Tác giả 'Gia đình bé mọn' cho rằng, việc đông đảo khán giả ủng hộ nữ ca sĩ Vietnam Idol thể hiện một xã hội rất cần nguồn cảm hứng sống, và đó cũng là điều mà nền văn học Việt Nam hiện nay đang thiếu.

– Vài năm trở lại đây, người ta thường nói đến hiện tượng "văn đàn ngủ đông". Một năm mới nữa lại về, chị nghĩ sao khi tình trạng đó chưa có dấu hiệu thay đổi?

– Chuyện "văn đàn" có "ngủ đông" hay không, theo tôi, không thể trách các tác giả hoàn toàn. Nhà văn trước hết là người rất nhạy cảm với những bức bối xã hội. Nếu xã hội ngày càng bất an, tha hóa và cái trần an toàn vẫn thấp thì không thể trách người cầm bút chưa viết ra được gì đó xứng đáng.

Tôi tin, một nhà văn sẽ viết được tác phẩm hay khi họ luôn giữ trong lòng mình niềm tự hào dân tộc, tự hào công dân và niềm kính trọng tiếng Việt, khi họ được quyền viết vấn đề mình quan tâm với một tinh thần phản biện, khi tác phẩm của họ được độc giả đón nhận một cách đồng lòng.

Ví dụ như ở lĩnh vực âm nhạc, hiện tượng Uyên Linh mới đây đã làm được điều đó. Uyên Linh Idol cho thấy sự đồng lòng của một xã hội đang rất thiếu cảm hứng trong cuộc sống. Là người không mấy quan tâm đến các cuộc thi như thế, nhưng tôi đã vote cho cô ấy để nếm trải một niềm vui lành mạnh được cùng hàng triệu người làm một việc nhỏ bé nhưng ngây ngất và sung sướng. Nói như thế để thấy, có lẽ điều mà nền văn học Việt thiếu nhất hiện nay là một nguồn cảm hứng xã hội cần có để liên kết tất cả mọi người lại với nhau. Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư từng làm được như thế. Nhưng điều tương tự như vậy lại không xảy ra nhiều trong nền văn học của chúng ta.

– Theo chị, một nhà văn cần phải thường xuyên viết và ra mắt tác phẩm mới hay anh ta chỉ nên xuất hiện khi thật sự có được tác phẩm mơ ước của mình?

– Đã là nhà văn thì không thể cười trừ biện minh: "Tôi bận quá nên không viết được". Độc giả sẽ không tha thứ cho anh điều đó. Nếu ra sách, ít nhất người đọc cũng sẽ biết anh dở, hay như thế nào. Tuy vậy, nếu cứ bắt buộc mình phải ra sách theo nhu cầu với sự xuất hiện của một ngôi sao thì cũng dễ gây hiệu ứng ngược.

– Sau "Gia đình bé mọn", chị tuyên bố mình sắp viết cuốn tiểu thuyết thứ hai. Bao giờ chị mới ra mắt cuốn sách này?

– Tôi đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết này nhưng thật sự còn phân tâm lắm. Dời cư mà lại, lo về hưu, lo chuyển hộ khẩu, lo bán nhà cũ lo sửa nhà mới, lằng nhằng dích dắc với mớ thủ tục hành chính không bao giờ là dễ với loại người hay dị ứng thủ tục như bọn tôi.

Để hoàn thành một cuốn tiểu thuyết, tôi muốn mình phải thật sự cô độc và chay tịnh. Bản tính tôi nhiệt tình và hiếu khách. Nhưng hai điều này quá mâu thuẫn với công việc sáng tạo của một nhà văn. Đôi khi tôi ước mình có thể chui vào một cái ống và bịt miệng ống lại để cách ly với mọi thứ khác trên đời, chuyên tâm cho việc viết tiểu thuyết. Vì chưa được như thế nên tôi sẽ còn khoảng thời gian dài để "vật vã" với nó. Nhưng chậm mà chắc, còn hơn là vội vã, viết chưa tới thì thật là không phải với độc giả.

Phút thảnh thơi của Dạ Ngân bên trang sách. Ảnh: Thoại Hà

 

– Cuối năm rồi, một nhóm sinh viên Mỹ đã đến Việt Nam giao lưu và tìm hiểu về văn học Việt, cảm xúc của chị thế nào khi cuốn "Gia đình bé mọn" của chị được khá nhiều sinh viên Mỹ thích thú tìm đọc?

– Từ khi cuốn Gia đình bé mọn được in ở Mỹ vào cuối 2009, tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với các sinh viên nước ngoài khi họ tới tìm hiểu về văn học hậu chiến ở Việt Nam. Ở một thị trường sách bát ngát như nước Mỹ, việc họ dành cho mình một góc nhỏ xíu cũng đã là quý rồi.

– Chị từng được cho là có con "mắt xanh" khi nhìn ra được tố chất văn chương của nhiều cây bút tên tuổi trong buổi đầu họ còn xa lạ với độc giả. Gần đây chị thấy có cây bút nào đáng chú ý?

– Tôi rất ấn tượng với cây bút truyện ngắn Ngô Phan Lưu. Chất thâm thúy, sâu sắc cũng như nguồn cảm xúc, ý tưởng dồi dào, vốn sống sâu rộng của ông khiến cho từng trang viết của tác giả này trở nên "đắc địa" và thú vị. Ngô Phan Lưu cũng viết khỏe và bền chí trong công việc sáng tác. Trước đây, khi tôi còn làm ở báo Văn Nghệ, Ngô Phan Lưu đều đặn gửi tác phẩm về. Lúc đó chưa ai biết ông là ai nhưng chỉ cần đọc một truyện ngắn của ông, tôi đã ấn tượng mãi và viết thư yêu cầu ông mài giũa ngòi bút hơn. Thú thật, tôi thấy làm công việc biên tập hay chấm giải cuộc thi văn học cũng không khác gì êkíp thực hiện Sao Mai Điểm hẹn hay Vietnam Idol, nghĩa là người biên tập phải kỳ công với những cây bút mà mình thấy rằng họ sẽ đi xa. Đến giờ thì Ngô Phan Lưu đã được xem là một hiện tượng dù không có được may mắn của Nguyễn Ngọc Tư.

– Chuyển vào Sài Gòn đã 3 năm qua sau một thời gian dài sống ở Hà Nội, chị thấy công việc viết lách của mình thuận lợi hơn thế nào?

– Về Sài Gòn, tôi sống gần con cháu, lo thêm nhiều công việc của gia tộc hơn và nói chung là vui hơn, nhưng một nhà văn mà lúc nào cũng đắm đuối với cộng đồng nhỏ của mình thì sẽ đánh mất sự cô độc mà cô độc là khí thở của nhà văn. Ngoài ra, công việc làm báo và viết tản văn ở TP HCM nhiều "cám dỗ" hơn vì nhuận bút cao từ 3 đến 5 lần so với Hà Nội nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc sáng tác truyện ngắn và viết tiểu thuyết.

– Chị cảm nhận cái Tết Sài Gòn khác Tết Hà Nội như thế nào?

– Tết Sài Gòn ấm và đầy Việt kiều về từ Mỹ. Tết ngoài kia rét co ro nhưng chật ních người đi làm ăn ở miền Nam ra. Năm nào hai vợ chồng tôi cũng ôm bàn thờ lo việc cúng kiếng ông bà chứ không đi đâu. Năm nào tôi cũng chuẩn bị "ăn" Tết từ sớm, tự vào bếp làm mọi thứ. Lúc trước, ở Hà Nội, tôi làm dưa đầu heo, đóng lọ, tặng cho người thân, bạn bè. Còn Tết năm nay, tôi đổi sang món giò bó luộc rút xương ăn với hành Bắc mua với giá gấp 10 lần Hà Nội.

Ngày Tết, tôi tối tăm mặt mày tới ngày 30, đến tối giao thừa mới được nghỉ ngơi Sáng mồng 1 ngủ dậy muộn, chúng tôi vẫn giữ lệ kiểm tra mail đầu năm xem có thư từ gì không, và nếu không bận khách khứa thì viết ít dòng gọi là khai bút.

– Nhà văn Nguyễn Quang Thân thường tặng gì cho vợ vào dịp Tết?

– Cả cuộc đời tôi đã là một món quà cho anh Thân và anh ấy đối với tôi cũng vậy nên có lẽ chúng tôi chẳng cần tặng quà gì cho nhau (cười). Anh Thân có chất giọng Hà Tĩnh ấm và rất có khí chất. "Tiếng anh ấm như hơi thở, em nghe để nhớ suốt đời", câu hát này diễn tả rất đúng tâm trạng những phụ nữ yêu chồng từ giọng nói, tôi cũng không ngoại lệ. Năm qua chúng tôi đi châu Âu một tháng, đó là chuyến đi chúng tôi chờ nhau và dành cho nhau. Đó là món quà mà anh Thân đã "tặng" tôi một cách rất ý nghĩa vì anh giỏi tiếng Pháp mà tiếng Anh thì cũng đủ để làm "hướng dẫn viên" cho vợ.

– Điều vợ chồng chị mong mỏi nhất khi bước sang năm mới là gì?

– Tôi thấy đời mình như thế này là quá hạnh phúc, đầy đủ hơn bao người rồi. Chúng tôi chẳng bao giờ mơ có biệt thự, xe hơi mà luôn mong mỏi làm sao xã hội mình yên ổn hơn, nhiều ánh sáng hơn, bọn trẻ đến trường bớt "khổ sai" hơn và tuổi trẻ sống lành mạnh, tích cực hơn.

Anh Văn – Theo eVan 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *