Nếu an phận, luôn tuân theo lời cha, Ernest Hemingway đã có thể sống một cuộc đời sung túc và bình lặng. Thế nhưng, số phận ông là khác. Và thế là nước Mỹ đã có không chỉ một nhà văn lớn mà còn được thêm một "anh hùng thời đại" độc đáo, đặc sắc, đường quang không đi mà luôn đâm quàng bụi rậm trong những chuyện tình cảm.
Ông đã để lại không chỉ những cuốn sách lớn mà cả những bài học về một kiếp người luôn biết cách sống như thể mình không bao giờ chết cả.
Ernest Hemingway sinh ngày 21/7/1899 tại thị trấn Oak Park gần Chicago trong một gia đình trí thức khả kính. Họ ngoại là những người sùng đạo, thuộc giới tinh hoa địa phương. Mẹ ông yêu âm nhạc nhưng biết an phận làm vợ. Cha ông tốt nghiệp trường y và hành nghề bác sĩ, đồng thời cũng muốn làm công việc từ thiện.
Nhà văn tương lai là một trong số 6 người con. Chị cả hơn ông một tuổi, còn người em trai út kém ông tới 16 tuổi. Thời thơ ấu, Hemingway sống trong nhung lụa. Khi cậu bé Ernest lên 5, ông ngoại qua đời để lại cho con cháu một gia tài lớn. Nhờ thế, gia đình Hemingway đã xây được một ngôi nhà khang trang 15 phòng, có cả một salon âm nhạc.
Tháng 6/1917, nhà văn tương lai tốt nghiệp trung học ở một ngôi trường có chất lượng giảng dạy rất tốt. Tương lai học vấn rộng mở nhưng vì sao Ernest lại chỉ thích đi lính ra chiến trường (lúc đó ở châu Âu đang là chiến tranh thế giới lần thứ nhất), có lẽ máu phiêu lưu và mạo hiểm đã ngấm vào huyết quản của chàng trai đã quá đủ độ rồi. Thế nhưng, do người cha cương quyết ngăn cản nên Ernest đành phải bấm bụng ở nhà.
Đúng lúc đó, ông chú ruột, một nhà công nghiệp khai thác gỗ cỡ bự, biết cháu mình có khiếu văn chương, muốn "vẽ đường cho hươu chạy" nên gọi tới Kansas City làm việc ở tờ báo địa phương. Công việc của một phóng viên ở tờ "Kansas City Star" làm Hemingway thích thú nhưng chàng trai trẻ vẫn không nguôi ý định lao mình vào đạn lửa.
Tới cuối tháng 4/1918, Hemingway cùng một nhóm thanh niên lên tàu Chicago rời cảng New York sang châu Âu, cập bến Bordeau, Pháp. Từ đó, họ lên Paris và Hemingway với tư cách tài xế xe cấp cứu của Tổ chức Chữ thập đỏ đã đi sang Italia công tác.
Tại Milano, nhà văn tương lai đã được trải qua trận thử lửa đầu tiên. Một vụ nổ đã xảy ra tại nhà máy quân sự và Hemingway phải lái xe chở nhiều người thương vong. Từ lúc đó, những cảnh tượng máu me chết chóc đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống và sau này, trong các tác phẩm văn học của Hemingway.
Cũng tại Milano, Hemingway đã gặp tình yêu lớn lao và đau đớn đầu tiên của cuộc đời mình. Mỹ nhân Agnes von Kurowsky rất quyến luyến chàng trai kém mình vài tuổi, rất dũng cảm, đồng bóng, có khiếu hài hước, không bao giờ tự cho mình là anh hùng và luôn ngượng ngùng vì "tiểu sử quân nhân" của mình hãy còn quá ít dòng.
Thích thì thích nhưng Agnes ngay từ lúc đó đã đủ tỉnh táo để không nhất nhất làm theo các ham muốn của Hemingway và từ chối trở thành vợ anh. Tình chưa có nên tình không thể mất và mãi tới sau này, đôi khi Hemingway vẫn tưởng nhớ lại người yêu đầu đời.
Không mãn nguyện yêu đương, Hemingway càng lao vào cuộc chiến tranh đầy nguy hiểm. Ngày 8/7/1918, anh đã bị thương vì 28 mảnh đạn găm vào phần chân thấp hơn đầu gối. Trên mình anh cũng bị găm tới gần hai trăm mảnh đạn. Chỉ thiếu chút nữa thì nhà văn tương lai bị cưa chân. Vốn nhạy cảm, thoạt đầu Hemingway cũng rất bứt rứt bởi triển vọng đen tối nhưng anh đã tìm được trong mình đủ nghị lực để thoát hiểm và sau gần ba tháng, đã lành bệnh và ra viện.
Những gì đã trải nghiệm ở chiến trường khi còn trẻ đã lưu lại trong tâm trí Hemingway những dấu ấn không thể mờ phai. Số phận đã sớm đẩy chàng trai trẻ tới quá gần cái chết và vì thế, sau này, Hemingway đã viết rất nhiều về cái chết. Quan niệm về cái chết ở Hemingway rất phức tạp. Với tư cách nhà văn, Hemingway rất để ý tới việc con người hành xử khi cái chết cận kề và cách họ tiếp nhận cái chết không thể nào cưỡng nổi…
Tháng 1/1919, Hemingway trở về nhà. Rất nhiều tờ báo ở Mỹ đã viết về Hemingway như một người Mỹ đầu tiên bị thương trên mặt trận Italia… Và một thời gian sau lại gặp một mối tình lớn: đó là với Elizabeth Hadley Richadson, một nữ nghệ sĩ piano mới vào nghề, nhưng lớn hơn nhà văn tương lai tới 7 tuổi (thời trẻ, Hemingway rất hay phải lòng những người phụ nữ nhiều tuổi hơn mình!). Hadley lúc đó mới mai táng mẹ mình và đang ở trong một tâm trạng cực kỳ cô đơn. Cao ráo, cân đối, dễ thương, Hadley lại rất có khiếu âm nhạc, đọc nhiều, tính tình lại điềm đạm. Còn có ý trung nhân nào hơn thế nữa? Và tới tháng 9/1921, hai người làm lễ cưới.
Có gia đình riêng rồi nhưng Hemingway vẫn không chịu ngồi yên m
ột chỗ. Cặp vợ chồng trẻ rời nước Mỹ sang châu Âu vì Hemingway nhận lời làm phóng viên thường trú ở đó cho tờ Toronto Star. Cuối năm 1922, khi đang công tác ở Paris, Hemingway nhận nhiệm vụ của tòa soạn khẩn cấp tới Konstinopol để viết tin bài về cuộc xung đột Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là cuộc chiến tranh thứ hai trong đời Hemingway. Và ông đã thoát về từ đấy một cách yên lành…
Theo đánh giá của những người gần gụi, Hemingway không phải là một người dễ chịu trong giao tiếp. Quan hệ giữa ông với xung quanh thường khá phức tạp và rắc rối. Ông có bản năng tự tôn rất lớn, lúc nào cũng muốn đi đầu trong mọi việc, không chỉ trên trang văn mà trong các việc đi săn, câu cá, trên cả võ đài quyền Anh… Ông rất say sưa đọc sách và thu thập một thư viện có tới hơn 7.400 cuốn… Đặc biệt, Hemingway dường như có thiên hướng muốn thuần phục tất cả những người đàn bà đẹp và tai quái mà ông đã gặp trong đời. Ông không chịu được cảnh sống êm đềm đến tẻ nhạt.
Năm 1926, mặc dù vẫn rất trân trọng Hadley, nhưng nhà văn lại bước vào một cuộc phiêu lưu tình cảm mới. Đối tượng mới của ông là Pauline Pfaiffer, một phụ nữ Mỹ, trẻ trung, giàu có, con gái một nhà công nghiệp, chủ tịch hãng bia ở Arkasas. Pauline cùng một người em gái sống ở Paris: cô làm biên tập viên tạp chí thời trang ở đó. Hai chị em Pfaiffer hay tới nhà Hemingway chơi và trở nên nổi bật trước một Hadley khiêm nhường luôn bận bịu những mối lo tề gia.
Là một trang nam nhi đích thực, Hemingway không thể cầm lòng trước lực quyến rũ của một mỹ nhân như Pauline. Rốt cuộc là năm 1927, nhà văn đã li dị Hadley nhưng cố gắng trợ cấp cho người vợ cũ và cậu con trai (Jack, sinh năm 1923) về vật chất một cách tối đa: ông để lại cho hai người toàn bộ thu nhập nhờ cuốn tiểu thuyết "Mặt trời mọc". Pauline đã trở thành người vợ thứ hai của Hemingway… Năm 1928, cậu con trai chung của họ là Patrick cất tiếng khóc chào đời…
Đầu năm 1930, Hemingway trở về Mỹ và định cư tại Key West, bang Florida. Tháng 12/1931, sau nhiều lần thay đổi các căn hộ khác nhau, gia đình Hemingway (lúc này đã có thêm cậu con trai Gregory, sinh trước đó một tháng) đã mua được một biệt thự khang trang ở Key West. Pauline đã cố gắng để tạo nên một tổ ấm cho ông chồng đào hoa và danh tiếng. Bà đã bỏ ra nhiều tiền của và tâm huyết để trình bày nội thất thật đỉnh cao và không nhàm chán. Năm 1938, chính Pauline đã có sáng kiến xây dựng một bể bơi chứa nước biển ở biệt thự này.
Tuy nhiên, trái tim Hemingway lại luôn khát thèm sự cố. Tháng 9/1931, trong chuyến đi tới New York, Hemingway đã làm quen với cặp vợ chồng Jeane và Grant Mayson. Đó là những người trẻ trung giàu có. Khi ông gặp họ, Jeane mới 22 tuổi và đang rực rỡ với một nhan sắc mang đầy nét cổ điển. Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Calvin Coolidge đã gọi nàng là người phụ nữ hấp dẫn nhất trong số mỹ nhân từng đặt chân thăm Nhà Trắng.
Jeane, cũng như không ít người phụ nữ khác, đã ngay lập tức mê Hemingway. Pauline không khỏi lo lắng theo dõi sự phát triển của mối tình oái oăm đó. Tuy nhiên, người làm chị phải li dị với Hemingway năm 1940 không phải là Jeane mà là Martha Gellhorn. Tuy nhiên, người vợ thứ ba này cũng chỉ sống được với nhà văn trong 5 năm, từ năm 1940 tới năm 1945.
Người vợ cuối cùng của Hemingway mà ông dù quen biết đã lâu nhưng chỉ tới năm 1945, sau khi ông chuyển sang sinh sống ở Cuba mới chính thức đăng ký kết hôn là Mery Wels. Người đàn bà này đã ở lại với nhà văn cho tới phút cuối cùng của đời ông, khi ông tự vẫn ngày 2/7/1961 bằng phát súng tự bắn từ khẩu súng yêu thích nhất của mình ở Ketchum, bang Idaho (ông rời Cuba về đây từ năm 1960).
Đó là một ngày chủ nhật bình thường như mọi ngày chủ nhật khác. Hôm đó, Hemingway dậy sớm, vào phòng làm việc khóa kín cửa và tự vẫn… Ông tìm thấy trong cái chết tình nguyện đó sự bất tử đáng khao khát nhất của kiếp nhân sinh.
Tới ngày 6/7, xác ông mới được mai táng vào giữa trưa tại Cánh đồng Mặt trời, nơi ông thích đi săn trên sườn đồi xanh biếc, hướng tới những dãy núi xa xăm…
Không chỉ chiến tranh mà từng người phụ nữ đã bước vào cuộc đời của Hemingway đều gợi lên những cảm hứng sáng tạo cho ông viết những tác phẩm hay nhất của mình. Agnes von Kurowsky đã giúp ông có niềm say mê sáng tạo để viết tiểu thuyết "Vĩnh biệt vũ khí". Martha Gellhorn, người vợ thứ ba, đã là cảm hứng để ông viết nên tiểu thuyết "Chuông vọng hồn ai". Cô tình nhân trẻ trung người Italia Andriana Ivancich đã được ông đề tặng truyện vừa "Ông già và biển cả" về sau mang lại cho ông giải thưởng Nobel văn học năm 1953…
Theo Trần Phương – CAND Online