Cách đây không lâu, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Trọng Tín, KTS Nguyễn Trọng Huấn và một số nhà báo tổ chức đi xuyên Việt, có ghé thành phố Pleiku. Ông Nguyễn Duy trực tiếp lái xe, cái xe bảy chỗ mới kít của báo Sài Gòn tiếp thị cấp cho ông và nhóm nhà báo nhà văn. Nói thêm là Nguyễn Duy là một tay lái lụa dù đời ông đã ít nhất một lần gãy chân vì… xe máy. Tôi nhớ có một lần, hình như là sau khi dự Hội nghị Nhà văn trẻ, tôi ghé tòa soạn Văn nghệ 17 Trần Quốc Toản thì thấy ông Nguyễn Duy đang đổ xăng vào cái xe zeep để chuẩn bị chạy về Thanh Hóa. Tôi ngạc nhiên vô cùng, vì tư duy tôi bấy giờ chỉ là người ta chở nhà thơ, chứ nhà thơ mà biết chở ai, mà lại chở bằng ô-tô, dẫu là xe zeep. Thế mà sau đấy, tôi nghe nói ông không chỉ chạy về Thanh Hóa, mà còn một số nơi nữa, và quan trọng là, đi đến nơi về đến chốn, không hề hấn xây xát gì. Lần này vừa gặp tôi đón ở sân khách sạn Pleiku, ông thò đầu nói ngay : "Tao có cái này hay lắm, mày phải kiếm nơi xử lý". Cái "hay lắm" của ông là hai mớ rau, một mớ rau má và một mớ rau dớn, đựng trong hai cái túi nhựa màu đen. Ông vô cùng xúc động và hào hển khoe việc đã mua được hai mớ rau này như thế nào. Đang phóng xe đổ dốc ào ào ở đèo Lò Xo, đoạn mà các cụ cựu chiến binh Hà Nội tử nạn ngày nào, thì thấy một tốp trẻ con xuất hiện, trong gùi là rau dớn và rau má. Ông dừng xe, xuống gạ gẫm mua. Bọn trẻ con đòi hai ngàn, ông trả hẳn mười ngàn rồi nâng niu bỏ lên xe. Tôi dẫn các ông đến một nhà hàng quen, kêu trực tiếp chủ nhà hàng ra nêu yêu cầu là rau má thì rửa sạch ăn sống, còn rau dớn thì xào tỏi. Kết quả hôm ấy, hai món hết đầu tiên là hai món rau mà ông Nguyễn Duy mua.
Rau má thì không nói, vì quê Thanh Hoá của ông Duy là… đất tổ rau má. Còn rau dớn thì chỉ ở rừng Tây nguyên mới có. Nó đã từng là món chủ lực của bộ đội B3 Trường Sơn một thời. Ông Nguyễn Duy đã từng là lính Trường Sơn, nên cái việc ông vô cùng xúc động khi được ăn lại món rau dớn là điều dễ hiểu. Ông giờ đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, kinh tế rất khá giả, đã đi nhiều nước trên thế giới, bây giờ đang đi trong một tour xuyên Việt để khảo sát… ẩm thực, ăn đủ món ngon vật lạ cả Tây cả Tàu, thế mà vẫn đau đáu với món rau dớn của một thời khổ cực. Mà không chỉ ông, nhiều người lính xưa mỗi khi trở lại Tây Nguyên thì đều muốn được ăn lại một bữa… rau dớn, hoặc môn thục, hoặc rau tàu bay… Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, Phó Tổng Biên tập báo Văn nghệ mỗi khi vào Tây Nguyên thì ông đều thơ thẩn tìm… rau rừng. Mà nào có dễ tìm như hồi ông đang là lính B3. Nhớ có lần chúng tôi nướng cá ở đỉnh đèo Chư Sê, ông Tuấn vớ được một… đọt măng. Thế là ông hét ầm lên và bắt mọi người nếm thử. Còn người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thì đã lấy rau dớn làm biểu tượng trên các nóc nhà rông, nhà mồ, chứng tỏ nó đã vô cùng quan trọng trong đời sống của họ. Từ ý nghĩa vật chất, nó trở thành biểu trưng văn hoá, thành sự thiêng liêng của đời sống tâm linh.
Măng |
Chả cứ bộ đội ngày xưa, cái thời khó khăn cách đây trên chục năm, cánh nhà báo Tây Nguyên mỗi lần xuống làng đều thuộc lòng các loại rau rừng ăn được. Đi trên đường, vừa đi vừa hái, khi đến làng là đã có một bữa rau ra trò. Lấy mỡ, mì chính, mắm muối trong ba-lô ra là đã có một nồi canh hoặc xào tuyệt vời. Cơm thì đồng bào nấu cho. Mua một ghè rượu cần nữa là có thể rủ rỉ nghe hơ amon cả đêm. Ngoài rau dớn thì đầu bảng rau rừng là môn thục. Hình dáng của cây này hơi giống cây lan Ý, mọc thành bãi dày ở các khe suối đất cạn. Món này có thể ăn tuốt luốt cả dọc lẫn củ, có chất bột nên vừa làm rau, vừa làm cơm. Cứ ninh nhừ cho mì chính vào, nhiều khi bộ đội ăn món này cả tháng trời thay cơm. Rau tàu bay nhiều người đã nghe nói, nhưng bây giờ khá hiếm. Đây là loại cây thân mềm, lá to, mọc ven suối, có mùi hơi hắc như mùi xăng. Bộ đội thường nấu với thịt hộp. Loại rau này có cả ở Việt Bắc, Bác Hồ cũng đã từng ăn, và vì có mùi nên bác bảo : "Rau tàu bay nên ăn có mùi dầu xăng". Rau sam đá mọc trên vách đá, bộ đội bảo nấu nó với cua đá giã vào mũ sắt ngon hơn cua đồng giã cối đá nấu rau đay. Trong bữa ăn tôi kể trên, ông Nguyễn Duy cứ xuýt xoa : Lâu lắm không được ăn rau vòi voi. Thời ở Trường Sơn, ông rất kết loại rau này. Đấy là loại cây mọc sát mặt đất, rất mềm, hình như vòi voi, lá to như bàn tay, ăn gần như mùng tơi, xào hay nấu canh đều được. KTS Nguyễn Trọng Huấn ngừng ăn, bắt Nguyễn Duy tả kỹ hình dáng cây vòi voi và ông cũng lấy làm tiếc vì dù đã phát huy hết trí tưởng tượng mà vẫn… không hình dung ra cây vòi voi nó như thế nào. Ngoài ra thì còn rau ngót rừng, lá lốt rừng, rau tóc tiên, rau rệu, rau càng cua (càng cua bây giờ cũng đang là đặc sản trong nhà hàng, trộn giấm với da cá hoặc tép biển, rất tốn… rượu).
Cũng cách đây hơn tuần, Phạm Đức Long, Chi cục trưởng Chi cục HTX và phát triển nông thôn Gia Lai, cũng là người làm thơ viết văn, đã có đến 8 đầu sách xuất bản mà Văn nghệ Trẻ vừa giới thiệu, điện cho tôi : Ông đến ngay, có món ngon. Chúng tôi chơi thân nên khá hiểu nhau, đã kêu đến như thế là quý lắm, có món hay lắm, quan trọng lắm, hoành tráng lắm, biết đâu lại có… chân gấu, gan cọp, tiết sư tử… Mà dám lắm, gã này mới đi huyện về? Tôi bỏ buổi đánh bóng, phóng đến, thì thấy cái mà Long khẩn khoản gọi tôi đến để thời là… lá sắn. (Tôi phải dùng từ "thời" là tiếng Huế cổ để chỉ sự trịnh trọng khi ăn cái món này). Nó ngon một cách lạ lùng. Lá sắn hái dưới làng (là một loại sắn rẫy, không phải sắn đại trà lấy củ hiện nay, chỉ sắn này mới ăn lá được), về bỏ cuống, rửa sạch, luộc lên, vò nát, lại rửa sạch, lại vò, rồi trộn với lạc rang, mắm muối gia vị, ăn quên chết bởi nó bùi, thơm, ngọt… hấp dẫn tận con tì con vị, tận tâm can phổi phèo. Hôm ấy, hai thằng chúng tôi thời hết… nửa bao tải lá sắn mà vẫn thòm thèm.
Có một loại quả mà bây giờ trở thành đặc sản. Nhà văn Trung Trung Đỉnh mang từ Gia Lai ra Hà Nội mấy cây, trồng trên sân thượng, sống được nhõn một cây và nó ra được đúng hai quả. Ông nâng niu như báu vật, ai đến cũng dắt lên xem, giới thiệu rồi lại lấy giấy bọc lại trước khi đưa khách tụt cầu thang về lại phòng khách. Ông đợi đến đúng hôm có một nhà văn trẻ ở Tây Nguyên ra mới trịnh trọng làm lễ "thu hoạch". Đấy là cây cà đắng (protang). Nó như cà thường của ta, nhưng quả dài như ngón tay, có sọc trắng, và đắng như khổ qua (mướp đắng), ăn quen rồi thành nghiện. Bây giờ, người ta hay xào với gân bò, hoặc bắp kèn bò. Còn đồng bào Tây Nguyên hoặc bộ đội ngày xưa thì ninh nhừ với cá suối, rất ngon. Ở chợ Pleiku bây giờ, thỉnh thoảng vẫn thấy bán món này và nó được các gã đàn ông đi chợ mua ngay, bởi nó rất hợp cho việc làm mồi nhậu. Một số nhà vườn thành phố lấy giống để trồng, bỏ mối cho các nhà hàng, quả to, mướt mát, rất non, nhưng nó không ngon bằng của đồng bào dân tộc trồng trong rẫy. Nhà nghệ sĩ nhân dân Y Brơm ở làng Kép, nhà nhạc sĩ Lê Xuân Hoan ở đường Tôn Thất Tùng đều có trồng cà đắng, mà sao chả thấy nó đắng nữa, ngọt lừ như cà đĩa, cà bát người Kinh. Nó cũng giống như sự chênh lệch chất lượng giữa gà ri và gà công nghiệp vậy… Món phổ thông mà chất lượng cao ở các nhà hàng cao cấp Tây Nguyên bây giờ là món dé đắng, được nấu bởi lòng dê, cừu với cà đắng hái ởlàng. Món này phải đặt trước chứ đã vào mới kêu thì coi như chỉ… ngó.
Bắp chuối |
"Hoành tráng" hơn phải kể tới búng báng, được bộ đội rất thích. Loài này hơi giống cây dừa, mọc vươn cao trong các cánh rừng, dễ thấy nhưng để lấy được lõi rất kỳ công. Bởi phải trèo lên ngọn, bóc từng bẹ cho lòi lõi ra. Đoạn lõi chỉ bằng bắp tay, dài ba bốn mươi phân. Có thể ăn sống hoặc xào ăn như su hào. Bên cạnh búng báng là măng rừng. Đây là đặc sản bạt ngàn ở Tây Nguyên vào mùa mưa, không nói thì ai cũng biết. Bây giờ nó vẫn là đặc sản. Rồi hoa chuối. Bây giờ ở ngay chợ thành phố Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt… ta vẫn gặp những người phụ nữ dân tộc gùi hoa chuối xuống bán, khá rẻ, chỉ một hai ngàn một cái to vật. Nếu đã vào đến các quầy trong chợ, nó được hét hàng chục ngàn…
Bây giờ đã vô cùng hiếm các loại rau rừng ấy. Trong rẫy đồng bào cũng chỉ trồng bí đỏ, rau lang, hành… những thứ bán được cho người Kinh. Còn loại rau "ký ức một thời" kia, nó lùi dần vào rừng sâu. Nhưng mà nó ngon thật, không phải chỉ trong ký ức đâu. Bằng chứng là cái món rau dớn xào tỏi của nhà thơ Nguyễn Duy hôm ấy, khi bưng lên thì ông phát hiện là sao nó… ít quá. Tôi lò dò xuống bếp hỏi thì gã đầu bếp nói thật : Nó ngon quá nên chúng em mỗi đứa làm… một gắp. Lần đầu tiên em được ăn đấy. Tôi lên kể lại với Nguyễn Duy, ông lẳng lặng lấy một cái đĩa, xẻ ra và mời mỗi người phục vụ một gắp nữa. Có mấy thực khách ở các bàn bên cũng được mời. Chưa hiểu là món gì thì nó đã nằm gọn ghẽ trong bụng…
Nếu bây giờ đi trên đường Hồ Chí Minh, qua đoạn từ Đăkglei đến Khâm Đức, có mấy quán ăn trong thực đơn có món "rau rừng". Đấy là loại rau trông như rau sam, xào tỏi, ăn giòn và ngọt, hơi thoang thoảng mùi xăng, nhưng hỏi các cựu chiến binh Trường Sơn thì đây không phải là rau tàu bay. Món này rất ăn khách, hầu như ai đã ghé vào ăn cơm đều kêu món rau rừng này, và cũng là dịp để các em bé dân tộc tăng thu nhập, nhưng hỏi nó là món rau gì thì tất cả chỉ đều bảo rau rừng chứ không ai nói được tên cụ thể của nó.
Văn Công Hùng
Nguồn : VNT