Từng giãi bày: “Sống với những con người không cùng tiếng nói, không cùng mối quan tâm, cảm nhận văn chương của mình xa rời cuộc sống quê nhà, chông chênh khi viết về quê nhà”. Vậy mà vẫn thấy trung bình mỗi năm Lý Lan cho ra đời một cuốn sách, 90% câu chuyện xảy ra tại Việt Nam. Chị vừa hoàn thành Hồi xuân bằng tất cả sự tươi mới, hóm hỉnh…

Viết truyện “vớ vẩn chọn lọc”

* Bây giờ, việc đi từ khâu quan sát đến hoàn thành tác phẩm có ngốn nhiều thời gian và tâm sức của chị lắm không?

– Với Hồi xuân, phần lớn là truyện tôi viết ở Việt Nam trong năm 2008. Một ít thì có thể tôi đã viết hoàn chỉnh ở bên kia, gửi đăng báo ở bên này, hoặc chưa đăng, đến khi tôi về thì hoàn chỉnh nốt. Người đã bước qua tuổi 50 như tôi, cái gì cũng nghĩ tới nghĩ lui, kéo dây kéo nhợ đến quá khứ, lo lắng, hy vọng ở tương lai… thành ra tác phẩm ra đời không đơn giản, cũng không dứt khoát hoàn chỉnh trong lúc mình nghĩ.

* Thấy sự đắn đo “rất nhà văn” của Lý Lan trong Phương pháp hiện thực (tên một truyện ngắn của Lý Lan). Thực tế, còn phần nào trong quá trình viết lách chi phối chị?

– Lâu nay, tuy là cũng đi về thường xuyên nhưng khoảng thời gian lẻ tẻ ở Việt Nam không đủ để tôi chứng kiến sự chuyển đổi của xã hội trong tám năm qua. Sự thay đổi đó nhanh chóng hãi hùng lắm. Nếu không ở tại chỗ để quan sát thì có nhiều chuyện tôi không thể tin, ngờ, hay lý giải được… Cho nên, khi tôi về đây, có những chuyện, sự việc, con người… mà tôi quan sát hay nghe kể, thì tôi phải kiểm nghiệm lại. Khi tôi nhận ra vị trí quan sát của mình không phải là vị trí quan sát của đại đa số thì có hai khả năng, có thể mình khiến cho người đọc nhìn vấn đề từ một khía cạnh khác, nhưng cũng có thể khiến cho người kia nghĩ rằng “bà đó nhìn không thông cảm, hiểu biết gì hết” và dị ứng với mình. Thành ra tôi cũng dè dặt lắm.

* Chị không tự tin vào những chân giá trị đã khẳng định của mình ở lứa tuổi này sao?

– Bởi vì, bạn cũng thấy, bây giờ khó có giá trị nào có thể khẳng định là chân lý hay chân giá trị tuyệt đối. Cái gì cũng đang ở trạng thái bị thử thách, bị lật đi lật lại để đánh giá. Từ vị trí của tôi, dĩ nhiên, tôi cũng xác lập một số giá trị nào đó. Nhưng với những con người, nhân vật trẻ hơn tôi đến 30 tuổi thì cách nhìn, cách sống, thế giới quan của họ hoàn toàn khác. Tôi không thể nào khăng khăng nói lên cái chủ quan của mình, những cái mình cho là hay, là đúng, là đẹp. Tôi dè dặt ở chỗ mình có đang áp đặt một hệ thống suy nghĩ hay giá trị nào đó đối với những người khác hay không. Lớn tuổi rồi dễ bị cái đó lắm.

* Đọc Hồi xuân, thấy trong đó có rất nhiều núi và biển, chị đang tìm về bản thể hay còn mơ ước vươn rộng ra thế giới ngoài bản thân mình nữa?

– Hồi xưa quê tôi chỉ có đồi và những con sông nhỏ thôi. Tôi nghĩ biển cho mình mở rộng ra, khao khát đến thế giới khác. Núi là nơi để chiêm nghiệm, tìm đến cái gì đó cao siêu, thuộc về siêu hình và bản thể.

Có thể nói, tất cả những truyện đó đều thể hiện cuộc tìm kiếm của tôi. Đến một lúc nào đó con người ta sẽ nghĩ đến những cái siêu hình một chút. Nói chung là sẽ bị ám ảnh bởi cái chết, sự hủy diệt, sự vô nghĩa của cuộc sống hay vô nghĩa của những nỗ lực…. Tất cả những truyện đó đều có bản thân tôi trong đó. Ai cũng vậy thì phải.

* Chị vẫn còn nhiều hứng thú nhìn vào tâm lý bên trong mỗi con người. Điều đó xuất phát từ đâu?

– Từ việc tôi làm việc trong ngành giáo dục nhiều năm, có nghiên cứu về tâm lý nên cũng có hứng thú trong đó. Con người ta đến lúc nào đó sẽ phải chất vấn mình. Ví dụ với Cấm sơn, truyện hơi có tính ngụ ngôn, nhiều khi con người ta loanh quanh với một câu hỏi mà đi qua hết một cuộc đời mà không hay. Tôi cố tình viết và không xác định ông ta có giết người hay không. Chỉ là một hoang tưởng hay một sai lầm nào đó trong cuộc đời, vi phạm nhân bản của con người. Đến lúc nào đó, con người ta phải biết nghi ngờ những việc mình làm có tàn nhẫn, ác độc quá không. Và tự chất vấn, mình sống một kiếp con người có đủ nhân bản hay không, có đủ nhân đạo tính hay không?

* Tỷ lệ giữa tưởng tượng và trải nghiệm trong những tác phẩm của chị?

– Cũng khó nói, thường khi mình chuẩn bị, tưởng tượng ra tình huống nào đó để chuyển tải điều mình muốn nói. Nhưng khi viết, tâm tình, ý tưởng phải xuất phát từ bản thân mình. Không thể vay mượn và tưởng tượng được.

* Đọc chị, có người cho rằng đã đạt đến “cảnh giới” trong kỹ thuật. Điều này là một thực tế khách quan của người viết lâu năm?

– Vấn đề với tôi bây giờ là viết thế nào, chứ t&
ocirc;i đã qua giai đoạn viết theo bản năng, hay là viết bằng năng khiếu. Bạn thấy đó, chuyện vớ vẩn gì tôi cũng viết được (nhưng không có nghĩa là tôi lượm đại một chuyện nào đó để viết). Có thể nói là toàn những chuyện “vớ vẩn chọn lọc”. Tôi viết để cho người đọc thấy: “Ôi! đó là những chuyện bình thường” trong cuộc sống, có thể chính họ đã trải qua. Và mình thì phải dùng kỹ thuật thế nào để hấp dẫn người ta đọc và đọc qua vẫn có một cái gì đó còn lắng đọng lại, chứ không phải đọc xong rồi, thậm chí chưa đọc, mà đã nhận ra truyện nhảm nhí, khỏi đọc. Phải có nghệ thuật viết bằng kỹ thuật, chứ đâu có cách nào khác.

* Để chạm tới rung cảm của người đọc, khi đặt bút viết, phần xúc cảm vẫn còn chi phối chị mạnh mẽ chứ?

– Dù dùng kỹ thuật thế nào đi nữa, mà bản thân mình không xúc cảm, dù tích cực hay tiêu cực về câu chuyện, thì đừng đặt tham vọng rung cảm người khác. Có thể gạt được những người non nớt, chứ tôi biết độc giả của tôi bây giờ cũng “ngoài 50” như tôi hết rồi. Thí dụ, truyện Cảm giác, cũng thuộc dạng “nhảm nhí”. Tôi đi chợ, thấy một cô gái nhà quê qua đường mà bản thân mình… đau tim, xe cộ hãi hùng lắm, cổ đi tới đi lui, leo lên lề rồi xuống lề…. Hình ảnh khiến tôi đau lòng dễ sợ, nhưng thật ra nó không đủ viết gì cả. Tôi hình dung ra chắc là cô này không phải là cô vợ hiền đi chợ, chắc ở quê lên làm ôsin. Chủ cô này thế nào? Có sự cảm thông trong mối quan hệ giữa hai người đó hay không? Hay một người khao khát sự cảm thông mà người kia không thể có được. Hoặc là người ta cảm thấy người này là thiên thần mang lại hạnh phúc cho mình, nhưng chẳng bận tâm đến tâm tình cảm xúc của người ta. Tôi hình dung ra cách viết nào đó để thể hiện chiêm nghiệm của mình sao cho nó không thành ra một… truyện nhảm nhí.

* Hiệu quả “tự nhiên như không” trong truyện của chị có bị ảnh hưởng bởi ai không?

– Tôi đặc biệt khoái chỗ này. Người ta đọc Harry Potter, nghĩ tôi bị ảnh hưởng bởi bà Rowling. Thực sự, tất cả bảy cuốn tôi dịch, tôi đã cố tình viết nó lại theo giọng văn của mình. Thành ra, nếu bà Rowling nghe nói văn này giống bà thì chắc bà khóc đó. Tôi dịch từ năm 2000, viết thì từ năm 1978. Nếu ai đã đọc từ trước thì họ dễ dàng nhận ra tôi đã “Lý Lan hóa” Harry Potter. Còn những người trẻ bắt đầu đọc tôi từ bản dịch Harry Potter thì họ nói: “Ủa sao bà này viết giống Rowling”. Nhưng dù sao sũng phải cảm ơn Harry Potter là vì nhờ đó mà độc giả quen với giọng văn của tôi.

Hiểu biết lẫn nhau mà không cần đấm vỡ mặt hay lột trần quần áo

* Đi nhiều, trải nghiệm với nhiều nền văn hóa khác nhau, chị chọn những suy nghĩ thích ứng hay sự bất biến nhiều hơn?

– Khi những nền văn hóa gặp nhau, thể nào cũng có va chạm, làm vỡ nhau bề ngoài giông giống, mơ hồ để lộ ra những cái cốt lõi, bản chất. Sự lộ ra đó giúp cho người ta hiểu biết lẫn nhau, nhận ra nhau. Nhưng vì sự va chạm văn hóa đó đã diễn ra nhiều thế kỷ nay, những bài học hay dở đã có, những cách thức giao tiếp không gây xung đột đã được nghiệm ra, sự tôn trọng là chính yếu, sự thấu hiểu là điều khả dĩ nên tất cả sự vỡ ra đau đớn như trước đây không còn cần thiết.

Văn minh của loài người dựa trên hình thức, sự biểu diễn, biểu hiện bên ngoài. Nếu trần truồng thì ai cũng như ai thiệt, nhưng mắc gì cứ phải lột truồng nhau. May mắn là cách đây vài trăm năm, khi những nền văn minh Đông Tây đụng chạm, phá vỡ nhau, đã để lại những bài học, kinh nghiệm, tri thức. Thế hệ của chúng ta không cần phải tông vào “cánh cửa mở” làm gì. Nếu có trình độ, đầu óc cởi mở thì chúng ta có thể trao đổi, học hỏi mà không phải va chạm. Hiểu biết lẫn nhau mà không cần đấm vỡ mặt hay lột trần quần áo nhau ra vẫn khả dĩ chứ.

* Hơn tám năm sinh sống, không cần “lột sạch”, nhưng chị có thấy được những gì đằng sau lớp áo của con người và văn hóa Mỹ? Chưa thấy điều đó được đưa vào tác phẩm của chị?

– Tôi dám viết về những gì tôi biết và trải nghiệm ở Việt Nam, vì dù sao đi nữa tôi cũng có hơn 40 năm để mà lăn lóc, trầy trụa ở đây. Xã hội Mỹ tôi chỉ mới biết tổng cộng chưa đến 10 năm. Những hiểu biết, suy nghĩ của tôi về xứ sở đó cần có thời gian kiểm nghiệm nữa, hiện giờ, tôi còn để đó, lâu lâu hé ra coi nó chín chưa. Chưa chín thì để nữa chứ không có gì gấp gáp. Trong khi đó cuộc sống trong Hồi xuân, chẳng hạn, thì rõ ràng tự nó đến và gõ cửa, bảo là “tui chín rồi nhe!”.

* Chẳng lẽ sự mới mẻ không gây cho chị sự hưng phấn nào?

– Khi mình còn trẻ, chưa đeo gánh nặng quá khứ, còn háo hức đi tới, cái gì mới cũng dễ gây ấn tượng, nên viết về nó có lẽ cũng hợp lý.

Tôi tiếp xúc với văn hóa Mỹ từ rất sớm, khi tôi bắt đầu học tiếng Anh, thời 11 – 12 tuổi. Nhưng khi tiếp xúc lại thì đã 40, tôi không ngờ, nhưng là điều có thực, là khi tiếp nhận cái mới thì tôi đã đo những điều đó bằng những giá trị đã hình thành sẵn trong mình. Ở mức độ nào đó, có sự đề kháng với những cái mới. Tới khi tôi hơn 50 thì “sự đề kháng” còn dữ dội hơn nữa. Dĩ nhiên, tôi “kiểm nghiệm” trong một ý hướng rất mở. Ý thức là mình phải tiếp nhận cái mới, cái hay ho để có thể cải thiện con người mình. Việc đó không biết hay hay dở, nhưng cũng khiến mình có sự đề kháng nhất định. Không phải cái gì mới là có thể nhảy xộc vô mình hay cuốn mình đi.

Vả lại, chắc tại mình già rồi. Đến tuổi nào đó người ta không còn “ô”, “a” với cuộc đời nữa, mà cái gì người ta cũng “để coi coi”.

* Đó là thế mạnh hay hạn chế?

– Tôi đang thắc mắc.

* Trong cuốn Tiểu thuyết đàn bà của chị có một phần nhỏ thôi, nhưng khá trần trụi, kiểu “văn hóa phổ thông” ở Mỹ. Giới trẻ đang quan tâm điều đó. Và chị thì quan tâm đến độc giả trẻ. Liệu sẽ có một tác phẩm nào của chị chỉ thể hiện phần này không?

– Nếu như tôi còn trẻ, không cố ý, tôi vẫn có thể viết một cái như vậy. Nhưng bây giờ tôi có cố ý viết một cái dạng như vậy cũng khó mà được. Người ta tưởng nhà văn là bậc cái thế, muốn nặn tròn nặn méo nhân vật, tác phẩm sao cũng được. Không phải vậy đâu. Mình viết bị giới hạn nhiều thứ, trong đó có sức lực, tài năng, não trạng… Nếu tôi chủ trương viết, sách, truyện, phim dành cho người trẻ hiện nay, tác phẩm có thể xếp vào loại văn hóa phổ thông, tôi không cho rằng nó hay hay dở, nhưng tôi biết mình không làm được.

Tôi thử rồi. Về Việt Nam, người ta mời tôi viết kịch bản phim có tiền lắm, tám triệu một tập (mà một tập viết cái vèo là xong chứ gì). Tôi cũng ham tiền chứ. Cũng viết. Càng viết càng thấy không được. Thôi. Lúc viết, phải tự tạo, hay tìm ra, một thế giới cho tác phẩm phát triển, trong đó có việc mình phải phần nào sống trong môi trường đó. Tôi thấy mình già rồi, người trẻ làm giỏi hơn mình những chuyện này. Cũng có những chuyện tôi thẳng thắng nói lớp trẻ không thể nào làm được hay ít ra không thể nào làm bằng tôi. Nên cái nào mấy người trẻ viết được thì để các bạn ấy viết, mình lựa cái nào họ không viết được thì mình “chơi”.

50 có già thiệt, nhưng mà cũng chưa chết

* Có phải chị thích sống ở Việt Nam hơn?

– Dĩ nhiên rồi.

* Có khó khăn gì không khi bên kia là chồng, bên này là đời sống, là văn?

– Có chứ. Trước đây tôi nghĩ đơn giản, sống ở đâu cũng được, miễn sống được như ý mình là tốt. Nhưng khi cô đơn, tôi cảm thấy cần có cộng đồng quanh mình. Thật ra, sang Mỹ, lúc đầu khác biệt văn hóa hay thay đổi môi trường không là vấn đề lớn, vì tôi cũng có gia đình và những người xung quanh có thể chia sẻ được. Đối với cá nhân tôi như vậy hoàn toàn tốt. Chỉ có điều vào thời điểm đó, tôi tưởng rằng mình có thể… gác bút. Tôi nghĩ văn chương “chơi” nhiêu đó đủ rồi, phần đời còn lại mình ngao du sơn thủy, trồng bông, trồng cỏ… cho vui. Nhưng rồi, tôi nói: “Ủa, 50 có già thiệt nhưng mà cũng chưa chết” (theo như thầy bói nói là còn 20 năm nữa). Hai chục năm mình làm gì? Những chỗ mơ ước đã đi hết rồi; cây cỏ trồng, nở, cũng tàn rồi; thú vui hồi trẻ khao khát cũng đạt được rồi… Không lẽ mình sống phần còn lại chỉ có như vậy hoài thì chán quá. Thôi thì mình kiếm chuyện gì hay hơn, vui hơn làm. Tôi bèn về Việt Nam coi còn gì vui không? Và thấy văn chương cũng còn “chơi” được.

* Rồi “chơi” đơn thuần với văn chương có gây hạn chế cho chị trong cuộc sống và việc kiếm tiền không?

– Tôi không có nhiều tham vọng về vật chất. Cuộc sống hiện nay là đạt yêu cầu. Tôi hay nói tới tiền bạc trên báo, bạn đừng hiểu lầm. Thật ra, vì tôi thấy ở đây người ta hay lợi dụng bóc lột người khác lắm. Thí dụ, nhà xuất bản Trẻ in Harry Potter “ăn gian” tôi quá trời. Nói mình không cần tiền, chỉ cần sự công bằng, nghe có vẻ cao siêu quá. Thôi thì, cứ theo lệ thông thường, tiền của tôi thì tôi đòi.

* Tuyên ngôn của chị: “Cái duy nhất mà nghề viết có thể lấy đi ở một phụ nữ là sự im lặng. Khi phụ nữ mất sự im lặng, cam chịu, nhẫn nhịn, họ có thể thay đổi cả thế gian”. Chị muốn thay đổi điều gì trên thế gian này?

-Tôi muốn thay đổi cái môi trường bất bình đẳng với phụ nữ Việt Nam (trong văn hóa, xã hội, kinh tế…). Không phải chỉ cần phụ nữ ý thức về bản thân như một chủ thể là có thể thay đổi xã hội, vấn đề là xã hội cũng phải thay đổi, phải có sự bình đẳng thực sự, trở thành môi trường lành mạnh về quan điểm giới. Nếu môi trường bất bình đẳng, người phụ nữ càng ý thức bản thân, càng cấp tiến càng đau khổ. Phụ nữ cần sống trong xã hội bình đẳng mới hạnh phúc, mới phát triển con người toàn diện…

* Là phụ nữ, nhưng không thấy chị chia sẻ hạnh phúc của mình trong văn chương?

– Tôi phân biệt rõ ràng đường biên giữa đời sống thật và sáng tác. Tôi không sống trong thế giới ảo và tôi cũng không ảo hóa cuộc sống thật của mình.

* Cảm xúc trong hôn nhân cũng không đủ mạnh để thôi thúc một nhà văn viết mà không phân biệt thật và ảo sao?

– Hồi tôi còn trẻ thì những mối tình có ảnh hưởng đến văn chương. Nhưng khi đã trưởng thành, giác ngộ về văn chương rồi thì đời sống thực là đời sống thực, văn chương là văn chương, không nhập nhằng gì với nhau cả.

Theo Thể thao và Văn hóa Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *