Ông là người đầu tiên đã đưa văn học Nga hội nhập với văn học thế giới.
Thiên tài của Gogol đã tạo cho văn học Nga một nguồn sáng chói lòa nhưng cuộc đời ông có nhiều sự u uẩn. Ngay từ khi còn sống Gogol đã được gọi là thầy tu và người hài hước. Trong các tác phẩm của ông hòa quyện cả hiện thực với vô số những điều giả tưởng, cả cái đẹp lẫn cái sa đọa, cả cái đau lẫn cái tức cười…
Rất nhiều nhà nghiên cứu đau đầu nhưng cho tới hôm nay vẫn không tìm ra được lời đáp rành rẽ cho các câu hỏi: Tại sao Gogol lại không bao giờ lấy vợ? Tại sao ông lại đốt đi tập hai của "Những linh hồn chết" và liệu ông có đốt nó thực không? Và điều gì đã tàn hại nhà văn thiên tài này?
Những năm cuối đời, Gogol bị ám ảnh bởi một căn bệnh kỳ lạ và ông đã mất vào ngày 21/2/1852. Ông được mai táng ở nghĩa địa tu viện Thánh Danilov ở Moskva. Năm 1931, khu vực này bị đóng cửa và người ta phải chuyển hài cốt của nhà văn về nghĩa địa Novodevichie.
Khi đó, người ta mới phát hiện ra rằng, xương sọ của Gogol đã không còn trong quan tài nữa. Có thông tin rằng, xương sọ của Gogol đã được lấy về để ở Viện bảo tàng Bakhrushin ở Moskva từ năm 1909…
Theo CAND Online